Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Lương Tri




(Thân Kính gởi những người làm công cho chính mình
trên hành trình văn học)


người làm văn học đi xuyên đêm
bất chấp thời gian là mùa nào
bất chấp không gian đang là đâu
họ âm thầm đi xuôi ngược
quá khứ - hiện tại - tương lai
hành trang chỉ là chữ nghĩa
đôi lúc nhẹ hều, đôi khi nặng trĩu
cứ phóng đi, hướng tới
theo cách nhìn, cách nghĩ khách quan
về chất bi, chất tráng
về cả những hành xử thô bạo
của những kẻ nhân danh đồng chủng
nhân danh đất và nước
để hoàn thành mưu đồ thụ hưởng
để vênh váo cái ta trong vũ trụ người...

người làm văn học
cần lọc bỏ hết những vẫn đục phù danh
những cạnh tranh phù phiếm
những đàng điếm ngôn từ
để lấy ra chất tinh túy của tâm văn và chính sử!

người làm văn học
kẻ làm công cho chính mình
để trả ơn nơi sinh thành chữ nghĩa
để cung cấp thức ăn tri thức cho người
cung cấp nước uống cho những con tim khao khát tự do,
bác ái và nhân quyền
họ đi nương tựa vào cây bút dấn thân
và hào khí làm áo khoác
cho một niệm thân khổ hạnh
vì tình, vì đời, vì những yêu thương
cần sự tồn tại của đạo lý
và tính nhân bản cuộc đời!

người làm văn học
không cần những phù điêu của dị ngôn
họ chỉ cần tự do tìm sự thật
từ hai mặt của những con chữ
sau lớp hóa trang phù phiếm bụi trần
sau những hào quang của những vinh danh tự tạo
trong ba chiều không gian ngụy trá
và thời gian mê hoặc giáo điều!

dẫu nặng nhọc, dẫu khó khăn
người làm văn học vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hổ trợ đắc lực của hơi thở nồng nhiệt  chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!

