Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Viet Toon


VIET TOON

Chúng tôi là những người yêu thích lịch sử Việt Nam, yêu thích các câu truyện cổ tích, dân gian trong kho tàng văn học Việt Nam, yêu thích truyện tranh và hơn hết yêu thích và quan tâm đến trẻ em Việt nam. Chúng tôi bao gồm những chuyên gia trong ngành kỹ thuật thiết kế và xây dựng web, những thầy cô giáo giảng dạy tiếng Việt và lịch sử Việt và cả một số văn thi sĩ, họa sĩ. Chúng tôi đến với nhau vì có cùng mơ ước tha thiết "Tạo một bước đi mới trong việc sáng tác truyện dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Khích lệ thế hệ trẻ tại hải ngoại lòng tự hào và niềm tin dành cho bản thân cũng như cho quê hương, nguồn cội".

Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp và sẵn sàng đón nhận sự cộng tác của quý vị ngỏ hầu giúp cho Viet Toon ngày càng phát triển để chúng ta có được những thành công tốt đẹp không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn có thể hội nhập vào ngành truyện tranh của thế giới.

*****

MỤC ĐÍCH / GOALS

Góp phần vào việc duy trì và lưu truyền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại thông qua việc cổ động gìn giữ ngôn ngữ Việt. Góp phần vào việc khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại cũng như quốc nội hiểu biết và yêu thích hơn lịch sử Việt Nam thông qua các mẫu truyện sáng tác hoặc truyện tranh dựa vào sử tích. Góp phần vào công việc giáo dục thế hệ trẻ, làm phong phú thêm hơn cách giảng dạy thông qua truyện tranh, truyện ngắn/dài. Góp phần vào việc khuyến khích các vị nghiên cứu và viết sử. Góp phần vào việc khuyến khích sáng tác cho đối tượng thanh thiếu niên nhi đồng. Góp phần vào việc thúc đẩy ngành truyện tranh Việt Nam. Góp phần vào việc truyền bá văn hóa, lịch sử Việt Nam ra thế giới.

Giới Thiệu VIET TOON > VIETTOON

Hận Ðồ Bàn

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

TÌNH NGƯỜI TRONG THƯ HỌA


Nhà Thư Họa VŨ HỐI

Bút hiệu: Hồng Khôi.
• Sinh ngày 22-11-1932 tại Quảng Nam.
• Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ, 1963.
• Có tên trong Tự Điển Văn Học thời Việt Nam Cộng Hòa.
• Sáng lập Trường Phái “Luân Vũ Họa” (Paintings in Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting).
• Trong Vẻ Vang Dân Việt II (The Pride of The Vietnamese Edition II).
• Trong International Biographical Dictionary, London, Anh Quốc, ấn hành năm 1998.
• Được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật trong Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới ở Atlanta, Hoa Kỳ (5-11-1994)
• Được Tổng Thống Tiệp Khắc Vacla Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace” tại Dinh Tổng Thống (5-9-1995)
• Có tên trong Tự Điển Thi Ca Anh Việt Mỹ do Đại Học Đông Nam xuất bản năm 1998.



Xem các bài viết về nhà thư họa Vũ Hối và các bộ sưu tập ảnh:

bấm vào link > THƯ HỌA VŨ HỐI

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

THÀNH PHỐ MẸ


Thành Phố Mẹ

Cali có Little Sài Gòn
Paris có Sài Gòn Phố không em?
mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
cũng chỉ là thành phố mượn tên

để mỗi lần gọi lên là nhớ
Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
(bên tuổi trẻ đã buồn chia máu lệ
bên niềm vui chỉ để kể người nghe

vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
Ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
giữa đời ta là cả một trời thương!

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Cao Nguyên







Sài Gòn phải thật giữa ta

Sài Gòn ở giữa Quận Cam
dân mình thêm một Việt Nam xứ người
từ xa tôi ghé về chơi
phố quen, đường lạ; lòng người nhớ thân

(vẫn lời nói Bắc-Trung-Nam
vẫn xôi, phở, bún - tên hàng quán xưa
vẫn cơm thơm gạo quê mùa
vẫn cá kho tộ, canh chua, gỏi gà
vẫn chị chiếc áo bà ba
vẫn em guốc mộc kiêu sa thuở nào
vẫn vui lời gọi, mời chào
Cô, Dì, Chú, Bác... bữa nào ghé chơi...)

Ôi tôi đi giữa bồi hồi
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm
như người tình cũ bao năm
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương

Sài gòn - nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm
hẹn đời một bữa về thăm
giữa lòng nôi Mẹ nghe trầm khúc ru

Việt Nam tôi trên xứ người
một thiên tình khúc viết từ nỗi đau
Cuốc kêu sau rặng trâm bầu
cố hương Nội, Ngoại lẽ nào mãi xa

Sài Gòn phải thật giữa ta
vui nay thấp thoáng chỉ là cõi dung
chờ người một cuộc tương phùng
rạng đông Bến Nghé hát mừng tuổi nhau!

Cao Nguyên

TRƯNG NỮ VƯƠNG




Mê Linh, địa linh nhân kiệt

Mở đầu: Mê Linh là một địa danh lịch sử mà hầu hết người dân Việt đều nghe nói tới. Đó
là nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương (40 – 43)

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh”
“Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.” (Đại Nam Quốc Sử diễn ca)

Trước khi tìm hiểu thêm về đất Mê Linh, chúng ta cùng ôn lại vài nét sơ lược về lịch sử
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định về Tàu.

Chính sách cai trị độc ác của nhà Hán: Năm 111 trước Tây Lịch, nhà Hán tiêu diệt nhà
Triệu và chiếm cứ nước Nam Việt, chia ra 9 quận để cai trị. Những tên Thứ Sử và Thái Thú
sang cai trị nước ta thời đó, đa số đều tham lam, tàn ác. Nhất là tên thái thú Tô Định và
đám quan lại dưới quyền. Chúng vơ vét châu báu, bạc vàng trong nưóc Nam đem về Tàu,
bắt dân Nam xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi, dân tình khổ ải nên căm hận
khôn xiết.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40): Vì chính sách cai trị độc ác của nhà Hán,
do tên thái thú Tô Định thi hành đã khiến dân Lạc Việt sục sôi máu căm thù. Nhân việc Tô
Định bức hại ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê
Linh, Hai Bà Trưng đã cùng phất cờ khởi nghĩa. Theo sử gia Trần Trọng Kim “Vợ Thi Sách
là Trưng Trắc, con quan Lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh
Vĩnh Phúc) cùng với em là Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định
phải chạy trốn về quận Nam Hải".(tỉnh Quảng Đông)

Hai Bà Trưng tấn công và chiếm thành Luy Lâu (Liên Lâu) là cơ quan đầu não của Tô
Định và đoàn quân xâm lược. Quân Hán bị tiêu diệt và bị bắt toàn bộ. Tô Định chạy thoát
về Tàu.

Chẳng bao lâu, Hai Bà Trưng đã hạ được 65 thành quách của giặc và thu về bốn quận
Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố (thuộc Quảng Đông tức tỉnh Quảng Châu bên
Tàu ngày nay).

