Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

mua thu trong nhac va tho


Click vào chủ đề để nghe:







TIẾNG SÓNG RU CON

Copyright by Thanh Trí





Vòng tay mẹ ngỡ võng trời

Bước chân nhè nhẹ chơi vơi chim chuyền

Âm thanh sóng vỗ biển hiền

Hoà cùng tiếng gió của miền thuỳ dương



Ru con ru cả biển thương

Mẹ mơ thế giới bốn phương thái hoà

Bầy con chấp cánh bay xa

Không gian tứ hải đều là anh em



Ru con dỗ giấc êm đềm

Bên bờ Thanh Hải sóng đêm rì rào

Ru con lòng những ước ao

Gởi vào sóng vọng dạt dào nhâp nhô



Ơn đầy Trời Phật độ cho

Thuyền con đỗ bến giấc mơ xứ người

Nhưng lòng me nhớ biển khơi

Nhớ từng tiếng sóng à ơi đêm trường



Con ơi, chớ quên biển thương

Chuỗi ngày thơ ấu sóng thường ru con

Thanh Trí

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thư Gởi Bạn Già

Chữ Nghĩa mình có được hôm nay
Rồi cũng theo mây bay về Trời
Vần Điệu Ý Lời mình có
Rồi cũng theo gió cuốn bay!
Sao không từ hôm nay, trên đường vào thất thập, còn chút mừng sắp được “cổ lai hy” mà chong đèn viết tiếp sử thi, đồng thời "ôn cố tri tân".
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi!
(Thơ vua Tự Đức khóc Bằng Phi)
Nên lắm chứ, phải không người bạn già thân quí ? Dù biết, bạn sẽ bảo ta ngông, cố tình lắp ghép hai tầng tâm thức để ngẫm . Nhưng bạn đâu khác chi ta, đã ngẫm từ Đoạn Trường Tân Thanh đến đoạn trường thất thanh.Từ ngày cơn hồng thủy xô bọn mình dạt vào bờ cõi lạ, biết bao lần nghe tiếng thét thất thanh của những thân phận người bị đánh gục, bị xé nát bởi cuồng phong bão hận! Làm chữ nghĩa phải bật máu, nhỏ xuống lòng đêm những giọt lệ hồng!
Một thời mong làm lính, một đời muốn làm dân – cả hai đều cùng trách nhiệm của một công dân chân chính và lương thiện của một đất nước vốn tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, cần bảo vệ – ngặt nỗi lực bất tòng tâm mà lưu vong thất thổ. Để mãi hoài vọng về một cố hương, tiếc giải non sông xanh ngát màu xưa đang bị úa vàng bởi lòng tham vọng của những quyền lực quỉ ám và những đòn thù cực đoan. Đốt cả nhân tâm ẩn tàng trong cổ tích, chôn lấp kinh thư nhân ái thánh hiền. Ta đã mất quyền công dân từ độ nghe tiếng rít rợn người của cửa tù thế kỷ. Một cuộc hủy diệt đến tận cùng hơi thở của di ngôn chân thiện cha ông gởi lại. Để nghe đau lời hổ nhớ rừng của Người Thế Lữ:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua!

Ngày tháng dần qua, nhẩn nha qua, nhuộm tóc ta màu bạc. Bạc cả lòng hào phóng tình người. Thấy trong cõi Đi, trong cõi Về những con đường huyễn hoặc. Nên mỗi giấc mơ cứ dấy lên niềm khao khát sống, như thể ta đang trong những giờ phút cuối của cuộc đời tiếc nuối những tàn phai! Để thêm một lần quật cường đi trong lửa bới tro tìm bảo vật. Những bảo vật linh thiêng được ghép từng mảnh chữ thế nhân còn sáng nghĩa thuần thành với niềm khát vọng giữ thơm Quê Mẹ.
Trời đang vào Thu, màu thu buồn bàng bạc, làm chùng tâm lữ khách:

gió xoáy ngang đêm, rừng chợt thức
nghe lá xa cành, hối hả rơi
xuyên sương mờ ảo trăng treo lệch
vạc thả lời thu rớt cuối trời

rớt xuống chùng sâu tâm lữ khách
những giọt lòng đau mấy khoảng đời
quê xưa lửa hạ bùng nhen dậy
thấp thoáng trùng xa mộng giấc tôi

giấc gõ lưng trời muôn nhịp phách
tấu giữa rừng thiêng tráng khúc ca
thơ nung lửa hạ ru lòng khách
gió quất thu sầu xé nát hoa!

Thật sự ta đang giữa đêm của đầu thế kỷ 21, trên cầu truyền thông gởi tâm tình đến bạn vẫn với niềm lạc quan “trăm năm còn phía trước” để giữ ngọn bút đi giữa thăng trầm không chao, nghêu ngao những trầm khúc cho ta và cho người còn chút tình hào sảng.
Hôm qua, nhân đi tìm những “cảo thơm”, ta thấy những mảnh chữ của ta ai đó thương tình đem máng trên những vách trời trong cõi hằng hà chữ. Ta vui quá, bèn mét với người bạn trẻ. Bạn trẻ cười chúc phúc cho ta! Như ta đã từng chúc phúc cho bạn:
chúc mừng anh có những đứa con ngoan
gia tài lớn, chắt chiu từ sữa mẹ
vượt gian khó, lòng kiên trì mạnh mẽ
nuôi thơm xanh - thế hệ mới vào đời

nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng dõi Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến


Bạn không thể không vui cùng ta, như bạn không thể không vui với cái tuổi về hưu, được ẩn cư trong niềm tin yêu của bằng hữu . Thỉnh thoảng ghé thăm uống chén trà thơm, gặp bữa ngẫu hứng thêm ly rượu đỏ, kháo chuyện nhau về nợ bút nghiên . Vẫn là thứ nghiệp dĩ sao nặng trằn trằn trong trí chưa rơi ? Mà rơi thì đã sao, đếm quanh còn mấy thằng bạn cùng ta ngồi sum họp như thuở cây đàn trên vai, quyển thơ trong áo trận . Biết phù sinh vẫn cười hí hửng, nghe đạn bay vẫn đứng ngang tàng .
Khi không buông mà rơi mới buồn thấm thía, vết cắt không vì dao, vì đạn mới ngẩn ngơ lòng, chợt hỏi vì sao? Câu hỏi đơn giản, trả lời không dễ . Như hòa bình vẫn mong mà khi nó đến, lại thấy sự nghiệt ngã rộng vô bờ, mà nhân ái nhỏ như hạt bụi .
Bốn mùa vẫn quay, quay theo chiều cổ điển, vẫn lợi danh sùng kính trong tầm mắt con người. Làm ta thèm một chuyển mùa có thể, trước khi khép tròn cõi tạm một vòng tử sinh!
Và thế là hứng tình ngoáy bút, tưởng được thong dong giòng chữ chân truyền . Hóa ra cũng lòng ta tự vấn:
vấn quân
đời vẫn phong trần
bút nghiên đâu lẽ bâng khuâng niệm từ
duyên còn hồng ánh chân như
lẽ nào vần điệu cổ thư mặc trầm!


Khát lắm, nhưng chữ thiếu ngọt ngào nên khó nuốt . Lời muốn nhẹ bay mà ý cứ mặc trầm . Chẳng phải vừa rồi bạn nói với ta: đọc “hoang tưởng” của nhà ngươi nghe đau lắm . Cũng mong chỉ là hoang tưởng, không là khải thị tiên tri:
đông với tây mây vẫn màu huyết dụ
báo động nhân gian cơn lũ hận thù
đêm nghe thú hú vang trời gọi lửa
đốt bình yên thiêu rụi cả mặt trời

Có lẽ ta không thoát khỏi cái bóng bi quan ám ảnh:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Với hai tay không thể chạm quê hương!

Bạn giúp ta làm sao thoát được thứ ám ảnh của dụ ngôn, làm sao như Người Nguyễn Đức Quang hát vung lời “Ngạo Nghễ”. Khi trời đất chuyển mùa, ta chỉ tay vào mặt trời rằng: rót thêm giọt nắng cho xanh lá tình!
Thư bất tận ngôn, dẫu ta tận lòng ký thác thêm cho bạn một trầm khúc trong chuỗi tự truyện của chính ta đang khi lãng du trên thềm đời hóa thạch!
Ơi những người bạn trẻ, trên hành trình về với Cội Nguồn, nhớ giúp bọn ta chạm mạch Quê Hương . Ân sủng đó là thánh tích hóa khai trầm khúc thành những giòng nước mà trong hoang tưởng ta vẫn mong cầu: nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!

MD Oct 01,2010
Cao Nguyên

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Chào Em





Em chào Việt Nam,

tôi chào em – Phạm Quỳnh Anh,

“Em sẽ về quê chào đón hồn em
Em về chào đón nước nhà Việt Nam” (*)

Tha thiết lắm, và cũng bi thiết lắm . Ngôn ngữ Việt Nam diễn đạt tâm thức theo hai chiều bi và tráng thật ấn tượng.
Khi ước mơ thành sự thật, lúc em về Việt Nam, có phải em thật sự đã:

“Gặp lại những người anh trong ánh sáng
Găp lại các anh trong buổi kinh cầu
Thấy hồn em nơi quê nhà yêu dấu
Hiểu đuợc nguồn gốc, biết được giang san” (*)

Em biết được bao nhiêu về giang san Việt Nam của trước và sau chiến tranh?
Hòa Bình! Có thật đó. Mà lầm than! Vẫn còn đó. Hồn em còn mãi đau. Tìm hiểu nguyên nhân không khó, điều khó là làm sao cho nỗi đau tan đi, như vết thương sau chiến tranh không còn rướm máu, sông núi quê hương khởi sắc xanh tươi, lòng người được vui hơn theo tiếng cười của trẻ thơ.
Những đứa trẻ có những ước mơ nhỏ nhoi, chỉ cần được đi học để tìm cho mình chút vốn tri thức làm người – một người dân chân chính của một dân tộc anh hùng, trong một quốc gia hưng thịnh. Vậy mà khó, thật khó!
Biết đến bao giờ cái tâm thức hai chiều bi - tráng hòa nhập vào lời chào Việt Nam trên hành trình về với tương lai của em không còn nỗi ray rứt của hồn đau! Khó, nhưng không phải là không thể, khi cõi hồn em còn ở đó: Việt Nam!
Hãy nhìn từ những tâm thức hôm nay, em nhé. Em sẽ biết cần “nhặt” những gì làm nên hành trang của tuổi trẻ tiếp sau lời cầu xin của thế hệ chúng tôi!

Em trở lại Việt Nam

Em trở lại Việt Nam
Nhặt giùm tôi ánh mắt
Của em bé thơ ngây
Vỉa hè khuya hiu hắt

Em trở lại Việt Nam
Mang giùm tôi tiếng khóc
Của một kẻ lưu vong
Xa nửa vòng trái đất

Em trở lại Việt Nam
Nhặt giùm tôi sợi tóc
Của mẹ lúc chia tay
Tiễn chồng đi ra Bắc

Em trở lại Việt Nam
Mang giùm tôi tiếng thét
Của chị lúc đêm khuya
Ngỡ còn trên biển Thái

Em trở lại Việt Nam
Nhặt giùm tôi mơ ước
Ðã bỏ lại năm xưa
Trên vùng kinh tế mới

Em trở lại Việt Nam
Mang giùm tôi tổ quốc
Trái tim nhỏ của tôi
Ðã nhiều năm đau nhức.
Trần Trung Ðạo

Với tôi, quê hương cũng từng biết. Rất tiếc, chưa biết hết trọn đời, thì đã lưu vong. Vậy mà nhớ, nhớ lắm. Nhớ đến nỗi đêm mơ, thấy mình đang theo tàu về quê. Lại thêm một tâm thức cho em nhìn, với ước mong em cũng “nhặt” được vài điều góp vốn hành trang:


Tâm theo tàu về quê
(mến tặng Phú Yên)

qua Đèo Cả, tới Hảo Sơn
đường chui vách đá, chưa mòn dấu bom
còi rung xuyên mấy tầng hầm
chập chờn sáng tối, rần rần bánh khua

đến Tuy Hòa, lỡ giấc trưa
hàng rong quê Nội mời đua cửa tàu
mãng cầu, cam, mít, mận, cau
xanh mơn dạo nọ, vàng thau độ rày

chạm thôi mà nhớ đã đầy
từng sân ga nhỏ chứa dày bâng khuâng
Phú Tân, Chí Thạnh, Đồng Xuân
chặng qua, đoạn lại, nhịp dừng... quá thương

tàu đi, tình ở, lòng rưng
núi sông vạn dặm đã từng chiêm bao
xa kia, quê Ngoại Sông Cầu
quá giang, tàu khuất qua đầu tóc sương.

nước xuôi, nguồn tận Kỳ Cùng
nhập Sông Ba sóng cuộn vùng lúa reo
quê tôi đó, xứ rạ nghèo
tàu mang tâm hạc về theo ráng chiều!