Cao Nguyên

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Phi Chính Trị


Trên một số trang web, dẫu cho có sự rào đón: “Đây là diễn đàn phi chính trị”. Vẫn không thể loại trừ hẳn những bài viết có xuất phát điểm từ cảm nhận riêng mình về cuộc sống với những hệ lụy quanh đời. Khi chân lý còn là ánh đuốc dẫn đường, thì ưu tư từ những phi lý và bất công của xã hội không thể không nói đến. Và thế là niềm tin của tín ngưỡng, của pháp trị hừng hực trong tư tưởng hồi sinh những sắc thái văn mình trong một xã hội cộng hưởng.
Đó là sự công bằng tất yếu, là hơi thở của cuộc sống, là tiếng nói của trái tim với tất cả những ai còn tin vào chân lý, tin vào lương tri. 
Tiếc thay sự công bằng đó bị phá hoại từ khuynh hướng cực tả hoặc cực hữu. Đẩy sự trung dung vào góc tối im lặng. Bày tỏ đồng tình theo một hướng, thường hiểu là cực đoan, là bè phái, là trở cờ ...!
Sự tranh chấp nẩy sinh từ cái tôi vượt ngoài chủ thể, chỉ biết phủ nhận cái hay của người để cái tốt của mình tồn tại. Cứ như mình là kẻ biết dấn thân còn người khác chỉ chạy theo xu hướng có lợi cho chính bản thân họ. Đâu hay đó chỉ là sự hăm hở của loài tằm muốn nhả tơ, dẫu chưa biết lúc nào mình thoát thai ra khỏi cái kén chật chội và tơ mình sản sinh có đủ tốt dệt nên một chiếc áo khoe đời!
Nếu lỡ gặp người thích khoát áo đẹp che đời, lịch sự lắm cũng chỉ gật đầu chào bạn. Nhìn những chiếc áo đủ màu như lá mùa Thu, rồi cũng bay vào mù tăm. Chút ấn tượng còn sót lại trong rực rỡ thu còn chăng chỉ là nỗi băn khoăn về một chu trình sinh diệt. Lá nào may rơi xuống vùng đất hóa thân làm chất hữu cơ, lá nào ngã trên nhúm sỏi đá khô cằn chờ rã mục hóa rêu?!
Nên chi trong mỗi thì thời giao mùa, tôi vẫn khát khao vói những ước mơ lá chẳng xa nguồn. Chí ít sau mùa tàn phai cũng thấm vào mạch đất chút nhựa đời nuôi xanh mầm nguyên khởi. Tiếng reo của lá trong mơn man của nắng gió hiền hòa khai tâm thoát tục vui biết chừng nào. Như may gặp được người chỉ dùng áo che thân qua bốn mùa mưa nắng ta biết được trụ sinh trong cõi diệt. Làm sao không hăm hở đón một nụ cười quen nở trên môi kẻ không màng danh phận để kết thân, cùng trải nghiệm qua đời mà tâm bút tri giao.
Cùng siết tay chào, ơi đó bạn ta như hồng nhan tri kỷ, cùng uống chung hương vị ân tình.
Hiển nhiên thế mà sao người còn nấn ná giữa những hỗn mang đời để vật vã lòng nhau.
Ở đâu cũng thấy dấu vết chì chiết, hằn hộc giăng mắc những cái bẩy gài người, tước đoạt tư duy, hủy diệt tình thân ái!
Chính vì muốn bảo tồn phẩm giá con người mà thanh chắn phi chính trị được dựng lên nơi những khu chợ trời nhiều tạp! Nhằm vô hiệu hóa những cuồng ngôn, lộng ngữ manh động tràn lấp lối đi về chính thiện. Ngày lại ngày, tri thức vượt qua vô thức, vực dậy bản ngã nhân chi sơ thoát sóng đời danh lợi. Thanh chắn phi chính trị chỉ còn là khái niệm, chẳng mấy ai bận tâm khi sự tự phát chính kiến trung thực có sức mạnh xuyên phá bức tường vô đạo lý.
Sống giữa đời, khi bước vào cho đến lúc ra đi đều tự nhiên, sẽ thấy lòng thanh thản. Khắc chế được những tị hiềm ích kỷ, thả cái tôi bay khỏi vòng ôm ấp, sẽ thấy những thương yêu đầy ắp tâm hồn. Đầy ắp tình người, tình núi sông.
Với tình người và tình núi sông, một tâm thư gởi ai đó bên này hay bên kia bờ đại dương. Hát hay nghe một bản nhạc thấm đậm tình tự quê hương, dân tộc... Cũng đã cưu mang trong lòng nỗi khắc khoải của sự chia ly dẫu xuất phát từ những nguyên nhân nào, cũng đã nhập lưu dòng ý thức dân tộc và cội nguồn.
Vậy thì khi khoát tay nói với bạn mình: "Xin đừng nói chuyện chính trị với tôi", có phải tự mình đánh mất tư duy chính mình? Đó là một nghịch lý trong cuộc sống đối với những ai còn hứng khởi trên hành trình về với quê hương từ niềm mong ước thanh thản đi, về !
Phi Chính Trị, là một sự đánh lừa bản ngã và tâm thức của mỗi con người còn thiết tha với cuộc sống chính mình trong nguồn sống chung nhân bản.
Nụ cười đến từ góc độ nào cũng đẹp, và có khả năng vượt qua mọi rào cản vô tri để kết hợp những tấm lòng rộng mở, vì người và vì mình cùng hướng đến ước mơ chung: tự do, thanh bình và nhân ái trên quê hương thân yêu.
Cao Nguyên

The Soul of Vietnam - Musical Themes

Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam

Hồn Việt Nào Cho Em

Lời Giới Thiệu

@ Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, Đại Tá Phạm Bá Hoa đã không kiên trì sưu tầm mọi tin tức và hình ảnh về các cuộc tranh đấu của người Việt khắp nơi để cho Quốc Kỳ Việt Nam được công nhận tại các thành phố trên khắp thế giới. 

Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, ông Chu Lynh đã không quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện cuốn phim “Hồn Việt

@ Nếu không có tiếng gọi từ trái tim, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người đã đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới, đã không thể soạn hòa âm phối khí cho bản quốc thiều Việt Nam trở nên sống động tha thiết đến thế.

