Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Xuân Nhạc

 

Xuân Thơ





Xuân Thơ

Bên này bờ đại dương nhìn về quê hương vào mỗi cuối Đông lòng cứ nôn nao. Mùa Xuân Bên Ấy thế nào hỡi em?
gọi em môi hồng của nắng
viết lời tình khúc vào Xuân


Nỗi háo hức của tôi mong một chuyển mùa từ Đông vào Xuân có nắng ấm, hoa tươi với tình đời nhân ái. Chứ không phải trong tâm trạng người lữ khách đi Tìm Lại Mùa Xuân trong khu rừng phong trụi lá nơi vùng Đông Bắc Mỹ buổi tàn Đông với nỗi băn khoăn:
có gì vui
trên bước lưu vong
có gì vui
trên miền đất lạ
có gì vui
trong Tết xa nhà
có gì vui
bạn bè trôi nổi
có gì vui
trong men rượu cay!


Đã Tháng Chạp ta, cây trong rừng phong vẫn khẳng khiu, cành trơ trong gió xoáy, chưa thấy mầm nào chớm nẩy chồi xanh.
Sương vây trắng quanh ngọn nắng đầu ngày, mà cũng đủ lóe lên tia sáng tin yêu và hy vọng. Niềm hy vọng Em Mãi Là Mùa Xuân trên Thảo Nguyên xanh với những cụm hoa dã quỳ vàng mượt, cuốn hút thơ tôi vào mộng đời xanh. Thơ xoãi bước thong dong từ cao nguyên về duyên hải để ngắm những hạt pha lê cát bám bờ vai nâu thấm mặn trùng dương. Thơ tiếp bước về phố thị tìm hương hoàng lan thoang thoảng trên làn tóc mịn. Bằng ấy dáng xưa đơm mùa Xuân tuổi ngọc. Nhưng:

nắng lên mà rét chưa buông
nên hoa chậm mở cánh vườn Xuân em!
Chiều cuối năm, mở cửa ra hiên cầm chai rượu hồng bám đầy tuyết trắng, tôi lại thèm uống giọt nắng xưa vào mùa phượng trỗ. Uống ngụm rượu lạnh thơm mùi dâu chín, đâu đủ độ say sao lòng chao nghiêng trong mùa Đông băng giá xứ người! Tạo nên ảo giác một cuộc hẹn tương phùng cùng em trên vùng đất hứa:

mai em nhé mình về nơi ấy
anh ươm thơ trên môi em ngoan
nghe khúc khích tiếng cười trẻ dại
nũng nịu em bay theo diều hồng

em có thấy một dòng sông mới
dâng phù sa vào gốc mạ thơm
trên cánh đồng anh vừa nghĩ tới
không hề lưu dấu vết căm hờn


Khuấy trộn mùa quanh cho trí lẫn vào tiềm thức, bật lên nỗi nhớ da vàng bọc huyết thống Văn Lang. Quấn quít dòng thơ chảy ngược từ tâm thức tràn lên ngõ mắt găm chữ vào từng bước lưu vong. Từng bước xoãi dài từ quê nội ra quan ngoại, gói ghém theo nỗi nhớ ngút ngàn về phố chợ quê tôi mùa Tết ngày xưa. Nhớ từng gánh hàng hoa trong phiên chợ sớm, nhớ từng màu mức và trái cây tươi khoe sắc dưới lung linh ánh nến trên bàn thờ Tổ Tiên. Nhớ cả mùi hương trầm và khói pháo từ nhà ra ngõ của làng, của phố, của một quê hương nặng nghĩa ân tình.

về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng
đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa

về thôi, ừ nhỉ, về đi
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông
Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ


Sự rủ rê mơn trớn hồn thơ từ háo hức đến nghẹn ngào . Ôi ngàn thông xưa nơi cao nguyên đang hóa đá . Hồng Lĩnh, Ba Vì nay đã rêu hoang! Nên mãi Thơ chờ Xuân nở hừng đông trên mặt đất để được:
uống no một bữa khát khao
nước nguồn sông Mẹ ngọt trào đáy tim
nghe không em! triệu lời chim
reo vui tấu khúc Bình Yên Lạc Hồng!


Những thân thương chỉ còn trong luyến nhớ, bởi cánh tay trần không thể chạm tới dấu yêu xưa. Đành dùng cành tay thơ vói qua hoài niệm để chạm mùa Xuân. Chạm vào mạch đất quê mình đã khuất xa từ thuở lưu vong sau cuộc đổi đời, để thoát khỏi những đòn thù hung hiểm của bạo lực. Những đòn thù đập nát tình người, vùi chôn phẩm giá. Tàn phá cả một nền văn hóa Việt Nam vốn được xây trên nền tảng lễ giáo và nhân nghĩa!

