Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Thi Tập THAO THỨC


1/ Lời Ngỏ vào thi phẩm THAO THỨC 

Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng . Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc . 
Thử hỏi quí vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã? Phải "vịn câu thơ mà đứng dậy", tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông . Thứ mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ . Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu sanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam . 
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!
 

Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt gần bốn mươi năm . Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá . Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, và tiếp đến lưu vong mãn kiếp trên đất người . 
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó . Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: chưa buông súng đã đầu hàng! 

Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong! 
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé! 
Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân . Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng loại vũ khí mềm - cây bút . Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân ! 
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thống khổ . 

Có thể nào một tối
Nhìn nhân loại sắp hàng
Chờ phiên mình hối lỗi
Trước những nỗi lầm than !
 
Mong lắm thay . Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên vong bản bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ! 

Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề . Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong . Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang website, hoặc lưu lại trên báo giấy . 
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo . Suốt chiều dài 20 năm lưu vong ẩn chứa trong nguồn thơ đó . Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng … Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam . 
Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức 
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng! 

Tôi là một người Việt Nam . Mỗi quí vị là một người Việt Nam . Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình ? 
Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!

Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam! 


Đau lắm, thưa quí vị . 
Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực 
lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường! 

Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng . Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản . 

Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương . Tôi chia xẻ cùng quí vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người . Tôi cũng chia xẻ cùng quí vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông . Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay . 
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của giòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975! 
Rơi vang một tiếng nổ bùng 
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang! 

Ba mươi chín năm qua rồi phải không quí vị? Một nửa đời người, một nủa thế kỷ . 
Nửa thế kỷ Việt Nam 
Nửa thế kỷ thật buồn! 
Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào giòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi: 
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi …
… Máu loang xé toạc tiếng cười /
Ngang lung vết chém của loài thú hoang!
 

Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng” . Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít . Bởi những anh hung vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hung cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử: 
Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam. 

Cảm ơn quí vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong” . 

Trân trọng 
Cao Nguyên 

(Trích nội dung buổi hội thoại tại Đài Truyền Hình vùng Hoa Thịnh Đốn, ngày 13/4/2014) 




Cao Nguyên và tâm tình "Thao Thức" với phóng viên Bùi Dương Liêm
Tại Đài Truyền Hình Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn 


https://www.youtube.com/watch?v=Rj2gQL8uo2k 

Trên website Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH: 
http://lhccshtd.org/K10A72/K10A72_VT/LT/cn/K10A72_VT_LT_cn_rungoi_2014APR27.htm

@

2/ Giới thiệu Thi Tập THAO THƯC tại trung tâm sinh hoạt văn học Hoa Thịnh Đốn: 
https://www.youtube.com/watch?v=aRGGWoq36zA 

@

3/ Giới thiệu Thi Tập THAO THỨC tại Paris: 

Hòa Nhịp Với Thao Thức 

Chúng tôi là Cao Nguyên kính chào quí quan khách đang tham dự đêm « Sinh Hoạt 30 Tháng 4 Tại Paris. 
Thưa quí vị, 

Thật là vinh dự cho chúng tôi được góp phần vào chương trình «Dòng Nhạc Đấu Tranh « . 
Với tôi, hơn 20 năm lưu vong, gần 10 nghìn đêm thao thức nhớ về nỗi bi hận của cuộc chiến bảo vệ quê hương không thành, nhớ về những tủi nhục trong các trại tù cải tạo cộng sản . 
Là một người lính của quân lực VNCH chiến đấu bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam. Sau thất bại đắng cay, miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, người lính trở thành người tù và là người Việt Nam lưu vong. Nỗi uất hận riêng hòa cùng với nỗi đau chung của dân tộc, chúng tôi thấy cần phải tiếp tục chiến đầu vì lý tưởng quốc gia . 
Không còn súng trong tay, chúng tôi dùng ngọn bút đánh vào tập đoàn phi nhân bản cộng sản, với quyết tâm của một công dân yêu nước. 

Với hơn 200 bài thơ trong thi tập Thao Thức, chúng tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương . 
Chia xẻ cùng quí vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người . Và cũng chia xẻ cùng quí vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được khôi phục lại những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, sự thơ mộng của núi sông . 
Khẩn thiết hơn nữa là sự phục hưng nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên gầy dựng và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay. 
Thi tập Thao Thức chứa cả máu và nước mắt, chứa cả bi và tráng của một giai đoạn lịch sử suốt nửa thế kỷ. Đủ cho ngôn ngữ 
tỏa âm thành tiếng hát xoáy buốt lòng người nhỏ xuống những giọt lệ hồng, những giọt lệ pha máu chảy từ tim. Và cũng đủ chất lửa soi đường ước vọng phục hưng đất nước. 

