Dân Bách Việt vốn có một nền văn hóa đặc biệt, từng rực sáng mỗi khi giành được độc lập nhưng trong mấy ngàn năm lệ thuộc phương Bắc, bản sắc phương Nam bị văn hóa nòi Hán tràn sang, xâm lăng, đẩy ra khỏi nơi cung đình và tâm trí giới quan liêu và Nho sĩ nên tản mác ở chốn dân gian và nhiều khi có nguy cơ bị tiêu diệt.
Sang thế kỷ XIX, cuộc tiếp xúc giữa Đông Tây trên bán đảo Đông Dương, nếu mang theo họa ngoại-xâm-mới thì nó cũng đưa lại cơ hội để dân tộc ta trở mình thoát dần khỏi ảnh hưởng Bắc đình.
Lịch sử còn ghi lại sau thỏa ước Fournier hay Thiên tân, ký kết giữa Lý Hồng Chương và Trung tá hải quân Pháp là Ernest Francois Fournier ngày 11-05-1884, thì Trung hoa trong lúc suy yếu đành nhìn nhận vĩnh viễn nhường quyền bảo hộ Việt Nam cho Pháp.
Ngày 6 tháng 6, 1884 triều đình Huế đã bị buộc đem ấn bạc của vua Thanh cấp cho Nam triều, một biểu tượng của sự lệ thuộc vào Bắc đình, đến sứ quán Pháp ở Huế để phá ra, đúc thành khối bạc trước mặt đại diện của Pháp. Biến cố này có thể làm cho đám Nho sĩ thủ cựu đau lòng thì lại dấy lên tinh thần độc lập và hy vọng của phần lớn quần chúng. Kể từ đó đất nước ta chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung hoa về thể chế chính trị và văn hóa.
Thực ra, Thực dân Pháp không hề có hảo tâm “Pháp-Việt đề huề” mang văn minh Tây phương sang khai thông dân trí cho dân Việt mà chỉ muốn liên hệ giữa ta và Tàu chính thức chấm dứt để cột chặt ta về mọi mặt vào Pháp. Tuy nhiên, các nhà văn hóa tiến bộ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Văn Vĩnh đã nhân cơ hội có văn tự mới, có nhà in, có tài trợ, có báo chí trong tay đã lèo lái ý đồ của thực dân sang mục tiêu cải cách văn hóa để xây dựng nền tảng cho một quốc gia độc lập. Muốn làm việc này, các kẻ sĩ ưu thời mẫn thế đương thời chỉ có thể âm thầm thực hiện từng bước.
Bước quan trọng nhất là xây dựng cho dân Việt một thứ văn tự độc lập với Tàu và với Tây. Đó chính là chữ Quốc ngữ từng được hình thành khi các giáo sĩ Thiên chúa giáo dùng nó để truyền đạo ở Việt Nam từ thế kỷ XVII. Nhờ đó, ta có phương tiện gây dựng tinh thần tự chủ, phục hồi được truyền thống dân tộc và đồng thời truyền bá được tư tưởng tiến bộ cần thiết cho một dân tộc trong nhiều nghìn năm bị giam hãm trong lạc hậu và hủ tục.
Có công đầu và mạnh dạn nhất trong việc xây dựng văn hóa mới hồi đầu thế kỷ XX phải kể Phan Chu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh. Phan Chu Trinh từng cổ súy phong trào Duy Tân, đã hô hào thay Khổng học bằng văn mình Tây phương: “Đem văn minh Tây phương về là đem Khổng học về”.
Còn Nguyễn Văn Vĩnh là lớp đàn em, nhưng cùng nuôi mộng cải cách văn hóa và có nhiều cơ hội để làm việc này hơn chí sĩ học Phan. Nhờ có báo chí trong tay và có kiến thức sâu rộng về cả hai nền văn minh Âu Á, đồng thời là nhà báo tài ba và nhiệt tâm nhất trong việc xây dựng tiền đồ văn hóa dân tộc, nên ông đã đóng góp được nhiều ý kiến quý báu, nhiều hoạt động thiết thực cho mục tiêu của mình.