Hai Bà Trưng lên ngôi báu, tức Trưng Nữ Vương, chọn Mê Linh là kinh đô, làm vua được
ba năm mới bị nhà Hán sai Mã Viện sang đánh chiếm lại.

Mê Linh địa linh, nhân kiệt: Huyện Mê Linh ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên và
Phúc Yên), là miền rừng núi trung châu Bắc Việt, cách Hà Nội khoảng 60 Km. về hướng
đông nam, bắc giáp Tuyên Quang, Thái Nguyên, tây giáp tỉnh Phú Thọ và tây nam giáp Hà
Tây. Thời Bắc thuộc, huyện lị là Mê Linh (nay ở làng Hạ Lôi), thủ phủ đầu tiên của quận
Giao Chỉ , đến đời Tề (501 AD) mới bỏ.

Huyện Mê Linh là quê hương cuả hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, Mê
Linh cũng là kinh đô triều đại nhà Trưng. Hiện nay còn dấu vết thành cổ đắp đất , rộng
hơn 100 mẫu ta (khoảng 800 ngàn mét vuông) chiều dài khoảng 1700m, chiều rộng nhất
là 500m, ở làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh.

Lễ Hội tại đền Hạ Lôi (Mê Linh) diễn ra vào ngày 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, nơi thờ
Hai Bà Trưng và ông Thi Sách. Có tục rước kiệu và các trò vui dân gian. Tương truyền đây
là ngày khao quân của Hai Bà.Trưng..

Cũng nên biết thêm lễ kỷ niệm hai Bà Trưng được tổ chức tại khắp nước VN và tại Hải
Ngoại vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, là ngày hai Bà đã phải nhẩy xuống sông Hát tự
tận năm 43 sau khi bị lực lượng quân Hán do Mã Viện chỉ huy đánh bại.

Thành Luy Lâu (Liên Lâu):

Nói đến Mê Linh và lịch sử khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định về
Tàu, ta không thể không nhắc đến địa danh lịch sử “thành Luy Lâu”.
Thành Luy Lâu (Liên Lâu) “tên Việt gọi là Dâu, tiếng Hán là Duy Lâu, quận trị Giao Chỉ
huyện về đời Hán vừa là lỵ sở bộ Giao Chỉ. từ 111 đến 105 tr. TL (sau dời đến Thương
Ngô), ở xã Lũng Khê, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách sông Đuống
5km về phía bắc , trên sông Dâu.” (Đinh Xuân Vịnh - Sổ Tay Địa Danh VN).
Kết quả khảo cổ cho biết:
- Luy Lâu là nơi cư trú – Trung tâm kinh tế và văn hóa của người Việt cổ trước CN
- Luy Lâu cũng là trị sở của quận Giao Chỉ và Giao Châu thời thuộc Hán
- Luy Lâu là trung tâm thương mại của VN thời Bắc thuộc
- Luy Lâu là trung tâm hội nhập, tiếp xúc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo

Đánh chiếm thành Liên Lâu (Luy Lâu):

Cuộc tấn công thành Luy Lâu tức Liên Lâu của Hai Bà Trưng năm 40, là đánh thẳng vào
cơ sở đầu não của quân Hán do Tô Định cầm đầu. Cũng vì cơ quan đầu não của địch bị
phá vỡ, chủ tướng bỏ chạy về Tàu, nên 65 thành quách của địch ở rải rác khắp nước Nam
mới mau chóng bị nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh chiếm.

Hai Bà Trưng dựng nền Độc lập

“...Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên. (trị sở Giao châu, vùng Thuận Thành)
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà ,
Một là báo phục, hai là bá vương...”
(Lê Ngô Cát – Sách đã dẫn tr. 74, 75)

Kết Luận: Mê Linh và Luy Lâu đều là những địa danh lịch sử Việt Nam, nay dấu vết thành
quách cổ xưa chỉ còn lại nền đất cỏ mọc xanh rì hoặc là bờ ruộng, nương dâu, lơ thơ có
vài căn nhà tranh vách đất.

“Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo”
“Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương.” (Bà Huyện Thanh Quan)

Mê Linh chính là kinh đô một thời Hai Bà Trưng giành về độc lập trong một thời gian ngắn
ngủi 3 năm, và Luy Lâu là nơi ghi nhớ chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng, đánh đuổi
giặc Hán cùng Tô Định về Tàu.

Nhắc đến Mê Linh và Luy Lâu là nhắc đến trang sử Việt oai hùng vậy.

Vương Sinh

Sách tham khảo:
- Việt Nam Sử Lược (Q. 1)- Trần Trọng Kim
- Lịch Sử Dân tộc Việt Nam (Q. 1) - Phạm Cao Dương
- Sổ tay địa danh Việt Nam – Đinh Xuân Vịnh
- Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam - Tập II
- Non nước Việt Nam – Sách hướng dẫn du lịch
- Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh VN – NXB – KHHN
- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca – Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - NXB Xuân Thu.
- Tuyển Tập Kịch Thơ Bất Khuất – Song Thuận – HSV xuất bản năm 2006
- Tài liệu trên Internet

Nghe Nhạc > TRƯNG NỮ VƯƠNG

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Tuổi Trẻ Viêt Nam

Mẫu người lý tưởng của tuổi
trẻ Việt Nam tại hải ngoại

Một cách chính xác hơn, ta phải nói: “Đi tìm một mẫu người lý tưởng cho tuổi trẻ Mỹ gốc Việt

Thực vậy, đối với một học sinh, sinh viên sinh trưởng tại Mỹ, ta phải xác định một cách thực
tế:
- Em là ai? Câu trả lời thật giản dị: - “Em là người Mỹ gốc Việt”
- Quê hương em ở đâu? - “Quê hương em ở Wesminster, quận Cam, tiểu bang California.
Nhưng vì em là người Mỹ gốc Việt, quê hương tổ tiên, ông bà, cha mẹ em là nước Việt Nam.”
- Em nghĩ gì về bổn phận của em? – “Bổn phận của em trước hết là đối với quê hương em
được sinh ra và lớn lên. Em phải có bổn phận bảo vệ nước Mỹ. Làm việc, đóng góp tài
năng, trí tuệ và đóng thuế để … giúp cho sự phát triển của nước Mỹ, cũng như tuân hành
luật pháp tại đây.

Đối với quê cha đất tổ, em mang dòng máu Tiên Rồng, một dòng máu hào hùng bất khuất
chống ngoại xâm, nên em không thể quên Việt Nam, nơi chốn cội nguồn, quê cha đất tổ của
em. Em sẽ tìm cách giúp nước Việt Nam theo khả năng khi lớn lên. Lẽ tất nhiên, em được
ông bà, cha mẹ dạy dỗ, được nhà trường giáo dục nên biết thế nào là dân chủ, tự do, thế
nào là nhân bản, thế nào là độc tài, đảng trị. Em biết vế lịch sử tranh đấu chống ngoại xâm
của dân tộc Việt Nam, về hiểm họa Bắc phương xâm lược đời này sang đời khác. Em cũng
được giảng giải về cái đúng, cái sai, sự giả dối và sự chân thật qua những bài học, bài
giảng ở các lớp học Việt Ngữ. Em học tiếng Việt, nói sõi tiếng Việt và hiểu biết về địa lý, lịch
sử anh hùng dân tộc Việt. Em cũng thực hành những điều đã học từ nhà trường, từ ông bà,
cha mẹ, thầy cô, từ bạn bè và nhất là từ các phương tiện văn minh thời nay như máy
computer, internet… nên em sẽ tích cực tham gia các chương trình sinh hoạt tại nhà trường
và trong cộng đồng.