Nỗi khắc khoải nhớ thương Quê Mẹ đối với người lưu vong, quật xuống dòng thơ những vết hằn u uẩn! Cho dẫu tôi đã chọn hướng nhân bản cho chữ nghĩa bước đi, đau thương và chua xót vẫn ẩn sau mặt nổi của Thơ. Viết từ quán triệt mà đọc như mặc niệm ngôn từ. Cánh thơ rũ xuống ngấm vào mạch đời những trầm khúc đau lòng. May còn chút hương thơ tỏa trong gió viễn phương nối nhịp tình người giữa hai bờ Đông Tây tạo nên nét sử thi làm quà giỗ Tết:

mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thấm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang


Để Thơ không lịm chết khi mùa Xuân hoài vọng chưa về. Tôi phải nhờ dáng thơ làm cứu cánh, giúp tôi đi nhẹ hẫng bước đời trên hành trình tìm lại mùa Xuân Văn Lang của giòng giống Lạc Hồng.
Thơ không chết vì Xuân còn sống mãi
Đời lại vui từ ấy có Xuân Thơ!

Cao Nguyên
Bắc Mỹ cuối Đông 2011


 Nghe Diễn Đọc: https://www.box.com/s/7zc5omak2l8ys7v5a0j6

Xem những bài thơ trong "Xuân Thơ": http://caonguyen.net/cn/viewtopic.php?p=7748#7748

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Bâng Khuâng Nỗi Nhớ Quê Nhà


Cuối năm, đọc những bài viết, xem những hình ảnh về mùa Xuân và Tết cổ truyền ở Việt Nam,  mới thấy Quê Hương trong tầm nhớ thật gần . 
Một click mở cửa online, khung trời bên ấy tràn nắng ấm, sương long lanh giọt hồng trên những phiến lá xanh nơi những con đường một thời mình đi qua, rồi sững lại . 
Đây đó, những ngày cuối tháng Chạp rộn rịp người đi từ những miệt vườn lên Phố, gánh gồng, thậm chí đội trên đầu, những hoa quả đến chợ hoa, chào mời người mua lấy sắc màu tươi rói từ những búp hoa chờ nở đón mùa Xuân mới . 
Tết đấy, quê nhà đang dậy lên mùi vị của bánh mứt, rượu trà, và cả khói hương trầm tỏa lên từ những chiếc lư đồng ... Lòng lâng lâng niềm thương cảm những người thân đã vừa khuất xa. 
Khuất nhưng không lấp, bởi hình bóng thân thương của người, đất nước và hoa lá lại tái hiện trong tầm mắt nhớ của những người dân Việt, dẫu vì nguyên cớ gì đẩy đưa mình xa xứ . Vẫn mãi mãi muốn tìm lại mùa Xuân nơi quê nhà . Bao tâm tư dồn lại ngân tấu lên những tình khúc dịu êm trong từng con chữ gởi gắm bởi lòng người hoài niệm cố hương! 
Trên hành trình đi vào mùa Xuân, Tết đang về . Dẫu gì lòng mình cũng rộn ràng náo nức từ hương pháo, từ hoa khai theo tiếng cười, điệu hát vui tươi . 

Ôi nhớ, những nỗi nhớ bề bộn trong sâu lắng chợt bùng lên dồn dập giữa mùa Xuân, khó lòng thu xếp gọn gàng trong tâm tư hướng về quê nhà . 
Bạn và tôi đang góp lại những hân hoan, những bồi hồi từ đó đây, từ chính lòng mình trọn cả tâm tư trong tự tình dân tộc, quê hương ... Làm bừng lên sắc thái mùa Xuân nơi quê nhà cảm nhận bởi tấm lòng người viễn xứ! 
Mùa Xuân bên ấy vẫn tuyệt vời trong tầm nhớ qua khung cửa tâm thức rộng mở . Hãy nhìn, hãy nghe, để hy vọng những con đường xưa lại khởi xanh sau thời sững lại do những biến động hỗn mang, sau những điêu tàn và đổ vỡ, do ý thức của những con người trốn chạy khỏi lương tâm mà quên cội nguồn Dân Tộc .
Nhớ đến mùa Xuân và Tết quê nhà, lòng thầm mong rồi sẽ được đi trong niềm hạnh phúc tuyệt vời giữa mùa Xuân Việt Nam, giữa ân tình thân ái của người, của đất, của hoa lá chào Xuân, của thanh bình tự do và dân chủ .




Từ một góc phố Việt trên xứ người, vào những ngày cuối năm. Tôi (hay bạn) được nghe những mẫu chuyện của người Việt xa quê, quanh chuyện Đi, Về từ nơi mình đang lưu ngụ đến vùng đất quê hương, nơi mình đã sinh ra, hoặc cưu mang sự sinh ra thế hệ tiếp sau chung cùng huyết thống.

Những mẫu chuyện mình nghe được:

Chuyện giữa chú Ba và thím Bảy:
- Chào anh Ba, anh chị vẫn mạnh khỏe chứ?
- Cám ơn chị Bảy, tôi thì cũng ổn, chỉ có bà nhà tôi không khỏe lắm, vì bị cao huyết áp, hay bị mệt nên bớt đi lại nhiều nơi.
- Tuổi già thật là chán anh nhỉ, ai cũng bị chữ yếu, chữ bệnh làm phiền.
- Thì sinh, lão, bệnh mà. Tết này anh chị có về Việt Nam không?
- Dạ không, anh. Ông nhà tôi với thằng Út vừa đi chơi ở bển một tháng hồi giữa năm. Còn anh chị thì sao? Có về thăm quê Tết nay không?
- Chưa chị à. Cũng tính đi về một chuyến,  mấy mươi năm xa đất Tổ, quê Cha cũng nhớ lắm.
-... 

