I. Sự hình thành của chế độ Việt Nam Cộng Hoà
Quốc gia Việt Nam được thành lập với cơ sở pháp lý là các hiệp ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại :
1.- Hiệp ước Vịnh Hạ long ngày 07-12-1947
2.- Hiệp ước Élysée ngày 08-03-1949
xác nhận “nền đôc lập của nước Việt nam”, chính thức thành lập Quốc gia Việt nam trong Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại.
Tính đến năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt nam.
Và cuối cùng là Thoả ước Matignon ( Accords de Matignon ) ký kết ngày 04-06-1954 giữa Thủ tướng Quốc gia Việt nam Nguyễn Phúc Bửu Lộc và Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, xác định Quốc gia Việt nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tách khỏi Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp chuyển giao mọi cơ sở hành chánh, quôc phòng, an ninh cho quốc gia Việt nam.
Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 23 thánh 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô đình Diệm thay thế Quốc trưởng Bảo Đại để lên nắm quyền, trở thành Quốc trưởng Việt nam.
Sau đó, Quốc gia Việt nam tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 4 tháng 03 năm 1956, khai mạc vào ngày 17 tháng tư năm 1956 với 123 dân biểu (trong số 405 ứng cử viên) Chủ tịch Quốc hội là Ông Nguyễn phương Thiệp. Quốc hội lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp. Hiến pháp được ban hành ngày 26 tháng mười năm 1956. Nước Việt nam Cộng hoà ra đời từ đây, trên cơ sở thừa kế Quốc gia Việt nam, thủ đô là thành phố Sài gòn. Ngày ban hành Hiến pháp trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam Cộng hoà (Đê nhất VNCH). Danh xưng Đệ nhất Cộng hoà chỉ xuất hiện vào năm 1967 khi nền Cộng hoà thứ hai được thành lập.
Lần đầu tiên sau ngày ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Nam Việt nam xây dựng nên chính thể cộng hoà, người lãnh đạo nhà nước do dân bầu, thực hiện chế độ dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập, đa đảng và chủ trương chống Cộng.
Chiếu theo Hiến pháp, đứng đầu Hành pháp là Tổng thống, đưọc dân bầu theo phổ thông đầu phiếu, với nhiệm kỳ 5 năm và có thể ứng cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Cơ quan Lập pháp, có một Viện với 123 dân biểu, được dân bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 3 năm.
Về ngành Tư pháp, có Viện Bảo hiến với nhiệm vụ duyệt xét luật lệ ban hành cho phù hợp với Hiến pháp. Các toà án gồm có : toà vi cảnh, các toà : sơ thẩm, hoà giải, thượng thẩm, đại hình và các toà án quân sự. Toà phá án (cour de cassation) là pháp đình tối cao, trụ sở đặt tại Sài gòn.
Đệ nhất Cộng hoà tổ chức bầu cử Quốc hội khoá 2 vào năm 1959, với 441 ứng cử viên, tranh nhau 123 ghế dân biểu. Tại Sài gòn, tỉ số dân bầu ủng hộ Chính phủ là 42%. Bác sĩ Phan quang Đán thuộc khối Dân chủ đắc cử với 36.000 lá phiếu.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1961, liên danh Ngô đình Diệm – Nguyễn ngọc Thơ đắc cử với 88% số phiếu. Ngoài ra còn có các liên danh Hồ nhật Tân – Nguyễn thế Truyền và liên danh Nguyễn đình Quát – Nguyễn thành Phương.
Trong thời gian khoảng 5 năm, thời Đệ nhất Việt nam Cộng hoà, dân chúng hưởng thái bình, xã hội ổn định, kinh tế phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, gần một triệu dân di cư từ miền Bắc được định cư, an cư lạc nghiệp.
Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 do một nhóm quân nhân chủ trương đưa đến sự cáo chung của Đệ nhất Cộng hoà. Trong thời gian 1963 – 1967, có thể gọi là thời kỳ quân quản, miền Nam Việt nam do quân đội nắm chính quyền. Một loạt hiến chương ra đời, thay thế cho Hiến pháp. Cơ quan lãnh đạo, liên tiếp theo thời gian, có nhiều danh xưng : Hội đồng quân nhân cách mạng, Uỷ ban lãnh đạo lâm thời ( tam đầu chế), Hội đồng quân lực, Ủy ban lãnh đạo quốc gia.
Tháng 6 năm 1966, Ủy ban Lãnh đạo quốc gia với Chủ tịch là Trung tướng Nguyễn văn Thiệu và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương là Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến, bầu ra118 đại biểu. Quốc hội lập hiến soạn thảo Hiến pháp và ngày 1 tháng tư năm 1967, ra tuyên cáo Hiến pháp vừa mới ban hành là cơ sở pháp lý của Việt nam Cộng hoà (Đệ nhị Cộng hoà). Ngày 3 tháng 09 năm 1967 là ngày bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Liên danh ứng cử Tổng thống và Phó Tổng thống là liên danh Nguyễn văn Thiệu – Nguyễn cao Kỳ đắc cử với 35% số phiếu. Năm 1971, có cuộc bầu cừ lần thư nhì, liên danh Nguyễn văn Thiệu – Trần văn Hương đắc cử, không có đối thủ, do đạo luật mới được Quôc hội thông qua ngày 3 tháng 06 năm 1971 hạn chế khả năng tham gia ứng cử. Theo đạo luật nầy, ứng cử viên phải có 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hay nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký của các thành viên Hội đồng tỉnh. Các liên danh Dương văn Minh, Nguyễn cao Kỳ rút tên vì không thoả mãn được điều kiện nầy.
Chiếu theo Hiến pháp mới, cơ quan lập pháp có lưỡng viện : Thượng viện có từ 30 tới 60 nghị sĩ, nhiệm kỳ là 6 năm, bầu theo liên danh, lấy toàn quốc làm đơn vị độc nhất. Hạ viện có từ 100 đến 200 dân biểu, nhiệm kỳ 4 năm, bầu theo cá nhân, căn cứ theo từng tỉnh.. Hiến pháp còn qui định Hạ viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm và 2 người thuộc dân tộc thiểu số Bắc Việt di cư vào Nam.
Khoá đầu tiên Thượng viện năm 1967-1973 có 6 liên danh, mỗi liên danh là 10 người, tổng cộng là 60 nghị sĩ. Ông Nguyễn văn Huyền được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.
Khoá đầu tiên Hạ viện năm 1967-1971 có 137 dân biểu. Chủ tịch Hạ viện là ông Nguyễn bá Lương. Năm 1971, số dân biểu tăng lên là 159; mỗi dân biểu đại diện khoảng 50.000 cử tri.
Trong Quốc hội, vào năm 1974, Thượng viện có 41 nghị sĩ thân Chính phủ, 19 nghị sĩ đối lập. Hạ viện có 84 dân biểu thân Chính phủ, 59 đối lập và 16 độc lập.
Hành pháp được bầu theo liên danh hai người, một người làm Tổng thống, người kia là Phó Tổng thống.
Trong cuộc bầu cử năm 1967, liên danh Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ đắc cử với 34,8% số phiếu. Tuy nhiên, nếu tính riêng thủ đô Sài gòn thì liên danh Trần văn Hương-Mai thọ Truyền được nhiều phiếu nhất (151.102), nhì là liên danh Nguyễn văn Thiệu-Nguyễn cao Kỳ (148.933), thứ ba là liên danh Trương đình Dzu-Trần văn Chiêu (83.374).
Tổng thống chỉ định Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đệ trình danh sách Nội các điều hành Chính phủ. Thủ tướng của Nội các đầu tiên, nhậm chức ngày 9 tháng 11 năm 1967 là ông Nguyễn văn Lộc.
Tư pháp: Đứng đầu ngành tư pháp là Tối cao pháp viện (TCPV).
Chiếu theo các điều 81-83 của Hiến pháp VNCH, TCPV có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định va quyết định hành chánh.