Cao Nguyên


(*) Lời Việt từ "http://www.visualgui.com/motion/bonjour-vietnam/"

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Ơn Cha

ƠN NGHĨA SINH THÀNH







Click vào Chủ Đề để nghe chương trình nhạc do anh chị em nghệ sĩ gia đình "Gạch Nối ONLINE" thực hiện
ƠN NGHĨA SINH THÀNH

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Tưởng Niệm Anh Hùng







Lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Anh Hùng tại Midway City: Lịch sử Việt Nam luôn được tôn trọng tại Hoa Kỳ
Duy Uyên/ Việt Herald
(09/20/2010)

MIDWAY CITY, California (VH): 12 giờ trưa chủ nhật, ngày 19 tháng 9, năm 2010, các quan khách, dân biểu, thượng nghị sĩ tiểu bang, đồng hương Việt Nam, cư dân Quận Cam, đại diện các Chính Đảng, Đoàn Thể và Hội Đoàn, đã đến tham dự lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Anh Hùng tại công viên Roger Stanton Park, thuộc thành phố Midway City.



Tượng đài gồm có 03 tấm bia, mỗi tấm bia có hình ảnh và tiểu sử 05 vị anh hùng dân tộc của cộng đồng Mỹ, Việt, Mễ.
Tấm bia của cộng đồng Việt Nam có ảnh thờ và tiểu sử của Quốc Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Vua Lê Lợi và Đại Đế Quang Trung.
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Quận Cam Janet Nguyễn cho biết tấm bia tưởng niệm của Việt Nam được hình thành nhờ có sự đóng góp quan trọng của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt và nhiều hội đoàn khác trong cộng đồng chúng ta.

Thay mặt cho CLB Hùng sử Việt, giáo sư Song Thuận phát biểu:

“Tôi rất hân hạnh, hôm nay đại diện CLB Hùng sử Việt để này tỏ lòng biết ơn khi công trình này đã hoàn thành. Tháng 1 năm 2010, chúng tôi ký kết với công viên Roger Stanton Park, để thực hiện dự án này, và được Hội Đồng Giám Sát Quận Cam yểm trợ chấp thuận. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã đóng góp cho tượng đài. Trong đó có những người trong CLB Hùng sử Việt, các họa sĩ và hội cựu nữ sinh Trưng Vương, đã giúp rất nhiều cho tượng đài vị anh hùng Việt Nam. Cám ơn sự hiện diện của quý vị. Đài Tưởng Niệm cho thấy lịch sử Việt Nam luôn được tôn trọng tại Hoa Kỳ.”

(Việt Báo)

CÔNG VIÊN ANH HÙNG


Văn Bản Trên Bia Tưởng Niệm Anh Hùng

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Việt Nam - Ban Hợp Ca Thăng Long

1000 Năm Thăng Long




KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG:

Nhớ lại TRẬN PHỤC KÍCH LONG TRỜI LỞ ĐẤT
CỦA ĐOÀN NGHĨA BINH LAM SƠN TẠI TỐT ĐỘNG - CHÚC ĐỘNG
(NGOẠI Ô THÀNH THĂNG LONG)
(ngày 7 tháng 11/1426)

Trận Tụy Động (Tốt Động) - Chúc Động
Trận quyết định cho nền độc lập của Đại Việt.
Trần việt Bắc

Trận chiến sơ khởi
(Ngày 6, 7 tháng 10, năm Bính Ngọ - ngày 5, 6 tháng 11/1426).

Viện quân của "Vương Thông từ Khâu Ôn tới, qua cầu Tây Dương , đóng quân ở bến Cổ
Sở , làm cầu phao cho quân qua sông. Phương Chính tiến từ cầu Yên Quyết , đóng quân
ở cầu Sa Đôi . Sơn Thọ và Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục, đóng quân ở cầu Thanh Oai .
Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự
cho là đánh một trận là bắt hết được quân ta"(ĐVSKTT).

Xem tiếp:

1000 Năm Thăng Long

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

lửa hồng xưa





những chiếc đèn một thời hồng ánh lửa
theo tiếng cười đi giữa ánh trăng thanh
khi hạnh phúc đã không cần chọn lựa
giữa dòng đời chỉ có một màu xanh ...

... rồi mưa gió (Trung Thu nào chẳng vậy)
ngôi sao xinh vụt tắt giữa vòng tay
những tiếng khóc thơ ngây cùng chợt vỡ
đời đang vui, bóng tối bỗng ùa vây

bóng dáng những đèn xưa còn mãi đấy
mà tiếc mình không giữ lửa trong tay
đêm quá khứ hồn nhiên bừng sống dậy
gọi đèn về gây lại lửa hồng xưa

còn mưa nữa, trăng sẽ buồn biết mấy
ai đưa người đi xuyên qua bóng đêm
lửa hồng tắt vì mây thôi, chắc vậy
Sài Gòn ơi ! ta lại nhớ Người rồi !

Cao Nguyên

Tết Trung Thu




Trung thu có nghĩa là giữa mùa Thu. Tết Trung Thu (Mid-Autumn Festival) là ngày Tết vào giữa mùa Thu, ngày 15 tức là ngày Rằm tháng Tám, của mỗi năm âm lịch (lunar calendar). Không nên nhầm với Lễ Trung Nguyên vào ngày 15 tháng Bảy.

Có thể nói Tết Trung Thu là ngày lễ lớn thứ hai của Việt Nam, sau Tết Nguyên Đán.

Ngoài Trung Hoa và Việt Nam, nhiều quốc gia Á Đông khác đều có ngày lễ tương tự như Tết Trung Thu này, tuy mỗi quốc gia có mừng ngày vui một cách khác nhau, khác ít hay khác nhiều. Thí dụ ở Đại Hàn là Lễ Tạ Ơn Chusok, ở Nhật Bản là Hội Zyuyoga...

1. NGUỒN GỐC TẾT TRUNG THU

Tết Trung Thu có lẽ bắt nguồn từ nước Trung Hoa. Có nhiều chuyện được truyền tụng về nguồn gốc của Tết Trung Thu, nhưng câu chuyện Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện sau đây có lẽ được nhiều người biết.

Hàng ngàn năm trước, bên Trung Hoa, đời nhà Đường, vua Đường Minh Hoàng (713 Đường Minh Hoàng -741 Tây Lịch), nhớ Dương Quí Phi đã qua đời, thành đi dạo chơi vườn Ngự Uyển, vào một đêm Rằm tháng Tám. Nhìn mặt trăng to và đẹp, ông Vua ngắm trăng, mê thích quá và tự nhiên buột miệng nói ra ước muốn được đi thăm mặt trăng. Tình cờ một ông Tiên (có chỗ nói là Đạo sĩ La Công Viễn và có chỗ lại là Pháp Sư Diệu Pháp Thiện) nghe được và đã dùng cầu vồng nối lên mặt trăng cho vị Vua được lên Cung Trăng. Ở trên Cung Trăng, nhà Vua được xem các Tiên Nữ hát và múa “Tây Thiên Điệu Khúc.” Trong đám tiên nữ múa, nhà vua nhìn thấy cả hình ảnh Dương Quý Phi. Khi quay về lại quả đất, vua nhớ lại và họp thêm “Khúc Hát Bà La Môn” do Trương Kính Thuật, Tiết Độ Sứ Tây Lương, vừa triều tiến cùng lúc, để chế thành thành “Khúc Nghê Thường Vũ Y” (Nghê là cầu vồng, Thường là xiêm váy). Rồi thương nhớ Dương Quí Phi, vua mở tiệc có cung nữ múa hát. Và để nhớ lại dịp được đi thăm mặt Trăng, nhà vua đặt ngày Rằm Tháng Tám mỗi năm là ngày Tết Trung Thu cho mọi người cùng vui mừng đón và ngắm trăng. Cũng vì vậy, ngày Tết này còn được gọi là Tết Trông Trăng.

Một chuyện khác cũng hay được nhắc và cho là nguồn gốc Tết Trung Thu. Ngày xưa ở Trung Hoa, thời Tây Hán, đang lúc chiến tranh, hết lương thực, Lưu Tú phải cầu xin nhờ Thượng Đế, thành quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn trong dịp rằm tháng tám. Về sau Lưu Tú dẹp được giặc, lên làm vua Quang Võ, nhà Hậu Hán và ông đã nhớ tổ chức lễ tạ ơn mỗi năm vào ngày này.

Dần dần Tết Trung Thu thành ngày lễ lớn ở Trung Hoa. Đó thường trùng với dịp gặt lúa thành cũng là dịp mừng vui hàng năm của các nông gia. Sau một thời gian bỏ hết thì giờ và công sức cực nhọc gặt lúa, đây là lúc bỏ thì giờ làm lễ tạ ơn trời phật, thần tiên mặt trăng.

Tết Trung Thu của Việt Nam thì khác vì trở thành một ngày lễ chính của trẻ em và cũng là lúc người lớn để ý săn sóc đến con cái còn nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cũng có những thú vui cùng dịp. Họ sửa soạn thức ăn, thức uống rượu hay trà, để làm tiệc ngắm trăng. Sau khi trẻ con đi ca hát, rước đèn Trung Thu về thì “phá cỗ” lúc mặt trăng lên cao nhất.

2. TRĂNG TRUNG THU VÀ TIÊN TRI

Ngày Rằm tháng Tám Âm Lịch, Tết Trung Thu, trăng tròn lớn và sáng. Ngày xưa, dịp Trung Thu, khi ngắm trăng, người ta nhìn màu sắc để đoán tương lai năm sau.

Nguời ta tin là nếu màu trăng vàng thì năm tới sẽ trúng mùa màng tốt, và do đó có câu:

“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm Tháng Tám.”

Khi trăng màu xanh thì sẽ bị thiên tai. Và, nếu trăng màu cam thì đất nước sẽ thanh bình.

3. ĐÈN TRUNG THU

Tết Trung Thu đặc biệt có đèn Trung Thu. Các đèn Trung Thu được chế tạo cho trẻ em với thiên hình vạn trạng như đèn lồng, đèn xếp, đèn quả dưa, đèn ngôi sao, đèn mặt trăng, đèn con cá (nhất là đèn cá chép), đèn con giống, đèn kết hoa... Đủ thứ loại đèn, sặc sỡ muôn màu.

Một trong những loại đèn Trung Thu đáng kể nhất là đèn kéo quân, loại đèn có hình ảnh của quân sĩ và tướng tá quay quanh trục đèn. Bài dân ca “Đèn Cù” có thể bắt nguồn từ cái đèn kéo quân.

Những ngày gần đến Tết, trẻ em đã được thắp đèn ở nhà. Một hai tối trước và đúng tối ngày Rằm tháng Tám, các trẻ em rủ nhau đi rước đèn Trung Thu. Các em cầm đèn Trung Thu có ngọn nến thắp sáng ở giữa, đi thành từng đoàn ngoài ngõ khắp đường phố, vừa đi vừa đồng ca hát, thật là náo nhiệt.

Trước 1975, đèn Trung Thu nổi tiếng sản xuất từ Phú Bình, quận 11 của Sài Gòn. Những người làm đèn Trung Thu ở đây là dân di cư năm 1954 từ làng Báo Đáp, tỉnh Nam Định, Bắc Việt. Họ đã làm đèn Trung Thu bán cho cả nước.

Nhưng, đèn Trung Thu đầu tiên ở Việt Nam là bắt đầu ở Hội An, Trung Việt từ xưa khoảng thế kỷ 16 hay 17, khi người Trung Hoa di dân sang lập nghiệp tại thành phố này. Đèn Trung Thu Hội An thay vì bọc giấy thì dùng lụa Hà Đông, làm ánh sáng đẹp hơn.

4. ĐỒ CHƠI TRUNG THU KHÁC CHO TRẺ CON

Những ngày Trung Thu cũng là lúc trẻ con hay được cho đồ chơi. Ngoài đèn Trung Thu kể trên, có đủ loại đồ chơi khác nhau.

Đáng kể nhất là Ông Tiến Sĩ Giấy là một đồ chơi bằng giấy làm thành người đàn ông, trông có vẻ có... học thức cao. Ông Tiến Sĩ Giấy thường được để vào chỗ giữa và cao nhất trong mâm cỗ Trung Thu gồm những món ăn uống ngon nhất là bánh trái, hoa quả của ngày lễ. Chữ “tiến sĩ giấy” dùng sau này, để ám chỉ những người muốn “lòe” người khác, tự cho mình có bằng cấp, mà thật không có bằng, là từ đây mà ra.

Những đồ chơi cho trẻ con đặc biệt khác trong dịp Trung Thu làm bằng giấy bồi, có đủ thứ và đươc chế thành các hoa quả, đình chùa, người...

Rồi phải kể đến các con giống, tức là thú vật kể cả con thiềm thử... nặn bằng bột và được tô đủ màu.

