Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Ngày Quốc Khánh 1/11/1965 & QLVNCH 19/6/1971-1973

Chẳng Lẽ

Chẳng Lẽ
Vào mỗi cuối năm, tôi lại dựng lên cột mốc thời gian 1975 và cộng thêm vào từng khoảng đời lưu vong đáng nhớ. Đánh dấu chuỗi dài bi thảm của Việt Nam, quê hương tôi.
Cả bi và thảm đều chứa nhiều nước mắt của hằng triệu người Việt sống lưu vong, hay đang sống tại quê nhà! 
Cuối năm 2014, cột mốc thời gian khắc dấu ấn 40. Nhìn về trước và sau dấu ấn này, trên tầng tầng lớp lớp máu xương của sự hy sinh vì tự do dân chủ của một quốc gia, vẫn chổi lên mầm đau thương do nước mắt tưới vào. Nghiệt ngã thân phận của đời người, của đất nước chạy buốt theo tiếng thở dài gần như chỉ để mặc niệm từ hồi tưởng.
Mặc niệm với những anh hùng đã vì nước hy sinh! Hồi tưởng những đắng cay và tức tưởi của một đoàn quân quyết chiến mà thất bại. Một thất bại nhục nhã bởi sự phản bội của đồng minh và nội thù dân tộc.
Chẳng lẽ đây là thời kỳ nhiễu nhương nhất của dòng lịch sử cận đại do nội thù khuynh đảo trong hàng ngủ nhân thân? Chủ nghĩa cá nhân nẩy lòng phản trắc, mài sắt ngôn từ để triệt hạ nhau, bất chấp chân lý và công đạo! Lừa bịp cả thế nhân bằng những chiếc áo ngụy tạo hữu thần. Lợi dụng đức tin để lập đền tôn sùng lãnh tụ! Tệ hại hơn là vinh danh chính mình trên bản ngã tự tôn, tự mãn!!
Chẳng lẽ những ngọn bút tiên phong đã chùn tâm ráo mực? Chỉ phóng lên trời những dấu chấm than! Mặc thế gian hứng những dòng lệ đỏ bi thương trên màu da vàng chủng tộc? Cái cơ hội dùng bút thay súng để chiến đấu vì độc lập tự do và dân chủ cho quê hương, cũng vuột mất khỏi tầm tay của những người lính già đã từng thề vì nước hy sinh? Chẳng lẽ lời thề vệ quốc đã bị màu danh lợi phủ chụp lên cái thân phận vốn quen trò đón gió, trở cờ?
Chẳng lẽ chữ nghĩa và trí tuệ chỉ để dùng cho những dằng vặt lòng nhau, khơi niềm đau từ những đố kỵ để thỏa mãn sự riêng tư danh phận một đời người? Bất chấp lương tri của người cầm bút vì nghĩa diệt thân, chỉ vì lẽ phải khuất lấp dưới tầm nhìn, chỉ thấy cái "tôi" sáng lên trong niềm thù hận. Hả hê đập phá lẽ phải bằng ngôn từ bất xứng với đại từ Văn Hóa. Làm dấy lên lớp bụi mù che lấp con đường chân thiện mỹ được tiền nhân xây đắp suốt mấy nghìn năm!
Còn bao điều chẳng lẽ đóng vào tâm trí và tự mình rịt lại những thương đau bằng niềm tin vào lương tri của những cây bút vẫn miệt mài viết tiếp những trang sử dẫu bi hay tráng cũng mang hồn dân tộc và tổ quốc mình đã cưu mang. Lịch sử vẫn còn đó, lương tâm đồng chủng sẽ minh bạch mọi điều. Thế hệ tiếp sau sẽ đi vào chính sử với ánh sáng chân lý được dẫn soi bởi hồn thiêng dân tộc. Lướt qua sự hỗn tạp của hiện cảnh quê hương ảm đạm, để vạch lên con đường hướng tới tương lai tươi sáng thật không dễ. Nhưng chẳng lẽ mãi lặng lẽ ngồi nghe những niệm khúc u buồn cho tới lúc tàn hơi?
Chẳng lẽ chữ nghĩa cứ bị dồn nén trong khung cửa ký ức, mỗi khi thời gian chạm vào, những giọt nghĩ mới vỡ ra chảy theo dòng trầm mặc? Không! Phải dựng chữ nghĩa đứng lên, vượt bóng đêm, xuyên qua đố kỵ và nghi hoặc, phóng vào vách thời gian những dấu ấn đẹp của văn hóa dấn thân vì sự sinh tồn của chính mình với lương tri của một người cầm bút. Để còn thấy tự hào khi nắm tay những người bạn trẻ trên hành trình hướng tới ngày mai. Để khỏi thẹn với chính mình từ lời tim ghi khắc và nhắc nhớ: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.

Cao Nguyên 
Washington.DC - Nov 01, 2014
 

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên .

Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang


VIETNAM, OUR PROUD FATHERLAND
We rise up like high tides that won’t retreat 
The long road, merely a laughable feat 
We drag our feet shackled by distant pains 
Our eyes glitter with the sounds of clanking chains

We stir up chains right before every eye 
The lasting smile is one of a sad cry
The distant smile is one of boiling rage 
We step forward, tossing chains at their faces

Blood from Văn Lang pours together 
Bones and flesh from our forefathers 
Everyday, we laugh haughtily in our endless anguish 
We are a crowd of proud people 
On sharp nails, we sing, laugh out loud 
Vietnam lives, so do millions of our proud hearts

We are people walking on glowing coals 
With cold faces, we look to the same goals 
Our pulsing veins roll under sweaty skin 
With blood-dripping wounds, under sunlight we grin
Tell our children to be the righteous

Choose to be the South, to be the glorious 
Our bold fingers point at them without fear
Rise up and walk tall, those who collapse, our dear!
Rise up and walk tall, those who collapse, our dear!