@

Chuyện giữa hai người bạn:
- Hello, Tâm!
- Hello Trọng! Cậu đi đâu biệt tăm, lâu quá không gặp?
- Tớ mới đi theo một tour về Việt Nam ba tuần.
- Thì ra thế, sao không chờ Tết hãy về, có phải là phải vui hơn không?
- Có phép thì đi thôi, đâu chờ được. Vả lại mình về chơi cho biết thôi mà. Mình không sinh ở đó, nên mọi thứ lạ lắm. Dù mình nghe bố mẹ kể rất nhiều về Sài Gòn và những nơi hai người đã sống qua. Bố mẹ mình còn có ý định khi về hưu sẽ trở về Việt Nam để sống, với tâm trạng “lá rụng về cội”.
- Thì cũng nên, chim có Tổ người có Tông. Mấy cụ không thích cảnh cuối đời phải gởi thây nơi đất khách.
-... 


@

Những mẫu chuyện bình thường và giản dị như vậy, mình vẫn thường được nghe ở những nơi có người Việt sinh sống. Chủ đề xoay quanh vẫn là chuyện Đi, Về. Dẫu với sự suy nghĩ riêng tư nào thì Việt Nam vẫn là quê hương chính thống của mình. Điều duy nhất tồn tại (trong hôm nay và cả mai này) vẫn là sự không xác quyết về mục đích Đi hay Về Việt Nam?
Từ những mẫu chuyện vừa nghe, liên hệ vào những cảm nghĩ của rất nhiều người về vấn nạn này, như bài "Đi hay Về?" của anh T. Vấn tôi vừa đọc được trên tạp chí Nguồn (số 30), lại đưa tôi vào những băn khoăn trong cùng chủ điểm.

“… Về hay Đi? Về, hay đúng hơn trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy đã ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn những điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình""… Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng thành nơi xứ người" (Đi hay Về? – T. Vấn) 

Đắc ý với bài viết chứa cả tâm trạng của lớp nguòi  cùng thời phải ra đi và muốn được trở về. Gợi tôi đọc lại những điều mình đã viết từ những năm qua với những bâng khuâng hằn vết trong tâm.
Từ nửa vòng trái đất, nhìn xuyên đại dương, vẫn luôn thấy bên kia bờ:

"... Bên kia bờ, xưa - đi vào kỷ niệm 
những núi sông, đồng cỏ, thác hồ
mái rạ vàng theo chiều đổ nhấp nhô
nghé ngọ về chuồng, em ru điệu nhớ

Bên kia bờ, xưa - mãi là sự sống
theo nhịp rung cảm nhận của anh, em
dẫu muôn trùng xa, không thể nào quên
những hẹn ước, những chân tình gởi lại!..."
(bên kia bờ - thơ Cao Nguyên) 
Vậy mà biệt ly, vậy mà xa cách muôn trùng!? Ôi nhớ! Nỗi nhớ ray rứt trong một đời người về quê hương với nhiều hệ lụy: 

"... Biệt Ly! 
Sao gọi biệt ly?
chân xa Quê Nội
Tâm ghì mộ bia
sáng đi nước mắt đầm đìa
chiều theo hương khói
chung chia cuộc buồn
khuya nghe ai gõ vào hồn
đưa tay hứng giọt
máu hồng còn tươi
dang chân đụng gốc sinh thời
lắt lay tiếng võng
...ầu...ơi! Mẹ về
Mốt mai hết cuộc xa quê
xác mong nằm ghé
bên lề Cha Ông..."
(biệt ly – thơ Cao Nguyên)
Nên chi lòng vẫn thắt thõm với chuyện Đi, Về để ngắm, để nhìn thỏa thuê vùng đất Mẹ. Và chúc phúc cho nhau bạn ta cùng nỗi nhớ, nhắc cháu con còn đó một trời quê:

"...thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương

chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!..."
(chúc phúc – thơ Cao Nguyên) 

Mỗi khi khung trời mơ khép lại, mỗi trở mình là thao thức theo chuyện Đi, Về:

"... nếu đi mà thong thả
tội đếch chi quay về
cứ nhìn đời đon đả
ta dõi miết đường mê

nếu về mà an tịnh
cần quách gì cứ đi
ngồi lê đời bịn rịn
mê hoặc cõi hồ nghi

Đi, Về - đường khúc gãy
chồi nứt ngọn hoài thai
giấc đời xa ngọt ngậy
cong quắp khối hình hài..."
(gọi điêu tàn thức dậy – thơ Cao Nguyên) 

Về đi! Về đi thôi! Ôi nỗi nhớ Huế, Sài Gòn, Hà Nội … rân trong tim bao nỗi bồi hồi:

"... Hà Nội với anh là kỷ niệm
thuở ấu thơ nghịch sóng Hồ Gươm
đốt lá bàng học bài Quốc Sử
thư trao em dòng chữ xuân thì

