Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Tâm Bút



Tháng Tư đang đi qua. Nỗi buồn chưa chịu lắng.
Bởi chắc chắn một điều là không thể tách rời quá khứ khỏi cuộc đời mình, nhất là quá khứ của một cuộc hành trình đầy chông gai, cuồng lũ và bão lửa. Do bất trắc của thiên nhiên hợp cùng sự cuồng nộ của lòng người giữa dòng đời nghiệt ngã!
Quá khứ của một thời như vậy làm sao quên? Biết nhớ là đau thương, nhưng muốn quên là không thể. Quên là tự phản bội với chính mình, phản bội với những người cùng đồng hành trong thời điểm nghiệt ngã đó.
Quên là từ chối trách nhiệm của một người dân đối với quốc gia, dân tộc. Thấm thía hơn, ai muốn quên là cố tình đốt cháy căn cước tị nạn, trong đó có cả lời thề và lời xin lỗi. Xin lỗi quê hương Việt Nam đã đành đoạn rời xa mang theo tâm niệm hi sinh vì tổ quốc mà trách nhiệm chưa tròn. Đồng thời xin lỗi quê hương thứ hai đã cưu mang mình vì không giữ trọn lời thề của một công dân khi đưa tay tuyên thệ từ bỏ chế độ cộng sản.
Mai Ba Mươi
bữa nay Hai Chín
ta đếm thời gian
câm nín ngược dòng …!
Đúng, ngày mai 30 tháng 4, một điểm mốc thời gian của lịch sử Việt Nam đau thương đầy nước mắt và máu của bao nhiêu triệu người dân Miền Nam Việt Nam bị xé toạc phận người bởi quân cuồng nô phương Bắc. Một cuộc dìm chết cả đất và người dưới sức mạnh của bạo lực tàn ác. Không chỉ hôm nay, những người chung số phận lưu vong hồi tưởng và mặc niệm ngày lịch sử đau thương đó. Mà mãi mãi những thế hệ tiếp nối cần phải nhớ.
Chính vì những điều không thể quên, dẫu Tháng Tư đi qua, tâm trí vẫn còn lắng đọng những u buồn trầm uất. Trong bất chợt mỗi đêm về giấc ngủ chưa yên, tình còn thao thức với những chung chia niềm thương đau với Đất và Người.
Ai đã từng thao thức về nỗi niềm chung khi nghĩ về những tháng năm xưa của 40 năm về trước. Từ cuộc sống của bản thân và gia đình trên một miền đất hiền hòa, an cư và thịnh vượng. Bỗng dung bị cơn lốc đỏ cộng sản tràn qua gây đổ vỡ mọi an lành có được! Sự ly tán khởi đầu từ vượt đất, vượt biển xa nguồn, bỏ nước ra đi tìm sự sinh tồn nơi miền đất lạ, chấp nhận cuộc sống lưu vong, để mãi mãi nhìn về quê hương trong niềm đau vô tận!
Tôi và những đồng đội chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, sau nhiều năm thi hành trách nhiệm bảo quốc an dân, bị cơn bão hận thù thổi bay đi tứ tán. Bao nhiêu người ngã xuống trên các con đường di tản, bao nhiêu người còn gượng sống bị gom tụ lại quăng vào các trại tù lao động khổ sai.
Bao nhiêu năm sống trong các trại tù oan nghiệt đó, chúng tôi hiểu thân phận mình đã bị biến thành loài sinh vật chịu kiếp đọa đày. May thay còn điểm tựa lương tri giữ mình đứng thẳng với sự yểm trợ niềm tin của Gia Đình và Tổ Quốc. Để có ngày hôm nay được sống trên vùng đất tự do gọi là quê hương thứ hai, vẫn mang trong tâm nỗi lòng người Do Thái dựng trong tim một dãi sơn hà.
Chính niềm tin và khí tiết chinh nhân đã thôi thúc những người lính già mà đồng bạn ví như những con ngựa què, vẫn tiếp bước trên hành trình dang dở để hiến thân cho cuộc sinh tồn dân chủ, tự do và phẩm giá con người. Với may mắn đôi tay còn cầm được cây bút và trong tâm còn lưu giữ được sắc cờ vàng tổ quốc thiêng liêng.
Viết là nhu cầu của cuộc sống, như hơi thở cần tiếp truyền đủ máu cho con tim còn nhịp khát khao dẫn lực chân tình về với ngày mai có thế hệ cháu con sẫn sàng tiếp nhận. Viết để chuyển tải từ hôm nay đến ngàn sau tâm tư của một người dân mất nước:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Vói hai tay không thể chạm Quê Hương!
Hai tay không thể chạm Quê Hương, chỉ còn biết chạm Quê Hương bằng hơi thở nồng nhiệt của mình. Những hơi thở mang niềm hy vọng tạo nên những ngọn lửa đốt cháy sự khắc nghiệt của dòng đời, làm tan rã lòng thù hận của thế lực đương quyền.
40 năm quá dài và quá đủ để người Miền Bắc thấu hiểu tấm lòng của Đất và Người Miền Nam. Đủ để những người cộng sản hiểu rõ ai giải phóng ai. Và ai thắng ai khi nhìn thấu nỗi lòng nhân dân cả nước! Điều rõ ràng mình bạch là sự điêu tàn của cả Đất và Người trên quê hương không chỉ do nguyên nhân chiến tranh để lại. Mà còn là sự tàn phá cùng tận của chủ nghĩa thống trị vì lợi ích cá nhân và đảng hệ.
Mỗi một gợi ý về niềm đau của đất nước, về nỗi thống khổ của người dân nơi quê nhà là mỗi trở mình thao thức. Hơn hai mươi năm chịu cuộc lưu vong, bao nhiêu dòng nghĩ chảy tràn cảm xúc thương đau xuống ngòi bút. Hằng triệu con chữ ngậm ngùi vượt đêm thao thức bày tỏ cùng thế gian nỗi tủi buồn của một chinh nhân, cũng là nạn nhân và chứng nhân của cuộc chiến hai mươi năm khốc liệt.
Biến cố tang thương của Đất và Dân Việt trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Luôn biết là buồn lắm, nhưng không thể quên là sự nghịch lý của cuộc đời, là sự bi đát của một quốc gia nhược tiểu sát liền biên giới với một nước lớn luôn nuôi mộng bá quyền thiên hạ. Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu của thế kỷ xưa không chỉ là nỗi ám ảnh của quá khứ, mà là hiện thực của hôm nay với họa xâm lăng của cộng sản Trung Hoa đang là những vấn nạn của những tấm lòng còn thao thức với quê hương.
@
Hôm nay những ngày cuối của Tháng Tư buồn. Những gì tôi viết từ những cảm xúc của một người dân Việt lưu vong gởi chia xẻ cùng các bạn tạm thời lấy những dấu chấm than (!!!) ghim trên vách thời gian luân chuyển. Để nhìn ngày mai ngoài khung cửa với màu cờ vàng phất phới bay hòa vui với màu hồng hoa anh đào mùa Xuân mới. Cùng dâng lời nguyện cầu cho quê hương thanh bình và nhân dân ấm no, hạnh phúc trong một thể chế tự do dân chủ. Xin cho không còn những Tháng Tư Đen tiếp nối.
Hôm nay và ngày mai tôi sẽ cùng các bạn trẻ tay nắm tay đi dưới màu cờ vàng hát những bản tình ca quê hương, hát trong niềm yêu thương của những người Việt Nam luôn hướng về Quê Mẹ.
Chúc các bạn của tôi mạnh bước đi lên trên hành trình tranh đấu vì một Việt Nam quang vinh với niềm tin chính nghĩa và lòng dân sẽ chiến thắng bạo tàn. Tái lập kỷ nguyên Việt Tộc anh hùng và kỷ cương Lạc Hồng bất diệt.
Trân trọng,
Cao Nguyên
Washington.DC - April 29, 2015

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Rừng Ơi



rừng ơi

cư dân cũ, từ vùng trời xa vắng
gọi rừng xưa, ta nhớ lắm - rừng ơi!
thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ
lá chịu tang qua mấy chục năm rồi!

lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa
lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta
cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo
chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng

nửa máu ta có giúp rừng sống lại
đất có mừng lá biếc nẩy chồi xanh
cây có vui khi chim về hái trái
hoa có cười cho hương toả vây quanh?