TCPV có thẩm quyên phán quyết về việc giải tán một chánh đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hoà. Trong trường hợp nầy, TCPV sẽ họp khoáng đại toàn viện, các đại diện Lập pháp hoặc Hành pháp có thể tham dự để trình bày quan điểm.
Những quyết định của TCPV tuyên bố một đạo luật bất hợp hiến hoặc giải tán một chánh đảng phải hội đủ ¾ tổng số thẩm phán TCPV.
TCPV có thẩm quyền phán quyết về các vụ thượng tố các bản án chung thẩm.
TCPV có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để quản trị ngành Tư pháp.
Hiến pháp qui định : TCPV gồm có từ 9 tới 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 6 năm, luân phiên mỗi 3 năm thì bầu lấy 6 ghế.
Quy chế chọn thẩm phán:
Uỷ hội tuyển cử TCPV gồm có 7 thành viên : Chủ tịch Thượng viện Quôc hội VNCH, 1 thượng nghị sĩ, Chủ tịch Quốc hội VNCH, 1 dân biểu, 1 vị chánh án, 1 biện lý, 1 luật sư.
Điều kiện ứng cử viên: – Công dân Việt nam
- 10 năm thâm niên làm chánh án, biện lý hoặc luật sư
- Lý lịch sạch; không có quá khứ chống Chính phủ; hoạt động chống Cộng.
- Nếu là phái nam thì phải hợp lệ quân dịch.
Danh sách ứng cử viên sẽ được ba hiệp hội chuyên nghiệp luật khoa : luật sư đoàn, công tố đoàn và thẩm phán đoàn tuyển chọn, mỗi hiệp hội 50 hội viên, tổng cộng là 150 . Sau đó, sẽ duyệt lại danh sách, bàn thảo, thanh lọc, rồi chọn 30 tên.
Danh sách 30 ứng cử viên sẽ được đệ trình Quốhội để bỏ phiếu, tuyển lấy 6 người và chuyển sang Phủ Tổng thống phê chuẩn. Chủ tịch TCPV sẽ do chính các vị thẩm phán TCPV tự chọn.
Trụ sở TCPV là Dinh Gia long.
Hiến pháp VNCH 1967 còn thiết lập các định chế đặc biệt : Đặc biệt Pháp viện (ĐBPV) và Giám sát viện (GSV).
ĐBPV có thẩm quyền truất quyền Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ Tướng, các Tổng Bộ trưởng, các Thẩm phán TCPV và các Giám sát viện trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác.
ĐBPV do Chủ tịch TCPV giữ chức Chánh thẩm và gồm 5 Dân biểu và 5 Nghị sĩ.. Khi Chủ tịch TCPV là bị can, Chủ tịch TNV giữ chức Chánh thẩm.
GSV có thẩm quyền :
1- Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia.
2- Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và hợp doanh.Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng thống, Phó Tổngthống, Thủ tướng,Dân biểu, Nghị sĩ, Chủ tịch TCPV.
3- Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Dân biểu, Nghị sĩ, Chủ tịch TCPV.
Riêng đối với Chủ tịch GSV và các GSV, việc kiểm kê tài sản do TCPV đảm trách.
GSV có quyền đề nghị các biện pháp chế tài và kỷ luật đối với nhân viên phạm pháp hoặc yêu cầu truy tố đương sự ra trước toà án có thẩm quyền.
GSV gòm từ 9 đến 18 GSV, 1/3 do Quốc hội, 1/3 do Tổng thống va 1/3 do TCPV chỉ định.
GSV có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để tổ chưc nội bộ và quẩn trị ngành giám sát.
Hiến pháp VNCH năm 1967 có qui định trong Chương 7 về chính đảng và đối lập.
Quốc gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ. Hánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điệu kiện luật định.
Quóc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng.
Quốc gia công nhận sự định chế hoá đối lập chính trị.
II. Các sắc thái riêng biệt của thể chế chính trị Việt Nam Cộng hoà
Chúng ta hãy cùng đọc « Lời mở đầu » và «Điều khoản căn bản » của bản Hiến pháp VNCH năm 1956 và năm 1967 để tìm ra những nét đặc thù của thể chế chính trị VNCH.