Hà Nội với anh là nỗi nhớ
Thăng Long - Bặch Đằng - Thê Húc - Cổ Ngư
ba-mươi-sáu-phố-phường
chân chưa dạo khắp
gói cốm sông Hồng đã nhạt múi hương

Hà Nội với anh - Nửa đời trăn trở
lửa bàng reo cháy vở học trò
nước mắt loang nhòa trang sử cũ
muôn dặm đường qua - giấc mộng hờ!..."
.
(Hà Nội với anh – thơ Cao Nguyên)

"... hất tóc em ngược chiều gió thổi
nhìn vai ngoan vượt nắng qua cầu
quay quắt nhớ, mười hai nhịp đợi
xuôi Nam Giao về Phú Vân Lâu
...
qua Đập Đá tìm về Vỹ Dạ
bao nhiêu năm chưa lạ hàng cau
vẫn quanh quẩn mùi hương tóc sả
Huế chờ em vượt nắng qua cầu..."

(Huế chờ - thơ Cao Nguyên)"... 
 
Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
nghe cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt
...
Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên vóc giấy hoa tiên
...
Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường, góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh..."
(Sài Gòn – Em và chiếc áo dài – thơ Cao Nguyên) 

Bằng ấy những nỗi nhớ về quê hương chất đầy trong ký ức. Bạn nói đi, làm sao tôi chẳng mong Về? Dẫu trong lòng còn nhiều nỗi phân vân:

"mai Về
chứ chẳng phải Đi
Đi là hồi nẳm,
tưởng Đi không Về

phân vân
mãi chuyện Đi, Về
làm sao lòng biết
chắc Về hay Đi

quê nhà
hương hỏa, triều nghi
tổ tiên hiển hiện
sao Đi không Về

quẩn quanh
đau cuộc sơn khê
người cho tôi biết
nên Về hay Đi

Việt Nam!"
(phân vân - thơ Cao Nguyên)
Trả lời chưa được từng ấy câu hỏi. Liệu lòng mình có thanh thản khi Về nơi còn nặng lòng với "hương hỏa, triều nghi"?
 Thời gian đang cuối bờ Tháng Chạp, Tâm đang giữa vòng luận thức Về, Đi. Đành tản mạn vài dòng cho thỏa chút tâm ý nghĩ về quê hương tuyệt vời xa tít đó!

"tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?

tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!

tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!

cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!"
(Tháng Chạp - thơ Cao Nguyên)
Từ những ý từ hôm nay, tôi xin gởi đến mọi người lời chúc vạn sự an bình khi trước mặt đào hồng, mai vàng rộn nở trong nắng ấm của một mùa Xuân Mới, đợi một trả lời tương thích: Đi hay Về Việt Nam!

Cao Nguyên 

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Tranh Tháng Giêng

Tranh Tháng Giêng

 giữa Đông em vẽ tranh tháng Giêng
như muốn cùng anh về thăm quê  Ngoại
  Điện Bàn xưa, Hồ Trường còn khắc khoải
  Thu Bồn nay, thôi vẩn đục nguồn chưa ?
@
nét em vẽ  màu mưa xanh lá mạ
dọc giòng Hương thuở em mới mười lăm
tay ôm nụ phượng hồng tươi rói Hạ
còn luyến lưu Bàu Vá bánh chưng thơm
@
giang cánh nhớ mùa xưa từ xứ lạ
theo chim bay về  mái rạ yêu thương
 cùng anh ngắm cảnh quê miền đất Nội
đường vào làng cây trỗ lá xanh mơn
@
mình hái lộc đầu Xuân mừng hội Tết
thơm mùi hương đồng nội miệt quê nhà
ngắm Mẹ tỉa thủy tiên nơi chái bếp
bên cạnh Bà đang gói tré, nem ngon
@
chưa tàn Đông, em vẽ tranh tháng Giêng
vì nhớ quá thời bình yên Phố Núi
nhớ mai vàng áo lụa Mẹ anh cho
trên thềm Tết thuở em mừng được tuổi ! 
 
Đông Hương
 

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Nói Chuyện Tháng Giêng

Ngày Xuân, Lại Nói Chuyện Tháng Giêng
Nói chuyện tháng Giêng là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở hải ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa. Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế.Trong số đó có từ ngữ tháng Giêng, từ ngữ dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là tháng Một. Lý do có lẽ là vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng . Từ đó, tháng Chạp trở thành tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và tháng Một tất nhiên không còn là tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà…
…….
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra, vẫn xảy ra. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác và phong phú của ngôn ngũ mình sử dụng. Một thí dụ điển hình là người Mỹ nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết để cho tiện họ và không chính thức họ vẫn dùng các con số 1 cho tháng Giêng, 2 cho tháng Hai … liên tục cho đến số 12 cho tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February … December.Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta đang ở tháng Giêng của năm mới tây nhưng tháng Giêng của năm mới ta thì chưa tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch.Tuy nhiên nhiều vị khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt. Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thời thượng hay để phá bỏ những gì thuộc một thời xưa cũ.