ôi nhớ quá, rừng ơi! ta nhớ quá
cao nguyên xanh, hoa lá ấy - hồn ta
và cả máu chia cho rừng thuở ấy
nhắc ta về, dù bữa hẹn còn xa

về xem nắng ghẹo hoa tươi rói mặt
về thăm cây lành hẳn vết thương chưa
về ngồi giữa nắng mưa nghe đất hát
khúc đồng dao từ những khát khao xưa!

thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé
ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay
sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ
ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay!

Cao Nguyên

Xuân Nguyện Cầu


Thời gian đang bắt đầu vào tháng 2 năm 2015. Hằng triệu người Việt lưu vong đang sống trên các vùng đất tạm dung từ Mỹ sang Pháp, Đức, Ý, Canada… còn đang giữa mùa Đông giá lạnh. Mong mùa Xuân về với nắng ấm cho những bầy chim trốn tuyết về lại cảnh rừng quen, nhìn cây lá xanh tươi và những nụ hoa chớm nở. 

Xuân khởi sắc trên vạn vật gây xôn xao trong lòng người những niềm vui. Trong âm hưởng giao thoa của những lời chúc mừng năm mới, tuổi trẻ thêm nguồn hy vọng, hưng phấn tiếp bước vào đời với một tương lai tươi đẹp trong cuộc sống tự do và bình đẳng. 

Cùng thời điểm, mọi người Việt lưu vong hướng tầm nhìn về quê hương. Sau 40 năm tập đoàn cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, thống nhất đất nước . Đã đẩy dân tộc vào cuộc lầm than do chủ trường độc tài đảng trị. Đặt xã hội trong vòng phong tỏa khắc nghiệt. Mỗi oán than về nỗi cơ cực đói nghèo trong sinh kế hằng ngày; Mỗi bày tỏ về đất và biển đảo bị rơi vào tay Trung cộng ; Mỗi yêu cầu về sự bảo tồn văn hóa lịch sử, bảo tồn đạo đức nhân văn .... Tất cả đã bị đàn áp, khủng bố làm tê liệt tình thần và đau thương thể xác. 

Các tôn giáo cũng bị triệt hạ uy tín, khủng bố và đàn áp các người lãnh đạo tinh thần và các giáo dân dám đòi hỏi tự do tôn giáo và sự tự trị của giáo hội. Bởi mọi người, mọi tổ chức, mọi tôn giáo phải do Đảng chỉ đạo theo đúng đường lối đọc tài cai trị. 

Các cuộc xuống đường của dân oan bị chính quyền cướp nhà đất; Xuống đường đấu tranh về quyền làm người; Xuống đường để phản đối nhà nước xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo .... Đều bị đàn áp triệt để với đủ các phương tiện bạo hành đối với từng cá nhận. Thậm chí những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ khi phát biểu tư tưởng bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nhân quyền nhân phẩm đều bị bắt bỏ tù. 

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ do sự đàn áp ngày càng gia tăng, theo nhận định và đánh giá của ủy ban nhân quền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ quyền làm người. Điều rõ ràng nhất là các người tù lương tâm trong các nhà tù luôn bị ngược đãi từ đánh đập, tra tấn đến biệt giam và cô lập. Sự thăm viếng của thân nhân người tù cũng quá khó khăn, vừa bị đòi hỏi điều kiện vừa bị đe dọa an ninh kể cả người trong tù và thân nhân liên hệ. 

Trước tình hình khắc nghiệt từ xã hội đến nhà tù, trước sự đàn áp thô bạo của các lực lượng vũ trang. Tinh thần tranh đấu vì tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn không suy giảm. Các tù nhân lương tâm trong các trại tù luôn kiên định tinh thần vì dân chiến đấu, vì nước hy sinh. Trong các trại tù, đã và đang có nhiều tù nhân lương tâm tuyệt thực để phản đối bản án, phản đối chế độ hà khắc của nhà tù. Trường hợp tuyệt thực của Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Thị Bích Khương, Đặng Xuân Diệu, Đinh Nguyên Kha, Trần Thị Thúy, Lê Thị Phương Anh, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân ... Đã đánh động lương tâm nhân loại. 

Tinh thần quốc gia dân tộc ở Việt Nam hiện nay cần phải được soi sáng bằng những ngọn đuốc công lý thắp lên từ mỗi trái tim Việt Nam còn thiết tha về giang sơn tổ quốc, về đạo đức nhân văn của một dân tộc được khai mở và xây dựng bởi những con người dám vì nướ hy sinh. 

Mùa Xuàn dẫu có về trên quê hương, những hàng cây xanh bị đốn ngã, những di tích văn hóa sử bị đập phá, những thuần phong mỹ tục bị triệt tiêu không thể phục hồi. Mọi đổ nát của đất nước, mọi rối loạn của xã hội, mọi băng hoại của đạo đức cần phải được chấm dứt với quyết tâm của toàn dân trong cuộc chiến đấu diệt trừ tập đoàn cộng sản. Còn cộng sản, tinh thần tự chủ quốc gia không tồn tại, quyền làm người không thể thực thi. 

Trong nồng ấm của đất trời, trong tình thương nhân ái, hàng triệu người Việt lưu vong xin chung chia nỗi đau của những tù nhân lương tâm, nỗi uất hận của toàn dân đang chịu sự cai trị hà khắc và tàn độc của tập đoàn cộng sản Việt Nam. Xin ơn trên và hồn thiêng tổ quốc phù trợ cho cuộc đấu tranh của một dân tộc bị tước bỏ quyền làm người, sống đau thương trên chính quê hương của mình. 
Nguyện cầu cho quốc thái dân an trong mùa Xuân mới. 

Cao Nguyên 
Washington.DC - Feb 3, 2015 



Voice On Air -  Chủ đề Việt Nam Ngày Nay 
https://app.box.com/s/80ra73nthibse5q13gv6703ro7ymm067

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Sinh Ngày Ba Mươi Tháng Tư




Con sinh Ba Mươi Tháng Tư 
đúng ngày cha bước vào tù khổ sai 
tiễn cha, mẹ nén thở dài 
sợ buông tiếng nấc mệt nhoài thân con


Cha đi bước lặng bồn chồn 
mẹ khô mạch sữa, con tròn tuổi không 
lúa nào xanh giữa máu ròng 
còn ai đi kiếm xác chồng giữa đêm?


Mẹ nuôi con nặng truân chuyên 
oằn vai quang gánh, ưu phiền riêng mang 
ngày đời khổ nhục dọc ngang 
đêm tình thao thức ru con vào đời


Cha về quá tuổi thôi nôi 
mừng con biết lớn theo lời mẹ ru 
ngẩng đầu đi giữa dòng đời 
bước qua khắc nghiệt cố cười làm vui


Nay con bốn mươi tuổi rồi 
đang ngồi nhớ lại những lời mẹ ru 
và lời cha nhắn trong tù 
viết thành bi khúc gởi người ngàn sau !


Cao Nguyên

Tiếp Bước


"Tâm thơ gởi người Bạn Trẻ 
mừng mai vào lễ xuất quân"


@

Tráng khúc thơ treo đầu súng 
chân còn vững nhịp Quân Hành 
trăng soi hồng bia đá dựng 
sao ai nói núi sông buồn !


Khắp nơi vang lời hy vọng 
Việt Nam Tổ Quốc Vinh Quang 
Tuổi Trẻ vươn vai Phù Đổng 
sao ai nói mộng xưa tàn !


Từ trong màn đêm bi hận 
vùng lên theo nắng Xuân về 
điệu kèn giục theo trống trận 
cùng đi nối mạch tình quê !


Tâm thơ gởi người Bạn Trẻ 
mừng mai vào lễ xuất quân 
nối bước tiền nhân ngạo nghễ 
lên đường bảo vệ Quê Hương !