Trên Đông Dương tạp chí trong 50 số đầu tiên, Nguyễn Văn Vĩnh đã kín đáo nêu lập trường cải cách của mình qua những bài đề cập tới chữ Quốc ngữ.
Trước hết, ông cho rằng chữ Nho chỉ nên giảng dạy ở bậc giáo dục cao chứ không nên buộc học sinh nhỏ tuổi, thuộc thành phần bình dân, phải dùi mài thứ văn tự khó học và vô ích với chúng. Ông cũng cho rằng đối với tiếng Pháp cũng thế, dù có một lớp người cần học để thích ứng với hoàn cảnh mới nhưng không cần thiết cho việc khai thông dân trí nói chung ở tầng lớp bình dân. Từ đó ông hô hào học chữ Quốc ngữ:
“Lối thứ hai là lối học riêng của dân An-nam đặt
ra cho phần nhiều, cho trẻ con các nhà-quê, thực là một lối mới, xưa
nay không có, vì lối học Nho ngày xưa, không phải là một lối học
phổ-thông, thực là một lối học đi làm quan Tàu, với cũng như lối Pháp-Việt học bây giờ là lối học đi làm việc với nhà-nước Đại Pháp. Nhưng ai cũng muốn làm quan cả, cho nên ngày xưa đua nhau học Nho thế nào, từ nay giở đi đua nhau học vào lối Pháp-Việt cũng thế!
Còn lối học riêng mới, cũng đặt ra tiểu-học, trung-học, lấy quốc-ngữ làm gốc, mà học cách-trí, vệ-sinh, địa-dư, phong-tục, mỗi thứ một đôi chút, để gây cho lấy nhân-cách của phần nhiều người trong dân An-nam.
Tổng kết lại, thì chữ Nho chỉ còn nên giữ lại để mà dạy ở khoa trung-đẳng nam-học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao-đẳng nam-học, hoặc khoa ngôn-ngữ văn-chương ở cao-đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ Nho.
Bây giờ trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ Nho nữa, mà các trường Pháp-Việt cũng xin bỏ lối dạy chữ Nho đi.”
Bỏ chữ Nho thì phải có phương tiện thay thế nên Nguyễn Văn Vĩnh lại viết một bài đề cao tiếng ta giàu và đẹp. Ông hô hào luyện văn Việt cho chính xác hơn và sáng tác bằng chữ Quốc ngữ:
“Thế mà tiếng nói nước ta, là một tiếng nói hay, đủ tiếng mà diễn ra được hết ý-tình, đủ dùng cho một dân có cương-thường đạo-lý, có cách đàm-luận,
có cách lịch-sự, có cách giao-thiệp với nhau cũng tao nhã, chớ có phải
là một thứ tiếng hèn mọn như tiếng nói của mấy giống dã man ở châu Phi đâu.
Cho nên người Âu-châu đến đây, cũng muốn học lấy tiếng nói ấy, để giao thiệp với ta, cho mỗi ngày thêm thân-ái, thêm biết ý tình nhau ra, tiện cách dạy bảo ta. Mà muốn học được tiếng nói một nước, cần nhất là có sách vở hay, làm bằng tiếng nói nước ấy, để làm điển cho chỗ xuất-xứ.
Thế
mà sách ta không có, thành ra học tiếng chỉ có cách liệu người nghe ta
nói truyện với nhau làm mực, lấy phương-ngôn, tục-ngữ làm điển. Mà cách nói chuyện, phương-ngôn, tục-ngữ của nước ta, chẳng qua cũng cứ truyền khẩu đi, không có gì làm bằng cứ, mỗi nơi nói một khác, đọc một khác; mỗi người nói một cách, đọc một cách. Thành ra tiếng An-nam ta, tuy là một tiếng rất hay, rất nhiều tiếng, mà văn-tự hóa ra chưa có, ngày nay mới bắt đầu làm ra cho thành văn-tự.