Thưa quí vị, ngôn ngữ thi ca hôm nay là chất liệu cần thiết tiếp truyền sinh lực vào thế hệ trẻ biết đồng cảm, cùng đồng hành theo tiếng trống trận Thăng Long làm nên lịch sử khai phóng và tái tạo quê hương trong tinh thần Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm. Dõng dạt và kiên định nói với Mẹ Việt Nam rằng: Chúng con vẫn còn đây . Vâng, thưa Mẹ: Chúng con vẫn còn đây . 
Khi tiếng hát vang lên trên nền thơ dàn trải . Xin quí vị cùng hòa nhịp với lòng nhiệt thành hổ trợ cho cuộc tranh đấu vì độc lập tự do, vì nhân quyền bác ái cho quê hương Việt Nam. 

Xin cảm ơn quí vị quan khách với lòng biết ơn trân trọng của chúng tôi. 
Đồng thời cảm ơn ban tổ chức đã ưu ái cho chúng tôi có cơ hội giới thiệu thi tập Thao Thức. 

Xin kính chào quí vị quan khách 

Cao Nguyên 

Audio: 
https://app.box.com/s/0iv6in441dxwchkqdhcu 

Thùy An Giới Thiệu Thi Tập Thao Thức 
https://app.box.com/s/eh6yknjk4xy027hb43g0 

Diễn Đọc bài thơ NHỚ ĐÔNG XƯA 
https://app.box.com/s/eyj0ldk3m83xrzgw4x77 


Tác Giả và Tác Phẩm

Tác Giả và Tác Phẩm 
Thi Tập THAO THỨC

* Tác Giả 

Từ nhiều năm qua, nhiều người đã đọc Thơ, Văn của Cao Nguyên (do chính tác giả hoặc những văn thi hữu post lên trên các trang văn học online), có người biết và nhiều người chưa biết về tiểu sử tác giả các tác phẩm đã xuất bản thành sách, hoặc các ấn bản điện tử. 

Xin mời quí bạn đọc và quí thân hữu xem tóm lược tiểu sử Cao Nguyên: 

Tiểu Sử: 
- Cao Nguyên là bút hiệu của Võ Tiến 
- Sinh năm 1945 - Phú Yên / Việt Nam 
- Cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa (1965 - 1975) 
- Cựu tù nhân cộng sản Việt Nam (1975 - 1985) 
- Tỵ nạn chính trị / Định cư tại Hoa Kỳ 1993. 

Sinh Hoạt Văn Học 
- Hội viên Văn Bút Quốc Tế 
- Hội viên Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn 
- Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt/Miền Đông Hoa Kỳ. 
- Tổng Thư Ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. 
- Biên tập viên tạp chí Nguồn 
- Biên tập viên đặc san Diễn Đàn Thời Đại 

* Tác phẩm (sách in): 
- Di Bút Từ Mặt Trận (Bút ký - TC/CTCT 1971/ Bút hiệu Cao-Nguyên-Việt) 
- Thao Thức (Tập Thơ - Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn - 2014 

* Ấn Bản Điện Tử: 
- Thao Thức:https://caonguyenviet.wordpress.com/
- Huyền Thoại Tình: http://caonguyenviet.blogspot.com/ 

* Trang Nhà: 
http://caonguyen.net/cn/ 
http://clbhungsuviet.blogspot.com/ 

* Thơ và Văn đăng trên các báo, tạp chí: 
- Tuyển tập Cụm Hoa Tình Yêu 
- Tạp chí Văn Học 
- Tạp chí Cỏ Thơm 
- Tạp chí Kỷ Nguyên Mới 
- Tạp chí Nguồn 
- Tuyển tâp Văn Học Thời Nay 
- Nguyệt San Giao Mùa 
- Tuyển Tập "Bến Trăng" - 2005 
- Tuyển tập "phố ảo tình chân" (Việt Báo) 
- Báo Người Việt, Sài Gòn Mới, Mai, Sóng Thần... 
- Tập thơ "Hương Thời Gian" (30 tác giả) 
- Tuyển tập Hoa Sơn Trang ( 28 tác giả ) 
- Tuyển tập Bến Sông Mây (6/2007) 
- Tuyển tập "Cõi Thơ Tìm Gặp" (Nguồn/2009) 

* Sinh hoạt thơ, văn trên các Diễn Đàn Online: 

Bằng Hữu, Đắc Trưng, Hoa Sơn Trang, Tao Ngộ, Phố Xưa, Phụ Nữ Việt, khanhly.net, clb tinhnghesi,
etetet, Việt Báo, Bến Sông Mây, Việt Nam Thư Quán, Cội Nguồn, Miền Tao Ngộ, Trung Tâm ASIA, FaceBook . .. 