Cao Nguyên
@
phổ nhạc & trình bày Dzuylynh 
album Việt Nam Minh Châu Trời Đông 

Người Quân Nhân Quân Lực VNCH

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

THÁNG BA GÃY SÚNG

Đối Diện



“Mỗi con người bắt buộc phải một lần đối diện” 

Đó là câu kết của của Ấu Tím viết về “Cao Xuân Huy – vài mẫu chuyện” đăng trên tạp chí Nguồn số 51/Xuân Tân Mão 2011.
Những mẫu chuyện đời, không riêng của Cao Xuân Huy mà có cả những người trong truyện nghe kể chuyện về mình . Bởi họ cùng một thời trước và sau “Tháng Ba Gãy Súng”. Nên mỗi trang giấy lật qua, nghe có tiếng gào của thép vỡ, nghe cả hơi thở cuối của bạn mình. Mới thấp thoáng đó mà đã xa hút hơn bốn mươi năm. Niềm đau không chịu biệt tàn, vẫn lởn vởn xoay tròn trước mặt .
như vừa mới ngã mũ chào
mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
ngựa giòn gõ vó bôn qua
bụi hồng sương quyện khói nhòa mắt cay

Người đi buồn rạn chân mây
nhạc tình giao phối Chương Đài phù vân
nghiệp duyên quá cuộc hồng trần
kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi
rượu còn sóng sánh ngang ly
mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ
đành ta rót rượu vào thơ
mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm!
(giao thức / Cao Nguyên)
Mỗi câu chuyện của Cao Xuân Huy làm sống lại từng đoạn đời của một thời bão lửa, kể cả lúc mình đứng giữa ngục tù hoặc sống kiếp lưu vong . Ai đó bảo hoài niệm chi những tang thương! Không, với chúng tôi, đó là những hoài niệm đẹp, sau tang thương còn sinh động và sáng chói tình người, tình đồng đội trong cuộc dấn thân vì Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm .
Chúng tôi đã gãy súng, nhưng Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm vẫn còn. Không còn súng, chúng tôi chiến đấu bằng cây bút với chút tâm huyết còn sót lại. Để còn xứng đáng được con cháu gọi tên mỗi khi nhắc chuyện sơn hà . Bởi chữ nghĩa cũng có sức mạnh xuyên phá những tư duy bẩn chật, những thù hận cực đoan chủ nghĩa, những khối óc vong bản, những hoang tưởng lợi danh … đã ăn gian, trục lợi cả mồ hôi, nước mắt và xương máu của chiến hữu và đồng đội của mình.
Tất cả người kể và người nghe chuyện đang ngắm lại mình đã đi qua hành trình giữ nước, có thương yêu cười rạng rỡ, có vụn vỡ khóc lệ nhòa ! Hiện cảnh ngỡ đã xa mà chuyện kể bày ra trước mặt đến nao lòng.
Có buồn mà sảng khoái, thế mới lạ. Cái sảng khoái là còn được ngồi bên nhau với bạn cùng thời, cùng tâm chí mà kể chuyện bất kể ngoại nhân nhìn những tửu sĩ vỗ bàn Đ.M … đời, sau khi ực trọn một cốc rượu cay. Trong cơn chếnh choáng thế thời, tửu sĩ vỗ bàn như vỗ đỉnh càn khôn để nghe tiếng khua hổ lốn của trần ai về nỗi nhục vinh rớt vào hố thẳm. Giữa mỗi quãng lặng yên, tửu sĩ thèm uống rượu Hồ Trường, xem chinh nhân mài kiếm dưới trăng.
Ôi! Ta muốn nhập cuộc quá chừng, để uống cạn cùng bạn những giọt tri âm, rồi chen lời cuồng ca:
ca ư!
hề! khúc cổ sầu
lợi danh hư ảnh, công hầu huyễn mơ
cuồng ư!
hề! vọng nguyệt lầu
thuyền quyên chạm bóng, lòng đau tử thành
tình ư!
quan họ giang đầu
trù ca vỡ phím, bạc câu giao hoàn
đời ư!
hông thủy càn khôn
mồ hôi thắm máu quyện chung lệ hồng
(cuồng ca / Cao Nguyên)
Bạn ngó ta, chạm mắt xuyên đêm. Ta khều mặt trời hóa rượu để đáp lễ tri giao .
rót tràn đêm, rượu mặt trời
uống đi người hỡi một đời mấy khi
say quên mặt đã lầm lì
biết ta chưng hửng đã đi vào đời
uống đi, say nhé người ơi
giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
nóng ran như vết đạn găm
tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!
(rượu mặt trời / Cao Nguyên)
Ơi những người bao năm cũ, hồn ở đâu cả rồi! Phải chăng như lời sử thi “hồn tử sĩ gió ào ào thổi” khi hình tượng người chiến sĩ bị thù hận và đố kỵ đánh gục trên chiếc bệ tôn vinh nơi nghĩa trang quân đội ?
Súng gãy, hinh tượng gãy chỉ là bề mặt của sử thi. Còn sự gãy vỡ của tâm thân đồng đội đang sống lưu đày giữa quê nhà, hay nơi cõi lưu vong đã vực ta đứng dậy vung bút đâm vào mọi ngụy trá của thế gian:
ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá
những di thư viết bởi mực sơn hà!

ta muốn nghe trong điệu kèn ly biệt
có niềm tin mãnh lệt cuộc hồi sinh!
(lộng bút / Cao Nguyên)
Dẫu chiến bào đã cháy, súng đã gãy, khi còn cây bút trong tay, ta vẫn vỗ ngực tự hào nói với bọn ngụy trá rằng: đời nhờ có bọn ta không gian mới hừng hực sáng ánh thép khua trăng, rượu mặt trời pha lệ đỏ. Nhờ có bọn ta khinh miệt lũ vong ân mà chúng tìm trong thù hận học được lời sỉ vả những kẻ tự bứt tim mình hiến dâng cho Tổ Quốc! Chẳng tin ư? Kẻ vong ân cứ nhập vào đoàn lữ hành du ca hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để thấy nỗi thẹn mình lớn biết chừng nào.
Này hát đi:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua , cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam , triệu con tim này còn triệu khôi kiêu hùng
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ / Nguyễn Đức Quang)
Từ thuở nọ đến nay ta vẫn là người hàn sĩ, nhưng rượu vẫn lưng bầu chờ đãi bạn, vắt cạn giọt sầu, kháo chuyện trầm thăng. Ta cũng kẻ mặc ngôn, nhưng chữ nghĩa vẫn còn hưng phấn, chạm nhẹ vào tâm ý tri âm là thoát bay vào cõi bềnh bồng non nước. Thời nay, vãi chữ lên trời cũng là một lạc thú, được dàn trải tâm tư vào vũ trụ đời. Mặc kẻ ngắm thuận lòng bảo lời chí phải, hay người xem phật ý phán nghĩa ngạo cuồng. Chỉ vì ta cũng muốn chữ ta “như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”!
Mỗi con người bắt buộc một lần đối diện. Một định đề thật hay. Đối diện với chính mình hay đối diện với sự chết mà dửng dưng, cũng khó như kẻ sĩ đối diện với bạo quyền mặt không biến sắc. Phải không trân trọng quá về mình, mới thấy đời nhẹ như lông hồng phất phới bay theo cơn gió vào vô định. Bởi nó là vật thể của ảo ảnh, như cuộc đời của phù du, như chinh nhân đã quên cái ta giữa hiện hữu thiêng liêng của núi sông cưu mang hồn dân tộc.
Ta đang đứng trong lũng chiều vàng quan ngoại, thỉnh thoảng thấy một chiếc lông hồng quen thuộc bay qua - mà lẽ ra nó đã bay trên miền quan nội từ mùa hè đỏ lửa hay từ mùa xuân hồng thủy – Nhờ có kiếp lưu vong mà đèo bồng thêm mấy độ xuân thì. Nên bay muộn hơn giữa trời mặc tích!
Chiếc lông hồng Cao Xuân Huy vừa bay qua, chiếc lông hồng Nguyễn Đức Quang cũng vừa bay qua. Nhẹ hều thân đời, nhẹ hều danh lợi. Cái chớp mắt nhìn chính mình bay thoát qua khung cửa hẹp cuộc đời vào cõi vô hằng đẹp vô cùng. Giữa chập chùng sương khói, thấy lòng ưu ái của bạn bè còn nấn ná trong quán gió, uống rượu thấm lời chuyện kể. Ngẫu hứng nâng đàn hát khúc tâm ca, là hạnh phúc vô tận của tình người.
Hôm nay ta thèm hát vang vang dưới ánh mặt trời như hồi đó ta thèm thét lên trong bóng tối ngục tù gọi đời tự do, gọi tình thân ái. Ta cũng thèm kể cho con cháu ta nghe mẫu chuyện về mẹ và bà của nó vượt ngàn dặm xa chập chùng sông núi vỡ giữa mùa đông rét buốt để thăm chồng bị giam cầm giữa núi rừng Việt Bắc:
gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!

nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!
em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con - Thế gới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
(nhớ đông xưa / Cao Nguyên)
Góp chuyện ta, chuyện người hỏa táng, tàn tro bay lãng đãng chuyện tử sinh.
Mốt mai ta cũng nhìn ta bay khi phải đối diện một lần cuối phận người, mỉm cười nhìn chiếc lông hồng biệt thế.
Ta tự rót cho mình cốc rượu từ bầu rượu còn lưng ngồi độc ẩm. Tiếc là không có bạn ngồi bên để vỗ bàn Đ.M…đời nghe sảng khoái . Đành nhịp trên phím chữ gõ thêm một trầm khúc vãi lên trời .
Cám ơn Ấu Tím, đã mớm nghĩa cho chữ ta bật dậy như cây cỏ cám ơn vạt nắng xuân khơi mầm cây trỗ mùa xanh.
Cao Nguyên


Sàigòn! Tạm Biệt Em

Tháng Tư Nỗi Đau Còn Đó

Tháng Tư Còn Đó Nỗi Buồn


Đang giữa Tháng Bảy mà nói chuyện Tháng Tư là không thuận với cảnh.
Bầu trời Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn chiều cuối tuần thật đẹp. Nắng dịu và gió nhẹ, đủ sức an tâm cho những người khách cao niên trên đường đến dự buổi giới thiệu tác phẩm Black April của tác giả George J. Veith, được tổ chức tại trụ sở Hội Người Việt.

Black April ! Lại Tháng Tư Đen giữa lòng Tháng Bảy! Vậy mà cũng thuận lòng người hoan hỉ đón nhận. Có phải mảng quá khứ đau thương của vận nước cưu mang giữa lòng người dân Việt chẳng thể nào dứt khỏi cuộc đời chính họ đã trải qua từ ngưỡng cửa tử thần, đến cửa những trại giam và nông trường lao động khổ sai?
Không! Không thể nào hằng triệu người dân Việt còn trong nước hay đang lưu vong quên được Tháng Tư Đen tàn khốc đó! Tháng Tư của máu và nước mắt, khi sinh mệnh của đất nước và con người bị bứt tử. Bốn mươi năm đã qua, nhưng tiếng gào thét của sự bức tử còn âm vọng mãi mãi trong tâm trí mọi người. Vết thương tâm linh luôn rướm máu, máu của chính mình, của đồng đội, của đồng bào ruột thịt miền nam Việt Nam.

Black April của Veith là tập hợp những nguồn máu đó chảy râm ran qua suốt tháng năm dưới hóa thân những giòng lệ đỏ!
Nếu những trang sử của Việt Nam Cộng Hòa được ghép bởi những di ngôn uất hận. Đời con cháu sau này sẽ hiểu được tinh thần của những chiến binh chiến đấu bảo vệ tự do và dân chủ cho một dân tộc đáng được trân quí như thế nào. Và cũng đáng được truy nguyên những chiến công của họ.

Mỗi đánh giá về từng đoạn đường của lịch sử một dân tộc, cũng giống như sự đánh giá từng tác phẩm viết về dòng lịch sử đó, cần được phát biểu bằng ngôn ngữ của con tim chân chính được nuôi lớn bởi nguồn sống nhân bản . Mọi chất liệu đấu tranh chống cái ác được phơi bày dưới ánh sáng mặt trời luôn là hiện thực .
Black April là một sân phơi những chất liệu đó . Qua sóng gió cuộc đời, qua trầm thăng thế cuộc, những chất liệu trung thực này sẽ được đặt trong bảo tàng lương tâm của nhân loại. Mọi tham vọng và ý đồ khuynh đảo quốc gia sẽ phải trả giá bởi chính lương tâm của họ.

Trở lại với buổi giới thiệu tác phẩm Black April, tại hội trường của Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn, chiều Chúa Nhật 12 tháng 7 năm 2014. Cảm nhận của tôi đầy những bồi hồi . Bồi hồi qua các giải trình từ tác giả và các diễn giả về nội dung những chương quân sử của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào những năm cuối của cuộc chiến đầy những ấn tượng bi thương!

Bồi hồi vì sự cảm Kích tinh thần chiến đấu của một tập thể quân đội chỉ biết tiến chứ không lùi bước trước kẻ thù cọng sản xâm lăng. Bồi hồi vì được gặp lại vài vị chỉ huy từ tham mưu đến chiến trường, mà qua những năm quân vụ tôi đã có dịp diện kiến và phục lệnh. Bây giờ tôi được gọi những cấp chỉ huy này là niên trưởng.
Đặc biệt, với Trung Tướng Lữ Lan, một thời là Tư Lệnh Quân Đoàn II, nơi tôi đã phục vụ lâu nhất và có nhiều kỷ niệm nhất trong suốt thời gian binh nghiệp. Hôm nay được nhìn ông còn sức khỏe khang trang, tôi rất vui. Vui cả những đoạn phim thời sự của thập niên 60 nơi vùng cao nguyên đầy lửa đang khởi hiện trong tiềm thức tôi. Những đoạn phim hùng tráng với những trận thư hùng oanh liệt của những đơn vị dưới quyền ông đối lực với quân đội cọng sản Bắc Việt trên khắp lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật.

Những thước phim tài liệu về quân sử Quân Đoàn II/QL. VNCH mãi còn đó . Những quyển sách như Tháng Tư Đen của George J. Veith mãi còn đó. Như những dấu tích đau thương mãi còn đó trong tâm khảm mỗi người dân miền nam Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh bảo vệ quốc gia, chống lại sự xâm lăng của tập đoàn quân cộng sản Việt Nam và các thế lực đồng lõa.
Người viết sử đừng bao giờ nói dối
Trước trăm nghìn câu hỏi của hồn oan!
Tôi đã viết những lời thơ như vậy, để cảnh tỉnh những người mon men vào con đường viết sử với những xảo ngôn, vong bản và xu thời. Khỏi phải ân hận trối trăn khi cuộc đời đi vào cõi đất!
Sau khi chấm dứt phần giải trình về tác phẩm Black April. Tôi đến mở lời chào niên trưởng Lữ Lan với vài gợi nhớ, ông niên trưởng Lữ Lan và tôi bắt tay với nụ cười thân mến trao nhau cùng những câu tâm tình huynh đệ chi binh.
Do yêu cầu, tôi có một tấm hình lưu niệm với ông niên trưởng được thực hiện bởi chính ái nữ của ông – Lữ Anh Thư. Đúng là Lữ Anh Thư, một cái tên mà nhiều người biết đến qua các chương trình Lịch Sử và Xã Hội Học tại các trường học Miền Đông Hoa Kỳ .

Tiếp sau sự diện kiến thân tình với niên trưởng Lữ Lan, tôi đến làm quen với một người Mỹ, ông Merle L. Pribbenow – người bạn đồng hành với Veith - tác giả Black April. Merle nói thông thạo tiếng Việt, nên lời mở đầu của tôi được đón nhận với lòng cởi mở. Tôi cảm ơn Merle về sự thấu hiểu tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam suốt hai mươi năm chiến đấu chống giặc bắc phương . Lời cảm ơn đơn giản với sự cảm thông lẫn nhau, được ghi nhận qua tấm hình chụp chung với nụ cười chưa thỏa của tôi và cái mím môi của Merle.