Bây giờ nói tới chuyện mới.Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn mười năm trước.Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo Sư Sử Học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội.Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo Sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là “vậy mà không phải vậy”.”Phát biểu thế thôi, Giáo Sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ “nên” khác với chữ “phải” ở Miền Bắc. Với chữ “phải” này, ông chú thích thêm rằng “Đó là tiếng của cán bộ”. Tôn trọng Giáo Sư Trần Quốc Vượng dù cho bây giờ ông đã không còn nữa và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

Trở lại chuyện mùa xuân và tháng giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là:

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc của người Việt truyền thống, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng. Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay từ các thành phố về tham dự.

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên…

Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta “trẩy” là để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc, … hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo, … hội phủ như Hội Phủ Giầy… đến các hội làng. Tất cả đều là hội.Không hề có hội lễ. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ.người trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết ….người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này.Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị…, đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở là nhắc nhở người khác không dễ chút nào.

GS. Phạm Cao Dương
January 7, 2012
Source: vietthuc.org

***

Trong dòng nghĩ của chữ nghĩa Thơ . Trong dòng thơ Xuân 2005, một câu trong bài thơ "Môi Tháng Giêng", tôi viết: Tháng Giêng, tháng Một tựa vai nhau . Mang hàm ý của hai bờ Đông - Tây tựa vào nhau trong Mùa Xuân thân ái .

Trước mặt Tháng Chạp, khung cửa Tháng Giêng đang mở . Hứng thú với bài viết của giáo sư Phạm Cao Dương chạm vào mạch thơ tôi làm sáng lên ý niệm Đông Tây trong khoảnh khắc thời gian Tháng Một và Tháng Giêng theo tâm trạng một lữ khách bên này bờ đại dương nhìn về Quê Nội.

Mời bằng hữu thưởng thức "Môi Tháng Giêng" như một phụ đề cho bài viết trên với ước mong giữ được nét đẹp trong dòng ngôn ngữ Việt Nam:


môi Tháng Giêng
Tháng Giêng nhớ về thăm quê Nội
để ngắm mùa hoa tươi rói Xuân
và nghe em cười khoe tuổi mới
với tóc thay màu như tuyết sương

Tháng Một Anh chào Em rất duyên
lao xao quên nhớ rộn hai miền
đọc nhau trong mắt mà thương quá
nhờ cất trong lòng môi Tháng Giêng

Tháng Giêng, Tháng Một tựa vai nhau
nhìn Xuân thay áo Tết muôn màu
dư âm guốc mộc trên nền pháo
hồng quá ngày xưa mấy ngõ Đào

mới nhắc về thơ ý đã tình
gặp nhau lời còn biết mấy xinh
Tháng Giêng môi thắm đầy bao mộng
nhớ giữ giùm anh trót cuộc gìn.

Cao Nguyên

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

GIỌT LỆ HỒNG



giọt lệ hồng 


" chợt nghe từ đá hồn thương tích 
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa " 
(Thanh Nam) 

đã có bao lần 
em thấy 
giọt lệ hồng 
rơi! 

đã có bao lần 
em hiểu 
vì sao 
giọt lệ - hồng? 

những giọt lệ pha máu 
từ tim 
chảy xuyên qua mắt 
buốt đau theo giòng chảy 
cay đắng suốt trăm năm 

đã có bao lần 
em biết 
tại sao có giọt lệ hồng? 

nó kết tụ bởi máu và nước mắt 
từ những cái chết 
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại 
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám 
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận 


em hiểu 
tại sao hôm nay 
anh bị chấn động 
viết những dòng 
không thường hằng có trong anh 
bởi chỉ vì 
hôm nay 
anh muốn viết 
về một thời đã qua 
đầy nước mắt và máu 
của bạn mình 
chết bởi 
một viên đạn 
một liều thuốc độc 
một dây treo cổ 
.... 
giọt lệ hồng 
đang chảy trong anh 
và chung quanh anh 


có thể anh sẽ viết cho em 
hiểu thêm những điều gì đó 
về những giọt lệ hồng 
trong tháng Tư đen và trước nữa 
mà cũng có thể là không 
vì anh sợ mình không vượt khỏi 
những lần tim chảy máu 
những giọt lệ hồng 
mãi chảy 
trong anh 
trong đời bạn bè anh 
trong giòng sống 
trong giòng chết 

giọt lệ hồng không ngưng tụ 
trong đá sỏi 
trong giá băng 
trong câm lặng 
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản 
của vô tri 

bất giác 
anh đang cảm thấy 
lòng mình thổn thức 
bên cạnh những ngôi mộ 
chôn trong ký ức 
từng dãy 
từng hàng 
xác của bạn anh 
những người ruột thịt của anh 
họ đã đứt ruột ra đi 
họ đã chia thịt cho xứ sở 
và máu họ trộn vào 
không gian mưa lũ 
đỏ au! 