Như vậy, một mẫu người lý tưởng cho tuổi trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại ngày nay cần
hội đủ 3 điểm căn bản như sau:

1- Có một nếp sống bình thường ngoài xã hội của một dân tộc văn minh và có văn hóa: Tự
động xếp hàng, không chen lấn. Giữ gìn sạch sẽ và không xả rác tại những nơi công cộng.
Tôn trọng những chỗ dành riêng cho người già yếu và khuyết tật. Giữ trật tự, không ồn ào,
to tiếng tại những nơi cần sự yên lặng. Biết lễ phép, nhún nhường nhưng không quỵ lụy hay
khép nép sợ hãi. Biết nhìn thẳng, ngẩng mặt mà đi, nhưng không kiêu căng tự phụ. Có một
đời sống đạo đức của Kẻ Sĩ Việt Nam xưa. Thấm nhuần ý nghĩa của 5 điều thường có của
một kẻ sĩ hay người quân tử: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và đối với phái nữ, thêm 4 đức tính:
Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

2- Học giỏi, hiểu biết sâu rộng với một tình thần cầu tiến. Có một lý tưởng phục vụ nhân loại
sau khi thành tài. Biết giá trị đích thực của giải thưởng Nobel.

3- Có một đời sống hoạt động ngoài xã hội: Sinh hoạt cộng đồng, dấn thân trong những
công tác xã hội, từ thiện. Chứng tỏ là một người hữu dụng cho cộng đồng, đất nước và
nhân loại.

Song Thuận

Xem trọn bài viết:
MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG

Dòng Máu Lạc Hồng

Khi Bài Hát trở về

Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.

Không giống như một số hành khúc quen thuộc trong giới trẻ trước 1975 như Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân, Tổ quốc ơi ta đã nghe của La Hữu Vang thiết tha, mạnh mẽ nhưng chỉ giới hạn trong các phong trào sinh viên tranh đấu và ngay khi ra đời đã bị Đảng sử dụng cho mục đích tuyên truyền trong các trường đại học, các đô thị miền Nam, hay Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, kêu gọi người người thương mến nhau nhưng thiếu đi cái hùng khí, sôi nổi của tuổi trẻ, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người.

Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, Việt Nam quê hương ngạo nghễ nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại và vươn lên cùng các dân tộc khác trên mặt đất nầy.

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

Lời nhạc của Việt Nam quê hương ngạo nghễ tương đối khó nhớ nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như “tiếng cười ngạo nghễ”, “xích kêu loang xoang”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang” hay “Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi” đã làm cho Việt Nam quê hương ngạo nghễ trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lập lại nhau.

Việt Nam quê hương ngạo nghễ đẹp tự nhiên như một đoá lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một chủ nghĩa nào, không cơ quan nhà nước nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn giáo hay đảng phái chính trị nào. Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng đạo, Du ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam sa cơ thất thế.

Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. Việt Nam quê hương ngạo nghễ lại được hát lên giữa Thái bình dương giông bão, hát lên ở các trại tỵ nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi, White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng đạo, các tổng hội sinh viên Việt Nam tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Tiếng Nói Trẻ đã kể lại câu chuyện ra đời của Việt Nam quê hương ngạo nghễ trong âm nhạc Việt Nam: “…Thế bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng vậy, nó không phải là một bài ca tôi nghĩ là quá lớn, nhưng lúc bấy giờ khi tôi kết thúc tập Trường Ca vào năm 1965, cuối 1965 hay đầu 1966 gì đó, khoảng thời gian đó, 10 bài trường ca, những bài như Nỗi buồn nhược tiểu, Tiếng rống đàn bò, Lìa nhau, Thảm kịch khó nói v.v. những bài nói về đất nước của mình rất là khổ sở, tôi nghĩ nên kết nó bằng một bài hát có tiếng gọi hùng tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ một cách rất là dễ dàng. Tất cả những ý đó tôi đem vào hết trong bài hát đó để nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu mà trở thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh. Viết xong bài đó tôi nghĩ chỉ kết thúc tập Trường Ca mà thôi, không ngờ về sau càng ngày đi các nơi càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ đáp được ước vọng của nhiều người, tôi nghĩ tiếng gọi đáp ứng đúng được tiếng của nhiều người, không riêng gì giới trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội, đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành nhưng khi viết tôi chỉ đúc kết cho tập Trường Ca lúc đó mà thôi.”

Thật đơn giản và tự nhiên như thế. Không một ông Bộ trưởng Bộ Chiêu hồi nào đặt hàng hay một ông Tổng ủy trưởng Dân vận nào chỉ thị anh phải viết. Anh viết không phải để thi đua sáng tác hay mong mang về giải thưởng, huân chương. Trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, tình yêu nước bao giờ cũng là sự thôi thúc tự nguyện. Anh viết Việt Nam quê hương ngạo nghễ để kết thúc tập trường ca của riêng anh nhưng cũng nối tiếp tập trường ca lớn hơn của đất nước. Sau ba mươi năm, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã trở về qua nhiều ngả, trong nhiều tư cách khác nhau, một số tình ca sáng tác trước 1975 đã được nghe lại trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên một bài hát đã về lại quê hương qua ngả của trái tim, trở về trong vòng tay nồng ấm của tuổi trẻ Việt Nam.

Bất ngờ và cảm động, một buổi sáng tuần trước, khi đi dạo một vòng qua các blog Việt ngữ, tôi bắt gặp không chỉ những mẩu tin nóng viết vội vàng trên đường phố, những đoạn phim biểu tình vừa mới đưa lên YouTube, những tấm hình ghi lại cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên với công an, nhưng còn được nghe lại bài hát quen thuộc Việt Nam quê hương ngạo nghễ. Tôi cảm nhận qua lần gặp gỡ đó một niềm vui chung khi có một bản nhạc mà các em sinh viên Việt Nam ở California, Washington DC, Oslo, Paris, Hà Nội, Sài Gòn cùng hăng say hát trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bá quyền mà không cảm thấy ngần ngại, nghi ngờ, xa cách.

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.