Trong dịp này, tôi gởi tặng Lữ Anh Thư, Veith và Merle tập thơ Thao Thức của tôi, với ý muốn được gởi chút tâm tư của một trong hằng triệu chiến binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa có mặt trong Tháng Tư Đen. Và hơn thế, là sự mong cầu tâm tư thao thức được thẩm thấu vào tấm lòng tuổi trẻ Việt Mỹ có lưu tình tri thức Việt Nam.
Nhân đây, xin được cảm ơn giáo sư Nguyễn Ngọc Bich, chị Trương Anh Thụy của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông. Cảm ơn quí vị trong ban tổ chức đã thực hiện cuộc hội ngộ khó quên với cả chữ nghĩa và nhân vật trên những trang sử liệu và trong buổi giới thiệu Black April – The Fall Of South VietNam!

Trân trọng,

Cao Nguyên
Washington.DC – July 12, 2014 

Quốc Hận 30 Tháng 4 năm 1975

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Lễ Khai Mạc Ngày Chiếu Film "Ride The Thunder" (Cưỡi Ngọn Sấm)

Giấc Mơ Một Đời Người



 
Nhạc sĩ Văn Cao, một trong những người đi tiên phong trong phong trào tân nhạc Việt Nam, qua đời vào lúc 4 giờ sáng, giờ Việt Nam, thứ Hai 10.7.1995 tại bệnh viện Hữu  Nghị, Hà Nội, thọ 72 tuổi. Tang lễ được cử hành vào thứ Tư 12.7.1995 tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
 
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại Hải Phòng ngày 15.11.1923, trong một
gia đình tiểu công chức. Ông học nhạc tại trường trung học Saint Joseph nhưng vì nhà
nghèo nên sau đó phải bỏ học để đi xin việc làm, tuy vậy được một tháng thì bỏ việc.
 
Sáng tác đầu tiên của Văn Cao là bản Buồn Tàn Thu ra đời vào năm 1939, được nhạc
sĩ Phạm Duy sau đó hát trình diễn khắp nơi. Thời kỳ sáng tác mạnh nhất của ông được
đánh dấu bằng những nhạc phẩm Thiên Thai 1941, Bến Xuân 1942, Cung Đàn Xưa
1943. Đặc biệt là bản Tiến Quân Ca 1944 đã được chọn làm quốc ca, một năm sau
khi ông Hồ Chí Minh tuyên bố lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn những bản
tình ca của Văn Cao đã bị Hà Nội cấm kể từ cuối những năm 1950.
 
Vì có liên hệ đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao bị thất sủng. Mãi đến năm 1986,
lần đầu tiên một Đêm Văn Cao mới được tổ chức tại Sài Gòn, đánh dấu sự phục hồi
các bản tình ca của ông, một cách chính thức.
 
Ngoài việc sáng tác nhạc, Văn Cao còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất với bài trường
ca Những Người Trên Cửa Biển có tính chất phê phán xã hội.
 
Đầu năm 1995, có người trao cho tôi một cuốn video mà tôi mong đợi đã từ lâu. Cuốn băng về Văn Cao: "Giấc Mơ Của Một Đời Người". Từ bữa ấy tới nay, đã hai, ba lần xem đi xem lại cuốn băng này mà lần nào xem xong tôi cũng không tránh khỏi thở dài. Một con người tài hoa như vậy, tâm hồn lớn lao như vậy, có đóng góp như vậy mà cuối đời, sao mà tẻ lạnh, buồn tênh. Một ông già lụm cụm, râu tóc bạc phơ, một mình trong gian phòng vắng, ngoài trời mưa bay, cây bàng khẳng khiu, những chiếc lá cuối cùng đã rụng. Văn Cao nhìn "cây bàng mồ côi mùa đông" trong khi chiếc đồng hồ trên tường không ngừng nghỉ, điểm những giọt thời gian tích tắc, tích tắc. Những tiếng tích tắc ấy vang lên mênh mông trong gian phòng vắng như một câu hỏi mơ hồ nhưng khắc nghiệt: đến bao giờ.
 
Đến bao giờ xuất hiện dấu chấm hết cho một đời người, bởi vì không ai tránh khỏi: con người sinh ra là để chết (l'homme, un être mortel). Những tiếng tích tắc ấy như những giọt cường toan nhỏ xuống lòng người.
 
Khi cuốn băng này ra đời (1994) Văn Cao đã bước qua ngưỡng cửa "thất thập cổ lai hi". Không nói ra nhưng hình như những người dựng cuốn băng này muốn thực hiện một khúc bi ca, viếng người còn sống: sợ không làm thì không kịp nữa, thời gian gấp gáp đuổi theo sau lưng. Cũng có thể những người thực hiện cuốn băng thấu hiểu cái lẽ "sinh ký tử qui" giống như người xưa, có tuổi rồi là sắm một "cỗ áo" để sẵn trong nhà phòng khi hữu sự. Hay là bắt chước mấy ông nhà Nho già ngày trước, thân với nhau đến độ làm sẵn những câu đối sinh vãng (làm sẵn từ khi còn sống) để lỡ khi bạn mình nằm xuống thì đã có sẵn câu đối, cứ thế mà treo lên. "Người sắp chết nói lời khôn - Chim sắp chết tiếng kêu thương" xem cuốn phim video này nó thảm, nó buồn là vì vậy. Ở Úc này, nghe nói có loài chim thorn bird (cũng như có cuốn tiểu thuyết lừng lẫy The Thorn Bird). Giống chim này hót hay nhất, thê thiết nhất, tuyệt vời nhất khi chiếc gai nhọn đâm thấu vào tim, máu chảy tràn trề. Máu trong tim vừa cạn thì khúc bi ca cũng vừa chấm dứt.
 
Cái cảm giác thảm thê, rờn rợn khi xem cuốn video này của tôi đã dự báo đúng. Văn Cao, con chim thorn bird Việt Nam đã mất vào tháng 7 năm 1995. Những người yêu mến Văn Cao đã kịp thời thực hiện cuốn băng này trước khi không còn kịp nữa.
. . . . . .
 
GẶP GỠ VĂN CAO
 
Đầu thập niên 40 tôi là một anh học trò mới lớn, tuổi mười lăm mười bảy. Thời kỳ ấy tôi thuộc nằm lòng Thăng Long Hành Khúc của Văn Cao: "Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng. Trông khói sương chiều ám trên giòng sông". Tôi cũng bắt đầu say mê Buồn Tàn Thu với lời đề tặng đáng ghi nhớ của tác giả trên đầu bài hát. "Thân tặng Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn". Lúc bấy giờ Phạm Duy đang đi theo các đoàn cải lương suốt từ Bắc vào Nam và ngược lại. Giữa hai màn cải lương, Phạm Duy ôm đàn ra hát ..."Đêm tàn thu tới, nghe mùa đông đang rớt rơi theo lá vàng. Em ngồi đan áo. Lòng buồn vương vấn. Em thương nhớ chàng." Lối hát ấy, thời bấy giờ gọi là entre-scènes. Và Phạm Duy cho tới nay vẫn tự xưng là một kẻ hát rong, chính đã bắt đầu như vậy.
 
Cách mạng tháng tám bùng lên. Như một trò chơi hấp dẫn, người học trò mới lớn ném cả tâm hồn và thể xác vào cuộc đấu tranh dành độc lập cho xứ sở. Văn Cao lúc ấy nổi lên rực rỡ như một khuôn mặt điển hình của thanh niên. Vừa mang súng lục làm trưởng ban ám sát thành (Tô Hiệu - Hải Phòng) vừa là nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc đấu tranh cách mạng: Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng, Hải Quân Hành Khúc, Không Quân Hành Khúc, Bắc Sơn v.v...
 
Không những thế con người cách mạng ấy còn là tác giả những khúc tình ca ngây ngất: Suối Mơ, Thiên Thai, Đàn Chim Việt, Trương Chi.
 
Cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ ... Văn Cao là một nhà sáng tác lừng lẫy. Phạm Duy lúc bấy giờ là một ca sĩ hàng đầu, được yêu mến khắp mọi nơi ...
 
. . . . . .
 