Xong đến các mặt nạ giả những nhân vật trong truyện xưa nổi tiếng của Trung Hoa, như Tôn Ngộ Không (khỉ), Trư Bát Gái (heo)... trong truyện Tây Du Ký hay Quan Công, Trương Phi... trong truyện Tam Quốc Chí.

Dĩ nhiên còn rất nhiều đồ chơi khác nhau như súng phun, trống bỏi, chong chóng, dao kiếm bằng nhựa... và không thể nào kể hết được.

5. BÁNH TRUNG THU

Bánh ngon, đặc biệt nhất trong dịp lễ này dĩ nhiên là bánh Trung Thu (mooncakes). Được biết bánh Trung Thu có thể bắt nguồn từ thời Trung Hoa bị người Mông Cổ xâm nhập. Vì bị người Nguyên cai trị, người Trung Hoa âm mưu nổi dậy, định vào một ngày rằm tháng 8. Để tập hợp các lực lượng nổi dậy cùng lúc, một trong những người cầm đầu là Lưu Bá Ôn đã cho bán bánh và trong ruột bánh có mảnh giấy đề “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, như là một cách truyền tin. Nhờ vậy người dân nhiệt liệt hưởng ứng và đã lật đổ đươc chính thể cai trị hà khắc của người Mông Cổ. Từ đó bên Trung Hoa có tục lệ mỗi năm họp gia đình ăn bánh ngày rằm tháng 8 để kỷ niệm chuyện này.
Bánh Trung Thu lúc đầu tròn như mặt trăng, được gọi là bánh “đoàn viên” vì là bánh cho cả gia đình ăn, khi đoàn tụngắm trăng.

Ngày nay, bánh Trung Thu gồm hai loại bánh dẻo có nhân đậu, hạt sen hay bánh nướng có nhân thập cẩm. Khi làm vỏ bánh Trung Thu phải đổ bột vào khuôn để bánh có hình mặt trăng, mặt trời, hoa quả... và cần thợ làm bánh khéo tay.

Bánh dẻo màu trắng, tượng trưng cho mặt trăng. Bánh dẻo có vỏ làm bằng bột nếp. Nhân hạt sen hay đậu xanh, vỏ cam... Bánh dẻo ngọt và thơm.

Bánh nướng màu vàng, tượng trưng cho mặt trời. Bánh nướng có vỏ là bột mì. Nhân bánh nướng thường thập cẩm như lòng đỏ trứng muối, thịt heo, lạp xưởng, hạt dưa... Bánh nướng hương vị mặn mà.
Bánh Trung Thu mua để cho gia đình ăn, nhưng cũng là quà mọi người mua biếu họ hàng, người thân hoặc để biếu các người ân nhân hay “ân nhân.”

6. TRÁI CÂY TRUNG THU

Trong ngày Tết, người ta hay bày cỗ bàn với nhiều món trái cây tươi, như chuối, hồng, thị, na, mía... nhưng đặc biệt nhất là bưởi. Ngày xưa tép bưởi được phơi khô, xiên vào tre hay dây thép, phơi thật khô và đêm Trung Thu đem ra đốt cho sáng. Tép bưởi cũng dùng để xếp đặt xây thành hình các con thú vật, thường là hình con chó. Nước hoa bưởi được dùng pha vào vỏ bánh dẻo cho thơm.

Tạm kể thêm vào chỗ này một món ăn ngon mùa Thu, không thể thiếu trong dịp Trung Thu ở ngoài Bắc, là cốm thơm dẻo và ngon, nhất là cốm làng Vòng.

7. MÚA LÂN HAY MÚA SƯ TỬ

Trung Thu có những trò chơi. Vui nhộn nhất là Múa Sư Tử hay Múa Lân (Unicorn Dance), thường thấy ở ngày Tết Trung Thu (và ở những ngày Tết Nguyên Đán). Lân là một trong bốn con vật quý. Theo triền thuyết, Tứ Quý gồm Long Lân Qui Phượng. Lân tức là kỳ lân với kỳ là con đực và lân là con cái. Đầu lân có một sừng rất to. Nhìn thoáng qua đầu lân giống đầu sư tử thành ở miền Bắc Việt gọi là múa sư tử. Đám múa lân có một người cầm đội một đầu lân to bằng giấy màu sắc sặc sỡ. Đầu lân nối với đuôi lân là một mảnh vải màu dài do một người khác cầm. Hai người này, người ở đầu lân múa đầu và người ở đuôi lân phất đuôi, theo nhịp trống và thanh la. Thường có thêm một người thứ ba đeo mặt nạ giả làm Ông Địa (Erth Lord). Ông Địa, có mặt tròn xoe như mặt trăng trông vui và ngộ nghĩnh, vẫy quạt, đùa, trêu gọi cho con lân đuổi bắt.

Có thêm những người khác trong đám múa lân đi theo để đánh thanh la, cầm cờ nhiều màu, cầm kiếm, cầm côn...
Khi con lân đi qua một nhà nào có treo tiền ở cao, nó dừng lại để trèo lên cao lấy tiền. Các người
truộc đám múa lân sẽ khéo léo đứng trồng lên nhau, đội và đưa lân lên cao để con lân sẽ “há miệng” rồi “ngậm” xong “nuốt” tiền thưởng.

Bên Trung Hoa, không có múa lân nhưng có điệu múa rồng (Dragon Dance).

8. HÁT TRỐNG QUÂN

Ở miền Bắc, ngày xưa, vào dịp Tết Trung Thu, thanh niên thanh nữ thường rủ nhau hát Trống Quân. Hai bên nam nữ hát đố, đối đáp với nhau, nhiều khi là những câu hát hò ứng khẩu, nhưng vẫn có ý tưởng và theo vần, thường theo thể thơ Lục Bát. Họ hát và đập vào sợi dây gai hay dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, thành ra những tiếng động giống như tiếng trống làm nhịp, thường là ba nhịp “thình thùng thình” cho câu hát.

Hát Trống Quân, đặc biệt của và chỉ có ở Việt Nam, nghe nói bắt nguồn từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng.
Vua Quang Trung, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, trong chuyến đem quân ra Bắc đại phá quân Thanh, đã cho quân giả làm con gái, để rồi như là trai gái hai bên hát trống quân, cho quân lính đỡ nhớ nhà. Và từ đó ông cũng đã làm hát trống quân trở thành thịnh hành trong dân gian.

9. THƠ TRUNG THU

Xin kể 4 câu của Tản Đà:

“Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”

10. TRUYỆN CỔ TÍCH TRUNG THU

Tết Trung Thu cũng là lúc ông bà hay kể chuyện cổ tích cho con cháu.

Truyện cổ tích Trung Hoa về mặt trăng hay được nhắc đến trong dịp Tết Trung Thu là chuyện Hậu Nghệ-Hằng Nga. Hằng Nga (có chỗ gọi là Thường Nga) là vợ Hậu Nghệ và cả hai đều là thần tiên sống trên trời. Lúc đó có Ngọc Hoàng Thượng Đế có 10 người con là 10 mặt tròi, chiếu sức nóng quá độ xuống quả đất. Để cứu dân khỏi sức hủy hoại của sức nóng, Hậu Nghệ đã bắn cung làm rơi 9 mặt trời chỉ để lại một. Vì vậy Hậu Nghệ và Hằng Nga bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian. Hậu Nghệ gặp và được tiên Tây Vương Mẫu cho viên thần dược, trường sinh bất tử, uống vào là bay lên trời, lại thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không uống vì muốn ở dưới trần với vợ yêu Hằng Nga và Hậu Nghệ đưa thuốc cho Hằng Nga giữ. Bồng Mông là người xấu, tấn công Hằng Nga để lấy viên thuốc. Hằng Nga sợ thuốc lọt vào kẻgian đành tự nuốt viên thuốc. Sau khi uống thuốc, Hằng Nga biến thành tiên bay lên mặt trăng, xa cách với Hậu Nghệ mãi mãi. Trên mặt trăng Hằng Nga sống ở Cung Quảng Hàn, gặp và làm bạn với một con thỏ trắng đẹp gọi là Thỏ Ngọc (Ngọc Thố).

Một trong những chuyện cổ tích khá nổi tiếng là chuyện Cá Hóa Long, chuyện của một con cá chép nhờ sự cố gắng mà đã được biến thành rồng. Câu chuyện thường dùng để khuyến khích trẻ em học tính chuyên cần cố gắng, để được thành công trong tương lai.

Chuyện cổ tích về chú Cuội như sau. Ngày xưa nhà Cuội có cây đa. Một hôm chú Cuội đi vắng nhà, không biết sao, cây đa bật gốc bay lên trời. Chú Cuội vừa về đến, nhảy lên bám rễ đa níu lại nhưng không được và bị cuốn theo lên mặt tăng luôn. Nhìn lên mặt trăng, người ta dường như thấy có bóng cây đa và bóng người ngồi dưới gốc coi như là Chú Cuội.

Một chuyện cổ tích khác, cũng về Chú Cuội nhưng lại có... vợ, hay được nhắc đến trong dịp Trung Thu, là Chuyện Chị Hằng. Ngày xưa có người tên là Chú Cuội tìm được một cây đa ở sau nhà có mãnh lực làm lành những vết thương. Vì cây đa có phép lạ như vậy, không ai được phép tiểu tiện ở gốc cây. Vợ của Chú Cuội là Chị Hằng, một lần tình cờ quên và không nhịn được đã tiểu tiện vào cây. Sau đó Chị Hằng leo lên cành cây ngồi và bất thình lình, cây đa mọc thật nhanh, thật cao lên đến mặt Trăng đem theo Chị Hằng. Từ đó chị Hằng, bị phạt, phải sống trên Cung Trăng mãi mãi.

11. ĐỒNG GIAO CA DAO TRUNG THU

Một trong những bài đồng giao Trung Thu ngày xưa là:

“Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có tệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám dù
Thằng cu xí xoài
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cầy ruộng
Có muống thả ao
Ông sao trên trời ...”

Ca dao hay dược nhắc đến trong dịp Trung Thu:

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”

Ý nghĩa bài ca dao là không nên bỏ những chuyện nhỏ, nhưng thực tế đi lo những chuyện lớn, nhưng viển vông.
Ca dao khác về “thằng Cuội”:

“Thằng cuội đứng giữa cung trăng
Cầm rìu cầm rựa đốn săng kiền kiền”
“Săng” là cây gỗ (tiếng miền Trung), còn “kiền kiền” là một loại gỗ tốt. Ý nghĩa chắc là ai cũng phải làm việc, ngay cả Cuội cũng phải đốn gỗ mà sống.
Câu ca dao tình tứ sau thì dễ hiểu:
“Trăng tròn chỉ có đêm rằm
Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn”

12. NHẠC NHI ĐỒNG TRUNG THU

Về sau này, khi có đài phát thanh radio, vào dịp Trung Thu,nhiều bài hát về trẻ em thường được trình bày. Nhiều nhất là những bài nhạc Tuổi Thơ do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác như Thằng Cuội:

“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ...
...Có con dế mèn
Suốt trong đêm thâu
Hát xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ...
... Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi Ông Trời
Cho mượn cái thang”

Các bài khác cho nhi đồng của Lê Thương hay được hát vào dịp Trung Thu là Ông Ninh Ông Nang, Tuổi Thơ ...
Nhưng, bài tân nhạc nổi tiếng, hay được hát nhất vào dịp Trung Thu là bài Rước Đèn Tháng Tám:

“Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung Trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu”

Bài hát này, từ xưa vẫn biết của nhạc sĩ Văn Thanh. Tuy là gần đây có nghe nói nhạc sĩ Văn Thanh cải chính cho biết bài này do Vân Thanh cũng là nhạc sĩ Đỗ Quỳnh (tác giả bài nhạc luân vũ Thoi Tơ phổ thơ Nguyễn Bính) sáng tác.

Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Kỷ Niệm 10 năm Hùng Sử Việt



Thiệp Mời

Invitation


VIETCH-PAF
The Vietnamese Cultural & Historical
Performing Arts Foundation

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt trân trọng kính mời:
You are cordially invited
.................................................................................

đến tham dự:
ĐẠI NHẠC HỘI
KỶ NIỆM 10 NĂM HÙNG SỬ VIỆT

& Phát Hành Sách “Lam Sơn Khởi Nghĩa”
to attend the 10th Anniversary of Hùng Sử Việt

Chủ Nhật 10 tháng 10 năm 2010 - 10:00 AM - 2:00 PM
on Sunday, 10-10-2010 – 10:00 AM – 2:00 PM

at VHN-TV - 16157 Brookhurst Street

Fountain Valley , CA 92708 – Tel. (714)531-8884

Sự hiện diện của Quý vị là niềm khích lệ lớn lao cho
Ban Tổ Chức chúng tôi.

