Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Tiễn Bạn Cùng Thời

Tiễn Bạn Cùng Thời 
Tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên 
(1938 - 2019)

Bạn cùng thời bỏ ta đi 
về bên kia núi còn gì để vui 
biệt ly lời ý ngậm ngùi 
áng thơ gác bút bồi hồi cố nhân

Bạn cùng thời khóc cười chung 
mệnh ta, vận nước đã cùng cưu mang 
lệ buồn thẩm thấu trần gian 
còn vương thương khúc bạt ngàn núi sông

Bạn cùng thời về hư không 
khép tròn cõi tạm một vòng tử sinh 
bỏ qua thời ngắm tuổi mình 
chân mây cỡi hạc đăng trình chân như

Xác thân hạt bụi trầm du 
hồn phiêu lãng cuộc nhã từ tâm an 
chân kinh vọng niệm hương ngàn 
tiễn người về chốn vĩnh hằng phúc yên!

Cao Nguyên
---
Chân dung Tô Thùy Yên.
(Tranh của họa sĩ Đinh Cường) 


Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Ta Về


 Ta Về  

( mến tặng Đình Đại như nỗi cảm hoài khi nghe 
bài hát "Ta Về" phổ thơ Tô Thùy Yên )


Ta về, ừ nhỉ, về đi 

để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không 
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông 
Miền Tây còn những tấm lòng như Thơ!

Ta về vẫn chỉ là mơ 
quê hương nỗi nhớ bên bờ sử thi 
ta về trên những lối đi 
nghe lời đồng vọng giữa bi lụy đời!

Ta về ngắm những chơi vơi 
trên sông núi cũ đang khơi điệu buồn 
ruộng đồng khô mạch nước nguồn 
biển đang cuộn sóng quặn hồn thương đau

Ta về theo giọt lệ sầu 
chứa trong tình khúc từng câu nghẹn lòng 
đời buồn khóc cuộc lưu vong 
để tình chờ đẫm lệ hồng xót xa!

Cao Nguyên




Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay


Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ



Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay



Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu...



Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ



Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi...
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?



Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi



Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta, ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng



Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này



Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức nghe buồn tận cõi xa



Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!



Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời



Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?



Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nổi nhớ
Mười năm, ta vẫn cứ là ta



Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền



Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa...



Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ
Một lần kể lại để rồi thôi



Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?



Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già như vậy
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu...



Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên



Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông



Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau



Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát...
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm



Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Bước chạm khua từng nỗi xót xa



Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi



Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen



Ta về như nước tào khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa



Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao



Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh



Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi



Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta



 Tô Thùy Yên

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Ngày Ghi Ơn

Ngày Ghi Ơn
cuối tháng năm, nghĩa trang buồn tiếng gió
vườn mộ Người hoa nở đỏ trong tim
những tiếng khóc lặng yên vừa trở giấc
nghe thân thương theo mạch đất rong tìm


tìm Người đến nơi cõi về vĩnh viễn
khoát tay chào trận tuyến phía sau lưng
giữa ánh nến chập chùng đêm đưa tiễn
hoa trao Người từng cánh lệ rưng rưng!


Ngày Ghi Ơn - nhớ Người, ta về phố
thành phố bình yên hoa nở bốn mùa
trời cuối tháng năm, đất buồn nhịp thở
vi vu thầm câu chuyện chiến trường xưa


nghe rõ cả những ước mơ rơi vỡ
trong những trái tim ngóng đợi giao mùa
mùa của lúa xanh mọc trên lửa đỏ
mùa của sen hồng ngát giữa hố bom


mỗi giao mùa, tim quặn nghìn tiếng nấc
chiến tranh đau và nhức nhối hòa bình
Người ở giữa thành phố này rất thật
một đời đi tất bật đến vô thường!


Cao Nguyên

Lễ Khánh Thành Bia Đá Tưởng Niệm 130 Chiến Sĩ Hoa Kỳ

Lễ Khánh Thành Bia Đá Tưởng Niệm Chiến Sỹ Hoa Kỳ Hy Sinh & Mất Tích Trong Thời Gian Phục Vụ Tại Việt Nam của Quận Montgomery - 21/5/2018


Bia Tưởng Niệm sẽ ghi danh, để tưởng nhớ đến 130 Chiến Sỹ Hoa Kỳ là công dân của Quận Montgomery đã hy sinh, hay mất tích trong thời gian phục vụ tại Việt Nam. Đồng thời trong buổi lễ này cũng để vinh danh 11,313 cựu Chiến Sỹ Quân Lực Hoa Kỳ, cũng là công dân của Quận Montgomery đã phục vụ tổ quốc, trong thời gian chiến tranh Việt Nam từ 1955-1975. 

Đặc biệt cùng tham dự, và phát biểu trong buổi lễ có cựu Hải quân Trung Tá Everett Alvarez Jr., người phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn rơi tại vịnh Bắc Việt, và là tù binh bị đọa đày lâu nhất, với 8 năm và 7 tháng. Ông hiện là cư dân của quận Montgomety. 

Cũng trong buổi lễ này, trong số những vòng hoa dâng đặt tại Bia Tưởng Niệm, lần đầu tiên có vòng hoa của Hội Cao Niên Việt Mỹ – Maryland (VASA). 


Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Phong trào vận động Việt Nam Cộng Hòa trở lại

Tưởng niệm Tháng Tư Đen tại Washington, D.C.: Lan tỏa phong trào vận động VNCH trở lại 


Ông Timothy J.Hannigan, chủ tịch Ủy Ban Cộng Hòa Fairfax County, thay mặt Thượng Nghị Sĩ Dick Black đọc Nghị Quyết 455. (Hình: Mai Khanh/Người Việt)
WASHINGTON, D.C. (NV) – Chiều 30 Tháng Tư, 2019, buổi họp báo về Tháng Tư Đen do Ban Vận Động VNCH tổ chức đã diễn ra tại phòng Zenger Room của Hội Báo Chí Quốc Gia Mỹ đặt tại thủ đô Washington, D.C. Hơn 20 nhân vật là cựu sĩ quan quân đội VNCH, phu nhân và đồng hương tại vùng Đông Bắc (Washington, D.C., Maryland và Virginia) cùng các khách mời, cơ quan truyền thông báo chí Mỹ và các báo đài tiếng Việt địa phương đến tham dự.
Trong không khí trầm ấm và xúc động, mọi người cùng ôn lại những cột mốc và những điều đáng nhớ về sự xâm chiếm và đổ bộ của quân Bắc Việt với sự tiếp tay của Trung Cộng tạo nên Tháng Tư Đen.
Bà Đỗ Tú Anh, phó chủ tịch Ủy Ban VNCH vùng Washington, D.C., Maryland và Virginia, trang trọng đọc Bản Nhận Định của Phong Trào Vận Động VNCH Trở Lại nhân dịp tưởng niệm 44 năm Tháng Tư Đen.
Ngoài ra, Giáo Sư Stephen B.Young, đại học University of Minnesota, đã gửi bài viết chủ đề “VNCH vẫn sống mãi” đến những người tham dự với niềm tin VNCH sẽ được phục hồi trong một ngày không xa.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Timothy J.Hannigan, chủ tịch Ủy Ban Cộng Hòa Fairfax County, thay mặt Thượng Nghị Sĩ Dick Black (Cộng Hòa-Ðịa Hạt 13) đọc Nghị Quyết 455 của Lưỡng Viện Quốc Hội Tiểu Bang Virginia nhằm phục hồi danh dự cho miền Nam tự do và các chiến sĩ đã chiến đấu dưới màu cờ vàng ba sọc đỏ. Nghị quyết gồm tất cả 25 điều khoản hoàn toàn ủng hộ và đề cao cuộc chiến đấu kiêu hùng của quân, dân miền Nam cũng như những đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt tự do sau khi sang Mỹ và đến định cư ở Virginia.
Ông Dick Black là một cựu chiến binh Mỹ, đã từng phục vụ ba lần ở Việt Nam, từ 1969 đến 1972. Ông từng đóng quân tại cảng Đà Nẵng với các binh sĩ VNCH và chứng kiến họ chiến đấu không nao núng. Sau đó trong quá trình tham gia dạy tiếng Anh cho thuyền nhân Việt Nam ở Okinawa (Nhật Bản) ông đã kinh ngạc về sự lạc quan của họ đối với cuộc sống và lòng trung thành với đất nước.
“Tôi dám nói rằng lịch sử đã cho thấy tự do rất khó bị đàn áp, dù những kẻ độc tài cố gắng phá hủy nó nhưng nó vẫn tiếp tục bật lên,” ông Dick Black được trích lời nói. Ông nhấn mạnh những ai tin tưởng vào VNCH, những người muốn đem lại tự do cho Việt Nam thì tự do cuối cùng cũng sẽ trở về Việt Nam.
Tham dự buổi họp báo ông Carmen Russell, chủ tịch Ủy Ban Nhà Báo Quốc Tế, cũng bày tỏ sự thán phục về quá trình đấu tranh bền bỉ của những người VNCH yêu nước theo đuổi con đường đấu tranh tự do dân chủ.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Hồ Văn Sinh, chủ tịch Ban Vận Động VNCH, cho biết đây là lần thứ hai buổi họp báo được diễn ra ngay tại trụ sở của Hội Báo Chí Quốc Gia Mỹ. Tất cả các thành viên ủy ban và các thiện nguyện viên đã dành cả tháng trời để tổ chức lễ tưởng niệm này với mong muốn ngày càng nhiều người ngoại quốc hiểu được Tháng Tư Đen cũng như hiểu về Sài Gòn một cách đầy đủ.
Bà Kim Oanh, 83 tuổi, ở thành phố Falls Church (Virginia), mặc áo dài vàng đến rất sớm nói: “Mấy chục năm qua hễ giờ nào ngày nào tổ chức biểu tình, đi treo cờ là tôi đều hào hứng. Tôi mừng lắm khi thấy lớp trẻ kế thừa vẫn tiếp tục cùng cha ông. Nay đã già nhưng tôi tới dự để làm chỗ dựa và ủng hộ tinh thần với niềm tin lớn là một ngày không xa VNCH sẽ trở lại hùng mạnh, đem lại nhân quyền, tự do, dân chủ cho đất nước và đồng bào Việt Nam.
Mai Khanh/Người Việt (từ Washington, D.C.)