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

VIỆT NAM ĐI TRƯỚC VỀ SAU

Theo Mẹ Âu Cơ (tranh họa sĩ Thanh Trí)


Việt Nam là một quốc gia ở Đông và Nam Á Châu nơi tiếp giáp của hai nền văn hóa cổ xưa: văn hóa Trung Hoa ở phương Bắc và văn hóa Ấn Độ ở phương Nam. Đến thế kỷ XVI Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với đạo Thiên Chúa qua các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Đạo Thiên Chúa phát triển mạnh mẽ sau khi người Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa của họ ở Đông Á.
Văn hóa Chính Thống Giáo (Orthodox) Nga được Hồ Chí Minh du nhập vào Việt Nam dưới hình thức chủ nghĩa Marx- Lenin và đảng Cộng Sản vào thập niên 1920 (Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội 1925 rồi đảng Cộng Sản Việt Nam- 1930) song song với sự truyền giảng đạo Tin Lành ở Việt Nam. Từ năm 1945 về sau Việt Nam là vùng tranh giành ảnh hưởng giữa Liên Sô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ở miền Bắc và Pháp, Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam rồi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Hoa Kỳ trên toàn nước Việt Nam thống nhất.
Trong bài viết này chúng tôi cố gắng đưa ra cái nhìn tổng thể về vai trò của Việt Nam trước trào lưu lịch sử thế giới.


PHỤ NỮ VIỆT NAM SỚM CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNGTRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN
Hai Bà Trưng là hai phụ nữ đầu tiên trên thế giới lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lăng thành công vào năm 40 sau Tây Lịch và lên ngôi thành lập một vương triều ngắn ngủi dưới sự lãnh đạo của hai nữ hoàng: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Chúng ta không cần biết vào thời ấy nước ta còn trong trạng thái sơ khai không rõ theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ. Điều quan trọng và sự thật hiển nhiên mà chúng ta đều biết là hai Bà Trưng là hai phụ nữ Việt Nam giải phóng xứ sở khỏi ách đô hộ của nhà Đông Hán. Sự kiện này không quan trọng và vĩ đại bằng chế độ phụ hệ hay mẫu hệ sao? Chúng tôi có những luận cứ sau đây, chứng minh vào đầu thế kỷ I sau Tây Lịch nước ta theo chế độ phụ hệ:

1. Chuyện năm mươi (50) người con theo mẹ Âu Cơ lên miền núi và năm mươi người con theo cha Lạc Long Quân xuống đồng bằng và miền duyên hải cho thấy những người định cư trên châu thổ sông Hồng đã từ bỏ chế độ mẫu hệ để theo chế độ phụ hệ ngay từ buổi bình minh lịch sử.
2. 18 đời vua Hùng Vương của xứ Văn Lang đều là nam phái.
3. Nước Âu Lạc bị Chao To (Triệu Đà) chinh phục vào năm 207 trước Tây Lịch. Đến năm 111 trước Tây Lịch nhà Triệu sụp đổ. Phần đất ngày nay được gọi là Bắc Bộ bị Trung Hoa đô hộ. Dư âm chế độ mẫu hệ, nếu có và còn duy trì, chắc chắn đã bị đẩy lui trong thời Bắc thuộc này vì Trung Hoa đã theo chế độ phụ hệ.
4. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách là người âm thầm tổ chức cuộc đối kháng chống nhà Đông Hán nên bị giết chết. Bà Trưng Trắc tiếp nối công việc của chồng bằng cách cùng với em là Trưng Nhị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống nhà Đông Hán.
Nếu so với Jeanne d’Arc (1412- 1431), người giải phóng Orleans năm 1429, thì cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thành công trước vị nữ anh hùng Pháp này 1389 năm. Jeanne d’Arc nghe theo lời dạy của Thiên Thần Michael, Thánh Margaret và Thánh Catherine để cầm quân giải phóng Orleans giúp cho Charles VII làm lễ đăng quang ở Reims. Năm 1430 bà bị bắt và bị xử thiêu vì bị lên án phạm tội dị giáo. Năm 1920 bà được phong Thánh. Hai Bà Trưng khởi nghĩa giành độc lập cho Giao Chỉ và nhảy xuống sông tự tử sau khi bị quân của Ma Yuan (Mã Viện) đánh bại.
Vào thế kỷ III Triệu Thị Trinh (Triệu Trinh Nương) tức Bà Triệu khởi nghĩa chống quân đô hộ phương Bắc ở Thanh Hóa. Tuy thất bại, bà đã gây kinh hoàng cho quân thù và để lại cho hậu thế một tấm gương chiến đấu hào hùng của người yêu chuộng tự do và độc lập.
Ỷ Lan là một thôn nữ vườn trà ở làng Siêu Loại, Bắc Ninh. Bà là người có nhan sắc và thông minh được vua Lý Thánh Tôn (1054-1072) để ý khi đi ngang qua làng Siêu Loại. Bà được vua Lý Thánh Tôn sủng ái vì có con với nhà vua trong khi hoàng hậu Dương không có con. Ỷ Lan Thái Phi sốt sắng tham gia chính sự cùng với vua Lý Thánh Tôn. Năm 1069 bà làm giám quốc thay cho vua Lý Thánh Tôn chỉ huy quân Đại Việt đánh giặc Chiêm Thành. Năm 1072 vua Lý Thánh Tôn mất, Ỷ Lan là người trực tiếp điều khiển việc chính sự trong nước trong khi con của bà, vua Lý Nhân Tôn (1072- 1127) chưa đầy 01 tuổi. Như vậy Ỷ Lan thực sự là nữ hoàng vì Lý Nhân Tôn là một ấu quân. Bà chú trọng đến sự phát triển nông nghiệp và giải phóng phụ nữ bán cho những người giàu có để làm tỳ thiếp. Bên cạnh những sự nghiệp quốc gia Ỷ Lan ghen với Dương hoàng hậu của triều Lý Thánh Tôn. Hoàng hậu không có con nên vua sủng ái Ỷ Lan nhiều hơn. Ỷ Lan hạ ngục Dương hoàng hậu cùng 72 người hầu. Tất cả đều bị bỏ đói đến chết! Ỷ Lan xây dựng nhiều chùa chiền trong nước khi có quyền trong tay.
Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224 và vương quyền nhà Lý rơi vào tay họ Trần năm 1225. Chúng tôi không bàn về sự nghiệp của vị nữ hoàng chưa quá 10 tuổi này mà chỉ muốn cho thấy Việt Nam sớm có nữ hoàng giữa lúc các nước Đông lẫn Tây Phương vẫn giữ truyền thống trọng nam và trọng trưởng khi truyền ngôi. Ở Anh mãi đến năm 1553 Mary I (1516- 1558) mới trở thành vị nữ hoàng đầu tiên.
Bùi Thị Xuân là một nữ tướng đã vĩnh cửu tên tuổi của mình bằng sự can đảm phi thường khi bình tĩnh chấp nhận cái chết ghê rợn cùng với chồng con để bày tỏ lòng trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Quang Trung hoàng đế và sự khinh bỉ của bà đối với tân chế độ.
Trong xã hội phong kiến Khổng giáo trọng nam, khinh nữ, nữ phái không được đi học, không được dự cuộc thi tam trường để đóng góp công sức vào quốc sự. Thế mà Việt Nam sản sinh ra những Ngô Chi Lan (thế kỷ XV), Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII), Bà Huyện Thanh Quan tức Nguyễn Thị Hinh (XIX), Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX), Sương Nguyệt Anh (cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) với những sự nghiệp thi ca to lớn.
Thơ Hồ Xuân Hương là thơ ‘nổi dậy’ của một người phụ nữ hữu tài vô phận. Có người giải thích lời thơ ‘nổi dậy’ của bà phản ảnh sự ẩn ức sinh lý (libido) như Sigmund Freud (1856- 1939) thường nhấn mạnh. Có người cho rằng bà không đẹp. Có thể bà có da bánh mật và mặt hơi rỗ. Cách giải thích thứ nhất có cơ sở hơn cách giải thích thứ hai. Bà chua xót cho số phận của chính mình: làm thiếp tri phủ Vĩnh Tường rồi làm thiếp của tổng Cóc. Người làm thiếp phải có it ra hai điều kiện:
a. Trẻ
b. đẹp chớ không thể có da bánh mật hay mặt rỗ được. Riêng bà Hồ Xuân Hương còn có thêm tài làm thơ.
Sự ẩn ức sinh lý là điều hiểu được vì bà còn trẻ trong khi tri phủ Vĩnh Tường hay tổng Cóc ít ra cũng gần lục thập niên! Bà thầm yêu Phạm Đình Hổ và Nguyễn Du nhưng tình duyên bất thành không như bà mong ước. Bà phải làm thiếp cho hai người đàn ông cách biệt xa bà về tuổi tác lẫn tư tưởng.
Sương Nguyệt Anh tức Nguyễn Thị Khuê, ái nữ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên. Bà là người sáng lập ra tờ Nữ Giới Chung (Chuông Nữ Giới), tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, vào năm 1918.
Nếu so với nữ sĩ George Sand (1804- 1876) của Pháp, tác giả Elle et Lui (Chàng và Nàng- tả mối tình giữa bà và thi sĩ Alfred de Musset) thì Ngô Chi Lan và Đoàn Thị Điểm đi trước bà tuần tự 04 thế kỷ và 01 thế kỷ. George Sand được tự do học hành còn Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương không được may mắn như vậy. George Sand là một mỹ nhân đa tài . Bà làm cho Alfred de Musset và Chopin đau khổ. Nhưng sự đau khổ ấy đã trở thành những bài ca bất tuyệt như Musset đã viết:
Les plus désespérés sont les chants le plus beaux.
J’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots.
Rồi những tiếc nuối và than thở của Chopin trong La Tristesse hay L’Adieu:
L’ombre s’enfuit adieu beau rêve
Òu les baisers s’offraient comme des fleurs 
La nuit fut brève.
 

THẾ KỶ XVIII: THẾ KỶ CỦA CÁCH MẠNG
Thế kỷ XVIII là thế kỷ cách mạng trên thế giới: cách mạng Hoa Kỳ (1773), cách mạng 1789 ở Pháp, cách mạng kỹ nghệ và cách mạng đại nghị chế ở Anh.
Ở Nam Hà có cuộc nổi dậy của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (1771) chống lại sự lạm quyền của Trương Phúc Loan và sự thối nát của chánh quyền Nam Hà 99 năm sau khi chiến tranh Trịnh- Nguyễn chấm dứt lấy sông Gianh làm đường ranh phân chia vùng ảnh hưởng của vua Lê chúa Trịnh một bên và chúa Nguyễn một bên.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có danh tướng Nguyễn Huệ.
Người hùng trong cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ là George Washington.
Người hùng trong cách mạng 1789 là Napoléon Bonaparte.
George Washington là một sĩ quan trong Dân Quân Hoa Kỳ. Ông cầm quân chống lại người Anh. Ông là người có công to lớn trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ và được nhân dân Hoa Kỳ tôn làm quốc phụ.
Napoléon Bonaparte là một sĩ quan pháo binh tốt nghiệp trường võ bị Brienne. Ông không có công gì với cách mạng 1789 nhưng là người dùng danh nghĩa Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái để lập chiến công và lập đế nghiệp.
Nguyễn Huệ là một nông dân không được đào luyện ở trường võ bị nhưng sớm cầm quân năm 19 tuổi và trở thành người anh hùng bất bại trong suốt đời binh nghiệp của mình. Ông đánh bại hai thế lực phong kiến thời bấy giờ: họ Nguyễn ở Nam Hà và họ Trịnh ở Bắc Hà (1786), đánh đuổi quân Xiêm (1784) và quân Mãn Thanh (1789) trong thời gian kỷ lục bằng chiến thuật thần tốc.
Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ chấm dứt sự thống trị của Anh và sớm biến Hoa Kỳ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự lãnh đạo thế giới.
Nước Pháp trải qua nhiều biến động chánh trị sau cách mạng 1789. Nhưng tinh thần cách mạng đã giúp cho Pháp sớm kỹ nghệ hóa để trở thành một đế quốc vào thế kỷ XIX.
Vai trò của Nguyễn Huệ sáng chói trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với những chiến công oanh liệt trước họ Nguyễn, họ Trịnh, quân Xiêm, quân Mãn Thanh nhưng Việt Nam vẫn chưa thống nhất. Vương quốc của Nguyễn Huệ chạy dài từ Bến Ván đến biên giới Việt- Trung. Từ nam Bến Ván đến Bình Thuận là vương quốc của Nguyễn Nhạc. Họ Nguyễn có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ. Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đã mất 09 năm. Việt Nam hoàn toàn ngưng đọng dưới triều Nguyễn trước trào lưu tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và kỹ nghệ phương Tây. Hậu quả là Việt Nam bị Pháp chinh phục.