T.M. Ban Tổ Chức
Song Thuận

Vào cửa tự do - Ẩm thực do VHN-TV bào trợ

Chương Trình
Điều Hợp Chương Trình: Nhạc Sĩ Quốc Toản, Nguyễn Văn Khoa, Trần Quốc Sỹ.
MC: Minh Phượng, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Đức Cường, Uyển Diễm.
Đại Nhạc Hội Thi Ca Vũ Nhạc Kịch Hùng Sử Việt
Trực Truyền Hình tại VHN-TV
NGHI LỄ KHAI MẠC:
1- Chào cờ Việt (đồng ca) - Mỹ (Đan Vy), Mặc niệm.
2- Hợp Ca Lời Mẹ Âu Cơ (Ban Hợp Ca HSV).
3- Diễn văn khai mạc (tóm tắt sinh hoạt 10 năm HSV và giới thiệu sách Lam Sơn Khởi Nghĩa).

VĂN NGHỆ:
1- Nhạc Cảnh Những Bước Chân Việt Nam (Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực).
2- CS Thúy Anh & Tuấn Khải (Trọng Thủy Mỵ Châu).
3- Nhạc Cảnh Hội Trùng Dương (Hội CNS Gia Long).
4- CS Dạ Lan (Nắng đẹp miền Nam & Vũ Dân Tộc Lạc Hồng).
5- Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng (Hoà nhạc dân tộc).
6- Kịch Hội Nghị Diên Hồng (Ban kịch HSV & Vũ Lạc Hồng).
7- Bảo Ngọc, Quốc Nam (Tiếng Trống Tây Nguyên)
8- CS Bảo Nam (Chiều Trên Phá Tam Giang - Có phụ diễn)
9- Nhạc cảnh Hòn Vọng Phu (Lạc Hồng -Thanh Mai phụ trách).
10- CS Quỳnh Hoa - Thương về xứ Huế - (có phụ diễn).
11- Ngâm thơ – Hà Phương: (Không Đòi Ai Trả?), Phi Loan (Anh Hùng Lê Lai). Tiếng Sáo Ngọc Nôi.

12- Ca Vũ Nhạc Cảnh về đời Tỵ Nạn: Mây Trôi, Trôi Hết Một Đời…(Ngọc Vân phụ trách).

12- Kỷ niệm 10 năm HSV: - Hợp ca Thắp lửa bình Ngô (Ban Tù Ca Xuân Điềm):

- Lễ Trao Lửa Thiêng cho thế hệ HSV Măng Non - Cắt bánh sinh nhật kỷ niệm 10 năm - Múa lân -Tặng quà (Đan Vy, Bảo Ngọc, Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực & Plaques tri ân các Đoàn Thể & Cá nhân đã tích cực yểm trợ CLB Hùng Sử Việt.

- Phát hành sách Lam Sơn Khởi Nghĩa - Chụp hình lưu niệm –

Bế mạc.
- Để biết chi tiết, xin liên lạc: Song Thuận (Đại diện BTC)

Điện Thoại: (949) 786-6840
Email: webmasterhungsuviet@yahoo.com

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Tưởng Niệm Thuyền Nhân





Tượng Đài tri ân các bậc cha mẹ để cho các thế hệ trẻ sau này đừng quên ơn và sự hy sinh và nhớ là họ là người ViệtNam


" ...đây là LẦN ĐẦU TIÊN TRÊN NƯỚC PHÁP chúng ta sẽ có một quảng trường tròn mang tên SÀIGÒN đích thực và chính danh ! Chúng ta không còn nữa cái tên Sàigòn cho thủ đô Nam Việt Nam nhưng chúng ta sẽ có một quảng trường tròn mang tên SÀIGÒN ở Bussy Saint Georges.
...
Chúng ta có thể hãnh diện về bức tượng nầy vì nó sẽ lưu lại một dấu vết khó phai cho những thế hệ tương lai của một Dân Tộc, của một Cộng Đồng, của một Gia Đình, ngày xưa đã từng sống trên đất Pháp, ở thành phố Bussy Saint Georges.
...

ĐỨA CON MÀ NGƯỜI MẸ NHẤC BỔNG TẬN CÙNG CÁNH TAY THẬT CAO, THẬT XA THỂ HIỆN SỰ TỰ DO, TƯƠNG LAI VÀ NIỀM ƯỚC MƠ CỦA MẸ, người mẹ Việt Nam.
NGƯỜI MẸ, CHÍNH LÀ MẸ CỦA TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM ĐÃ CHỌN NƯỚC PHÁP LÀM ĐẤT TIẾP NHẬN, QUÊ HƯƠNG CỦA NHÂN QUYỀN VÀ TỰ DO..."


Trích: Tượng Đài Tưởng Niệm

Niềm mơ ước của Mẹ

Tình mẫu tử bao la như đại dương, tình mẫu tử vượt ra khỏi kích thước của con tim. Người ta thường minh hoạ như vậy để diễn tả tình cảm của mình đối với nghĩa Mẹ,công Cha...
Nhưng ít có ai nói lên những tâm tư của chính bản thân người Mẹ chúng ta, để có thể biểu hiện ra những tâm tư ý nguyện đó bằng những hình tượng tạo hình cho cụ thể, thể hiện những hình ảnh biểu tượng bằng những dáng điệu thân quen, những nét sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống.
Mẹ ôm con vào lòng, mẹ bồng con trên tay, ru con ngủ, cho con bú hay mẹ chơi với con và còn nhiều hình ảnh khác...Tất cả những hình ảnh đó đã đi vào tiềm thức của mỗi người chúng ta...
Ở đây, hình ảnh đã được cách điệu chọn lọc để tạo ấn tượng. Được trình bầy những ý nghiã sâu kín có trong tiềm thức vô hình dưới một nghệ thuât tạo hình đơn giản...
Trở lại với tên của tác phẩm, « Niềm mơ ước của Mẹ », chính hình ảnh cho chúng ta dung cảm được sức mạnh tột đỉnh của tinh thần lẫn thể xác của người mẹ được diễn tả qua hai cánh tay đưa bổng người con lên thật cao, bay thật xa, với ngôn ngữ tạo hình qua y phục của người mẹ đưa chúng ta trở về với cội nguồn, gởi cho chung ta những mảng áo bay lộng trong gío của vạt áo, « Tứ thân » trở thành vạt áo dài và như những cánh buồm trên biển.

Ngày xưa có Mẹ Âu Cơ chia con nửa đi với Mẹ lên nui, nửa đi với Cha xuống biển, người Mẹ qua thăng trầm của lịch sử, thời chiến tranh có hòn « Vọng Phu », người tình, người mẹ đứng đợi chồng, ôm con...thời bình cũng như thời chiến luôn có Mẹ chúng ta luôn cản đảm môt nắng hai sương, cần cù chịu đựng, cho gia đình, cho chồng, cho con...
Với làn sóng thuyền nhân đổ ra biển Đông, vạt áo mẹ biến thành những cánh buồm căng gió hy vọng, mong cho con tới miền đất hứa, mong cho con đạt được giấc mơ, với tâm tình trên, tác phẩm « Niềm ước mơ của Mẹ » muốn chia xẻ tâm tư, suy nghĩ để tỏ lòng biết ơn với Mẹ Việt Nam tỏa lan đến tất cả các bà mẹ trên thế giới. Để nhắc nhở cho lớp trẻ Việt sinh ra và lớn lên bên ngoài đất mẹ, sẽ hiểu được tình mẹ, sự hội nhập, lòng biết ơn và chia sẻ nỗi niềm đó với miền đất mình tạm dung.
Một lần nữa, ngàn lần cám ơn những người Mẹ trên tòan thế giới và nghìn đời Mẹ Việt Nam.

VŨ ĐÌNH LÂM



Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ

Lời Ngỏ:

Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ - là một kết nối Tâm Thân tuyệt vời bừng lên từ ánh sáng sáu ngọn nến chiếu lung linh trên nền thép của cây súng và thanh kiếm bên cạnh giòng chữ “Cư An Tư Nguy” nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Võ Bị Thủ Đức/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Và cũng là đêm Hội Ngộ Cựu SV Sĩ Quan Trừ Bị, tại nhà hàng Thần Tài - Falls church, Virginia vào đêm 12 tháng 9 năm 2010 .
Kết Thân - Mỗi cái bắt tay với nụ cười niềm nỡ từ những niên trưởng với các cựu sĩ quan, với các con cháu hậu duệ trong đại gia đình Võ Bị Thủ Đức đã tiếp truyền vào nhau sự nồng ấm thiết thân .
Kết Tâm - Là sự hòa đồng nhiệt thành ý chí vượt khó tiến lên trong hành trình giữ nước kế nghiệp công đức của tiền nhân . Với sự xúc động và cảm kích chân thành qua tâm tình trao đổi giữa ba thế hệ Cha Ông - Anh Em - Con Cháu . Về ý thức trách nhiệm, về nghĩa khí của một quân nhân vì nước mà hy sinh, vì bác ái và nhân quyền mà chiến đấu .
Tâm tư của thế hệ Cha, Chú đã hòa nhập vào sự đồng cảm của thế hệ Con, Cháu . Sự biết ơn trân trọng lẫn nhau là món quà quí giá mà mỗi cựu chiến binh và con cháu nhận được trong cuộc hội ngộ này.
Một hậu duệ điển hình trong cuộc hội ngộ là Trung Tá Tôn Thất Tuấn, một thanh niên Mỹ gốc Việt đang phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ .
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt hân hạnh giới thiệu Trung Tá Tôn Thất Tuấn với bạn đọc.

Cao Nguyên
MD Sept 13, 2010





Lời phát biểu của Trung Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ 

Kính thưa quý niên trưởng Kính thưa qúy Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam Kính thưa Ban Tổ Chức (BTC) Kính thưa quý Cựu Chiến Binh (CCB) cùng toàn thể quý vị thân mến
Tôi xin phép được tự xưng là “tôi” trong vài phút tới đây để cùng thưa chuyện trong một khung cảnh tuy long trọng nhưng không kém tình huynh đệ chi binh.
Thật là một vinh dự cho gia đình chúng tôi được đến dự đêm hội ngộ (DHN) CCB hôm nay và tôi cũng rất hânh hạnh được chia sẽ với quý vị vài quan điểm và nhận định riêng của mình trên phương diện là một người lính, con của lính, rể của lính, anh của lính, và bây giờ cũng là cha của một người lính.
Chân thành cám ơn BTC đã có lời giới thiệu về cá nhân tôi. Phải nói rằng tôi cảm thấy có một phần hơi hổ thẹn vì đã nhận lời để phát biểu mà thưòng được dành cho khách danh dự, bởi vì đối với tôi, trong đêm nay có rất nhiều bật lão thành, có rất nhiều vị anh hùng, và có không biết bao nhiêu người đã không quản ngại đường xá xa xôi để đến tham dự DHN tối hôm nay. Thật vậy, CCB là những vị anh hùng đã chiến đấu cho niềm tin chân chính, phục vụ cho lý tưởng của quốc gia, và hy sinh cả một đời người cho tổ quốc.
Tôi rời Việt Nam lúc đó gần 16 tuổi nên cũng đã chứng kiến được nhiều cảnh hào hùng và anh dũng của người CCB – cương quyết, gian nan, và nhiều người cũng đã chịu đựng nhiều đau thương do hậu quả cuả chiến tranh, mà có thể nói rằng, khả năng chịu đựng đó ngoài sức tưởng tượng cuả chính bản thân tôi.
Tôi được biết, CCB là những người có lòng quyết tâm và sự dũng cảm, đã chiến đấu hăng say cho tổ quốc và cho dân tộc cho đến những giây phút cuối cùng – tay cầm súng tay bồng con, tay cầm súng lưng cỏng mẹ, mà vẫn cầm súng với đồng đội cho đến khi không còn cầm được nữa.
Tôi cũng đã được chứng kiến, CCB là những người có sức chịu đựng dẽo dai, kiên trì, có một sức sống thật mảnh liệt, để còn phải dìu dắt gia đình của họ qua những chặng đường nguy hiểm, chông gai, và đầy thử thách sau biến cố năm 1975.
Tôi cũng rất kính phục, CCB là những người có sức nhẩn nại phi thường nhằm tạo ra mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt cho con cháu họ trưởng thành trên mảnh đất xa lạ nhưng đầy hứa hẹn từ thuở ban đầu, như cha mẹ của chúng tôi đã tạo cơ hội cho vợ chồng tôi và ngay cả cho các con của chúng tôi.
Ngay trong giây phút này, tôi xin quý vị hãy cùng tôi tạm ngưng lại những gì vừa gợi nhớ trong trí óc của chúng ta, để cùng chụp lại những hình ảnh kiêu hùng trong quá khứ cuả người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tấm hình đó chính là món quà cuả tôi xin trao tặng đến tất cả quý vị CCB trong đêm nay để đánh dấu sự hy sinh cao cả của một người lính, người anh, người chị, người vợ, người chồng, người cha hay một người mẹ.
Tôi vừa mới về lại đây tối hôm qua sau một tuần lễ đi công tác ở Việt Nam. Chuyến đi này cũng như 18 lần đi công tác trước đây, đều tốn ít nhất là một ngày đường mệt mỏi mới tới Việt Nam. Nhưng riêng lần này tôi có mang theo một cái ví tiền nhỏ màu nâu, trong đó có những tấm hình của những người mà tôi chưa bao giờ gặp, để hoàn lại cho thân nhân hoặc gia đình của họ còn ở Việt Nam.
Bởi vì trong một trận cận chiến tại tỉnh Gia Định vào ngày 11 tháng 2 năm 1968, một người lính Mỹ đã chính tay anh giết chết kẻ địch của mình là một Cộng quân, rồi anh ta đã lấy đi cái ví tiền màu mâu này đem về Hoa Kỳ để làm kỷ vật chiến trường. Nhưng mãi cho đến 2 tuần trước đây, người lính Mỹ này đã nhận định rằng, cái ví tiền mà anh cất giữ bấy lâu nay, đã kéo dài một thảm kịch tinh thần cho chính anh trong suốt bao nhiêu năm qua. Cuối cùng anh đã nhờ tôi đem trả kỷ vật này về lại cho Việt Nam.
Ngồi trên máy bay, tôi thầm nghĩ, chẳng lẻ phải cần tới 42 năm trong cuộc đời để người cựu chiến binh Mỹ này có thể xóa đi những hận thù trong cuộc chiến, và để có thể tìm lại sự bình an cho chính anh hay sao!
Tôi nhận thấy quá khứ đã để lại nhiều bài học, thành công cũng như thất bại. Con người không thể thay đổi được quá khứ, nhưng nếu quá khứ được nhận định một cách chính xác, thì chắc chắn con đường dẩn đến tương lai sẽ được rõ ràng và tốt đẹp hơn.
Cũng vì chuyện cái ví tiền này làm tôi gợi nhớ một câu chuyện khác đã xảy ra cánh đây không lâu. Tôi không biết đầu đuôi câu chuyện này đã xảy ra như thế nào trong một cửa tiệm ở khu Eden, nhưng lúc đó có một người đàn ông vừa bước ra khỏi tiệm thì ông ta nói ngay với một giọng nói rất là bực tức: “qua đây tị nạn mà cứ đòi hỏi được như Mỹ, không biết cái thân phận gì hết.”
Tôi đã không đoán được ngụ ý của ông ta là như thế naò, nhưng vì lúc đó tôi đang đợi vợ tôi ở bên vỉa hè và cũng vì hơi tò mò, nên tôi đã mạnh dạn bước đến vài bước để trao đổi vài câu tâm sự với ông ta.
Kính thưa quí vị, trong mỗi người chúng ta ở đây cũng đã có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau khi đến Hoa Kỳ. Thật vậy, một số người trong chúng ta một thời đã làm người tị nạn, nhưng hôm nay chúng ta không còn là những người tị nạn nửa. Chúng ta vượt qua mọi gian nan và nguy hiểm để đi tìm tự do và đã tìm được tự do trên đất nước thân yêu và đầy hy vọng này. Đối với tôi, chúng ta cũng không phải là người Việt Nam hải ngoại hay là Việt kiều, bởi vì những danh
từ đó có một tình cách chính trị, biểu hiệu cho một người công dân mang quốc tịch Việt Nam đang tạm trú, đi học, hoặc đi làm ở nước ngoài.