Em ơi 
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất 
mà anh viết 
có thể đây là một đoạn 
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè 
cho những Cha, Chú, Anh, Em 
đã nằm xuống 
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền 

Bài viết hôm nay 
em nhớ 
không nặng lòng thù hận 
mà nặng nỗi tiếc thương 
những người đã hy sinh 
cho quê hương 
và gởi lời cảm xúc 
đến những con tim 
đang chảy 
giọt lệ hồng 

em cũng nhớ 
không có sự bi thảm 
vì người anh hùng không chết 
cho những cưu mang lừa dối 
và lòng thương hại 


và em nên nhớ 
sự ra đi 
chững chạc và dứt khóat 
của những con người 
có trái tim chân chính 
xuyên qua 
những giọt lệ hồng. 

Cao Nguyên 

Diễn Đọc: 

Nghe hát: 

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Thảo Nguyên

Năm 2010, tôi nhận tập thơ "Tôi Cùng Gió Mùa" do chính tác giả: Nhà Thơ Nguyễn Xuân Thiệp ký tặng .
 Hôm qua, 5/1/2013 - trong buổi hội ngộ văn thi hữu vùng Hoa Thịnh Đốn với tên gọi dễ thương: Chiều Bên Tách Cà Phê . Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tặng tôi đến 3 tập sách . Ngoài tâp "Tôi Cùng Gió mùa" còn thêm 2 tập sách khác: Thơ Nguyễn Xuân Thiệp và Tản Mạn Bên Tách Cà Phê .
Trong "Tôi Cùng Gió Mùa" , tôi đọc bài "Thảo Nguyên" với nỗi đồng cảm sâu sắc .
Từ những giọt nghĩ của thơ rơi vào mạch quê hương . Tôi mừng có sự tương phùng ý tưởng của những người đã nhập cuộc chiến đấu vì tự do và dân chủ cho quê hương và  nhập cuộc lưu vong, còn đủ niềm tin chuyển giao khát vọng nhân ái vào thế hệ con cháu của mình .
Hai dòng ý nghĩ từ hai khoảng không gian và thời gian khác nhau về một bài thơ cùng tên: Thảo Nguyên . Đã gợi ý tôi giới thiệu đến  bạn đọc những giọt nghĩ của hai người bạn thơ từ suy tư đến khát vọng tin yêu vào lòng nhân ái của cội nguồn dân tộc . Với niềm tin những Thảo Nguyên xanh sẽ hồi sinh trên quê hương Việt Nam .
Trân trọng,
Cao Nguyên
MD 6/1/2013
Thảo Nguyên
 
mùa hạ. ta qua vùng thảo nguyên
gió thổi. chiều xanh trôi với nắng
khoảnh khắc. vầng trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng vào trời rộng
nhà ai. đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm. nhà ta sau hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo nguyên
cảm ơn phút giây đời giao hưởng
mùa hạ, ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh. quên thời khổ hạnh
mê con chuồn chuồn đỏ bay ngang
thương bầy dê con trên đồi vắng
gặp trẻ chăn bò đi hát rong
gặp ấu thơ ta. mùa hạ sáng
đời trôi đi. tưởng đời lặng câm
bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng
hỡi bé lang thang vùng thảo nguyên
như ta ngày xưa. thời thơ dại
áo vắt vai. đi qua rừng sim
lội trong cỏ may ngập đầu gối
biển cỏ mênh mông. sóng dập dờn
hò ơi. dong thuyền về bến đợi
cho ta theo nhé. về đêm nay
đêm trong nhà xưa. đêm mát rợi
xin bát canh rau. ăn rất hiền
chong ngọn ngọn dầu. mẹ dệt vải
đọc chuyện thạch sanh. lòng hân hoan
có khi mơ được làm thằng cuội
trong giấc ngủ mơ không thấy tiên
chỉ thấy vườn xưa. cây chĩu trái
tan mơ. mở cửa ra nhìn sao
muôn ánh sao mơ.ø dòng lệ chảy
đêm khuya. rì rào trong cây xanh
nghe bên láng giềng gà tre gáy
sáng mai. ta bước ra ngoài sân
nhìn quanh hiên. rụng đầy hoa bưởi
năm năm. ta qua miền thảo nguyên
đến nay. vang vang mùa hạ gọi
mùa hạ cùng ta phơi áo biếc
bên hàng dâu rũ lá mong manh
mùa hạ cùng ta đi hài đỏ
qua cầu tơ liễu. nắng vàng trong
mùa hạ cùng ta che nón rộng
xuống đầm nước lục bơi thuyền sen
mùa hạ cùng ta thổi sáo trúc
diều ai lơ lửng mấy tuần trăng
mùa hạ theo ta vào nương bãi
chặt cụm mây vàng. hái mật ong
mùa hạ theo ta ra đầu núi
nhìn quanh. từng vạt khói bềnh bồng
năm năm. ta qua vùng thảo nguyên
nghe mơ hồ ngôi sao biếc gọi
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
nước vượt bờ. trùng khơi nước rộng
hồn cựu kinh. thấp thoáng ngọn rừng
đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng
thảo nguyên. tàn khuya không ánh lửa
trời mịt mùng. muông thú kêu hoang
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
những năm ấy trời làm đói khổ
kẻ sống. người chết. đều trơ xương
lại thêm khắp bốn bề giặc giã
muôn oan hồn không chốn nương thân
phất phơ nơi đầu sông cuối bến
ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn
đường bạch dương. chiều. không quán trọ
hành nhân. hành nhân. đêm thu phân
cha trở về trong căn nhà gỗ
trao cho ta chiếc gậy tìm đường
đêm uống trà khan. đọc thơ cổ
xót đời. qua một tiếng độc huyền
ta đi năm năm qua thảo nguyên
gậy trúc mòn khua kêu đá sỏi
nắng vẫn xanh trên ngọn bạch đàn
mùa hạ đi. nhưng thu chưa vội
ta. con chim hạc. trong thời gian
một đêm. cánh sa trên đồng nội
từ đó chung quanh đời bặt tin
chuông chùa tây phương không vọng lại
mai mốt. mẹ qua vùng thảo nguyên
me.ï ánh trăng vàng trong truyện cổ
lặng soi bên mặt nước hồ gương
đi lang thang qua vùng bia mộ
khi cúi nhìn một cụm hoa lan
thương ôi. mắt nhung xưa còn mở
mai mốt chị qua vùng thảo nguyên
như xưa. một lần về quê ngoại
ngày reo vui. vườn chim bay chim
long reo vui. reo tà áo lụa
chị gội đầu bằng nước hoa chanh
hương tóc bay sang. chiều vời vợi
chị ơi. mai qua vùng thảo nguyên
mang cho em một chùm nhãn chín
ôi. tình xưa. như nhãn và sen
dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn
thì khuya sau. xin trăng hạ huyền
tiếp truyền đi những lời non biển
mai mốt em qua vùng thảo nguyên
tìm nhau. trăng đã về động cổ
tìm nhau. tìm nhặt chiếc khăn rơi
tìm nhau. khi qua đình ngả nón
tìm nhau. khi qua cầu áo bay
tìm nhau. đến phai hương tàn lửa
vị quế nồng. nghĩa nặng tình sâu
thì em nhé vào ngàn thăm hỏi
lão tiều phu. đốt bãi cháy bờ
gã chăn ngan. kêu ngoài lau sậy
hỏi thăm từ con hươu con nai
hỏi thăm giọt mưa và ngọn lá
bởi có ta. trong mỗi hạt sương
có ta. trong từng tia nắng dọi
lời ta trong câu hát dân gian
kể lể chuyện buồn vui sớm tối
em gom về trao lại cho con
mai sau sông nối xa đời suối
chuyện của người là chuyện dòng sông
bình minh đến mở tung cửa biển
ta đi năm năm qua thảo nguyên
Nghệ Tĩnh, 1980
Nguyễn Xuân Thiệp
 