 
Một hôm ông anh tôi mới hỏi tôi "Muốn đi gặp Văn Cao không?" Thời kháng chiến 9 năm, Văn Cao là một tên tuổi lẫy lừng khắp nước, ai mà không hát Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng ... ai mà không ngâm ngợi "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối ..." Cho nên tôi nao nức đạp xe theo ông anh tôi liền. Từ quê tôi qua Thạch Thất tới Cầu Trò rồi theo đường liên tỉnh (lúc đó đã phá hoại, đào đường kháng chiến ngang dọc khắp nơi, nhưng xe đạp vẫn còn đi được) lên thị xã Sơn Tây. Từ Sơn Tây qua Quảng Oai lên bến Trung Hà. Ở đây phải đi đò qua sông Cái (sông Hồng) sang một thành phố ngã ba bên kia sông: Việt Trì. Ngày xưa chỗ này gọi là Ngã ba Hạc. Việt Trì là một thành phố trại lính. Thời Pháp thuộc có hẳn một binh đoàn lê dương (légion Việt Trì) trấn đóng khu vực chiến lược này. Đây là địa đầu của trấn Sơn - Hưng - Tuyên trong yếu ngày xưa (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên - Quang).
 
Sang đến bên kia sông, ông anh tôi đi tìm một người bạn "thổ công" ở miền đất này. Đó là nhạc sĩ Lưu Bách Thụ, tác giả Con Thuyền Xa Bến. "Theo gió thuyền xuôi, sóng đưa bèo trôi". Theo ông anh tôi kể lại, Lưu Bách Thụ nguyên là lính kèn ở thị trấn này. Bây giờ ông không thổi kèn la vầy tò te, tí tét nữa mà ông sáng tác nhạc cải cách và trở thành ông bầu văn nghệ của Việt Trì.
 
 
Hôm nay, Ca kịch Giải Phóng đoàn văn nghệ đầu đàn thời ấy, gồm những khuôn mặt lớn như kịch sĩ Song Kim (bà Thế Lữ), Phạm Văn Đôn (kiêm họa sĩ, nhạc sĩ), các ca sĩ Phạm Duy, Mai Khanh, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung sau này), nữ ca sĩ Thương Huyền, Hoàng Oanh (Hoàng Oanh xưa ở Hải Phòng không phải Hoàng Oanh bây giờ) v.v...
 
Văn Cao ngoài tư cách là nhạc sĩ sáng tác còn kiêm nghề tiền đạo diễn (élément précurseur) đi trước một bước để sắp xếp nơi diễn và lo liệu nơi ăn chốn ở cho đoàn kịch. Đoàn chưa đến nhưng Văn Cao đã có mặt trước ở Việt Trì. Tôi theo ông anh và nhạc sĩ thổ công Lưu Bách Thu tới một quán nước ven bờ sông. Ở đó tôi gặp một người đàn ông còn trẻ chừng 24, 25 tuổi nhưng có vẻ muốn làm già đi với cái mũ nồi sụp trước mắt và chiếc pipe phì phà khói. Người thanh niên này không đẹp trai, phải nói như vậy, nhưng có một phong cách khác người, một vẻ tự tin đặc biệt. Ông anh tôi khẽ nói với tôi "Văn Cao đấy". Đến lượt tôi tiến tới bắt tay, anh tôi bỏ nhỏ "Cậu em tôi ở quê nhà, muốn được gặp Văn Cao". Người thanh niên không nói gì chỉ giơ tay bắt, con mắt nheo lên một nét cười thầm lặng.
 
Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một anh "nhóc" mới lớn lên, 19 tuổi, nên ngồi lặng im nghe các đàn anh chuyện vãn. Một lát sau, bún riêu, cà phê xong xuôi, ông anh tôi và Lưu Bách Thụ vội vàng đi vì nghe tin thuyền buồm chở đoàn kịch đã tới. Chỉ còn Văn Cao và tôi ngồi lại. Văn Cao vẫn không ngớt phì phà khói pipe. Tôi rụt rè nêu câu hỏi: "Dạo này, hát bài của anh sướng quá. Từ các bản cách mạng Tiến Quân Ca, Bắc Sơn sang các bản trữ tình suối Mơ, Thiên Thai. Dạo năm ngoái triển lãm tranh Cách Mạnh tháng 8 ở Khai Trí Tiến Đức còn thấy bày tranh của anh nữa. Rồi thơ "Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc". Văn Cao giơ tay như muốn ngắt lời tôi "Tôi hiểu ý của bạn rồi. Có phải bạn muốn hỏi rằng tôi rồi đây sẽ nghiêng về địa hạt nào?" Tôi gật đầu, đồng ý. Văn Cao nói tiếp "Tôi sống với cả ba, nhưng thời kỳ qua có thể gọi là thời kỳ nhạc, thời của Cách mạng, của kêu gọi, của đám đông. Đến một lúc nào đó, con người phải quay về với nội tâm mình, có lẽ thời kỳ đó đối với tôi là thời kỳ thơ, thời kỳ họa."
 
Với lại về nhạc, dạo này có một người bạn tôi, mới sáng tác nhưng anh ta có một sensibilité kỳ lạ (tôi còn nhớ nguyên chữ sensibilité nói rât trang trọng của Văn Cao) - Người ấy là Phạm Duy ...
 
Thành phố trại lính Việt Trì cũng như các thành phố khác lúc bấy giờ đang tiêu thổ kháng chiến. Một rạp hát đã phá bỏ mái, không còn tường bao xung quanh, nhưng sân khấu vẫn còn. Buổi trình diễn của đoàn ca kịch Giải Phóng cho quân, dân, chính Việt Trì được tổ chức trong nhà hát ấy. Không có ghế, mọi người phải ngồi xổm xuống sàn mà coi. Có kịch "Trả con tôi đây" do những kịch sĩ danh tiếng một thời trong ban kịch Thế Lữ thủ diễn. Có đơn ca của Thanh Huyền "khi bước đi vó câu xa xa dồn bao nhớ thương". Có tam ca Hòn Vọng Phu I do Phạm Duy - Mai Khanh - Thương Huyền trình bày. Có những bài hát hài hước "Con vỏi con voi cái vòi đi trước", "Con mèo mày trèo cây cau" của Nguyễn Xuân Khoát do giọng ca trầm ấm và dí dỏm Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) diễn tấu. Có đơn ca của giọng hát đang được yêu chuộng nhất lúc bấy giờ Phạm Duy. Ca sĩ đêm nay hát bài của anh vừa sáng tác xong: Chiến sĩ Vô Danh. Anh đã cúi đầu chào khán giả và định rời sàn diễn thì một tiếng hô không biết của ai vang lên "Trương Chi mới, Trương Chi mới".
 
Những tiếng hô tiếp nối Trương Chi mới, cùng tiếng vỗ tay từng chập nổi lên. Hồi đầu thập niên 40, Văn Cao đã sáng tác một bài Trương Chi. Bài hát chưa được phổ biến rộng rãi, mới được lưu hành hạn hẹp trong một số người thân quen với tác giả. Nhưng giờ đây sau Cách mạng tháng 8, 1945 Văn Cao sáng tác một bài Trương Chi khác, được coi là một thành tựu mới. Bài Trương Chi này chưa được chính thức phát hành; nó là bài hát đang được kiếm tìm, đang được ưa chuộng của người thưởng ngoạn. Cùng một lúc với những bài hát Cách Mạng sục sôi như Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng, Bắc Sơn, Không Quân, Hải Quân ... Người ta còn tìm thấy nơi Văn Cao một nguồn suối những bàn tình ca thần thoại: Bến Xuân, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi ... Người ta bàng hoàng ngơ ngẩn, choáng ngợp trước tâm hồn giàu có và đa dạng của tác giả.
 
Phạm Duy người ca sĩ thời danh đã ôm guitare bước ra tiền trường sân khấu. Mắt kính trắng loáng lên trước ánh đèn "măng xông". Anh nghiêng đầu, tay vuốt nhẹ một arpège dẫn vào khúc dạo của Trương Chi. Cả thính phòng im phắc. Chỉ nghe một tiếng hát không phải từ cuộc đời này mà từ một tiền kiếp xa xôi nào vọng lại:
 
"Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
 
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ ..."
 