CHIẾN THẮNG NĂM KỶ DẬU VÀ CHIẾN TRANH 06 NGÀY
Chiến thắng năm Kỷ Dậu của Nguyễn Huệ diễn ra trước cách mạng 1789 của Pháp 05 tháng. Chiến thắng diễn ra trong 06 ngày trùng hợp với cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày của Do Thái vào năm 1967.
Năm 1967 Do Thái đánh bại liên quân Ai Cập, Jordan và Syria tấn công vào Do Thái ở phia bắc, nam và đông trong 06 ngày. Liên quân ba nước Ả Rập chưa vào lãnh thổ Do Thái.
Nguyễn Huệ đánh bại 200,000 quân Mãn Thanh đã vào châu thổ sông Hồng cùng với vua Lê Chiêu Thống. Đạo quân xâm lăng được sự hỗ trợ của những phần tử hoài Lê và thân chúa Trịnh.
Năm 1967 Do Thái có đầy đủ phương tiện chiến tranh như xe tăng, thiết giáp, phi cơ, tàu bè, quân xa, quân vận. Phương tiện chiến tranh mà Nguyễn Huệ dùng năm 1789 rất thô sơ.
Quân sĩ Tây Sơn phải đi bộ ngày đêm từ Phú Xuân ra châu thổ sông Hồng gần 1,000 cây số đường núi rừng cheo leo hiểm trở. Việc điều quân ồ ạt như vậy mà địch không hề hay biết không phải là một điều dễ thực hiện. Quân Tây Sơn đánh chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi mà Sun Sheyi (Tôn Sĩ Nghị) không hề hay biết. Thế mới thấy việc đánh đuổi ngoại xâm trong vòng 06 ngày bằng phương tiện nghèo nàn của Nguyễn Huệ là một chiến tích hiếm hoi trong quân sử nhân loại.
Với chiến tranh 06 ngày Do Thái chiếm Đông Jerusalem từ Jordan, bán đảo Sinai của Ai Cập và đồi Golan của Syria. Do Thái dùng bán đảo Sinai để mua hòa bình với Ai Cập. Ho bám giữ Đông Jerusalem và có đường lối linh động về đồi Golan với Syria.
Chiến tranh 06 ngày năm 1789 của Quang Trung Nguyễn Huệ quét sạch quân Mãn Thanh ra khỏi Thăng Long nhưng Việt Nam vẫn phải mua hòa bình bằng chánh sách ngoại giao thần phục và triều cống Trung Hoa.


VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA VIỆT NAM TỪ NĂM 1945 ĐẾN 1975
Trong đệ nhị thế chiến có ba khuynh hướng chánh trị chống Pháp:
- nhóm Cộng Sản Đông Dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hồ Chí Minh, bí danh của Nguyễn Ái Quấc, là một đảng viên Cộng Sản Pháp được thụ huấn ở Liên Sô năm 1924 và 1934. Năm 1938, theo lịnh của Stalin, ông giả làm người ăn mày mù vượt biên giới Sô- Trung để đến chiến khu Yenan (Diên An). Ông được đảng Cộng Sản Trung Hoa giúp đỡ tiến về biên giới Việt- Trung theo kế hoạch của Stalin nhằm dụ quân Nhật hướng về phia Nam để không tấn công Liên Sô.
- nhóm cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Hoa dưới danh nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và Cường Để như Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội), Hồ Học Lãm ( Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội thành lập năm 1936. Hồ Học Lãm mất năm 1942. Bí danh Hồ Chí Minh và VNDLDMH của ông được Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quấc mượn và gọi tắt là Việt Minh)...và Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi thất bại trong cuộc khởi nghĩa năm 1930 như Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và sau này có thêm Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh.
- nhóm cách mạng Việt Nam thân Cường Để và thân Nhật hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa dưới danh xưng Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội. Cường Để thành lập đoàn thể cách mạng này năm 1939 ở Trung Hoa trong vùng chiếm đóng của quân Nhật. Sau cuộc đảo chánh ngày 09-03-1945, chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời ở Huế. Chánh phủ này được xem là chánh phủ thân Nhật vì bản thân ông Trần Trọng Kim được Nhật đưa sang Singapore để khỏi bị mật thám Pháp bắt. Trước khi được chọn đứng đầu nội các, Nhật đưa ông sang Bangkok để về Huế.
Cả ba nhóm đều hoạt động ở Trung Hoa.
Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, Vũ Hồng Khanh là tướng lãnh hay đại tá trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Các vị này tùy thuộc vào chánh phủ Chongqing (Trùng Khánh) về mọi mặt. Việt Nam Quốc Dân Đảng có đảng viên ở Bắc Bộ và rải rác vài nơi ở Trung Bộ. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1930 một số đảng viên bị xử tử, một số bị tù đày. Một số khác ngã theo Cộng Sản (Nguyễn Phương Thảo tức Nguyễn Bình, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Xuân v.v. - xin đừng nhầm với thủ tướng và trung tướng Nguyễn Văn Xuân). Một số khác theo Cộng Sản trong lúc ở tù (giác ngộ cách mạng cũng có và bị cưỡng ép từ bỏ đảng gốc trong khám cũng có).
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Việt Minh hoạt động ngoài biên giới Việt- Trung và các tỉnh thượng du Bắc Bộ với sự hỗ trợ của các dân tộc thiểu số như Thổ, Tày, Nùng... Chu Văn Tấn là người Thổ. Hoàng Văn Thụ là người Tày. Ông là một phụ tá thân tín của Trường Chinh. Việt Minh có chiến khu và có nhiều đảng viên Cộng Sản hoạt động khắp ba miền đất nước. Hồ Chí Minh là một cán bộ Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế nên nắm vững diễn tiến tình hình chánh trị quốc tế dưới sự chỉ đạo của Stalin. Ông hợp tác với OSS (Office of Strategic Services) của Hoa Kỳ dưới tên Lucius. OSS là tổ chức Tình Báo Chiến Lược của Hoa Kỳ, tiền thân của CIA sau này, nên khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện trước Đồng Minh thì Việt Minh chuẩn bị cướp chánh quyền ở Hà Nội ngày 19-08-1945. Chế độ quân chủ do nhà Nguyễn đại diện sụp đổ.