Chúng ta ở đây là những người Mỹ gốc Việt (MGV) với niềm tự hào, vì ít hay nhiều, trong mỗi người chúng ta cũng đã, đang, và sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phồn thịnh và an ninh của nước Mỹ mình.
Từ chiến tranh vùng Vịnh cho đến chiến trường bảo vệ tự do hôm nay ở Iraq và Afghanistan, đã không một lần vắng bóng hay thiếu sự đóng góp với nhiều khả năng khác nhau của những người lính MGV; và trong đó có 12 người lính MGV đã anh dũng hy sinh tại Iraq và Afghanistan. Anh em thế hệ chúng tôi vẫn tiếp tục bước trên con đường hào hùng, anh dũng, nối tiếp theo những nét vàng son trong hình ảnh kiêu hùng của qúy CCB đã ghi lại, và thi hành bổn phận của người công dân xứng đáng như mọi người công dân Mỹ khác ở đây.
Kính thưa quý vị, khi chúng ta chấp nhận đứng vào trong vị trí xứng đáng là công dân của nước Mỹ, thì chúng ta sẽ có được một tiếng nói rõ ràng hơn, không những hợp thức hơn, mà còn gây được nhiều ảnh hưởng thiết thực hơn, để dìu dắt cho thế hệ sau được hưởng một tương lai đầy hứa hẹn.
Đối với tôi, quý CCB luôn luôn là những vị anh hùng!
Chân thành cảm tạ toàn thể quý vị và xin kính chào.

###

Trung Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ, hiện đang là Cố Vấn Quân Sự cho Nha Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Những lời phát biểu trên đây là quan điểm và nhận định riêng của anh và không phản ảnh chính sách hoặc vai trò chính thức của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, hay chính phủ Hoa Kỳ.


Tiểu Sử Trung Tá Tôn Thất Tuấn:
Lieutenant Colonel Tuan T. Ton, U.S. Army
Military Advisor
Bureau of East Asian and Pacific Affairs (EAP)
Department of State
LTC Ton has been serving as Military Advisor for the Bureau of East Asian and Pacific Affairs, Department of State, since September 2009. In this capacity, he is responsible for a wide range of political-military affairs including State-Defense interface, defense policy issues, security cooperation, foreign military assistance, and license for export of defense articles in support of the overarching U.S. foreign policy objectives.
LTC Ton was born in Vietnam and immigrated to the United States in 1977 under political refugee status, commonly referred to as “boat person.” After graduating from Southeastern Oklahoma State University, he pursued his dream of military service and eventually enlisted in the Army as an Infantryman in 1986 and subsequently served with the 1st Battalion 30th Infantry, 3rd Infantry Division in Schweinfurt, Germany.
Following his commission as an Infantry officer in 1989, LTC Ton served in various positions with 2nd Battalion 187th Infantry, 101st Airborne Division (Air Assault) including participation in Operations Desert Shield and Desert Storm as a Platoon Leader. During his next assignment with 1st Battalion 5th Cavalry, 1st Cavalry Division , he was responsible for the logistics of his battalion while deployed to Kuwait for Operation Intrinsic Action in response to aggressive actions by Iraq and later commanded C Company and Headquarters and Headquarters Company.
After earning the Foreign Area Officer qualification, LTC Ton served as the Country Director for U.S. Pacific Command directing the effort to develop the military relations and security cooperation with Cambodia, Laos and Vietnam. He then became a Policy Advisor to the Deputy Assistant Secretary of Defense for POW/Missing Personnel Affairs leading the formulation of U.S. national policy for personnel recovery and overseeing the Department of Defense’s active involvement in national civil search and rescue and crisis response.
Prior to his current assignment, LTC Ton participated in Operation Enduring Freedom serving as the U.S. Forces Afghanistan Liaison Officer to U.S. Embassy Islamabad and Pakistan’s Army Headquarters synchronizing the combined effort along the Afghanistan-Pakistan border.
Some of his awards and decorations included the Bronze Star Medal, Defense Meritorious Service Medal with 2nd Oak Leaf, Meritorious Service Medal, Department of State Meritorious Honor Award, Ranger Tab, Parachute Badge, Air Assault Badge, and Combat Infantryman Badge.
LTC Ton received a Master of Art in National Security Affairs from the Naval Postgraduate School and is fluent in Vietnamese. He is also a graduate from the U.S. Army Command and General Staff College. LTC Ton is married to his college sweetheart, Thu-Ha, and they have Andrew, a second lieutenant in the U.S. Army, and Stephanie, a junior at the University of Houston in Texas.
(as of 1 September 2010)

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Sài Gòn của tôi




Sài Gòn của tôi
(Thơ Song Thuận / Nhạc Nguyên Thanh)











Sài Gòn đêm


khi tất cả những căn nhà lên đèn
không còn thấy những con đường nhầy nhụa
không còn thấy những tuyên ngôn dán nơi cánh cửa
không thấy cả tàn tro trong bếp lửa trêu người!

Và thế là ta có một Sài Gòn
với tên tuyệt vời hòn-ngọc-viễn-đông
từng góc cạnh kim cương lóng lánh
sáng trên nền trời xanh thẳm Việt Nam!

cám ơn người gợi cho tôi nhớ lại
ba trăm năm - huyền thoại Sài Gòn
những ngọn đèn giữa lòng đêm mãi rọi
sáng lung linh xao xuyến đến vô cùng

khi những con tim Sài Gòn vụt sáng
ta có đêm Sài Gòn rực rỡ yêu thương
những ánh mắt vượt trùng dương say đắm
tìm thấy nhau - đêm lãng mạn Sài Gòn!

Cao Nguyên





tuổi thơ Sài Gòn

Ánh nắng cuối ngày thoi thóp bên hiên
Chiều Sài Gòn có người đi xa về buồn đến lạ
Trong gian nhà cuối phố
Dăm mái đầu con con
Dăm vừng mắt nâu non
Tròn xoe
Thao tháo
Dán vào màn vi tính
Mải miết những trò chơi


Vỉa hè nằm chơi vơi
Chờ những bước chân rộn ràng
Nhảy dây
Cút bắt
Tiếng cười trong vắt
Lẩn khuất phía sau lưng

Thằng bé ngập ngừng
Chìa tay tờ vé số
"Cô ơi ! làm ơn mua hộ
để chiều về Bà có được bát cơm"

Cô bé tóc cột cọng cỏ rơm
Lê bàn chân cõm còi qua từng hẻm nhỏ
Nhặt những mảnh ve chai người ta vứt bỏ
Như nhặt nụ cười vừa đánh rớt ngày hôm qua

Con búp bê trong xó nhà khóc oa oa
Cánh diều sau hè nằm rên rĩ
Chợt nghe môi mình đắng vị
Giữa phố đông người để lạc mất tuổi thơ xa

Đêm Sài Gòn,
lộng lẫy
xa hoa
Dòng người đi qua
vô tình
hờ hững
Lòng rưng rưng
khi tình cờ bắt gặp
nơi ngã tư đèn,
thằng nhỏ ăn xin mù
ngồi hát:
"Sài Gòn đẹp lắm...
Sài Gòn ơi...
Sài Gòn ơi..."