@

Sự rung động từ trái tim của người bạn trẻ khi xem phim "Hồn Việt", đã chuyển tải đến mọi người một thông điệp mới "Hồn Việt Nào Cho Em",  đã nhắc tôi thêm một lần nhắn với các thân hữu gần xa, nhất là những người bạn trẻ ở khắp nơi trên mặt địa cầu: Hãy xem và xem lại phim "Hồn Việt" (Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa) do Viet Nam Film Club thực hiện. Để thấm hồn dân tộc Việt Nam đang luân chuyển trong dòng máu của mình, khi nhìn lá cờ vàng có 3 sọc đỏ phất phới bay trong gió cùng lúc với tiếng ngân vang bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa.

Hồn Việt - Hồn của núi sông phát khởi từ hào khí của những vị anh hùng vì Nước hi sinh, vì Dân chiến đấu cho sự sinh tồn Dân Chủ, Tự Do của một đất nước tự hào có bốn nghìn năm văn hiến.

Không ai có thể quên được điều này, như không thể quên chính mình là Một Người Việt Nam.

Cảm ơn người bạn trẻ Trịnh Bình An với tấm lòng tuổi trẻ đã nhập lưu dòng tri thức quốc gia từ một bài quốc ca và một lá cờ thiêng. 

Xin chuyển đến những người bạn trẻ thông điệp "Hồn Việt Nào Cho Em" để cùng cảm nhận tâm thức của "Hồn Việt". 