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Phi Chính Trị



Trên một số diễn đàn online, dẫu cho có sự rào đón: “Đây là diễn đàn phi chính trị”. Vẫn không thể loại trừ hẳn những bài viết có xuất phát điểm từ cảm nhận riêng mình về cuộc sống với những hệ lụy quanh đời. Khi chân lý còn là ánh đuốc dẫn đường, thì ưu tư từ những phi lý và bất công của xã hội không thể không nói đến.
Và thế là niềm tin của tín ngưỡng, của pháp trị hừng hực trong tư tưởng hồi sinh những sắc thái văn mình trong một xã hội cộng hưởng.
Đó là sự công bằng tất yếu, là hơi thở của cuộc sống, là tiếng nói của trái tim với tất cả những ai còn tin vào chân lý, tin vào lương tri.
Tiếc thay sự công bằng đó bị phá hoại từ khuynh hướng cực tả hoặc cực hữu. Đẩy sự trung dung vào góc tối im lặng. Bày tỏ đồng tình theo một hướng, thường hiểu là cực đoan, là bè phái, là trở cờ ...!
Sự tranh chấp nẩy sinh từ cái tôi vượt ngoài chủ thể, chỉ biết phủ nhận cái hay của người để cái tốt của mình tồn tại. Cứ như mình là kẻ biết dấn thân còn người khác chỉ chạy theo xu hướng có lợi cho chính bản thân họ. Đâu hay đó chỉ là sự hăm hở của loài tằm muốn nhả tơ, dẫu chưa biết lúc nào mình thoát thai ra khỏi cái kén chật chội và tơ mình sản sinh có đủ tốt dệt nên một chiếc áo khoe đời !
Nếu lỡ gặp người thích khoát áo đẹp che đời, lịch sự lắm cũng chỉ gật đầu chào bạn. Nhìn những chiếc áo đủ màu như lá mùa Thu, rồi cũng bay vào mù tăm. Chút ấn tượng còn sót lại trong rực rỡ thu còn chăng chỉ là nỗi băn khoăn về một chu trình sinh diệt. Lá nào may rơi xuống vùng đất hóa thân làm chất hữu cơ, lá nào ngã trên nhúm sỏi đá khô cằn chờ rã mục hóa rêu?!
Nên chi trong mỗi thì thời giao mùa, tôi vẫn khát khao với những ước mơ lá chẳng xa nguồn. Chí ít sau mùa tàn phai cũng thấm vào mạch đất chút nhựa đời nuôi xanh mầm nguyên khởi. Tiếng reo của lá trong mơn man của nắng gió hiền hòa khai tâm thoát tục vui biết chừng nào. Như may gặp được người chỉ dùng áo che thân qua bốn mùa mưa nắng ta biết được trụ sinh trong cõi diệt. Làm sao không hăm hở đón một nụ cười quen nở trên môi kẻ không màng danh phận để kết thân, cùng trải nghiệm qua đời mà tâm bút tri giao.
Cùng siết tay chào, ơi đó bạn ta như hồng nhan tri kỷ, cùng uống chung hương vị ân tình.
Hiển nhiên thế mà sao người còn nấn ná giữa những hỗn mang đời để vật vã lòng nhau.
Ở đâu cũng thấy dấu vết chì chiết, hằn hộc giăng mắc những cái bẩy gài người, tước đoạt tư duy, hủy diệt tình thân ái!
Chính vì muốn bảo tồn phẩm giá con người mà thanh chắn phi chính trị được dựng lên nơi những khu chợ trời nhiều tạp! Nhằm vô hiệu hóa những cuồng ngôn, lộng ngữ manh động tràn lấp lối đi về chính thiện.
Ngày lại ngày, tri thức vượt qua vô thức, vực dậy bản ngã nhân chi sơ thoát sóng đời danh lợi. Thanh chắn phi chính trị chỉ còn là khái niệm, chẳng mấy ai bận tâm khi sự tự phát chính kiến trung thực có sức mạnh xuyên phá bức tường vô đạo lý.
Sống giữa đời, khi bước vào cho đến lúc ra đi đều tự nhiên, sẽ thấy lòng thanh thản. Khắc chế được những tị hiềm ích kỷ, thả cái tôi bay khỏi vòng ôm ấp, sẽ thấy những thương yêu đầy ắp tâm hồn. Đầy ắp tình Người, tình Núi Sông.
Với tình Người và tình Núi Sông, một tâm thư gởi ai đó bên này hay bên kia bờ đại dương. Hát hay nghe một bản nhạc thấm đậm tình tự quê hương, dân tộc... Cũng đã cưu mang trong lòng nỗi khắc khoải của sự chia ly dẫu xuất phát từ những nguyên nhân nào, cũng đã nhập lưu dòng ý thức dân tộc và cội nguồn.
Vậy thì khi khoát tay nói với bạn mình: "Xin đừng nói chuyện chính trị với tôi", có phải tự mình đánh mất tư duy chính mình? Đó là một nghịch lý trong cuộc sống đối với những ai còn hứng khởi trên hành trình về với quê hương từ niềm mong ước thanh thản Đi, Về !
Phi Chính Trị, là một sự đánh lừa bản ngã và tâm thức của mỗi con người còn thiết tha với cuộc sống chính mình trong nguồn sống chung nhân bản.
Nụ cười đến từ góc độ nào cũng đẹp, và có khả năng vượt qua mọi rào cản vô tri để kết hợp những tấm lòng rộng mở, vì người và vì mình cùng hướng đến ước mơ chung: Tự Do, Thanh Bình và Nhân Ái trên Quê Hương thân yêu .

Cao Nguyên