Lời mở đầu và Điều căn bản ghi trong Hiến pháp VNCH năm 1956 như sau :
Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo;
Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hoà và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của hoạt động Quốc gia
Chúng tôi, Dân biểu Quốc hội Lập hiến :
Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà mau đdến Ải Nam quan;
Nguyện vọng ấy là :
Củng cố độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
Bảo vệ tự do cho mỗi người và cho dân tộc;
Xây dựng dân chủ về chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hoá cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị.
Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ được bảo toàn khi năng lực phục tùng lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo vệ và những quyền chính đáng của con người được tôn trọng;
Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hoá và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diân.
Sau khi thảo luận, chấp nhận bản hiến pháp sau đây:
Thiên thứ nhất : Điều khoản căn bản
Điều 1 : Việt nam là một nước Cộng hoà, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
Điều 2 : Chủ quyền thuộc về toàn dân.
Điều 3 : Quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử, và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.
Sự phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan hành pháp và lập pháp phải được điều hoà.
Tổng thống lãnh đạo quốc dân.
Điều 4 : Hành pháp, lập pháp, tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ tự do, dân chủ, chính thể cộng hoà và trật tự công cọng. Tư pháp phải có một quy chế bảo đảm tính cách độc lập.
Điều 5 : Mọi người dân, không phân biệt nam nữ sinh ra bình đẳng về phẩm cách, quyền lợi và nhiệm vụ, và phải đối xử với nhau theo tinh thần tương thân tương trợ.
Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người trong cương vị cá nhân hay trong cương vị tập thể.
Quốc gia cố gắng tạo cho mọi người những cơ hội đồng đều và những điều kiện cần thiết để thụ hưởng quyền lợi và thực hành nhiệm vụ.
Quốc gia tán trợ sự khuếch trương kinh tế, phát huy văn hoá, khai triển khoa học và kỹ thuật.
Điều 6 : Người dân có những nhiệm vụ đối với tổ quốc, với đồng bào, mục đích là để thực hiện sự phát triển điều hoà và đầy đủ nhân cách của mọi người.
Điều 7 : Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiên một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.
Điều 8 : Nước VNCH chấp nhận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với sự thực hiện chủ quyền quốc gia va sự bình đẳng giữa các dân tộc.
Quớc gia cố gắng góp phần xây dựng và bảo vệ nền an ninh và hoà bình quốc tế cùng duy trì và phát triển sư liên lạc thân hữu giữa các dân tộc trên căn bản tự do và bình đảng.
Và sau đây là Lời mở đầu và Điều khoản căn bản của Hiến pháp VNCH năm 1967:
Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của đất nước.
Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể Cộng hoà của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đíchđoàn kết dân tộc , thống nhất lãnh thổ, bảo đảm độc lập, tự do, dân chủ trong công bằng bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Chúng tôi một trăm mười bảy Dân biểu Quốc hội Lập hiến, đại diện nhân dân Việt nam, sau khi thảo luận, chấp thuận bản Hiến pháp sau đây :
Chương I. – Điều khoản căn bản
Điều I : Việt nam là một nước CỘNG HOÀ, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
Điều 2 : 1- Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân
2.- Quốc gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến bộ chung của dân tộc.
3.- Mọi công dân có nghĩa vụ góp phần phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc.
Điều 3 : Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân quyền và phân nhiệm rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hoà để thực hiện trật tư xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội.
Điều 4 :
1- VNCH chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức.
2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đếu bị cấm chỉ.
Điều 5 :
1- VNCH chấp nhận các nguyên tắc quốc tế pháp không trái với chủ quyền quốc gia và sự bình đảng giữa các dân tộc.
2- VNCH cương quyết chống lại mọi hình thức xâm lược và nỗ lực góp phấn xây dựng nền an ninh và hoà bình thế giới.