 
VIỆT NAM CÓ NỀN CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG NAM Á
Dù cố che giấu màu sắc Cộng Sản, quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là cờ đỏ sao vàng và những cuộc chém giết Việt gian theo thực dân Pháp, phát xít Nhật thực tế là triệt hạ trí, phú, địa, hào ở nông thôn ba miền cho thấy chế độ Cộng Sản đã xuất hiện ở Việt Nam từ Cách Mạng Mùa thu tuy rằng vào tháng 11 năm 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương.
Khi quân Anh- Ấn đến Sài Gòn giải giới quân Nhật, họ giúp đỡ cho quân Pháp trở lại cựu thuộc địa ở Nam Kỳ. Dân chúng Sài Gòn chống lại sự trở lại của quân Pháp và quân Anh- Ấn bằng tầm vông vạt nhọn và lựu đạn Molotov thô sơ. Trước những người võ trang bằng tầm vông vạt nhọn thô sơ, người Pháp và người Anh có hai cái nhìn khác nhau:
Người Pháp nhìn vấn đề dưới lăng kính quân sự nên cho rằng đó là đám giặc cỏ chỉ cần 06 tháng là đánh dep xong.
Người Anh nhìn nhóm người cầm tầm vông vạt nhọn này dưới lăng kính chánh trị: sự thèm khát độc lập của một dân tộc.
Người Anh tiên liệu một chánh sách cởi mở đối với các thuộc địa sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Sự thắng cử của đảng Lao Động trong cuộc bầu cử ngày 05-07-1945 đưa Clement Attlee lên làm thủ tướng để cải cách xã hội, phục hưng kinh tế thời hậu chiến và cứu xét việc trao trả độc lập cho các thuộc địa Anh quan trọng nhất là Ấn Độ.
Phản ứng của những người cầm tầm vông vạt nhọn ở Sài Gòn thúc đẩy chánh phủ Attlee sớm trao trả độc lập cho Ấn Độ năm 1947 trước khi khối dân đông thứ nhì trên trái đất võ trang tranh giành độc lập. Đến năm 1948 Anh trao trả độc lập cho Miến Điện.
Nhờ chánh sách uyển chuyển khôn khéo này Anh không bị thiệt hại vật chất, nhân mạng và danh dự vì chiến tranh duy trì thuộc địa trong khi Pháp bị tàn phá trong đệ nhị thế chiến lại phải mất 09 năm chiến tranh trên chiến trường Đông Dương xa xôi để rồi bị tổn hại uy danh vì bị bại trận ở Điện Biên Phủ.

 
VIỆTNAM TIÊN PHONG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP TRONG ĐẾ QUỐC PHÁP
Chiến thắng Tsushima của Nhật trước Nga là chiến thắng đầu tiên của một quốc gia hoàng chủng vừa canh tân đã chiến thắng một đế quốc bạch chủng.
Điện Biên Phủ là chiến thắng đầu tiên của một thuộc địa Á Châu trong đế quốc Pháp sau đệ nhị thế chiến. Điện Biên Phủ trở thành nguồn cảm hứng cho các thuộc địa Pháp ở Bắc Phi như Tunisia, Morocco và Algeria đấu tranh giành độc lập.
Morocco độc lập nhờ sự đấu tranh của đảng Istaqlal (Độc Lập) được vua Mohammed V ủng hộ. Năm 1949 Pháp đày vua Mohammded V sang Madagascar. Dân chúng Morocco càng phẫn uất và đấu tranh mạnh mẽ cho độc lập xứ sở và sự tự do của vua Mohammed V. Năm 1955 Pháp đưa vua Mohammed V về nước. Năm 1956 Pháp trao trả độc lập cho Morocco.
Tunisia được công nhận độc lập năm 1956 nhờ công tranh đấu của Hamib Bourguiba, lãnh tụ đảng Neo- Destour (Tân Destour).
Algeria theo gương Việt Nam bằng cách võ trang đấu tranh dưới ngọn cờ Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia (Front de Libération Nationale) gây thiệt hại nặng nề cho Pháp về nhân mạng lẫn tài sản (người Pháp có nhiều đồn điền trồng nho và sản nghiệp ở Algeria) từ năm 1954 đến 1962. Năm 1958 tướng Charles de Gaulle trở lại chấp chánh. Khác với năm 1945, lần này ông chủ trương trao trả độc lập cho Algeria để tránh một Điện Biên Phủ thứ hai. Năm 1962 Pháp và đại diện kháng chiến quân Algeria ký hiệp ước Evians chấm dứt chiến tranh Pháp- Algeria.
Morocco và Tunisia đấu tranh ôn hòa trong khi Việt Nam và Algeria võ trang đấu tranh. Đời sống chánh trị của Morocco và Tunisia tương đối ổn định hơn Algeria và Việt Nam.
Morocco, Tunisia, Algeria độc lập và được vẹn toàn lãnh thổ.
Việt Nam bị chia đôi với hai chế độ chánh trị đối nghịch nhau. Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản. Miền Nam theo Thế Giới Tự Do đứng đầu là Hoa Kỳ.
Algeria không theo chế độ Cộng Sản nhưng Ben Bella it nhiều nghiêng ngả theo Liên Sô.
Với cuộc chiến tranh Việt- Pháp, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam dưới tên mới: đảng Lao Động, đã biến Việt Nam thành quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á đương đầu với đế quốc Pháp.
Trong thời kỳ đất nước qua phân Hồ Chí Minh biến miền Bắc thành tiền đồn chống chủ nghĩa Tư Bản do ‘đế quốc Mỹ’ cầm đầu. Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng...đã biến Việt Nam thành biển lửa, biển máu và biển nước mắt bằng 30 năm chiến tranh liên tục sau đệ nhị thế chiến (1945- 1975) và chế độ Cộng Sản khắc nghiệt.

Nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam được gì và mất gì với hai cuộc chiến tranh tiên phong chống đế quốc Pháp và tư bản Mỹ để trở thành bức tường đồng chống tư bản chủ nghĩa ở phương Đông?
Người Việt Nam được:
- chế độ độc tài Cộng Sản
- hai chủ nhân mới: Liên Sô và Trung Quốc. Liên Sô rộng 22 triệu km2; dân số đứng hàng thứ tư trên thế giới. Trung Quốc rộng 11 triệu km2 ; dân số đông nhất thế giới.
- một đất nước chia đôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ
- hai chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai xuất phát từ Liên Sô (chủ nghĩa Marx- Lenin) và chủ nghĩa Mao (Maoism) từ Trung Quốc. Hai chủ nghĩa Cộng Sản Sô- Trung ráo riết tranh giành ảnh hưởng ở miền Bắc Việt Nam. Chủ nghĩa Marx- Lenin tự phân hóa ra thành chủ nghĩa Stalin (Stalinism) (Đệ Tam Quốc Tế), chủ nghĩa Trotsky (Trotskyism) (Đệ Tứ Quốc Tế) rồi chủ nghĩa Xét Lại (Revisionism) của Khrushchev. Các chủ nghĩa Cộng Sản ghi trên chống báng nhau đẫm máu như chiến tranh tôn giáo và giáo phái thời Trung Cổ.
- óc nô dịch và tình trạng lạc hậu: chế độ Cộng Sản Việt Nam không dám đề cập đến tên một vị anh hùng dân tộc nào trong lịch sử mà chỉ dựng tượng Lenin tại thủ đô Hà Nội, trưng bày hình ảnh Marx, Engels, Lenin, Stalin, Malenkov, Mao Zedong... và tự hào đánh Mỹ và VNCH ở miền Nam cho Liên Sô và Trung Quốc như Lê Duẩn mạnh dạn xác nhận. Hậu quả của 30 năm chinh chiến là Việt Nam mạng nợ Liên Sô, Trung Quốc. Kinh tế xã hội chủ nghĩa tự nó đã tồi tệ lại càng tồi tệ hơn vì sự tàn phá của chiến tranh. Việt Nam trở thành một quốc gia lạc hậu về mọi mặt đến nỗi không thể so sánh với bất cứ quốc gia nào trên thế giới đồng diện tích và đồng dân số. Singapore, Đại Hàn và Đài Loan đã bỏ xa Việt Nam. Ở Đông Nam Á hiện nay Việt Nam chỉ hơn Lào và Cambodia mà thôi. Công ty Samsung than phiền con vít (vis) do Việt Nam sản xuất không được hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế! Hai quốc gia Cộng Sản nghèo đói là Cuba và Bắc Hàn vẫn trội hơn Việt Nam. Cuba rộng 110,000 km2 với 11 triệu dân có nhiều bác sĩ có khả năng chuyên môn cao và đạt được 14 huy chương Thế Vận Hội London năm 2012 trong đó có 04 huy chương vàng. Lợi tức tính theo đầu người của Cuba lối 6,050 Mỹ kim/ năm. Bắc Hàn rộng 120,000 km2 với 25 triệu dân. GDP rất thấp: 12 tỷ Mỹ kim; lợi tức đồng niên tính theo đầu người: 506 Mỹ kim/năm. Nhưng Bắc Hàn có nhiều khoa học gia, kỹ thuật gia có khả năng sản xuất tàu ngầm, hỏa tiễn, bom nguyên tử. Trong Thế Vận Hội London năm 2012 Bắc Hàn chiếm 04 huy chương vàng và 02 huy chương đồng. Việt Nam rộng 332,000 km2 với 92 triệu dân. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người lối 1,900 Mỹ kim. Bà bảy Vân, vợ hai của Lê Duẩn, thủ tướng Võ Văn Kiệt... bịnh phải chở sang Singapore chữa. Việt Nam nổi tiếng có một vị giám đốc cá độ bóng đá 2.5 triệu Mỹ kim và gần đây nhập cảng và bán sạch 04 cái túi xách thời trang với giá 300,000 Mỹ kim tức 75,000 Mỹ kim một chiếc tương đương với nửa thế kỷ tiền lương lao động của một công nhân Việt Nam!