BẾN XUÂN
 
Đối với anh em văn nghệ, buổi trình diễn đầu năm 1947 ở Việt Trì chỉ là "công tác". Cuộc gặp gỡ sau khi trình diễn mới là đáng kể. Chiến tranh toàn quốc mới nổ ra mấy tháng, nhưng súng đạn làm cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường kháng chiến thêm đậm đà ý nghĩa. Chỉ mấy tháng thôi nhưng Hà Nội - Hải Phòng đã thấy vời vợi xa. Vùng ánh sáng mờ mờ kia đó là Hà Nội, nhưng đâu còn về được. "Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài" (1). Trong cơn mưa đêm lấm tấm của một mùa xuân muộn, mấy người bạn văn nghệ tìm đến nhau. Nhạc sĩ "thổ công" Lưu Bách Thụ và cũng là "khổ chủ" đưa mấy người bạn thân đi khoản đãi riêng. Trong một căn phòng nhỏ còn lại của một nhà khách địa phương đang phá hoại dở, mọi người tụ tập, uống rượu mía đặc biệt Quảng Oai, ăn cháo gà. Căn phòng nhỏ lù mù dưới ánh đèn dầu hỏa chỉ có dăm bảy người chen chúc. Có Văn Cao, Phạm Duy, Thương Huyền, Hoàng Oanh, khổ chủ Lưu Bách Thụ và ông anh tôi, Trần Ngọc D. Tôi may quá được "ăn theo".
 
Trong số các khuôn mặt hiện diện theo lời ông anh tôi cho biết, đáng lưu ý nhất là nữ ca sĩ Hoàng Oanh. Hoàng Oanh là một người đẹp "huyền thoại" của Hải Phòng. Ở đây có hai người Hải Phòng: Văn Cao và Hoàng Oanh. Đầu thập niên 40, Hoàng Oanh đã là nguồn cảm hứng để Văn Cao sáng tác khúc tình ca bất hủ Bến Xuân "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần ..." Đó là Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao trên bến đò Rừng. Có lẽ người đẹp chỉ đến một lần, rồi không đến nữa nên trong lời ca thứ hai của bài Bến Xuân, Văn Cao kể lể "Chiều nay tôi vẫn còn ngơ ngác. Em đến tôi một chiều. Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu".
 
Nàng không đến nữa, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. "Không có em, cõi nhân gian này hoang vắng" (un seul être vous manque, tout est dépeuplé) (2). Vì vậy nên Văn Cao sáng tác Bến Xuân như một hoài niệm xót xa và đẹp đẽ nói về một cuộc tình vừa mới nhen lên đã tắt.
 
Được biết người đẹp Hoàng Oanh sau đó đã lên xe hoa, về làm vợ một nhạc sĩ rất tiếng tăm thời ấy cũng ở Hải Phòng, bỏ lại Văn Cao, bỏ lại căn nhà "bên chiếc cầu soi nước". Nhưng "hồng nhan đa truân" người đẹp Hoàng Oanh vui duyên mới đâu được vài năm, người chồng, người nhạc sĩ tài danh vắn số kia tạ thế. Hoàng Oanh trở thành một góa phụ đa cảm đa sấu.
 
Chiến tranh toàn quốc, người góa phụ đi theo ban ca kịch, đi kháng chiến để phần nào nguôi ngoai quên sầu muộn. Theo con mắt tôi, một gã thanh niên vừa lớn thì Hoàng Oanh vẫn đẹp não nùng. Không phải là cái đẹp mơm mởn của tuổi dậy thì, mà là cái đẹp tròn đầy của một trái cây vừa chín tới.
 
Bữa ăn đêm ấm bụng thêm vào chất rượu đặc sản Quảng Oai, Sơn Tây, rượu mía ngọt lừ mà say lúc nào không biết. "Thổ công" Lưu Bạch Thụ tay cầm ly rượu ngất ngưởng đứng lên "Đêm nay, không ngờ lại được gặp Văn Cao và Hoàng Oanh ở đây, hai người con yêu của Hải Phòng mà cũng là hai nhân vật chính trong bản tình ca Bến Xuân bất hủ. Để mở đầu cuộc họp mặt văn nghệ thân hữu đêm nay, yêu cầu anh Phạm Duy hát lại Bến Xuân ..." Tiếng vỗ tay hưởng ứng vang lên trong căn phòng nhỏ. Trong khi Phạm Duy đi tìm cây đàn guitar tròng vào vai, Văn Cao cảm khái ngâm hai câu thơ dẫn nhập "Chiều nay run rẩy thơ đôi cánh. Một cánh chim xưa đến lạc loài". Lời thơ chìm vào âm điệu trầm buồn dìu dặt của cung Rê thứ. Phạm Duy bắt đầu hát:
 
"Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
 
Em đến tôi một lần
 
Bao cánh chim rừng, rập rờn trên khắp bến Xuân ...
 
. . . .
 
Dìu vai theo dốc suối mơ ven đồi
 
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
 
Tới đây sao thấy lòng ngập ngừng
 
Mắt em như dáng thuyền trên nước
 
Tà áo tung bay nghe thoáng nhẹ thẹn thùng ngoài Bến Xuân ...
 
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
 
Về đâu buồm nâu còn trên lớp sóng Xuân
 
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
 
Cánh nhạn vào mây thướt tha
 
Lưu luyến tình vừa qua ... "
 
Từ khi nghe bài Bến Xuân năm ấy đến nay đã gần 50 năm trôi qua. Ngày ấy tôi là một thanh niên vừa mới lớn mà bây giờ, tôi đã là một anh già "thất thập" ... Nửa thế kỷ ... thời gian đâu có ngắn nhưng mỗi khi nhớ lại bài Bến Xuân, tôi lại thấy suốt châu thân rờn rợn. Phạm Duy không phải là một giọng ca vàng, nhưng Phạm Duy hơn người ở chỗ anh biết nắm lấy cái "thần" của từng bài hát. Bài hát đã thấm vào tâm hồn ngây dại của tôi lúc ấy và ở lại đó y nguyên.
 
Ở trên đời này có biết bao nhiêu mối tình dang dở, nhưng đối với tôi không có cuộc tình nào dở dang, trữ tình, dìu dặt xót xa như Bến Xuân năm ấy. Có thể khung cảnh đặc biệt trong một đêm Xuân ở Việt Trì đã ghi khắc vào tâm hồn non dại của tôi những dấu vết không phai.
 
Hai người tình xưa gặp lại nhau trong một đêm xuân mưa bụi. Gặp nhau đây, bao kỷ niệm xưa bừng dậy nhưng ngày mai ... không hứa hẹn gì. Chiến tranh, đổ nát, chia ly. Kỷ niệm xưa càng đẹp, chia tay bây giờ lại càng đau xót. Bất giác tôi nhớ một câu thơ của J. Prévert "Moi qui t'aimais. Toi qui m'aimais. Mais la vie sépare ceux qui s'aiment" (Tôi yêu em và em yêu tôi, nhưng những kẻ yêu nhau thường bị cuộc đời chia rẽ).
 
 
GIẤC MƠ THÊ THẢM
 
Theo tôi nghĩ, một bài hát mà mình yêu thích thường đánh dấu một quãng thời gian, không gian nào đó, khắc ghi một kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Bài hát ấy, thời, không gian ấy, ca sĩ ấy ... tất cả tạo thành một dấu ấn không quên. Đối với tôi bài Bến Xuân là một vùng kỷ niệm của ngày đầu đi kháng chiến chống Pháp, có "giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến" có đôi người tình cũ Văn Cao - Hoàng Oanh gặp nhau rồi xa nhau, có bến giang đầu Ngã ba Hạc - Việt Trì thê thiết, có giọng hát thấm vào hồn người Phạm Duy. Nó cũng đánh dấu thời kỳ đầu đi kháng chiến của bao nhiêu lứa thanh niên kẻ trước người sau, nô nức đi vào ngày hội lớn.
 