***
Trong phần mở đầu của Hiến pháp VNCH năm 1956 và 1967, chúng ta thấy, khi soạn thảo Hiến pháp, ngoài các ý niệm về dân chủ pháp trị, độc lập tự do, các vị dân biểu Quốc hội lập hiến còn chú tâm khai triển các triết lý về nhân bản, dân tộc và khai phóng, đã từng được chính thức hoá trong chính sách về giáo dục tại Đại hội Giáo dục quốc gia tại Sài gòn vào năm 1958. Các ý niệm nầy được ghi một cách cụ thể trong tài liệu «Những nguyên tắc căn bản» được Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành vào năm 1959, làm nền tảng cho triết lý giáo dục VNCH.
Theo tài liệu « Chính sách văn hoá giáo dục » của Hội đồng văn hoá giáo dục VNCH ấn hành vào năm 1972, các triết lý về « Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng » có thể hiểu như sau :
1. Tinh thần Dân tộc
Tinh thần dân tộc đề cao các giá trị của dân tộc Việt như : độc lập, tự do, tự chủ, thuần phong mỹ tục…
Thể chế VNCH tôn trọng các giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và đất nước. Nền Cộng hoà có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những tinh hoa của văn hoá dân tộc, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết và sự trường tồn của dân tộc, sự phát triển điều hoà và toàn diện của quốc gia.
2. Tinh thần Nhân bản
Nhân bản là lấy con người làm gốc, đề cao giá trị thiêng liêng của con người, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời nầy làm căn bản; xem con người là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện hay công cụ phục vụ cho bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức riêng rẻ nào.
Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận việc sử dụng các sự khác biệt để đánh giá con người vá không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo hay chủng tộc. Nhân bản là cội nguồn của đa nguyên. Xã hội nhân bản tôn trọng mọi sự khác biệt để con người cùng nhau xây dựng một cuộc sống hài hoà trong cộng đồng dân tộc.. Một thể chế chính trị nhân bản là một thể chế đa đảng, quyền lực của tầng lớp lãnh đạo được pháp luật kiểm soát chặt chẽ. Mọi sinh hoạt về tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật đều được khuyến khích và hỗ trợ một cách công bằng và không thiên vị.
Mặc dầu chưa phải là một thành viên của Liên hiệp quốc, VNCH đã nhìn nhận, áp dụng và cổ vũ quyền con người, quyền dân sự ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình có người thân ở phía bên kia ranh giới quôc cộng vẫn được luật pháp bảo vệ, được đối xử một cách công bằng, có thể tham gia chính trị, làm ăn buôn bán, con cháu được học hành như các con em khác tại miền Nam.
3. Tinh thần Khai phóng
Dân tộc Việt nam sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ, mở rộng, đón tiếp những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, với mục đích hiện đại hoá quốc gia và xã hội, phát triển sự hợp tác quốc tế, đóng góp vào sự thăng tiến của nhân loại.
Do tinh thần khai phóng, VNCH xây dựng một thể chế dân chủ tam quyền phân lập. Mô hình chính trị là mô hình chống cộng, đa nguyên và có thể đi đến lưỡng đảng ( Hiến pháp 1967).
Kết luận
Do hoàn cảnh lịch sử, vì miền Nam Việt nam bị bạn đồng minh bỏ rơi trong khi miền Bắc cộng sản được khối Cộng sản viện trợ đầy đủ nên miền Nam Việt nam đã bị Cộng sản thôn tính và chế độ VNCH tạm thời bị xoá tên kể từ ngày 30 tháng tư năm 1975.
Nhưng linh hồn VNCH vẫn còn sống mãi trong trái tim của người Việt quốc gia ở hải ngoại. Bản sắc VNCH cùng với tinh thần Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng vẫn còn in sâu trong ký ức của người Việt lưu vong và sẽ lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Đặc biệt là, đối với giới trẻ ở trong nước đang tìm kiếm một hướng đi thích hợp về chính trị để thay thế cho chủ nghĩa cộng sản đã và sẽ thất bại, thể chế chính trị VNCH sẽ là tấm gương soi sáng hướng đi cho đất nước, thích hợp trong tương lai.
Nguyễn Thanh Bạch