Trong số một trăm em đang hát trong nước hôm nay có thể hơn chín mươi em chưa hề nghe đến tên Nguyễn Đức Quang lần nào, và nếu có nghe, có đọc qua bộ máy tuyên truyền của Đảng, cũng chỉ là một “nhạc sĩ ngụy đã theo chân đế quốc”. Biết hay không biết, nghe hay không nghe không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bài hát đã đáp ứng được ước vọng về tương lai và tình yêu tổ quốc của tuổi trẻ. Tổ quốc, vâng, không có gì lớn hơn tổ quốc. Văn hoá không phải chỉ là đời sống của một dân tộc mà còn là những gì giữ lại được sau những tàn phá, lãng quên. Việt Nam quê hương ngạo nghễ sau 30 tháng Tư 1975 hẳn đã nằm trong danh sách các tác phẩm “văn hoá đồi trụy” mà Đảng tìm mọi cách để xóa bỏ, tận diệt. Thế nhưng, như giọt nước rỉ ra từ kẽ đá và như bông hoa mọc giữa rừng gai, bài hát đã sống sót, đã ra đi và đã trở về. Để tồn tại, một bài thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như Việt Nam quê hương ngạo nghễ sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và nhiều thế hệ mai sau. Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình.

Tôi còn nhớ, mùa hè 1973, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng là nhạc sinh hoạt chính của trại hè sinh viên toàn quốc quy tụ đại diện sinh viên các trường đại học và cả sinh viên du học về nghỉ hè, do Bộ Giáo dục và Thanh niên tổ chức lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Đêm trước ngày chia tay, chúng tôi không ai ngủ được. Ngày mai sẽ mỗi người mỗi ngả, chị về Huế, anh về Đà Lạt, em về Cần Thơ và đa số chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Cùng một thế hệ chiến tranh như nhau, khi chia tay biết bao giờ còn gặp lại. Những ngày tháng đó, cuộc chiến vẫn còn trong cao điểm. Mỹ đã rút quân nên máu chảy trên ruộng đồng Việt Nam chỉ còn là máu Việt Nam. Thảm cảnh của “mùa hè đỏ lửa” chưa qua hết. Trên khắp miền Nam, đâu đâu cũng có đánh nhau, đâu đâu cũng có người chạy giặc. Mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi là được thấy một ngày đất nước hoà bình, một ngày quê hương không còn nghe tiếng súng. Đêm cuối trại hè, chúng tôi ngồi quây quần thành một vòng tròn rộng quanh cột cờ trường Thiếu Sinh Quân và hát nhạc cộng đồng như để vơi đi những vương vấn, lo âu đang trĩu nặng trong lòng. Bài hát được hát nhiều nhất trong đêm đó là Việt Nam quê hương ngạo nghễ, và khi điệp khúc cất lên cũng là khi chúng tôi hát trong nước mắt:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng giờ qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.

Những giọt nước mắt của tuổi sinh viên nhỏ xuống xót thương cho dân tộc mình. Tại sao có chiến tranh và tại sao chiến tranh đã xảy ra trên đất nước chúng tôi mà không phải tại một quốc gia nào khác? Mấy tháng sau, tháng Giêng năm 1974, bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát vang trên đường phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Những bản tin đánh đi từ Đà Nẵng, danh sách những người hy sinh được đọc trên các đài phát thanh làm rơi nước mắt.

Và hôm nay, ba mươi ba năm sau, trong cái lạnh mùa đông trên xứ người, những lời nhạc Việt Nam quê hương ngạo nghễ từ YouTube phát ra như xoáy vào tim. Tôi lại nghĩ đến các anh, những người đã hy sinh ở Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, ở Trường Sa tháng Ba năm 1988. Các anh khác nhau ở chiếc áo nhưng cùng một mái tóc đen, một màu máu đỏ, một giống da vàng, cùng ăn hạt gạo thơm, hạt muối mặn, cùng lớn lên bằng giòng sữa mẹ Việt Nam, và cùng chết dưới bàn tay hải quân Trung Quốc xâm lăng. Việt Nam, sau ba mươi ba năm “độc lập, tự do” vẫn chưa thoát ra khỏi số phận nhược tiểu bị xâm lược, vẫn chưa tháo được cái vòng kim cô Trung Quốc trên đầu. Việt Nam có một lãnh hải dài trên ba ngàn cây số nhưng thực tế không còn có biển. Cả hành lang Đông hải rộng bao la từ Hải Nam đến Hoàng Sa và xuống tận Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Nếu vẽ một đường cung dọc theo lãnh hải đó, ngư dân Việt Nam chỉ còn có thể đi câu cá ven bờ chứ không thể đánh cá như ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay các quốc gia khác trong vùng biển Đông. Phía sau tấm bảng in đậm “mười sáu chữ vàng” hữu nghị thắm thiết giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là thân xác của ngư dân Việt Nam trôi bềnh bồng dọc các hải đảo của tổ tiên mình để lại.

Trong suốt dòng lịch sử, hoạ xâm lăng từ phương Bắc vẫn là mối đe doạ thường xuyên. Khác với các thời đại trước đây, cái bất hạnh của Việt Nam ngày nay không phải chỉ là mất đất nhưng mất đất mà không đòi lại được ngay. Cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất trong hàng vương tước nhà Trần chỉ có mỗi Trần Nhật Hiệu chủ trương “Nhập Tống” và lần thứ hai chỉ có Trần Ích Tắc và đám hầu tước Trần Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên chủ trương “Hàng Nguyên” nhưng ngày nay, về mặt lập trường quan điểm, Việt Nam có đến 14 Trần Ích Tắc và 160 Trần Kiện. Trận đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra tại Trường Sa năm 1988 theo tác giả Daniel J. Dzurek trong biên khảo Xung Đột Trường Sa: Ai có mặt trước? (The Spratly Islands Dispute: Who’s on First?) chỉ kéo dài vỏn vẹn 28 phút và Việt Nam chịu đựng hầu hết thương vong. Với một giới lãnh đạo tham quyền cố vị và sự chênh lệch quá xa về kỹ thuật chiến tranh như thế, cuộc đấu tranh giành lại hai quần đảo sẽ vô cùng khó khăn.

Dù sao, tuổi trẻ Việt Nam, khác với các thế hệ Tân Trào, Pác Bó trước đây, thế hệ Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi và so sánh giữa chế độ các em đang sống với các tư tưởng tự do dân chủ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó, hy vọng các em sẽ có những chọn lựa đúng cho mình và cho đất nước phù hợp với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Trong cuộc chiến Việt Nam dài mấy mươi năm Đảng đã sản xuất ra không biết bao nhiêu bài hát, bài thơ kích động lòng yêu nước nhưng tại sao các em không đọc, không hát nữa? Như một độc giả trong nước đã trả lời, đơn giản chỉ vì chúng nhạt nhẽo. Ý thức sâu sắc đó đã được thể hiện không chỉ trong khẩu hiệu các em hô mà ngay cả trong những bài hát các em hát. Sau những Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn của những ngày đầu phong trào, các bạn trẻ trong nước đã đi tìm những nhạc phẩm nói lên lòng yêu nước trong sáng, tích cực, không bị ô nhiễm, chưa từng bị lợi dụng và họ đã tìm được Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.

Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường nghe đến những “bất hạnh”, “nỗi đau”, “tính tự ti mặc cảm”, vâng đó là một thực tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau nầy.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên.

Việt Nam quê hương ngạo nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng.

Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của độc tài đảng trị, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cất lên như một lời khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử, sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.