Trân trọng, 
Cao Nguyên



Hồn Việt Nào Cho Em
Trịnh Bình An
Có những cuốn phim sau khi coi xong khiến tôi thích thú hoặc bực bội, nhưng cũng có cuốn phim khiến tôi băn khoăn, dường như vui, cũng dường như buồn, cuốn phim đó chính là phim “Hồn Việt”.
Hồn Việt” là một bộ phim trình bày lịch sử Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa - nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cho tới ngày mất nước. Đấy chỉ là một bộ phim tài liệu với những dữ liệu thực tế. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của một chính thể đã bị xóa sổ, không ngờ có ngày tung bay phất phới, đứng ngang hàng với những lá cờ quốc gia khác tại nhiều nơi trên thế giới. Đáng lẽ tôi, một người từng sống trên 10 năm dưới lá Cờ Vàng, phải cảm thấy xúc động và tự hào chứ?  Nhưng không hiểu sao tôi chỉ cảm thấy vui buồn lẫn lộn?
Nếu bảo Việt Nam là người mẹ khổ đau qua những năm tháng chiến tranh, thì Việt Nam Cộng Hòa là cha, người cha đã bị bức tử, người cha tôi đã phải xa khi còn tấm nhỏ. Quá nhỏ để hiểu được chiến tranh đang xảy ra khốc liệt chung quanh, quá nhỏ để hiểu đang có rất nhiều người ngày đêm chiến đấu bảo vệ miền Nam, bảo vệ cuộc sống yên ổn cho hàng triệu sinh mạng trong đó có tôi.
Sẽ chẳng ai trách cứ một đứa nhỏ ngượng ngùng với cha nếu nó đã bị lìa xa cha ngay từ lúc nhỏ.  Cũng thế, hẳn không ai trách nếu tôi thú thực rằng giờ đây, sau hơn 20 năm trên xứ người, tôi cảm thấy chẳng có mấy rung động trước lá cờ ấy dù lý trí vẫn biết rằng đó là lá cờ Tổ Quốc của mình.
Cho tới khi xem Phim “Hồn Việt”, tới đoạn trình bày về lược sử hình thành Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam, tôi bỗng cảm thấy dâng lên trong lòng một nỗi chua xót xen lẫn giận hờn.
Tôi tiếc ngày ấy đã không được dạy bảo kỹ lưỡng về nguồn gốc Quốc Kỳ và Quốc Ca trong những giờ Công Dân Giáo Dục. Tôi chỉ biết chào cờ và hát quốc ca như một thói quen. Giống như một đứa con, chỉ được nguời ta chỉ vào ảnh cha mà bảo "Cha con đó!” chứ không giải thích thêm cha là ai, cuộc đời cha như thế nào, cha đang chiến đấu nghiệt ngã trong những hoàn cảnh nào…
May mắn thay, trong đại gia đình dân tộc, vẫn còn những người anh, người chị đã từng sống với cha, đã từng biết đến cha. Những anh chị ấy đã giữ cha trong trái tim họ cho đến cuối đời. Tôi muốn nói tới những người Việt lưu lạc khắp nơi trên thế giới, những người đã kiên quyết giữ vững lá cờ Việt Nam tự do, đã đấu tranh không mệt mỏi để cuối cùng lá cờ ấy tung bay cùng với những lá cờ khác tại nơi họ cư ngụ.
Những anh chị ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân để xây dựng và bảo vệ miền Nam để những đứa trẻ như tôi được thảnh thơi đến trường.  Trên xứ người, những người anh người chị ấy vẫn miệt mài tìm mọi cách gìn giữ những di sản tốt đẹp của đất nước để một ngày nào đó khi chúng tôi  - những đứa trẻ đi lạc, muốn quay về sẽ thấy vẫn còn đó mái nhà xưa.
Ngày hôm nay, mỗi khi có những dịp tụ họp đông người, việc chào cờ hay không chào cờ vẫn là một đề tài nhạy cảm, có khi gây tranh cãi. Bên muốn chào cờ cho rằng không thể hưởng niềm vui họp mặt trên xứ sở tự do mà quên đi công lao to lớn của những người đã nằm xuống. Còn bên không muốn chào cờ thì bảo việc cử hành quốc kỳ và quốc ca là nghi lễ trang trọng, nếu làm trong một tiệc dịp tiệc tùng vui chơi sẽ mất đi ý nghĩa và giảm lòng tôn kính.
Cả hai phía đều có lý của họ. Riêng tôi, tôi cho rằng những người thực tâm giữ gìn sự tồn tại của Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam không quanh quẩn trong lý lẽ mà họ chỉ muốn hành động từ tiếng gọi của trái tim.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, Đại Tá Phạm Bá Hoa đã không kiên trì sưu tầm mọi tin tức và hình ảnh về các cuộc tranh đấu của người Việt khắp nơi để cho Quốc Kỳ Việt Nam được công nhận tại các thành phố trên khắp thế giới. Mỗi một chiến thắng là một tin vui làm nức lòng người Việt hải ngoại, và là kiểu mẫu cho những nơi khác noi theo, để rồi chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Kết quả là cho tới nay, trên đất nước Hoa Kỳ đã có 16 tiểu bang, 8 quận hạt, 103 thành phố đã công nhận lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biều tượng cho Tự Do của Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại.