Diêu Linh










Sài Gòn yêu dấu ngày xưa

Sài Gòn xưa và nay





“Xin quí khách cài giây an toàn và không rời chỗ ngồi cho đến khi máy bay ngừng hẳn”, tiếng lưu ý của cô tiếp viên vang lên trong lúc chiếc Airbus của hãng Hàng Không Việt Nam nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất sau hơn hai giờ bay từ HongKong. Tôi đã đến Sài Gòn, thành phố đã từng một thời được gọi bằng cái tên mỹ miều: Hòn ngọc Viễn Đông của vùng Đông Nam Châu Á. Trở lại Sài gòn sau hơn hai năm xa cách, tôi lơ đãng đảo mắt nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, hình như quang cảnh chung quanh phi trường Tân Sân Nhất vẫn không có gì thay đổi so với những chuyến tôi về vào những năm trước đây. Vẫn cái mái nhà cũ kỹ, bờ tường mốc meo rêu phong , cây cỏ mọc cao và không ngay hàng thẳng lối của khu vực dành để bảo trì máy bay của Hàng Không Việt Nam. Có khác chăng là thêm dăm ba chiếc máy bay của Viet Nam Airlines đậu rải rác quanh đó, số lượng máy bay nhiều hơn đôi chút so với những gì người ta đã thấy ngày xưa. Thở phào một tiếng như để trút mọi lo âu và mệt mỏi ra khỏi thân mình sau một cuộc hành trình ngồi mười mấy tiếng trên máy bay, tôi lững thững, lục tục bước theo đoàn người vào trong sân bay để lo thủ tục nhập cảnh. Cái hình ảnh nghèo nàn của Tân Sân Nhất ngày trước, cửa khẩu nhập cảnh của Sài Gòn chỉ được ngăn chia bằng những tấm ván gỗ, ánh đèn không đủ sáng, cộng lẫn với nét mặt lạnh lùng của nhân viên cửa khẩu vẫn còn in đậm trong trí óc như ngày nào khi về thăm lại Sài Gòn. Những ai đã từng có dịp đặt chân đến các phi trường ở Bangkok , Seoul, Hongkong, Tokyo hay Kansai thì mới biết được cái rất khiêm nhường của sân bay Tân Sân Nhất và cái nét lạnh lùng của nhân viên làm việc lại càng không phải là sự đẹp đẽ của một xã hội văn minh. Thế mà, chỉ hơn hai năm thôi không gặp, Sài Gòn đã chuyển mình với thật nhiều thay đổi. Ngày xưa ấy, trước năm 1975, không hiểu vì sao mà Sài Gòn lại được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông của miền Đông Nam Á. Có lẽ, những ngày tháng ấy Sài Gòn thật đẹp, thật thơ mộng cho những người Việt lưu vong vì một khúc rẽ của con đường lịch sử. Ngày đó có người Sài gòn nào mà không một lần thơ thẩn trên con đường Duy Tân, nơi có những hàng cây dài bóng mát, có ngôi trường Luật khoa, nơi có biết bao nhiêu cặp tình nhân đã từng dìu nhau dạo bước trên quảng trường Chiến Sĩ Trận Vong (quảng trường con Rùa sau này), để thơ thẩn cùng nhau dạo bước về hướng Vương Cung Thánh Đường, ngôi nhà thờ Đức Bà tường đỏ cao vút ngay gần giữa trung tâm của Sàigòn, cạnh ngôi tòa nhà Bưu điện cổ, mang kiến trúc của Pháp ngày xưa còn để lại cho Sài Gòn. Trước cửa Vương Cung Thánh Đường, con đường Tự Do nối dài từ nhà thờ Đức Bà đến tận bến sông Sàigòn, bến sông còn được biết đến bằng cái tên lịch sử: Bến Bạch Đằng, nơi có những cơn gió thổi vào chiều đêm để làm dịu đi những cơn nóng ban trưa, làm giảm đi cái ẩm ướt của Sàigòn vào những ngày nắng hạ. Tuy nắng đấy, tuy nóng đấy, nhưng không vì thế mà nắng Sài gòn không đẹp, không có cái hồn của nó. Nhà thơ Nguyên Sa của Sài Gòn năm 1960 đã đưa Áo lụa Hà Đông vào nắng Sài Gòn để nhắn nhủ đến người yêu rằng “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát...bởi vì em, mặc áo lụa Hà Đông ...” Có lẽ ít người Sàigòn biết về áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa như thế nào! Nhưng cần gì phải biết về áo lụa Hà Đông. Cứ mỗi chiều tan học, biết bao nhiêu tà áo trắng tung bay trên khắp mọi cổng trường, nào là Trưng Vương , nào là Gia Long, nào là Lê Văn Duyệt, nào là Nguyễn Bá Tòng...và còn nhiều, nhiều nữa. Đâu phải chỉ một mình Nguyên Sa yêu màu lụa trắng! Nguyên Sa nói cho mình và còn nói hộ cho tất cả đám con trai của Chu Văn An, của Võ Trường Toản, của Petrus Ký, của Nguyễn Trãi, của Hồ Ngọc Cẩn ... của những cậu học trò ít nhiều đã có những lần trốn học... đứng ẩn sau những đám cây ...ngẩn nhìn những áo trắng tiểu thư tan học để mà thương thầm trộm nhớ . Sài Gòn không có Hồ Gươm, không có Hồ Tây, không có Hồ Bẩy Mẫu như Hà Nội nhưng Sài Gòn có khu vườn Bách Thảo, có Cát Lái Thủ Thiêm, có Lái Thiêu Thủ Đức vây quanh, có những vườn trái cây nặng chĩu hai mùa để che nắng cho Sài Gòn và nơi đây cũng là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân vào cuối tuần, đến đây tâm tình thủ thỉ, thay vì đi dạo phố làm đẹp Sài Gòn cuối tuần thứ bảy, chủ nhật. Sài Gòn vào mùa mưa thì cũng có những điểm riêng của Sài Gòn. Trời đang nắng bỗng mưa chợt ào đến như thác lũ, mưa chỉ rơi một lúc thật ngắn rồi tạnh, rồi lại mưa. Hình như những cơn mưa Sài Gòn cũng chẳng khác nào người vợ Sài Gòn khi giận chồng, giận thật giận nhưng chẳng được bao lâu rồi lại quên ngay như cơn mưa xối xả rồi lại tạnh... ngay. Nếu kể về các điểm đặc biệt của Sài Gòn thì phải kể đến Sài Gòn có một thứ âm thanh thật đặc biệt, đó là tiếng rao hàng vào buổi trưa, buổi chiều, và buổi tối. Người Sài Gòn thường hay nghe tiếng rao mua ve chai , tiếng rao bánh, tiếng rao chè. Trời đang mưa cộng thêm tiếng rao hàng, một thứ âm thanh nghe thật là buồn, nhưng đấy lại là một thứ âm thanh thật khó quên cho người Sài Gòn, những âm thanh mà có lẽ chỉ có Sài Gòn mới có và làm người Sài Gòn không quên được Sài Gòn. Đêm về Sài Gòn dịu mát và thật không có gì thú vị hơn … là nghe tiếng gõ nhịp lóc cóc của xe bán hủ tíu mì rong hay tiếng xúc xác của chú đấm bóp xúc xác vang lên từ đầu ngõ. Ngày nay, Sài Gòn hãy còn nguyên vẹn những âm thanh ngày xưa. Không biết bao giờ mới hết đi những tiếng rao hàng kỷ niệm. Âm thanh thì còn đó nhưng hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa thì đã và đang được trau chuốt dũa gọt rất nhiều. Con đường Tự Do ngày xưa, Đồng Khởi ngày nay, hai hàng cây như đã cao hơn, những tàng cây lớn rộng hơn che mát cả con đường. Khách sạn Caravell bây giờ là khách sạn đẹp nhất, sang trọng nhất và cũng đắt nhất Việt Nam. Khách sạn và nhà hàng Maxim được sửa sang lại trông rất ra vẻ Pháp, vẻ Tây. Ngồi nhấm nháp một ly bia hay uống ly cà phê, lơ đãng nhìn ra bờ sông Sài Gòn ngắm bàn dân thiên hạ qua lại và... hít bụi cuả Sài Gòn. Không hiểu sao, người ngoại quốc hay Việt kiều lại cho đây là một cái thú. Kể cũng lạ! Nhà hàng La Pagode, Continental vẫn là những nơi chốn không phải để dành cho người bình dân. Tạt qua góc ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, thương xá Tax cũ kỹ , tối om ngày nào cũng đã được thay da đổi thịt trông như một thiếu nữ đài các với các thời trang đắt đỏ. Dọc theo phố Lê Lợi, các cửa hàng sầm uất kéo dài cho đến tận khu chợ Bến Thành. Khu đất bỏ hoang của nhà bán vé Hàng Không Việt Nam ngày xưa đã biến thành công viên cũng khá mát mắt nhất là vào ban đêm lúc Sài Gòn lên đèn . Ngoài ra, ngay sau lưng nhà thờ Đức Bà là một khu shopping tương đối đẹp, có tên là Diamone Plaza và đúng như cái tên của nó “Diamone” chỉ dành cho những người giầu có, Việt kiều hay người ngoại quốc. Bên trong có cả một tầng lầu dành bán đồ chơi, áo quần cho trẻ em và có cả một tầng để chơi Video games và bowlling. Từ nay, những người giầu có của Sài Gòn không còn sợ không có chỗ tiêu tiền nữa! Nói về những nơi chốn đắt đỏ của Sài Gòn bây giờ thì chắc cũng phải mất ít nhất vài trang giấy. Thôi vậy, tìm một chỗ re rẻ để mà có một nơi riêng tư tình tự chứ! Ngày xưa thì đi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Thủ Đức hay Bình Dương cuối tuần thì bây giờ người Sài Gòn có thể đi phà sang Cần Giờ hưởng thú thiên nhiên đôi chút. Chứ hít không khí ô nhiễm cũng đã 6 ngày trong 1 tuần rồi còn gì! Người Sài Gòn đã tung bay đi tứ xứ trên khắp địa cầu này, nhưng người Sài Gòn vẫn luôn là Sài Gòn vì ở đâu có nhậu ... là có người Sài Gòn. Nhậu ..Nhậu , không biết nhậu. ..thì chắc anh không phải người Sài Gòn mất rồi. Rời Sài Gòn với một chút vương vấn khác với những lần về trước. Phi trường Tân Sân Nhất đã được sửa sang bên trong thật gọn ghẽ và sang trọng hơn. Người du khách cảm thấy một chút gì dễ thở hơn, thoải mái hơn những ngày xa xưa. Mọi chuyện được giải quyết một cách nhanh chóng. Tại vì Seagames sắp đến! Hay tại vì Sài Gòn đã thực sự chuyển mình? Như là một viên ngọc của vùng Viễn đông, Sài Gòn càng ngày càng có thêm các điều kiện để cho du khách năm châu bốn bể trên thế giới đến thăm. Sài gòn sẽ đẹp hơn, chắc chắn sẽ đẹp hơn vì tự nó, Sài Gòn đã từng là viên ngọc cho nên dù thế sự thăng trầm như thế nào đi nữa thì ngọc vẫn muôn đời là ngọc. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn của tôi ơi !

Hoài Nguyên

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Hát Giang Trường Hận

Nguyên bản Hát Giang trường hận
Thời điểm sáng tác của bài hát vào khoảng 1942-1943, trong một đợt cắm trại do Tổng hội Sinh viên Đông Dương tổ chức tại Mê Linh. Trong dịp này, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài hát nguyên thủy với tên gọi Hát Giang trường hận. Bài hát với nhịp điều trầm hùng, gợi nhớ đến công ơn và sự hy sinh của Hai Bà Trưng kháng chiến chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.

HÁT GIANG TRƯỜNG HẬN

Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong gió đàn
Sóng cuốn Trưng Nữ Vương
Gợi muôn ngàn bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc non sông
Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn
Đang xao xuyến xót thương hai Nữ hoàng tuẫn thân
Dù mạng vong lửa hờn chưa tan
Làn sóng đang thét gào gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao
Nguyện cùng sông đẫm máu
Tấm thân nát không nao
Nhìn thấy quân Hán dầy xéo
Sông núi nhà dòng châu rơi
Khắp nước non mờ tối dưới trời
Nào ai yêu nước nhà
Vì giống nòi vì hận thù
Làm sao đưa dân qua cơn đau khổ
Người Nam anh dùng quyết dâng đời sống cho non sông
Liều mình vào tên khói
Cùng người thù ta quyết không đạp đất chung
Trai hùng tráng lúc quốc biến xả thân
Lấy máu nóng cứu dân khỏi hồi nguy nan
Chí hiên ngang
Bao năm công đức
Xây đắp nên non nước nhà
Sóng gió nguyện khắc trong
Tấm quốc dân không xóa nhòa
Vì đâu vua Trưng nữ ra quân
Vì non sông tử tiết vong thân
Nước cuốn réo rắt như thiết tha gọi quốc hồn
Thiên thu trên Hát Giang vang tiếng lòng
Dân đau đớn khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng
Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng

Hồn tử sĩ

Năm 1944, Lưu Hữu Phước vào Nam Bộ theo yêu cầu của Mặt trận Việt Minh tham gia vận động cho phong trào "Xếp bút nghiên" của sinh viên ba miền Nam - Trung - Bắc rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, khi tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, ông trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông giữ chức vụ Giám đốc phòng xuất bản Nam Bộ cho đến tận tháng 5 năm 1946. Chính trong thời gian này, ông cùng với một đồng nghiệp có tên là Hồng Lực đã sửa chữa và đổi tên lại bài hát Hát Giang trường hận thành Hồn tử sĩ để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

HỒN TỬ SĨ

Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong sương mù?
Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù
Hồn ai kia đau xót chơi vơi?
Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi.
Uất khí ngất đất,
Bao lớp mây che kín trời
Sóng thét qua bãi lau như nhắc người xưa anh dũng
Đã hy sinh giữ gìn nước non
Lòng Bà Trưng vững bền sắt son
Làn gió đưa sóng trào, nước pha máu hồng rừng gươm đao
Cờ Bà Trưng lướt gió
Nước sông Hát cuốn mau.
Rền rĩ như có người, thoáng nghe gió gọi từ xa xôi
Có tiếng loa rộn rã núi đồi
Nào ai yêu nước nhà, yêu giống nòi thề một lòng
Vùng lên trong mưa gió trong gươm súng
Đoàn quân anh dũng tiến lên gìn giữ lấy non sông
Tường đồng là nhân dân
Là ngàn người chung sức như một đứng lên,
Ta cùng tiến!
Quyết giết hết quân thù,
Đón ánh sáng chiếu rạng nước nhà thắm tươi
Đến muôn đời
Nhân dân đau thương
Ghi nhớ ơn của bao người
Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi
Nhìn gương xưa liệt sỹ nêu cao
Lòng sôi lên cương quyết noi theo
Nước mắt rớt xuống,
Bao xót thương bên nấm mồ
Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ
Chưa nguôi máu những con yêu thác vì nước non
Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93n_t%E1%BB%AD_s%C4%A9

Hát Giang Sóng Cuộn

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh vào năm Canh Tí (AD 40) đã để lại những trang sử hào hùng cho hậu thế.

Dẫu rằng lực lượng yếu kém lại không gặp thời, nhưng hành động của Hai Bà đã làm chấn động lòng người và triều đình Đông Hán.