Trần Trung Đạo

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ

Xem Tiểu Sử và Nghe dòng nhạc Nguyễn Đức Quang:

NGUYỄN ĐỨC QUANG

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG



Emperor Nguyễn Huệ (1753-1792)

Nguyễn Huệ, also known as Emperor Quang Trung was born in 1753,
in Bình Định province. He was one of the most successful military
commanders in Vietnamese history. In 1788, Emperor Qing sent about 200,000
troops with Tôn Sĩ Nghị to fight against Đại Việt in order to regain the throne for a previous
king, Lê Chiêu Thống. Nguyễn Huệ gathered Vietnamese forces around Thăng
Long (Hà Nội). In a period of five days, Nguyễn Huệ and his forces defeated
the Chinese troops who retreated back to China. He was in power for four years until he
passed away in 1792 at the age of 39.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (1753-1792)

Ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa ở Qui Nhơn. Nguyễn Huệ là em út
sinh năm 1753. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nguyễn Huệ có
tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giỏi
chiến đấu... Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế năm 1788, lấy hiệu là Quang
Trung, mất năm 1792 thọ 39 tuổi.
Công Đức: Vua Quang Trung (1788 -1792) là một anh hùng xuất chúng, có
tài điều binh, khiển tướng, tốc chiến tốc thắng, đánh đuổi 200 ngàn quân
Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh sang chiếm Thăng Long. Trận chiến
thắng Đống Đa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) làm người Việt Nam thật
hãnh diện. Vua Quang Trung cũng đã từng đánh tan 20 ngàn quân Xiêm
tại Rạch Gầm, Soài Mút và đem quân ra Bắc diệt Trịnh phò Lê, mở đầu
cuộc thống nhất đất nước sau này.
Đền Thờ: Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày 5 tháng 1 âm lịch.

Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ
Anh hùng dân tộc Việt chiến thắng giặc Mãn Thanh
(5 Tết Kỷ Dậu 1789)


Đại Phá Quân Thanh

• Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước, rồi chia quân làm 5
đạo tiến ra Bắc, hẹn với binh tướng đến mồng bẩy thì vào thành Thăng Long ăn mừng.

• Nửa đêm mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung lấy thành Hà
Hồi. Mờ sáng mồng 5 đánh lấy thành Ngọc Hồi (4). Thừa thắng, quân Tây Sơn “đánh tràn đi
lấy được các đồn, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn ngang khắp đồng, máu chảy như
tháo nước. Quân các đạo khác cũng được toàn thắng” (5). Các tướng nhà Thanh: Hứa Thế
Hanh, Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thanh... đều tử trận. Sầm Nghi Đống đóng quân ở đồn
Đống Đa bị vây khốn phải thắt cổ tự tử.
• Tôn Sĩ Nghị được tin sợ hết hồn, không kịp mặc áo giáp, bỏ cả ấn tín mà chạy qua
sông. Quân Tàu hoảng loạn chạy theo, xô đẩy nhau khiến cầu phao bắc qua sông Nhị Hà
(6) bị sập, rớt xuống nước chết thây nghẹt cả dòng sông. Vua Lê Chiêu Thống và bà Hoàng
Thái Hậu cùng mấy cận thần cũng chạy thoát sang Tàu.

• Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, “vua Quang Trung đốc quân đánh giặc, áo ngự bào bị
thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng Long, sai tướng đem binh
đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp,
đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé Bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không
nghe thấy tiếng một người nào?” (7)

Xem Tiểu Sử và Công Đức của Vua Quang Trung:
Bấm vào link: VUA QUANG TRUNG

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

VÃI CHỮ LÊN TRỜI




Vãi Chữ Lên Trời

“lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế
Bao chiến công … cũng thế mà thôi
Hải Vân … tro rắc bốn trời
Hạt tro nào … lạc vào nơi Cổ Thành!”
Nhất Tuấn

Trời Đông Bắc Mỹ những ngày cuối Đông xám xịt sau trận tuyết phủ trắng mặt đất . Không thể đi đâu và không thể viết gì lên trời sáng nay vì mất điện .
Cánh cửa thông ra thế giới bên ngoài bị đóng lại . Đành đi vào thế giới bên trong những trang sách . Mắt tôi dừng lại nơi “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết trong Giai Phẩm Xuân 2011/ Người Việt . Kể chuyện những người thân của tướng Ngô Quang Trưởng vãi di thể tro của Ông trên đỉnh đèo Hải Vân .
Đúng là một đoản văn hay, những con chữ cuốn tôi theo dòng hồi tưởng qua một thời đoạn trong chu kỳ sinh tử của một đất nước, một đời người .

Với đất nước:

Trong khoảng thời gian 30 năm, từ lúc nhà văn Nguyễn Tường Thiết gặp tướng Ngô Quang Trưởng lần đầu ở Thủ Đức/Việt Nam (1962), đến lần gặp cuối ở Virginia/Hoa Kỳ (1993) . Tôi cũng từ một chinh nhân đi xuyên qua chiến tranh và hòa bình . Một chiến tranh mang đủ chất bi tráng và một hòa bình đau thương trong lòng người dân Việt luôn khát khao ánh sáng tự do và công lý . Bởi nhiệt huyết dấn thân bảo vệ quê hương bị phản bội bởi đồng mình và nội thù .

Điều còn lại sau cuộc chiến là những hồi tưởng xót lòng khi nhìn chút long lanh trong những hạt bụi của những nhân dáng chinh nhân “vị quốc vong thân” và văn thi nhân “phong trần tải đạo” . Rồi cũng thế …mà thôi! Lời thơ của Nhất Tuấn buồn u uẩn! Chấm một dấu than hay bỏ lửng … cũng làm chùng tâm người lữ khách của hai miền nội, ngoại cả trong giá rét mùa Đông hay trong nắng ấm Xuân về . Hạt tro nào … quyện vào hồn thiêng Tổ Quốc! Hạt tro nào là vóc thân em hiện về …
em về ngồi giữa chơi vơi
uống trăng như thể rượu mời thuở xưa
hỏa châu sáng mấy chưa vừa
còn chong con mắt thắp thừa lòng tin

(rằng ta đi vẽ hòa bình
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa!)


Thế nhưng …
bao nhiêu năm nhân loại tìm
chưa ra bản vẽ hòa bình của em
tấm lưng cuộc chiến còn nguyên
chỉ thêm vết đạn xuyên tim xoắn vào!

Cuộc dấn thân đi vẽ hòa bình trong tình nhân ái đã không được hồi báo theo lòng ước nguyện . Sự tàn bạo của cơn hồng thủy phủ tràn lên đất nước một lớp sóng hòa bình giả tưởng trên những thực thể điêu tàn đến thê lương . Để tôi có những ngày ngồi nơi Quán Gió


ngồi đây nghe tiếng vó câu
vang sâu thẳm, đáy cốc sầu rượu xưa
chiến bào, màu hổ phách khua
kiếm loang loáng sáng, đắng thừa chạm môi
Và hơn thế, nhìn xuyên đêm qua khung cửa, thấy sương pha trăng rót lấp loáng trên cành cây, ngỡ như còn rõ mặt kiếm cung:

Đêm nhìn sương trăng thấy cành nhớ kiếm
kiếm gãy xuyên đêm rơi suống đất cằn
mộ lá vàng khô gió xếp trăm năm
đá chạm chữ khua lòng ta thao thức!