Nếu không là tiếng gọi từ trái tim, ông Chu Lynh đã không quyết tâm bắt tay vào việc thực hiện cuốn phim “Hồn Việt” dù biết sẽ rất khó khăn, lấy ý nghĩ từ chuyến đi thăm nghĩa trang Biên Hoà năm 2003. Nhìn tấm bia mộ của một người lính, lá cờ nhỏ bé khắc trên ấy bị đục nát chỉ còn dấu vết lờ mờ, ông đau thắt lòng.  Người lính, người đồng đội của ông, cả một đời hy sinh chẳng được gì, đến khi chết chỉ có mỗi lá cờ, vậy mà người ta vẫn nhẫn tâm tước đoạt.
Và nếu không từ tiếng gọi từ trái tim, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người đã đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới, đã không thể soạn hòa âm phối khí cho bản quốc thiều Việt Nam trở nên sống động tha thiết đến thế. Và những nhạc sỹ Ukraina – những người vừa thoát khỏi địa ngục cộng sản, đã cảm thông, đã bắt nhịp cùng tiếng gọi trái tim ấy để tấu lên một bản quốc thiều hùng tráng gây rúng động lòng người.
Tôi muốn ngừng lại một chút để kể một câu chuyện lý thú về lá cờ hiện nay của nước Nga mà lịch sử của nó có đôi điều tương tợ với lá Cờ Vàng VNCH.
Bắt đầu từ năm 1896, Quốc Kỳ Nga có ba màu: trắng, xanh dương và đỏ. Sau Cách Mạng Tháng Mười 1917, lá cờ ấy bị bỏ đi, thay bằng cờ đỏ búa liềm. Đến năm 1991, khi chế độ cộng sản tan rã, Liên Bang Xô Viết (Soviet Union) trở thành Liên Bang Nga (Russian Federation), cờ đỏ búa liềm bị dẹp bỏ, người Nga quay về với lá cờ ba màu -Триколор (Tricolor) lúc trước.
Có nhiều giải thích cho nguồn gốc ba màu trên quốc kỳ Nga. Một giả thuyết cho rằng đó là huy hiệu trên khiên của vương quốc Grand Ducchy of Moscow. Huy hiệu này có hình thánh Saint George mang giáp bạc, cỡi ngựa trắng, choàng khăn và cầm khiên màu xanh trên nền đỏ. Một gỉa thuyết khác lại cho rằng đấy chính là ba màu trên khăn áo Đức Mẹ Maria.
Như thế, nước Nga - cái nôi sản sinh ra chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã quay về với lá cờ truyền thống. Một lá cờ với ba màu hòa dịu, ẩn chứa những niềm tin thiêng liêng, có thể đó là lòng dũng cảm quên mình của thánh St. George, cũng có thể là lòng từ ái bao la của Đức Mẹ.
So sánh với lá cờ nước Nga, lá cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ cũng có màu sắc hòa dịu với những ý nghĩa nhân ái:  Màu vàng tượng trưng cho dân tộc Việt. Ba sọc đỏ là ba miền Nam Trung Bắc. Tuy người dân thuộc ba miền (ba sọc đỏ) nhưng vẫn sống chung một nhà (nền vàng). Dưới mái Nhà Việt Nam, con dân muôn đời thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Màu đỏ trên nền vàng còn là màu của nhiều lá quốc kỳ Việt Nam qua nhiều triều đại khác nhau.
Khi kể câu chuyện nước Nga tìm về lá cờ dân tộc phải chăng tôi muốn muốn nói đến việc phục hoạt lá cờ vàng truyền thống của nước Việt Nam?
Hoàn toàn không. Lá Cờ Vàng đã được chính quyền của môt số thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ công nhận là “Lá Cờ Tự Do và Di Sản” (Heritage and Freedom Flag). Người Việt tị nạn sau khi nhập tịch là nguyện đứng dưới lá cờ của đất nước thứ hai. Việt Nam tuy vẫn là tổ quốc thân yêu nhưng không còn thuộc quyền quyết định của những người chúng tôi. Việc chọn lá cờ nào, bài hát nào cho Việt Nam tương lai sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào một chính phù và một quốc hội không còn cộng sản.
Những người ấy sẽ hiểu biết thấu đáo về lịch sử của những lá cờ để nhìn cho ra lá cờ nào mang “Hồn Việt”, còn lá cờ nào chỉ mang giả trá và thương đau.