Vào khoảng giữa năm 1947, ông anh tôi Trần Ngọc D. không "công tác" ở vùng Sơn Tây nữa, lúc bấy giờ thuộc khu 2, mà đi lên khu 10 tận Việt Bắc - Lào Kay mở một cái "quán biên thùy" ở miền biên giới Hoa - Việt. Tôi cũng không biết việc đó là buôn bán tư nhân hay là công tác nữa. Ông anh tôi lúc nào cũng giữ đúng qui luật, "bem" tuyệt đối. Chỉ biết là một bộ phận nhạc trong đoàn ca kịch Giải Phóng tách ra lên Lào Kay, trong đó có Phạm Duy ở quán Biên Thùy. Ít tháng sau, trong những lượt về thăm quê, ông anh tôi có mang theo những sáng tác mới của Phạm Duy như Bên Cầu Biên Giới, Thu Chiến Trường, Nợ Xương Máu v.v... Tôi bắt đầu nghĩ đến từ sensibilité (sự mẫn cảm) mà Văn Cao hôm nào trong quán nhỏ bên sông đã đặc biệt nói về Phạm Duy. Đây cũng là một khúc rẽ để Phạm Duy từ một ca sĩ chuyển sang phần đất chính của anh: sáng tác.
 
Bữa ở Việt Trì khi tôi từ biệt đoàn ca kịch Giải Phóng trở về Quốc Oai, Phạm Duy có chép tặng tôi bài Bến Xuân của Văn Cao có ký tên Phạm Duy mà tôi còn nhớ mãi nét phẩy cuối cùng của chữ Y trong chữ ký được Phạm Duy xoáy vòng trong vòng ngoài như một con ốc vặn. Sự lập dị của nghệ sĩ, sự "chơi trội" của một tài danh, không biết nữa, nhưng bản thân tôi giữ bài Bến Xuân này rât kỹ.
 
Theo tôi được hiểu, tình hình chiến sự không cho phép tổ chức một đoàn ca kịch lớn lao và cồng kềnh như đoàn ca kịch Giải Phóng. Chiến tranh du kích thì văn nghệ cũng phải du kích. Phải chia ra từng nhóm nhỏ, bám trận địa, bám nhân dân mà trình diễn. Chiếc thuyền buồm lớn chở đoàn ca kịch chỉ trình diễn thêm một điểm nữa ở Vân Đình là giải thể. Cho nên bữa chia tay ở Việt Trì hôm ấy không khí đã bâng khuâng. Thuyền đã nhổ neo rồi. Đoàn đã đi. Phạm Duy, ông anh tôi Trần Ngọc D. cũng đi theo đoàn kịch.
 
Trên bến Việt Trì, chỉ còn tôi ngồi lại với Văn Cao. Văn Cao nắm tay tôi khá chặt, không lặng lờ "cảnh vẻ" như lần trước. "Mình còn gặp nhau nữa chứ. À bientôt", anh nói vậy trước khi chia tay. Tôi đạp xe đi được một đoạn, quay lại nhìn thấy Văn Cao, cái mũ béret basque kép sụp xuống mắt đang đứng sững một mình trước bến Việt Trì chập chùng sông nước.
 
Anh hẹn "sớm gặp lại nhau" (à bientôt) nhưng trong chiến tranh, mấy ai giữ được lời ước hẹn. Sớm gặp lại nhau. Sớm là bao nhiêu lâu? Một vài tuần, một vài tháng, một vài năm? Ở đây là 50 năm, tôi mới được gặp lại anh. Mà không phải gặp Văn Cao bằng xương bằng thịt, mà chỉ gặp một hình bóng Văn Cao thấp thoáng trên băng nhựa. Văn Cao thật sự đã nằm yên trong lòng đất. Con chim thorn bird Việt Nam đã cạn khô giòng máu, tắt hơi rồi.
 
Mỗi khi xem cuốn băng Văn Cao, giấc mơ một đời người, tôi lại chìm trong kỷ niệm. Đặc biệt là bài hát Bến Xuân. "Tôi yêu thầm một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người con gái ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Nên mới có câu "Em đến tôi một lần". Tác giả Văn Cao đã dẫn nhập như vậy trước khi đi vào bài hát nhưng khi ca sĩ trình bày, nó không phải là Bến Xuân mà là bài Đàn Chim Việt. Bài Bến Xuân đã từng thấm vào tâm hồn tôi từ 50 năm về trước; đó là một bản tình ca diễm tuyệt, làm gì có "hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành", với "Bắc Sơn kia thời tung cánh". Hai người tình đi với nhau dưới nắng xuân đầm ấm, thì giờ đâu mà nhớ đến "mấy đồi Yên Thế". Không có Đàn Chim Việt nào bay từ Bắc sang Trung.
 
Bản tình ca dìu dặt Bến Xuân thời kỳ Cách Mạng 1946 đã được cải trang thành Đàn Chim Việt. Không biết sự cải trang này là do chính tác giả Văn Cao hay do nhà xuất bản muốn phục vụ đúng lúc, đồng thời tung ra một món hàng ăn khách. Chưa biết được. Phục vụ một giai đoạn Cách Mạng, hoặc là làm vừa lòng một phong trào thời thượng, mượn giai điệu Bến Xuân trở thành Đàn Chim Việt, tạm cho là được đi. Nhưng 50 năm sau thực hiện một cuốn băng video ghi dấu một chặng đường sáng tác của một tác giả lớn, có giá trị như một lễ vật viếng người còn sống thì không thể "nhập nhằng" như thế được.
 
Phải trả cho Caesar cái gì của Caesar, phải trả lại Bến Xuân cho cuộc tình đắm say và dìu dặt của Văn Cao. Tình ca là tình ca, bài ca Cách Mạng là bài ca Cách Mạng, không nên "nửa dơi nửa chuột" như thế. Nó vừa thất lễ với tác giả Văn Cao, mà làng âm nhạc VN cũng thiếu vắng đi một bản tình ca đặc sắc.
 
Không biết tôi có quá yêu bài hát Bến Xuân, quá yêu kỷ niệm của tôi hay không? Nhưng bữa nào gặp lại Phạm Duy (tôi hi vọng là gặp sớm) tôi sẽ xin anh hát lại Bến Xuân; chắc chắn, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, Phạm Duy vẫn sẽ hát "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần" ...
 
"Văn Cao Giấc Mơ Một Đời Người" tôi xem đi xem lại mấy lần mà lần nào cũng buồn hiu hắt. Nửa thế kỷ nay không gặp lại Văn Cao ... từ một thanh niên kiêu mạn, tự tin ngày nào anh đã trở thành một ông già đầu râu tóc bạc, lụm cụm chống gậy đi tìm dĩ vãng. Cái đổi thay thể chất không nói làm gì "Được là bao cái thân người, mà cay đắng trải mọi mùi thế gian" nhưng cái khiến tôi âm thầm ái ngại là cái tự tin, kiêu mạn ngày nào nơi anh đã mất. Tụi tôi một lũ người thua trận ở xứ tạm dung này cứ mỗi khi thời tiết đổi thay là lại ngóng về quê hương mà thở dài; anh ở quê nhà, lại là tác giả bài "quốc ca" mà cũng buồn bã, cô đơn như vậy hay sao?
 
Anh nói nào là "Tôi luôn luôn thất bại ... trong tình yêu." "Tôi muốn tìm lại trong giấc mơ những gì tôi đã đánh mất trong những ngày trẻ tuổi." - "Không nên sống với những gì mơ mộng - cuộc sống không đạt được" v.v... Anh là Lưu, Nguyễn từ Thiên Thai trở về trần thế. Người cũ đã xa, suối mơ đã cạn "ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta".
 
Nhìn anh tôi lại nhớ đến ông anh tôi. Trần Ngọc D. bạn anh ngày nào. Ông anh tôi đi theo Cách Mạng suốt cả một đời người mà kết thúc cuộc đời cũng âm thầm tức tưởi. Chết rồi, chết ở Paris. Tự tử bắn một phát súng vào đầu. Ông anh tôi "bem" suốt đời nên bà chị tôi cũng không hiểu vì sao mà ông anh tôi lại liều mình như vậy. Tôi đi tù cải tạo về năm 1985, nhận được thư bà chị tôi từ Hà Nội báo tin như thế.
 
Đây cũng là giấc mơ thê thảm của một đời người.
 
Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc (1995)
 
(Khởi Hành số 9, tháng 7/1997