Với đời người:

Những giọt lệ hồng pha sương đêm thấm đẫm vào suy tưởng có không thân phận một đời người trong vòng thiên mệnh . Biết có, để thấy sự hợp lý của những thử thách sinh tồn vì cuộc dấn thân . Không tự đứng lên là bị dìm xuống dưới khắc nghiệt của thế thời . Biết không, để thôi chấp ngã về những vọng niệm đi về giữa tử sinh, vinh nhục . Cho nhẹ hều thân tâm chờ hóa bụi bay vào vô định!
Giữa khi còn có, còn không . May được nỗi vui giữa những bồi hồi chữ nghĩa gởi cho đất và người những bản chúc thư trầm mặc chờ một cơ duyên hạnh ngộ dẫu như hoang tưởng:

đất không nước và ta người tàn phế
vói đôi tay không thể chạm quê hương
còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm
nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!

Còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm, là còn thấy yêu thương cả trong vụn vỡ một đời người đến độ hóa tro vẫn chứa sự long lanh của giòng nước mắt . Từ những dòng thơ của nhà thơ Nhất Tuấn đến “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, tôi lan man nghĩ đến và nhớ về những người anh, người bạn hân hạnh biết trên đường chinh chiến và trên hành trình chữ nghĩa đã vào nơi vô định, yên phận tử sinh như các anh Phạm Huấn, Kim Tuấn, Hiếu Anh, Vương Đức Lệ … Dẫu họ đã hóa tro bay vào thinh không, những tinh thể vẫn sáng trong tâm tôi . Nếu những hạt tro của thân thương được vãi lên từ một đỉnh cao của quê hương như những hạt tro của tướng Ngô Quang Trưởng được thoát bay từ đỉnh Hải Vân thì quá tuyệt vời . Ai mà không ham tro mình được vãi vào lúc cuối đời! Của phù du trả về cát bụi!
Cho nên vào những ngày cậnTết như hôm nay, sao tôi mong được người về ngồi đối ảnh, dù biết …

còn có gì đâu mà khoản đãi ...
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương

người về cũng chỉ là nhân ảnh
ly rượu mời sóng sánh khói hương
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh
mà hoa chạnh nở đóa vô thường ..

Ôi những đóa vô thường dễ thương biết mấy, những đóa hoa yêu thương chẳng bao giờ tàn . Dù khi người về thoát đó lại đi . Chỉ còn lại những giòng chữ lung linh dưới ánh nến chiều cuối năm chạm cửa đêm trừ tịch, đang chờ mùi trầm hương với men rượu hồ trường . Bùi ngùi của quá khứ đủ cho một trầm khúc mới níu gót chân xuân chạm vào hành trình còn mở để nghe ngân tấu bài sử thi ngạo nghễ lời huyết mạch Văn Lang:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
(Nguyễn Đức Quang)

Ôi triệu khối kiêu hùng trong lòng người dân Việt đang chờ được hát tiếp lời ngạo nghễ, với hành trang mới lên đường thực hiện giấc mơ cũ của cha, ông trong sứ mạng bảo vệ non sông Tổ Quốc .
Hành trình đi lên còn mở, những ước mơ chưa hề khép lại . Như tôi đang hăm hở chào mùa Xuân khi mùa Đông còn sương tuyết trắng . ..và em còn những băn khoăn ...

em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng!

Giữa hai cuộc gọi trưa nay, một với nhà thơ Nhất Tuấn – người cùng thời đã tặng tôi những ân tình chữ nghĩa, và một với trung tá Tôn Thất Tuấn – một hậu duệ đã gởi tôi những tâm cảm chân thành về thế hệ đàn anh . Đã làm thành một chiếc cầu vồng quá đẹp nối hai nhịp quá khứ với tương lai . Chiếc cầu vồng lấp lánh sáng những hạt tro hồng vãi bay theo gió trên đỉnh Hải Vân, trên đỉnh cao của tình người miên viễn trân trọng phẩm giá nhân sinh công bằng và bác ái .

Cám ơn nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho tôi cảm hứng gõ thêm những giọt chữ trên dòng sông tâm thức nối mạch đông tây và sau trước của một phận người còn hào sảng với những ước mơ . Còn rưng lòng cảm xúc tri ân những hạt tro hồng… vị quốc vong thân!

Chỉ còn chờ có điện, đèn bật sáng, tôi vãi chữ lên trời! Lời thong dong bay trong cõi đời hư ảo!

Cao Nguyên .
MD – Jan 26, 2011

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

KHAI BÚT


Đầu Năm Khai Khẩu


Vở quên, bút lạc thời vi tính
Gõ ê a hai ngón phong trần
Ôi những bạn già Xuân ngó lại
Một chặng đời mất giữa bâng khuâng

Hoa niên khai bút, già khai khẩu
Bút mực cùn theo tuổi sáu lăm
Tài hoa chi cũng tuồng hư ảo
“Mây trắng thoắt thành con chó xanh"1

Cứ mỗi mùa Xuân cây đổi lá
Kéo lê đời thành trụ hoại không
Người chỉ có một lần là tất cả
Một dòng xuôi Xuân Hạ Thu Đông

“Mắt để mây trôi nhìn thế sự
Mang thanh trường kiếm gió Thu lay”2
Nguyễn Du từ thuở ấy nhìn sông núi
Có khác gì chăng cuộc thế nầy

Buồn vui con nắng không dừng lại
Một ngày qua là một mảnh đời trôi
Gặp nhau vung vít tung trời biển
Hâm lại canh tàn mãi thế thôi

Có ông hàng xóm trên đất Mỹ
Ba chục năm ròng vẫn… rứa thê!
Đầu năm đạp đất kêu cho được:
“Già vui như bác cũng ô – kê!”


Năm mới nhưng lòng người vẫn cũ
Nhắc đời vui bảy bó hẹn quan hà
Nghe truyền hịch xuất quân chiều xứ lạ
Sao vẫn còn lần hạt niệm Nam mô?

Chiều Cali Canh Dần mồng ba Tết
Xứ Huê Kỳ đốt giấy tiễn đưa linh
Chai rượu cúng tạ tình xin uống hết
Ta tìm ta bỗng gặp hắn trong mình!

Trần Kiêm Đoàn

Napa, California mồng 3 Tết Canh Dần, 2010

----------------------------------------

1 Đổ Phủ: Thiên thượng phù vân như bạch y
Tu du hốt biến vi thương cẩu.
2 Nguyễn Du: Nhãn để phù vân khan thế sự
Yên gian trường kiềm quải thu phong (Ký hữu)




CUỐI TẾT KHAI BÚT

mới bữa nào đây, người báo Tết
vui chưa kịp hết đã Mùng Ba
giống như nháy mắt mình xa biệt
mớ tuổi mây bay thoắt đã già

ngắm nghía tôi, ông - thân lữ khách
người ở đằng Tây, kẻ cuối Đông
email mời uống chung trà nhạt
gõ phím keyboard thết bữa tình

tình cũ, rượu xưa hâm nóng lại
uống cũng còn thơm hương nếp quê
bánh mứt online nhiều quá đẫy
ngắm mãi lòng cũng thấy no nê

ông bảo sắp gom đầy bảy bó
tôi cộng vài năm xấp xỉ ông
mừng nhau còn thấy xanh màu cỏ
khắp ngõ về đi ngắm nghía xuân

tôi còn mớ chữ xum xoe bút
ông bộn bề ngôn khai khẩu chơi
đời vui hỉ hả cười no ngực
lời chữ sum vầy chút cũng ưng!