Nếu đã nói tới quốc kỳ thì không thể không nhắc tới quốc ca. Nghe ban nhạc Ukraina hòa tấu Quốc Thiều Việt Nam, tôi mới thấy Quốc Ca Việt Nam có giai điệu thật phong phú, khi hùng tráng, khi du dương như một nhắn nhủ thiết tha.
Là một học sinh qua hai chế độ, tôi vẫn không thể quên bài hát Tiến Quân Ca của cộng sản.  Nhạc điệu quân hành nhưng khá nhạt nhẽo, chưa kể trong đó có những lời lẽ khát máu đến ghê người. Một ca khúc tầm thường, thậm chí vô nhân có thể nào xứng đáng làm biểu tượng cho một dân tộc lãng mạn và hiếu hòa như người Việt chăng? Nhưng công bằng mà nói, bài hát Tiếng Quân Ca có lịch sử riêng của nó và xứng đáng được ghi nhận như ca khúc của một thời. Những người dân Việt trong tương lai sẽ tìm ra quyết định cho quốc ca cũng như quốc kỳ vậy.
Phim “Hồn Việt” ra đời, hai năm tôi sau mới biết, cũng như tôi đã không biết rõ về Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam sau hơn hai chục năm.  Thật khá trễ tràng. Cảm giác buồn vui lẫn lộn, vui vì biết được thêm quá khứ anh dũng của cha anh, buồn vì suốt bao lâu nay lơ đãng trước những hy sinh cao cả ấy.
Mong sao bộ phim tài liệu “Hồn Việt” sẽ giúp cho những thế hệ sau hiểu rõ về quốc kỳ và quốc ca, từ đó thấy rõ tính cách Việt, mơ ước Việt, tâm hồn Việt thể hiện thế nào qua quốc kỳ và quốc ca, để rồi có quyết định sáng suốt về con đường đi tới của dân tộc.
Tổng Thống Woodrow Wilson từng nói:
The things that the flag stands for were created by the experiences of a great people. Everything that it stands for was written by their lives. The flag is the embodiment, not of sentiment, but of history.”
(Những gì một lá cờ biểu tượng, đó là những kinh nghiệm đã được tạo dựng bởi một dân tộc tuyệt vời. Tất cả những gì lá cờ biểu tượng đã được viết nên từ chính mạng sống của họ. Lá cờ là hiện thân, không phải của cảm xúc, mà là của chính lịch sử).
Qua phim "Hồn Việt" tôi thấy lời của Tổng Thống Wilson thật đúng, Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam thực sự đã được viết nên từ mạng sống của biết bao người con dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu vì Đất Nước, vì Hòa Bình, vì Tự Do. Tôi dù biết điều ấy trễ nhưng vẫn còn chưa quá muộn. Khi hiểu ra được như thế tôi chợt thấy mình tháo gỡ được mối băn khoăn.
Người cha bị bức tử của tôi chưa bao giờ chết. Người vẫn còn đó cùng Lá Cờ Vàng lồng lộng bay trong gió như chuyển trao mọi nỗi bi thương nhưng đồng thời cũng là niềm hân hoan về một Đất Việt, một Dân Việt, và một Hồn Việt muôn đời.
Trịnh Bình An – 9/2014
Sơ lược về phim “Hồn Việt”
Hồn Việt” là một phim tài liệu dài 57 phút về quốc kỳ và quốc ca Việt Nam do Vietnam Film Club thực hiện vào năm 2012. Phim gồm có 9 đề mục:
- Lược sử hình thành Quốc Kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ)
- Lược sử hình thành Quốc Ca Việt Nam
- Quốc Kỳ theo mệnh nước (đi theo người tỵ nạn sau biến cố 1975)
- Quốc Kỳ Việt Nam tại hải ngoại
- Quốc Kỳ Việt Nam trên thế giới
- Những câu chuyện về Quốc Kỳ Việt Nam
- Quốc Kỳ trong tim người Việt
- Quốc Kỳ và người ngoại quốc 
- Trình tấu Quốc Thiều Việt Nam tại Kiev, thủ đô của Ukraina.

Sơ lược về “Viet Nam Film Club”
Vietnam Film Club được thành lập tháng 9 năm 2010 sau một thời gian dài vận động. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi tìm sự thật của người Việt, đặc biệt người dân trong nước về lịch sử Việt Nam giai đoạn cận đại, Vietnam Film Club thực hiện các phim tài liệu lịch sử liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam, Đảng CS Việt Nam, và hệ lụy của cuộc chiến.
Tác phẩm đầu tiên là DVD “Hồn Việt - Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam” (ấn bản Việt ngữ), “The Soul of Vietnam - The Vietnamese National Flag and Anthem” (ấn bản Anh ngữ). Các Video của Vietnam Film Club đã có mặt trên YouTube là những phần của hai bộ phim tài liệu lịch sử nhiều tập sẽ phát hành bằng DVD vào năm 2015.
Liên lạc: Chu Lynh, Editor, Vietnam Film Club




Xem Phim HỒN VIỆT

The Soul of Vietnam