Người Việt Nam mất:
- mọi quyền tự do căn bản của con người kể cả quyền sống.
- quyền làm người dưới chế độ Cộng Sản.
- niềm tự tin vào sức mạnh của dân tộc mà chỉ biết nhờ vã, lệ thuộc vào người khác và tung hô sự vĩ đại của Liên Sô, Trung Quốc và của các cá nhân ngoại quốc như Marx, Lenin, Stalin, Mao Zedong (Mao Trach Đông) v.v.
- đoàn kết dân tộc một khi những người cùng chung dòng giống, ngôn ngữ, lãnh thổ và lịch sử đã tận tụy giết nhau trong chiến tranh và hành hạ đồng bào chiến bại tàn nhẫn hơn cả các chủ nô thời phong kiến.
- mất hy vọng và niềm tin vào tương lai đất nước và tương lai dân tộc trước họa mất nước và mất cả dân tộc với thỏa ước Chengdu (Thành Đô) năm 1990 do Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh hứa hẹn với Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), các hiệp ước 1999 và 2000 ký kết với Trung Quốc thời Lê Khả Phiêu và những đặc quyền thuê đất, bờ biển, thiết lập phố Tàu, khai thác bauxite ở Tây Nguyên... của Trung Quốc ở Việt Nam dưới thời Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có phải chăng đó là sự nghiệp vĩ đại của bác Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam ?


Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

@

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Trăng, Sao và Sương

Trăng, Sao và Sương


Lần đầu tiên tôi có dịp biết thêm nhiều về Nhà văn, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh khi tôi có dịp phỏng vấn cô và phu quân của cô là Nhà văn Nguyễn Quang trong chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Talk Show.  Trước đây, tôi cũng có dịp gặp cô trong một vài buổi họp của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.  Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé và yếu ớt, vịn tay chồng đến tham dự những buổi họp.  Thường thì cô ít khi nào phát biểu, lặng lẽ đến, nghe và ra về. 

Tôi có thói quen dành ra vài giờ trước ngày thâu hình để tìm tài liệu về người khách mà tôi sẽ phỏng vấn trong chương trình talk show.  Trước đó, nhà văn Nguyễn Quang đã ân cần gửi cho tôi quyển sách "Ốc Muợn Hồn" của ông cũng như quyển sách "Văn Nghiệp và Cuộc Đời của Minh Đức Hoài Trinh" do ông thực hiện.

Mở quyển sách "Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh" , tôi say sưa đọc những bài viết, những hình ảnh về cuộc đời và những sinh hoạt của cô.  Càng đọc, tôi càng mến phục và thấy rằng trước đây mình biết quá ít về cô, ngoài những lần gặp mặt trong những buổi họp hay những bài hát được phổ nhạc từ một số bài thơ của cô mà thôi.

Sau biến cố tháng Tư đen năm 1975, Văn Bút Việt Nam bị chính quyền cộng sản bức tử và Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh là người đã bỏ nhiều công sức để vận động Văn Bút Quốc Tế (VBQT) công nhận Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.  Tôi rất cảm động khi đọc đến đoạn Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh "quá vui mừng, miệng thì cười nhưng nước mắt không ngừng rơi" khi Bồi thẩm đoàn VBQT tuyên bố với 25 phiếu thuận và 7 phiếu chống, công nhận Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được chính thức là thành viên của tổ chức Văn Bút Thế Giới trong Đại Hội VBQT vào tháng 7 năm 1979 tại Rio De Janeiro, Brazil.

Không chỉ thành công trong nỗ lực vận động cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi cho các nhà văn Vit Nam bị cầm tù trong các lao tù cộng sản với các bài viết, các buổi thuyết trình, v.v. Mặc dầu sức khoẻ sút kém trong thời gian gần đây, cô vẫn sát cánh bên phu quân tham dự các chương trình sinh hoạt trong cộng đồng.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ có ý định phối hợp với Nhóm Thân Hữu Văn Bút VNHH và Nhóm Thân Hữu Quảng Ngãi thực hiện một quyển sách để vinh danh những đóng góp của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trong nền văn học Việt Nam và đặc biệt cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Khi biết tôi có ý định phổ nhạc một bài thơ như một món quà sinh nhật dành cho Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Nhà văn Nguyễn Quang đã rất cảm động và ông mang quyển Tập Thơ đến trao cho tôi với lời nhắn nhủ là "thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh khó phổ nhạc lắm đó." Xem qua những bài thơ trong Tập Thơ, tôi thấy có một vài bài thơ đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc trước đây như bài "Ai Trở Về Xứ Việt" do nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, "Kiếp Nào Có Yêu Nhau", "Đừng Bỏ Em Một Mình" do Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, rồi đến "Em Về Giữ Lửa" do Nhạc sĩ Trần Quang Hải và Bạch Yến phổ nhạc và trình bày. Bài thơ "Hỏi Mẹ" cũng được phổ nhạc và do chính tác giả là Ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa trình bày trước đây.  Nhạc sĩ Võ Tá Hân cũng đã phổ nhạc một số bài thơ của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh như "Ai Về Xứ Việt I", " Đợi Em Về", "Gỗ Đá", v.v..  

Khi đọc các bài thơ trong Tập Thơ, tôi hiểu ra lời nhắn nhủ của Nhà văn Nguyễn Quang.  Phần lớn những bài thơ trong Tập Thơ Minh Đức Hoài Trinh đều chất chứa nỗi niềm trăn trở của người con xa xứ hướng về quê hương Việt Nam thân yêu. Đong đầy trong nhiều bài thơ là những uất ức, những hờn căm, những nghẹn ngào của tác giả về cuộc chiến vừa qua.  Những nỗi đau thương, buồn tủi, căm hận, v.v. được khắc họa qua từng chữ, từng câu...Lời thơ tuôn chảy theo cảm xúc của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đôi khi như dòng thác cuồn cuộn tuôn trào, lắm lúc như tiếng nấc nghẹn ngào cho những sự mất mát, những đau thương cho thân phận quê hương với nỗi đau mất nước.  Dường như Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh làm thơ để diễn tả cảm xúc của mình, chứ không phải chú trọng chọn lọc những lời văn chương bóng bẩy để thi vị hoá những điều mình muốn nói.  Chúng ta hãy đọc một vài tâm tình của thi sĩ qua những vần thơ như sau:

Mình về phá tung gông cùm biên giới
Biên giới tình và biên giới kẽm gai
(Em Về Giữ Lửa)

Ta theo chim đến nghĩa trang Trung Việt
Cậy nắp hòm hôn từng mảnh xương yêu
(Mơ)