Việc làm văn-tự ấy chẳng những cần cho người ngoại-quốc học tiếng ta; lại cần cả cho ta học lấy mẹo-mực tiếng ta, để mai sau này có một tiếng nói nhất định rõ ràng mà nói với nhau, mà học-hành các thuật hay, các ý-tưởng mới, nhờ phong-trào mới mà sinh ra.
Nay muốn gây cho văn-tự nước Nam có kinh có điển, thì bao nhiêu những bậc tài-hoa, những người có học-thức trong nước, phải chuyên vào nghề văn quốc-ngữ. Các bậc danh nho thì nên bỏ quách cái tài ngâm hộ cho người đi, chỉ học cho biết để
mà nhân cái hay người làm lấy cái hay của mình mà thôi. Các bậc có Pháp
học, thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách chen cạnh, làm
mối kiếm ăn, nhưng hễ muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cả cho đồng-bào mình, thì phàm luyện được một chút tài nào của người, cũng nên dùng quốc-văn mà phát-đạt nó ra cho cả người đồng bang được hưởng.
Nào báo quốc-ngữ, nào sách học quốc-ngữ, nào thơ quốc-ngữ, nào văn-chương quốc-ngữ, ấn-ký, hành-trình, tiểu-thuyết, nghị-luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm toàn bằng chữ quốc-ngữ hết cả. Từ đến những cách cao-hứng, vịnh-đề, tình hay, cảnh đẹp, từ câu-đối dán nhà, tứ bình treo vách, câu phúng bà con, nhời mừng bạn-hữu, đều nên dùng quốc-văn hết thảy. Mà cốt nhất là, phải tập lấy lối văn xuôi, diễn dịch như in nhời nói, cho rõ ràng, cho nhất định, phải khiến cho nhời văn-chương theo nhời mẹ ru con, vú ấp trẻ, nhời anh nói với em, vợ nói với chồng; chứ đừng có để cho văn-chương thành một cách nói lối, mà tiếng nói vẫn cho là nôm tục. Văn-chương phải như ảnh tiếng nói, và tiếng nói phải nhờ văn-chương hay mà rõ thêm, mà đủ thêm ra.
Lại còn một điều khẩn-yếu, là muốn cho văn quốc-ngữ thành văn-chương hay, khỏi mang tiếng nôm na mách qué, cách đặt câu, cách viết, phép chấm câu, phải dần dần đặt cho thành có lệ có phép; mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận, chớ đừng ai tự đắc lối của mình là phải, đem ý riêng ra sửa đổi thói quen.
Phải nhớ câu: phàm ngôn-ngữ nước nào cũng vậy, dầu tài thánh trạng một người cũng chẳng làm ra được.”
Nguyễn Văn Vĩnh đã nối chí giới kẻ sĩ tiến bộ trong Đông Kinh Nghĩa thục không ngừng hô hào sử dụng chữ Quốc ngữ vì nó là phương tiện truyền thông tiện lợi hơn cả chữ Nho và chữ Nôm:
“Chữ quốc-ngữ tuy rằng có mấy nơi khuyết-điểm, có mấy chỗ không-tiện, song tỉ với chữ-nôm ta, và chữ-nho thì thực là một lối tiện quá rồi, cho nên ai cũng đành rằng cứ nên để y như vậy mà dùng.”
Ý kiến của Nguyễn Văn Vĩnh về cải cách văn tự và xây dựng văn học xuất hiện cách đây gần trăm năm, khi phần đông kẻ đi học còn đắm chìm trong cái học nhà Nho hoặc cái học Âu Tây nên phải kể là tiến bộ. Hồi chuông ông gióng lên với giới trí thức ngày ấy đã có tiếng vang và một lớp tân học đông đảo đã theo gót chân ông tiếp tục xây dựng thành công nền văn học chữ Quốc ngữ thời kỳ thịnh vượng 32-45.
Hoàng Yên Lưu