 
anh đang trên thảo nguyên Plateau Gi
trong tay anh những cánh Dã Quỳ
trong mắt anh màu xanh của lá và trời gộp lại
trong trí anh những bước chân em trắng mịn
nhè nhẹ trên thảm cỏ đọng sương long lanh
trong đời anh một hồi tưởng rất hồng
và một thiết tha của niềm hoài vọng…
tất cả khởi đầu cho bản vẽ hôm nay
anh muốn dành tặng riêng em
một tâm hồn luôn sáng
trên những niềm yêu thương gợi nhớ
những góc cạnh quê hương xoáy tít
trong những giấc mơ em
những giấc mơ luôn trĩu nặng trong em
dù chỉ là một chút của Biển, của Sông, của Rừng
của Núi, của những cánh đồng, của những luống hoa..
bởi vì em quá tham lam
luôn nghĩ nhớ về đây
nơi chốn chào đời em buông tiếng khóc
nơi chốn mong cầu khi nhắm mắt vẫn còn ôm
những mảnh đời thất tán
từ một-trăm-cái -trứng sơ khai
những vết cắt của thời gian
của biến cố
thân tâm em lúc lành lúc vỡ
nước mắt em lúc ở lúc đi
vẫn đỏ au tâm huyết cội nguồn…
chiều đang xuống đó em
những hoàng hôn vàng ệch như giấc tuổi anh, em
những hoàng hôn như một dấu lặng
ngưng đọng
chờ đợi một chuyển giao
giữa đêm và ngày
giữa thế hệ chúng ta và con cháu
ngưng đọng để nhớ về xương máu
của Cha Ông
của chính anh và bạn bè anh
đã bón, đã tưới cho cây thêm xanh
cho cành thêm hoa quả…
đã đến lúc phải chuyển giao vào điệp khúc
cố quên lòng thù hận
cho tim mình khỏi bị ép chặc
nghẹt thở
con cháu chúng ta muốn được nghe
từ khởi đầu của điệp khúc
với nỗi cảm xúc tận cùng
về huyết thống
về danh dự của một Dân Tộc
và luôn muốn ngẩng cao đầu
trước mọi dị chủng
để nói
tôi là người Việt Nam
Thời gian trôi nhanh quá
từ lúc anh đặt nhát cọ đầu tiên
trong bình minh, lên bản vẽ
với tất cả những gì em khao khát
anh đã vẽ xong trước hoàng hôn
đêm đang xuống trên thảo nguyên
tịnh yên trên tất cả
nhưng chưa tịnh yên với anh
khi anh dùng một game màu rất sáng
vẽ qua những vì sao đêm
những vệt cầu mong như tâm nguyện
tất cả được bình yên
trong một điệp khúc hồng
ngân lên cùng lúc với tiếng chuông nhà thờ
báo hiệu một bình minh mới…
anh đang lắng nghe
lắng nghe
tiếng vỡ
của thời gian chuyển mình
khi lưng anh
đang thấm lạnh sương thảo nguyên
nhìn qua màn đêm
nhìn suốt những vì sao
anh nhớ em
một tâm hồn rất Việt Nam.
 