Tác giả viết bài này để ghi lại giờ phút cuối của Vua Bà, để thấy sự can đảm phi thường của phụ nữ Việt Nam.



Quận Giao Chỉ, Tô Định quan Thái thú,

Tàn bạo, tham lam, cướp của, giết người.

Thù nhà, nợ nước, mối hận khôn nguôi,

Chị em khởi nghĩa, trọn đời hy sinh.

Trên lưng voi, vung kiếm thép điều binh,

Cờ lọng phất phới, uy nghi Hai Bà.

65 thành trì đoạt lại về ta, (1)

Tàn quân Tô Định chạy ra Nam Hải.

Đô Mê Linh, đất Lĩnh Nam một giải, (2)

Xưng Vua Bà, làm rõ mặt quần thoa.

Triều đình Hán rúng động, lo xa.

Sai Mã Viện, Lưu Long mang quân đánh. (3)

Năm Nhâm Dần, mùa xuân, thất bại,

Lãng Bạc thua, phải chạy đến Cẩm Khê.



Thế yếu, quân vỡ tứ bề,

Thân cô, lực tận, biết về nơi nao?

Rừng sâu lạc lối, hoang mang,

Vẳng tiếng kêu thét của ngàn thương binh.

Nặng nề lê bước chân đi,

Đến dòng sông Hát, ầm ì sóng vang. (4)

Hoàng hôn chiếu rọi trên ngàn,

Sắc trời nhợt nhạt, màn đêm xuống dần.



Than ôi bước đường cùng,

Không chỗ dung thân, ẩn náu,

Trước mặt dòng sông sóng cuộn đục ngầu.

Quân Đông Hán đuổi theo sau,

Thê lương, u uất nhuốm màu cỏ cây.

Gục đầu nuốt hận,

Đau nào hơn, nhục nào hơn,

thua trận, tan hàng.

Bi thương, lệ đẫm, khấn thầm:

Thù nhà, nợ nước chưa xong kiếp này.

Luân hồi xin được đầu thai,

Bảo toàn nước Việt, diệt bầy Tàu ô.

Sụp đầu tạ lỗi núi sông,

Vọng bái quê cũ, linh hồn dân quân.

Đành dùng nước rửa phong trần, (5)

Giữ vẹn khí tiết, tinh thần Mê Linh.

Trăng vụn vỡ lung linh,

Sóng cuồn cuộn quanh mình,

Lạnh buốt tim, run bần bật,

Đất trời đen thẳm, đổ ập, nhận chìm.

Buông xuôi một kiếp phù sinh,

Ngàn năm lưu sử: Mê Linh, Vua Bà.



Nguyễn P. Thúy, 03/26/2010





(1) Hai Bà lấy lại được 65 thành trì ở đất Lĩnh Nam.

(2) Hai Bà xưng vương năm Canh Tí (AD 40), đóng đô ở Mê Linh.

(3) Mã Viện xuất quân năm Tân Sửu (AD 41), thắng trận năm Nhâm Dần (AD 42)

(4) Sông Hát (Jin river) là một phần của sông Đáy bây giờ.

(5) Sử Trung Hoa và quyển“The Birth of Vietnam“ của ông Keith Weller Taylor cho là hai Bà bị bắt và bị chém đầu, nhưng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì hai Bà đã trầm mình ở sông Hát, năm Quý Mão (AD 43). Cái chết của Vua Bà không thể kiểm chứng được. Riêng tác giả thì tin là Vua Bà đã trầm mình chứ không chịu nhục để giặc bắt, một hành động can đảm, một hy sinh vĩ đại!

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

CỐT LÕI CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT

Nguyễn Xuân Quang

Về phương diện văn hóa, cho tới nay, người Việt vẫn là những người sống dật dờ trong dòng văn hóa thế giớị. Bản sắc Việt là gì? Sắc thái Việt là gì? Căn cước Việt là gì? Các nhà làm văn hóa Việt vẫn chưa tìm ra đuợc câu trả lời dứt khoát, vẫn còn nói qua nói lại, ba phải, xàng qua xàng lại, đi chân chữ bát, chia ra nhiều phe phái. Bởi vì các nhà làm văn hóa Việt chưa tìm ra được cái cốt lõi của nền văn hóa Việt, chưa tìm ra được cái sắc thái, cái bản thể riêng biệt, cái căn cước đích thực của người Việt. Từ nhỏ cho tới giờ, tôi được dậy và đọc những điều về văn hóa Việt rất ư là mù mờ, rất ư là mơ hồ, rất ư là tranh cãị. Ông nói một đằng bà nói một nẻo, ông cho ông đúng, bà nói bà không saị. Người nào cũng có lý của người đó. Ví dụ họ Hồng Bàng, có người nói là họ chim hồng (chẳng nói rõ chim hồng là chim gì)? Có người nói chim hồng là Ngỗng Hồng, có kẻ lại nói là cò hạc Đế Giang; chúng ta là Việt, có kẻ giải thích Việt là Rìu, là búa, người xấu mồm cho chúng ta là dân dao búa? Có kẻ giải thích là Vượt, bỏ chạy, chúng ta là đám hèn nhát bỏ chạy? Người nói Việt là Vượt trội hẳn lên là siêu Việt. Nói về mẹ tổ Âu Cơ của chúng ta, có người nói bà là Tiên ở trên núi nên đem năm mươi con lên núi, có người nói bà là U Cò, là chim Âu nên đẻ ra bọc trứng chim nở ra trăm lang, những lang này lại làm quan (kiểu Tầu) nên gọi là quan lang. tại sao bọc trứng lại nở ra toàn con trai? Tại sao Âu Cơ và Lạc Long Quân lại phải chia tay nhau mỗi người mỗi ngả? Bao thế hệ Việt, giống như tôi, không biết tin ai, đã sống dật dờ, vô định hướng trong một dòng văn hóa Việt trôi dạt, không phương hướng. Vì không biết rõ cái gốc cội riêng của nền văn hóa của mình, nên cha ông chúng ta tôn thờ văn hóa Trung Hoa hơn người Trung Hoạ Cha ông chúng ta tôn thờ văn hóa Tây phương qua thực dân Pháp hơn người Pháp. Hiện nay người Việt theo chủ nghĩa tư bản hơn người Mỹ.
Nguời Việt theo chủ nghĩa cộng sản hơn cả người Nga. Người Việt càng có học càng bị bệnh tự ti, càng cho dân Việt hèn kém, cái gì chúng ta cũng lấy của Trung Hoa, của ngọai bang.

Đây là lý do tôi đã cặm cụi đi tìm cái cốt lõi của nền văn hóa Việt. Hôm nay xin
trình bầy cùng độc giả. Hy vọng đóng góp được vài ba ý kiến cùng các nhà làm văn hóa Việt. Tôi đã trình bầy cái cốt lõi này trong những tác phẩm Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu và Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á. Ở đây xin nói gọn lại bằng một câu thì cốt lõi của văn hóa cổ Việt là Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, Việt Dịch nòng nọc.
Vu Trụ Tạo Sinh dựa trên nòng nọc, âm dương, khởi sự từ Hư Vô rồi sinh ra Thái Cực, Luỡng Nghi, Tứ Tuợng, Tam Thế, sự Sống, Chết, Tái Sinh, Hằng Cửu. Sự sùng bái, thờ phuợng dựa trên Vũ Trụ Tạo Sinh gọi là Vũ Trụ Vũ Trụ giáo. Tín ngưỡng này chia ra làm hai ngành: ngành nòng, âm thờ Vũ Trụ và ngành nọc, dương thờ Mặt Trời. Xã hội loài người khởi sự từ mẫu quyền nên thờ Vũ Trụ là tôn giáo nguyên khởi của con người trong đó có người Việt. Theo đà tiến hóa, xã hội chuyển qua phụ hệ, kể từ lúc này (và cho tới nay), thờ Mặt Trời (hay thờ những đấng thay thế mặt trời hay tự nhận là con trời) ngự trị. Người Việt dĩ nhiên cũng chuyển qua thờ Mặt Trời, rồi thờ các đấng thay thế mặt trời của các tôn giáo sau này. Kinh của Vũ Trụ giáo là Dịch Nòng Nọc (âm dương).

Xem tiếp:
VĂN HÓA VIỆT

TIẾNG VIỆT TRÊN ĐƯỜNG HỘI NHẬP







Khi nói đến đặc tính hay tính dân tộc của một đất nước, người ta thường nghĩ ngay đến văn hóa và ngôn ngữ. Có người cho rằng, văn hóa bao gồm ngôn ngữ. Trong thế giới nhiều chủng tộc và nhiều ngôn ngữ ngày nay, nhận xét nầy chỉ đúng về mặt hình thức nhưng không đúng về mặt nội dung. Khách du lịch đến một vùng đất lạ, họ có thể cảm nhận được nét văn hóa chung chung của xứ đó trong lần đầu tiếp xúc. Nhưng muốn hiểu ngôn ngữ, chỉ có sự cảm nhận và quan sát không chưa đủ; mà còn phải đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ vào quá trình học tập, tìm hiểu, giao tiếp và thực hành.

Trong hơn 36 nhóm chủng tộc mới nhất, lần đầu di cư vào đất Mỹ từ năm 1975 đến nay có người Việt Nam.

Nói về tốc độ hội nhập của con người và sự phát triển về ngôn ngữ trong một xã hội mới như Hoa Kỳ, người Việt và tiếng Việt được xếp loại là một trong những nhóm dân tộc di dân tiến bộ nhanh nhất về cả hai mặt đời sống và ngôn ngữ.

Về đời sống, trung bình người Việt chỉ cần từ 5 đến 10 năm kể từ khi đến vùng đất mới là đã ổn định được một cuộc sống tự túc trên đất Mỹ. Về thu nhập, người Việt Nam được xếp hàng tương đương với mức sống của người da trắng trung bình và ngang hàng với người Trung Hoa đã có lịch sử định cư tại Mỹ lâu dài đã đến đây trước người Việt Nam hàng trăm năm.

Về ngôn ngữ, hai nhóm dân châu Á có số dân trên một triệu người cư trú tại Mỹ vẫn còn duy trì được tiếng mẹ đẻ trong gia đình và ngoài sinh hoạt cộng đồng là người Trung Hoa và người Việt Nam.

Đặc biệt nhất chỉ sau một thập niên định cư trên đất Mỹ, tiếng Việt đã được đưa vào chương trình song ngữ tại các trường tiểu học và trung học; đồng thời, Việt ngữ từng bước trở thành ngoại ngữ tiêu chuẩn được đưa vào giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ giống như tiếng Nhật, tiếng Nga, Tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Học ngôn ngữ cũng là học văn hóa. Do đó, một số trường đại học Hoa Kỳ đã phát triển và mở rộng dự án dạy tiếng Việt lúc đầu thành chuyên ngành Việt Học.

Hoa Kỳ là nơi tập trung đông đảo người Việt hải ngoại nhất trên toàn thế giới và Orange County là nơi có đông người Việt nhất trên toàn nước Mỹ; nên vô hình chung nơi đây đã biến thành một Sài Gòn Nhỏ. Đây là một Sài Gòn thứ hai từ trong tên gọi và trong phong cách sinh hoạt mang đậm tính văn hóa Việt Nam.

Trong số những trường đại học gần gũi về cả phương diện địa lý lẫn đời sống và tâm lý giáo dục đối với người Việt trong vùng, đại học tiểu bang Cali tại Fullerton (California Sate University, Fullerton – CSUF) đã đóng một vai trò tương đối phong phú và thuận lợi về vấn đề giáo dục Việt Ngữ và văn Hóa Việt Nam. Mặc dầu trong nhiều năm qua, CSUF đã có một chương trình dạy tiếng Việt sơ cấp và trung cấp phục vụ cho nhu cầu học Việt ngữ văn hóa Việt trong vùng nhưng quy mô và tác dụng vẫn đang còn giới hạn trong phạm vi “học tiếng” hơn là phát huy hết tác dụng giáo dục ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ở xứ người. Nhưng trước yêu cầu ngày một tăng của sinh viên và cấp độ cải thiện giáo dục trong lĩnh vực nhân chủng và xã hội, bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, được sự tăng cường và hỗ trợ của ngành giáo dục liên bang, nhà trường đã quyết định mở rộng và nâng cấp chương trình Việt ngữ đang có trước hết lên Chuyên ngành phụ (Minor) và sau đó lên hàng Cử Nhân về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Bachelor’s Degree in Vietnamese Language and Culture). Chương trình nầy cũng có khả năng kết hợp và phát triển trong ngành Thương Mãi Quốc Tế (Bachelor’s Degree in International Business with concentration in Vietnamese).