Cao Nguyên

MD - Chiều Mùng Ba Tết Tân Mão 2011

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI



Kính chúc quý vị và toàn thể quý anh chị HSV Nam CA, MI, VA, SJ, CT, MA, quý anh chị thân hữu HSV, Thân hữu Canada, Pháp, Úc, Đức, Anh...
MỘT MÙA XUÂN AN HÒA, MỘT NGÀY TẾT THĂNG HOA, PHÚC LỘC THỌ SỞ CẦU NHƯ Ý!

CAO NGUYÊN

Lịch Sinh Hoạt Tết
của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt - Nam CA

- Tối 30 Tết: Tuyên bố kết quả thi câu đối Tết Tân Mão (trên web www.hungsuviet.us)

- Sáng Mồng Một Tết (Thứ năm Feb 3 - 2011)

- 2:00 PM: Thăm viếng & Niệm hương tại Tượng Đài Anh Hùng (Roger Stanton Park – góc
Bolsa & Newland)
- 3:30 PM: Thăm viếng & Niệm hương tại Tượng Đài Chiến Sĩ Tự Do

- Mồng Hai Tết (Thứ Sáu Feb 4 – 2011)

- 4: 30 PM: Làm Lễ Dựng Nêu & Khai Mạc Gian Hàng Triển Lãm Văn Hóa & Lịch Sử của
CLB/HSV tại Làng Việt Nam - Hội chợ Tết Sinh Viên 2011 (Garden Grove Park)

- Mồng Ba Tết (Thứ Bảy Feb 5 – 2011)

- 11:30 AM: Lễ Niệm Hương Khai Mạc Hội Chợ Tết Sinh Viên – Xuân Ước Mơ - Tân Mão
2011.
- Từ 5:30 PM Chương Trình Văn Nghệ Tết HSV tại Làng Việt Nam

- Mồng Bốn Tết (Chủ Nhật Feb 6 – 2011)

- Từ 5:00 PM Chương Trình Văn Nghệ HSV tại Làng Việt Nam

- Gian Hàng Triển Lãm Văn Hóa & Lịch Sử của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt
mở cửa từ 3:00 PM thứ Sáu Feb 4 – 2011 trong 3 ngày Hội Chợ (giờ sinh hoạt của hội chợ),
Trưng bày những tác phẩm về Văn Hóa Lịch Sử do CLB/HSV xuất bản và những hình ảnh
về Anh Hùng Danh Tướng và Phong Tục Tập Quán của 54 sắc tộc Việt Nam.

- 26 Feb – 2011: Lúc 1:30 PM tại Sân Khấu Việt Herald đường Moran:
Họp Mặt Tân Xuân Hùng Sử Việt –
Văn Nghệ Hùng Sử Việt –
Phát hành CD Hùng Sử Việt 3 “ Vòng Tay Tiên Rồng” -
Thiếu Nhi HSV Chúc Tết ông bà, cha mẹ và được mừng tuổi –
Ăn Tết cổ truyền: “Thịt Mỡ, Dưa Hành, Câu Đối Đỏ -
Cây Nêu, Tràng Pháo, Bánh Chưng Xanh” –

Vào Cửa tự do

Thêm Một Xuân Tình




“Xuân của đất trời nay mới đến, trong tôi xuân đến đã lâu rồi”! Ai viết câu thơ này mà hay quá vầy nè? Xin lỗi vì tôi đã quên tên tác giả rồi. Thế nào cũng có người bảo: “Ấy là còn khá, có khi còn quên luôn cả thơ đấy chứ!” Lạy trời, quên gì thì quên, đừng cho tôi quên thơ, và nhất là ca dao Việt Nam. Lạy trời cho cái bệnh Alheimer đáng ghét đừng có hỏi thăm sức khỏe tôi! Để mỗi độ xuân về lòng tôi lại thêm dạt dào tình cảm.

Không biết đây là lần thứ mấy Tết Việt Nam mình rơi vào đúng ngày lễ hội của yêu thương này, nhưng điều đó quả thật là thú vị, xuân mà đi với tình thì còn gì bằng. Cho nên chúng ta lại có thêm một xuân tình.

Mỗi năm vào thời gian này, thủ đô Hoa Kỳ đang mở hội hoa anh đào, theo thông lệ hằng năm lễ hội này thu hút được rất nhiều du khách đổ về đây để thưởng ngoạn hoa. Cây anh đào được ưa chuộng nhờ những bông hoa nở vào lúc chớm xuân. Cây anh đào cho hoa từ màu hồng thắm đến hồng nhạt, có loại thật nhạt gần như trắng. Hoa anh đào rất được ưa chuộng ở Á Châu và Âu Châu. Nhưng thủ đô Washington là nơi có những cây anh đào nổi tiếng nhất thế giới. Năm 1912 Nhật Bản đã tặng cho Hoa Kỳ 3,000 cây anh đào làm quà hữu nghị. Có đến 12 giống trong 3,000 gốc anh đào đó, nhưng nhiều nhất là giống có tên là Yoshino.

Nhiều năm sau, Nhật lại tặng thêm 3,800 cây anh đào nữa. Đến đầu thập niên 1980, Hoa Kỳ đem những cành chiết từ các cây anh đào giống Yoshino ở thủ đô Washignton tặng lại cho nước Nhật để thay thế cho những gốc đào ở Nhật đã bị tàn phá trong một trận lụt. Và nếu ai đến thủ đô vào thời điểm này thì chớ quên xem hoa anh đào nở rộ. Ngoài vùng hồ ngay trung tâm Washington, tại tiểu bang Maryland, vùng phụ cận thủ đô, nơi có một khu gia cư rộng lớn, trong đó hầu như nhà nào cũng trồng anh đào. Đặt chân đến nơi này giữa mùa hoa nở, khách có cảm giác như lạc vào đào nguyên.

Mỗi năm, khi anh đào nở, khách thập phương kéo đến xem khá đông, trong số này có rất nhiều người Nhật. Vào những ngày hoa nở rộ, mỗi trận gió nhẹ cũng đủ tạo nên một trận mưa hoa, làm cánh đào rơi xuống phủ một lớp phớt hồng lên đám cỏ xanh đẹp không khác gì bồng lai tiên cảnh. Rồi sau nhiều lắm là một tuần lễ hay 10 ngày, từ những nụ hàm tiếu cho đến lúc mãn khai, những bông hoa rồi sẽ rụng hết, lá nõn xuất hiện thay cho cái màu hồng của hoa lúc ấy chỉ còn là một lời hứa hẹn đợi đến năm sau sẽ tái ngộ cùng khách nhân gian.