Bắc Mỹ 2005
Cao Nguyên
 
Nghe Diễn Ngâm:
 


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

NĂM MỚI



THÂN CHÚC MỌI NGƯỜI TÂM THÂN AN LẠC
KÍNH CHÚC MỌI NHÀ HẠNH PHÚC MIÊN TRƯỜNG
 Flower line graphics 
Giai Thoại Về Khúc Nhạc Giao Thừa


Bài hát AULD LANG SYNE

Ở Hoa Kỳ, dân chúng vào nửa đêm giao thừa dương lịch thường thức khuya để xem TV Chương Trình đón năm mới ở Quảng Trường Time Square ở New York, chủ đích là coi cảnh dân chúng theo dõi quả cầu tụt xuống theo 12 tiếng chuông đồng hồ để rồi tưng bừng hát mừng một năm mới bằng bài hát Auld Lang Syne.

Rất nhiều người Việt Nam thắc mắc chung quanh bài hát này vì họ quen nghe điệu hát quen thuộc này qua bài hát Tạm Biệt hay Ce n'est qu'un au-revoir! mỗi khi chia tay bãi trường hay tan Lửa Trại Hướng Đạo. Điệu hát này trẻ em Việt Nam nhại ý đổi lời là: Ò e, con ma đánh đu, Tặc zăng nhảy dù, Zorrô bắn súng!

Điều rất lạ thứ nhất là, dù là thiên hạ không biết chút xíu gì về tiếng Tô Cách Lan, nhưng điệu nhạc của nó bình dị quyến rũ nhưng thấm dễ dàng vào tâm trí khiến người ta nghe vài lần là thuộc ngay, có thể nói hát mà không hiểu lời ca nhưng cảm thấy hay, điều này thật lạ lẫm.
Cái lạ lớn thứ hai là bài hát này được phổ biến hầu như khắp hoàn cầu nhưng lại được hát vào những dịp khác nhau ?
Và cái lạ thứ ba là nguyên thủy của bài hát là dùng để ''mừng đón'' một điều vui mới đến, nhưng về sau nó lại được sử dụng để ngậm ngùi ''tiễn đưa'' một điều luyến tiếc.
Bài Auld Lang Syne ban đầu là do Thi Sĩ trứ danh của xứ Tô Cách Lan tên là Robert Burns chuyển ký và in ra dựa vào một bài du ca dân dã của xứ này. Robert Burns đưa ra một bản chép của bài ca nguyên thủy đến Viện Bảo Tàng Anh với câu ghi chú sau: Bài hát sau đây, một bài hát rất cổ, cổ nhất trong những bài xưa cổ và chưa bao giờ được in ra và ngay dù xuất hiện dưới dạng bản thảo cho đến lúc tôi ghi nó ra từ tiếng hát một cụ già, điều này đã đủ khiến cho người ta tin cậy. Nhưng điệu ca mà ông Burns chuyển ký ra không phải là điệu hát ngày nay...
Auld Lang Syne dịch theo từng chữ Tô Cách Lan ra Anh ngữ là Old long since, được Robert Burns dịch là Times gone by. Nói theo tiếng Việt, tôi nghĩ thích hợp hơn cả dịch là ''Năm xưa, năm xửa, năm xưa''.
Đại ý của bài Ca Dao Tô Cách Lan này là hai người bạn thân rất lâu không gặp nhau rồi rủ nhau nhậu bia, nhậu rượu, nhưng với điều kiện tiền ai nấy trả. Hai ông cùng lè nhè nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ thuở năm xưa năm xửa như: Nào là cùng nhau leo đồi, nào là cùng nhau lội suối...Cứ nhắc xong một kỷ niệm thì họ lại cùng nâng ly nốc cạn. Uống cho đến say thì thôi. 
Vào thập niên 60 thế kỷ trước, người dân Việt ở miền Nam tự do đều nghe và biết đến bài Auld Lang Syne như là nhạc chủ đề của cuốn phim Vũ Điệu trong sương mờ - Waterloo Bridge hay La Valse dans l'ombre - của hãng phim MGM, với  hai tài tử gạo cội là Robert Taylor và Vivien Leigh. 
Bài Auld Lang Syne đúng là một điệu hát rất hay, rất lạ và rất thân quen với hầu như tất cả mọi người, dùng sao về nó cũng đều thích hợp: vui lúc đón mừng hoặc buồn khi tiễn biệt ... Tuy nhiên đã mấy ai hiểu sự kỳ bí và hấp dẫn của nó. Đúng vậy. Đây là bài nhạc trứ danh mà chẳng ai hiểu gì về nó cả như câu nói của người Anh: ''the song that nobody knows''.


  Mời Xem >New Year On The Earth