Đối với thế hệ trẻ “người Mỹ gốc Việt” đa số sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, nếu chỉ “học tiếng” như các lớp Việt ngữ đã được giảng dạy trong những năm qua, con em chúng ta đã bị giới hạn và mất đi cơ hội tiếp cận với một chương trình học tích cực về ngôn ngữ và văn hóa nước nhà. Trước một viễn ảnh kinh tế thị trường và bối cảnh văn hóa toàn cầu đầy hứa hẹn, sự hình thành và phát huy một chương trình Việt học phong phú sẽ giúp cho thế hệ trẻ Việt Mỹ những cơ hội thuận lợi và tốt đẹp hơn trong nhiều ngành nghề chuyên môn trung cấp và cao cấp sau nầy.

Đại học Fullerton đã tổ chức và giảng dạy những chương trình ngôn ngữ và văn hóa rất thành công đối với Pháp, Đức, Nhật, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật Bản, Trung Đông… trong hơn mười năm qua. Năm học nầy, mở đầu cho một chương trình học Việt Nam nâng cấp và mở rộng. Tiếng Việt, văn hóa Việt và giáo sư đang gặp cơ hội thuận lợi được góp mặt với những chương trình học về ngôn ngữ văn hóa của các quốc gia vốn có thế đứng vững mạnh trong cộng đồng thế giới từ lâu.

Khoa sinh ngữ và văn chương hiện đại của đại học Fullerton cũng đang tăng cường và mở rộng khả năng hoạt động của trung tâm huấn luyện và thực hành về ngữ học và môi trường truyền thông để ban giảng huấn có điều kiện ứng dụng những phương pháp giảng dạy có hiệu quả ngày một cao hơn.

Được biết người được ủy nhiệm cho việc dự thảo lập, đề án, và tổ chức chương trình nầy là Tiến sĩ Lê Thị Huỳnh Trang. Tiến sĩ Huỳnh Trang có bằng Cao học về TESOL (Dạy tiếng Anh cho người nước ngoài) từ trường Đại học Deakin (Úc Châu) và bằng Tiến sĩ chuyên ngành Phát Triển Giáo Dục Quốc Tế từ trường Teachers College, Đại học Columbia ở New York.

Hiện nay Tiến sĩ Huỳnh Trang đang xây dựng chương trình Chuyên ngành phụ Việt Học tại CSUF. Thời gian họạch định sớm nhất cho chương trình này bắt đầu họat động là vào khóa học Mùa Thu 2011 hay Mùa Xuân 2012. Sau đó sẽ tiếp tục phát triển lên chương trình hàng Cử Nhân.

Với một lịch sử tỵ nạn và di dân 30 năm – một khoảng thời gian rất ngắn so với các dân tộc châu Á khác đã có mặt trên đất nước nầy hàng trăm năm – sự lớn mạnh và thâm nhập ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ là một dấu hiệu thăng tiến đầy khích lệ. Quan trọng hơn nữa là đối với thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thứ hai và trở về sau, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, văn hóa tại một xã hội đa chủng tộc như Mỹ sẽ tạo ra một sự hội nhập có ích lợi về mọi mặt cho giá trị nhân bản và duy trì được cội nguồn dân tộc nơi xứ người trong một tương lai dài hạn.

Người Việt Nam sống xa quê hương đã học được bài học thấm thía qua một quá trình hội nhập gian nan đầy trăn trở. Bởi vậy, sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng người Việt cho chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Việt tại hải ngoại sẽ góp sức mạnh cho sự thành công cũng như làm giàu thêm kiến thức, tình cảm về quê hương, dân tộc của con em chúng ta hôm nay và mai sau.

Trần Kiêm Đoàn, MSW; Ph.D

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Vinh Danh Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam



Vinh Danh Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam trung trinh, tiết hạnh
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm
Ra ngoài, giúp nước giúp non
Về nhà, tận tụy chồng con một lòng
(ST)

Mở Đầu

Phụ nữ Viêt Nam từ ngàn xưa đã vang danh “trung trinh tiết hạnh”, đúng với lời giáo huấn
của cha ông:

“Trai thời trung hiếu làm đầu”
“Gáí thời tiết hạnh làm câu trau mình”

Những tấm gương oai hùng như bà Trưng, bà Triệu, hiền phụ như bà Tú Xương, bà Sương
Nguyệt Anh. Những tấm lòng cao cả của các bà mẹ Việt Nam vẫn thường được nhắc nhở
hàng năm trong các ngày Lễ Mẹ, ngày Rằm tháng Bẩy với “bông hồng cài áo”. Không ai có
thể phủ nhận sức chịu đựng bền bỉ và đức tính cần cù chịu khó của các bà mẹ Việt Nam.
Cũng không ai có thể phủ nhận đức tính trong sạch, ngay thẳng, và đàng hoàng của người
phụ nữ Việt Nam. Những đức tính hy sinh, can đảm và chan chứa tình người đã nâng cao
phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam lên hàng Tiên Thánh, và biến một số người đàn bà
nước Nam thành những vị Phụ Nữ Truyền Thuyết trong lịch sử dân tộc Việt.

Truyền Thuyết Là Gì?

Theo Giáo Sư Trần Gia Phụng, “Truyền thuyết là những câu chuyện bắt đầu từ sự thật lịch
sử, được thêm thắt hoặc được tiểu thuyết hóa, và được truyền tụng từ người này qua người
khác, từ đời này qua đời khác, rồi lại được dân chúng chấp nhận như là những chuyện lịch
sử có thật”.
Tìm hiểu nghĩa chữ “truyền thuyết”, Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh chỉ cho biết đơn
giản: “nói lại với người khác”. Theo nghĩa tiếng Anh, “truyền thuyết” dịch từ chữ “Legend”,
có nghĩa là “thánh truyện, truyện thần tiên, truyện hoang đường” (Từ Điển Nguyễn Văn
Khôn). Thật ra, chữ “Legend” phát xuất từ chữ Latin “legenda”, động từ là “legere” có nghĩa
là đọc (to read).

Thời Trung Cổ (Medieval), chữ Latin “legenda”, được dùng với nghĩa “điều gì đó để đọc”,
đặc biệt dùng trong thể kể chuyện đời sống các Thánh. (Tiểu sử các Thánh được kể lại,
quan trọng cả về tài liệu lịch sử, lẫn gương đạo đức). Chữ “Legend” trong tiếng Anh được
vay mượn ở chữ “Legenda” từ thế kỷ 14, có nghĩa là: “câu chuyện được truyền tụng trong
dân gian, nhưng không thể kiểm chứng được, tựa như các chuyện hoang đường”. Nếu là
“Nhân vật truyền thuyết”, những nhân vật này có tên trong lịch sử được dân chúng kể đi kể
lại nhiều lần trong nhiều đời, hoặc được thêm thắt, thần thánh hóa, để trở thành nhân vật
lịch sử có thật. Đó là những Anh hùng, Anh thư, những Sương phụ, Hiền phụ và những
danh nhân, danh tướng trong lịch sử.

Trong thời gian gần đây, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều rất xôn
xao khó chịu về những tin tức liên quan đến thân phận người con gái Việt Nam: “bị đầy đọa
khi lấy chồng ngoại quốc, bị rao bán như nô lệ, hoặc làm nghề mãi dâm tại nhiều nơi, trên
nhiều quốc gia”. Những hình ảnh này làm tổn thương đến danh dự người Việt nói chung,
người phụ nữ Việt nói riêng không ít.

Thực tế, phần lớn Phụ Nữ Việt đều là những cô gái ngoan, hiền, trung trinh tiết hạnh theo
truyền thống văn hoá Việt.

Chúng ta vinh danh Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam chính là để xua tan bóng mây mù đang
che mờ đi hình ảnh người con gái Việt Nam oai hùng, tiết liệt, đồng thời để chứng minh với
người ngoại quốc rằng: Phụ nữ Việt từ ngàn xưa vẫn là những cô gái được nhân gian tôn
vinh kính trọng.

Thử đề nghị một Danh Sách Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam:

Đây là việc làm của Giáo Sư Trần Gia Phụng năm 1999, trong tập biên khảo “Những câu
chuyện Việt Sử”, nhân báo Thời Sự (Toronto) số 145 ngày 20-6-1998 đăng tải danh sách
23 vị Phụ nữ của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam (HLHPNVN) trình lên cơ quan UNESCO để
chọn 10 người vào danh sách “Những phụ nữ truyền thuyết trong lịch sử thế giới” (The
Women of the Legend in the Word History). Cũng theo Giáo sư Phụng phân tích, bảng danh
sách của HLHPNVN đưa ra không được chính xác so với định nghĩa, thế nào là “truyền
thuyết”, và thiếu vô tư, hoặc thiên vị. Cho tới nay, thời gian gần 6 năm đã trôi qua, không rõ
cơ quan UNESSCO có chấp nhận bảng danh sách này hay không? Và sự lựa chọn ra sao?

Trên thực tế, Phụ nữ truyền thuyết Việt Nam rất nhiều, nhất là những bà vợ, bà mẹ các nhà
cách mạng tranh đấu chống ngoại xâm và tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền; kể cả
những Phụ nữ đã phải hy sinh trong rừng già, hay trên biển Đông vì lý tưởng Tự Do. Đó là
những vị Phụ nữ truyền thuyết không tên tuổi rất xứng đáng được vinh danh.

Dựa vào bảng danh sách của HLHPNVN và của Giáo Sư Trần Gia Phụng đề nghị, chúng tôi
xin mạo muội trình lên quí vị một danh sách “Phụ nữ truyền thuyết Việt Nam” như sau:

1- Quốc Mẫu Âu Cơ, 2- Trưng Vương, 3- Công Chúa Hoàng Thiều Hoa, 4- Lê Chân, 5- Bà
Triệu, 6- Thái Hậu Dương Vân Nga, 7- Thái Hậu Ỷ Lan, 8- Công Chúa Huyền Trân, 9- Công
Chúa An Tư, 10- Nguyễn Thị Bích Châu, 11- Lương Minh Nguyệt, 12- Vũ Thị Thiết (Thiếu
Phụ Nam Xương), 13- Công Chúa Ngọc Hân, 14- Công Chúa Ngọc Vạn, 15- Nữ Tướng Bùi
Thị Xuân, 16- Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, 17- Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương, 18- Bà Huyện Thanh Quan,
19- Thái Hậu Từ Dũ, 20- Bà Tú Xương, 21- Bà Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh), 22-
Bà Ba Đề Thám, 23- Bà Phan Bội Châu, 24- Lê Thị Đàn (Ấu Triệu), 25- Nguyễn Thị Bắc, 26-
Nguyễn Thị Giang, 27- Thánh Mẫu Liễu Hạnh, 28- Nàng Tô Thị.

Xem tiếp: VINH DANH PHỤ NỮ

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm

tranh: Thanh Trí




Từ khi rời quê ra phố chợ
Có đôi lần con trở về thăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Chiếc chõng tre kê đầu hiên vắng

Chiếc võng gai mấy mùa mưa nắng
Mỗi trưa ngồi – con nhổ tóc sâu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng trang Kiều lẩy

Câu lục Vân Tiên như mái dầm mái đẩy
Giọng ngoại chèo lúc nhặt lúc khoan
Để hòn con là cánh vụ xoay tròn
Rồi ngủ rụng trên vai còm của ngoại

bên bộ ván đã bao đời chìm nổi
Những lọ sơn – những thỏi mực tàu
Những tờ giấy điều – giấy bổi vàng thau
Cũng úa ố theo tuổi già của ngoại

Vết mực loang đọng trong lòng nghiên tối
Ngọn bút tà nên cũng chẳng buồn chăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Có thời Xuân Thu đi về qua trang sách

Có thủa Thịng Đường vang vang trên vách
Dốc bầu thơ Lý bạch ngửa nghiêng sầu
Trong con – ngoại là ngõ trúc ngọn cau
là bóng hạc trên mái đình rêu phủ

Là chiếc nôi êm ru hồn con ngủ
Giữa vòng tay quê – không bến không bờ

Phan Thị Ngôn Ngữ

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Hung Su Viet Michigan 10th Anniversary






Greetings,


You'll find the final promotional poster and flier for the Vietnamese Historical and Performing Arts Association of Michigan is attached along with invitation letters in both English and Vietnamese.
I have attached the poster in a smaller format so that your mailboxes can accept them. They are much larger and in higher quality.
We will be printing the posters and distributing them to various community locations in the next few days and would like you to let us know if there are any factual inaccuracies on it.
We'd like to give a big round of applause to our sponsors before the curtain rises on November 27. You have been included in promotional materials based on the date of submission.
Every sponsor will get a mention on the date of the show and inclusion in our opening presentation, if applicable.
Also, click here to view our promotional video:
KỶ NIỆM 10 NĂM
We hope to see you there!
Amie Linh Nguyen











thi sử

theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm

truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi

đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ

nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
rọi đường cô phụ trở về kinh!


Cao Nguyên










CLB.HSV California - Tất Niên Kỷ Sửu 2010



Lam Sơn Khởi Nghĩa - Thắp Lửa Bình Ngô