Chẳng biết quý vị đã đọc qua câu chuyện này chưa: Sáng sớm ngủ dậy, vén rèm cửa sổ, một cô giáo thấy một bó hoa tươi đặt ngay trước cửa nhà mình. Ngày thứ hai, thứ ba vẫn có người tặng hoa. Đến ngày thứ tư, cô thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, nép người bên cửa sổ và chờ đợi... Từ xa, một đứa bé chầm chậm tiến đến trước cửa nhà cô. Trong tay em là một bó hoa tươi. Bị “bắt quả tang”, cậu bé ấp úng: “Thưa cô, không phải chỉ mình em đâu. Đây là thỏa thuận giữa chúng em. Trước khi cô đến đây, chúng em đã có một cô giáo. Nhưng có một người đàn ông, cũng từ thành phố lên. Mỗi lần đến thăm cô giáo, ông ấy lại tặng cô một bông hoa thật đẹp, thật tươi. Ít lâu sau, cô giáo đi theo người đàn ông đó. Chúng em buồn lắm vì nghĩ không tặng hoa cho cô giáo cũ nên cô ấy mới bỏ đi. Vì thế, lần này trước khi có người đàn ông tới, mỗi ngày chúng em sẽ thay phiên tặng cô một bó hoa.

Xuân năm nay là “xuân tình” nên bên cạnh hoa anh đào không thể không nhắc tới hoa hồng, vì cây anh đào cùng một họ với cây hoa hồng. Như mọi năm, những bó hồng nhập cảng từ Nam Mỹ đợi được kiểm tra tại phi trường quốc tế Miami ở Florida, chờ chuyển đi khắp các tiểu bang, để mọi người thương yêu tặng nhau vào dịp lễ Valentine. Và bạn có biết không người ta đã nghiên cứu được rằng những giấc mơ ngọt ngào đã được tạo nên từ... hoa hồng.

Làm thế nào để có những giấc mơ ngọt ngào? Rất đơn giản, bạn hãy tìm đến những đóa hồng... Hay tặng cho người mà bạn thương quí những đóa hồng. Thật vậy! Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thì việc ngửi hương của những đóa hồng sẽ giúp bạn có những giấc mơ thật ngọt ngào. Các nhà khoa học cho biết các thử nghiệm đã cho thấy một điều rằng nếu trong phòng ngủ của bạn có những đóa hồng nó sẽ giúp bạn trải qua những giấc mơ ngọt ngào và dịu nhẹ.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, mùi hương hoa hồng đã được xịt dưới mũi của 15 phụ nữ đang ngủ khoảng 10 giây trong suốt 30 đêm. Sau khi tỉnh giấc các tình nguyện viên đều cho biết họ đã trải qua những giấc mơ nhẹ nhàng hơn trước đây. Các phân tích cụ thể đã cho thấy mùi hương hoa hồng chỉ có ảnh hưởng tốt đến những xúc cảm của giấc mơ chứ nó không biến thành một phần của giấc mơ bởi những người phụ nữ này không hề mơ về những đóa hồng.

Vậy bạn còn đợi gì mà không gởi những đóa hồng đến cho những tình thân của bạn vào ngày Valentine này. Hồng thường được xem là loại hoa đẹp nhất trong tất cả các loài hoa, dù đôi khi gai của nó làm tay (hay lòng ta) rướm máu. Dường như không có một thi sĩ nào, thuộc bất kỳ trường phái nào trong thế giới văn học lại không ca tụng loài hoa này. Hồng được nhắc đến bởi các nhà văn đầu tiên thuộc thời cổ đại, như Herodotus đã đề cập đến hoa hồng kép. Trong “Bài hát của Salomon” có nhắc đến hoa hồng của Sharon cũng như đã nhắc đến các vườn hồng ở Jericho.

Vào thời trung cổ, những người Công giáo đã chọn hoa hồng làm biểu tượng cho máu của những người tử vì đạo. Hồng còn được dành riêng để dâng tặng cho Đức Mẹ Maria và các hạt của chuỗi tràng hạt đầu tiên, do Thánh St. Dominic nghĩ ra, đã được làm từ những cánh hồng thơm ngát, được nén thật chặt như ép khuôn để trở thành từng hạt.

Hồng đỏ là hoa của truyền thuyết và thần thoại, tượng trưng cho một tình yêu mãnh liệt và đậm đà, tỏ sự hạnh phúc vinh dự. Còn hồng trắng biểu hiện cho tình yêu trong sáng, cao thượng. Hoa hồng luôn gắn liền với tình yêu và sắc đẹp của phụ nữ. Truyền thuyết kể rằng: Khi nữ thần tình yêu Aphrodite, được sinh ra trên biển cả, những bọt sóng bao phủ lấy thân trần của nàng và hóa thành những bông hồng trắng khi rơi xuống đất. Theo các nhà nghiên cứu về thần thoại, cũng chính nàng đã tạo ra bông hồng đỏ khi Adonis, chàng thanh niên đẹp trai mà nàng yêu bị một con lợn lòi tấn công, lúc chạy đến để cứu chàng, nàng đã bị gai của một cây hồng cào xước, máu của nàng đã làm cho hoa từ màu trắng chuyển sang màu đỏ.

Với hồng nhung là tình yêu say đắm và mãnh liệt. Khi bắt đầu một tình yêu mơ mộng thì hãy chọn hồng phấn. Yêu mà không muốn nói ra thì chọn hoa hồng viền trắng là tình yêu kín đáo, sâu sắc, sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Hoa hồng có nguồn gốc phương Đông nhưng ngày nay nó đã nở hoa trên khắp địa cầu với hương thơm tinh tế nhất, màu sắc rực rỡ nhất và những chiếc lá tươi xanh nhất! trong tất cả các vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ năm 2004, người Nhật đã giới thiệu những đóa hồng xanh vào ngày 30 tháng 6, với người mẫu Aya Kato. Những đóa hồng này được thực hiện bằng kỹ thuât DNA, ghép từ màu xanh của các loại hoa khác, cho ra đời những đóa hồng màu xanh đầu tiên trên thế giới. Chỉ chưa biết hồng xanh tượng trưng cho điều gì đây?

Trong cái Tết đặc biệt vừa xuân vừa tình này làm cho tôi nhớ đến một câu nhạc Pháp: “Ôi tình yêu của ta, hãy giữ chặt chấn song. Thời gian sẽ vụt ngang qua. Và thời gian là một tên man rợ chẳng khác nào Attila. Nơi nào vó ngựa nó đi qua. Tình yêu chẳng còn mọc lại nổi” (Mon amour tiens bien la barre, le temps va passer par là, et le temps est un barbare dans le genre d'Attila, par là où son cheval passe, l'amour ne repousse pas).

Câu hát trên kia đã không đúng với thời điểm Đông Tây chan hòa này, nơi mà thời gian và tình yêu gặp nhau chung một ngày, chung một nhịp đập giao thoa của vũ trụ. Chúc tất cả mọi người một mùa xuân hạnh phúc cùng những giấc mơ ngọt ngào .

Ngô Tịnh Yên