Nhưng họ tới, gót chân sắt
Họ đạp, họ chà, họ dẫm,
Thế là hết,
Ngọc ngà cháy sém...
Cây rừng úa héo
(Biết Đến Bao Giờ)

Ngoài tình yêu quê hương, tình mẫu tử thiêng liêng, xen kẽ trong các bài thơ trong tập thơ này là những bài thơ tình yêu đôi lứa. Tôi bắt gặp một bài thơ với một cái tựa khá lạ là "Trăng, Sao và Sương".  Chỉ với 4 câu đầu của bài thơ, thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã vẽ lên bố cục của câu chuyện qua hình ảnh của ánh trăng chiếu qua căn phòng và mảnh vườn đơn chiếc:

Ánh trăng chiếu qua song
Xanh xanh xanh mầu trăng trong
Chiếu phòng ai cô độc
Chiếu vườn ai đợi mong

Trong bốn câu thơ tiếp, 

Sương khóc trong lòng đêm
Sương trĩu cành lau mềm
Sương thương trăng thui thủi
Sương nhớ mầu sao êm

Hình ảnh hạt sương được tác giả nhân cách hoá, làm chúng ta liên tưởng ngay đến hình ảnh của người con gái đang đau buồn than khóc cho sự ngăn cách kẻ ở người đi. Người đọc tò mò muốn biết thêm tình tiết của câu chuyện và tác giả đã tiếp tục mượn ba hình ảnh của "trăng, sao và sương" để gửi gắm những nỗi niềm tâm sự đó.  Nếu như ngày xưa, người thiếu phụ trong Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm tiễn đưa chồng ra chiến trận và nương theo bóng trăng tưởng nhớ người chồng ở phương xa như qua hai câu thơ:
"Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi.
 Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San".
thì cũng với hình ảnh bóng trăng ấy, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã diễn tả tâm trạng của người ở lại trước buổi chia ly: 

Trăng ơi và sương ơi
Người ấy sắp xa rồi
Bơ vơ mình trăng lạnh
Một vì sao đang rơi
Người ấy sẽ ra đi
Gió ngàn tung cánh phi 
Tương tư ai đâu nữa
Trăng sáng nhiều làm chi?

Và hệ lụy của sự chia cách này đã được thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh khéo léo lồng vào qua hình ảnh của "trăng, sương và sao", với ánh trăng cũng dường như lu mờ đi, ánh sao không còn lung linh nữa và ngay chính những giọt sương cũng nhỏ lệ cho sự xa cách.

Trăng sẽ ngừng rực rỡ
Sao sẽ ngừng long lanh
Khuya nào sương nức nở
Khóc ngay vui mong manh

Tuy trong nỗi đau chia cách, tác giả đã viết lên niềm hy vọng trong một viễn ảnh tươi sáng về ngày đoàn tụ, với hình ảnh của "trăng, sao và sương":

Bao giờ ta gặp nhau
Cho trăng quên buồn đau
Cho sao bừng ánh sáng
Sương thôi mờ khóm lau

Là một người hiền hoà, trầm lặng nhưng mang trong lòng một ý chí cương quyết, một tinh thần lạc quan như chúng ta đã có dịp được biết qua quãng đời hoạt động của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trong nhiều thập niên qua, chúng ta mong rằng niềm tin và ý chí lạc quan cho quê hương mà cô đã gửi gắm qua thi phẩm "Trăng, Sương và Sao" cũng như qua nhiều bài thơ khác sẽ sớm trở thành hiện thực với hình ảnh một ngày ánh trăng sao "bừng ánh sáng" trên quê hương Việt Nam không còn bóng cộng thù.  Ngày đó, những đôi tình nhân hay những cặp vợ chồng sẽ không còn gặp cảnh chia ly, kẻ ở lại trên quê hương tù đày, người đi tìm tự do hay các cô gái trẻ phải xa quê hương, lấy chồng nơi xứ người vì miếng cơm manh.  Và ngày đó, những người cầm bút trên quê hương Viêt Nam được tự do nói lên tiếng nói của mình mà không sợ phải gặp cảnh đàn áp, tù đày.  

Xin phép mượn bốn câu thơ đầu trong bài thơ "Trăng, Sương và Sao" và sửa lại một số chữ để kính tặng Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh,  Người Thi Sĩ đã cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho nền văn học Việt Nam và cho tiếng nói của người cầm bút:

Ánh trăng chiếu qua song
Xanh xanh mầu trăng trong
Chiếu dòng thơ cương quyết
Nét bút không bẻ cong! 

-Cao Minh Hưng-
     9/2014
@

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Bức Tường Thế Kỷ


Bức Tường Thế Kỷ 

(Mến gởi những người bạn trẻ 
đang tham gia cuộc cách mạng hoa dù/ Hồng Kông)


Tuổi trẻ xây bức tường thế kỷ 
Bằng niềm tin khát vọng tự do 
Mỗi khát vọng đo bằng nhịp đập 
Từ trái tim truyền đến trái tim

Lịch sử không đợi chờ đánh thức 
Tự đứng lên đi tới ngày mai 
Hành trình mở trăm ngàn nét mực 
Treo trên tường thế kỷ vừa xây

Hãy đến với bức tường thế kỷ 
Hòa mình vào chân lý tự do 
Làm sáng đẹp ý lời tuyệt mỹ 
Trên từng dòng khát vọng hôm nay

Hãy đi từ bức tường thế kỷ 
Với hành trang yêu quí tình người 
Truyền tiếp lửa con đường dân chủ 
Hạnh phúc ngời vũ trụ ngày mai

Cảm ơn nhé những người bạn trẻ 
Xây bức tường thế kỷ tuyệt vời 
Bằng màu sắc niềm tin khát vọng 
Vì tự do dân chủ loài người!

Cao Nguyên 
Sept 9, 2014

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Từ Niên Trưởng Đến Hậu Duệ

Lời Ngỏ:

Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ - là một kết nối Tâm Thân tuyệt vời bừng lên từ ánh sáng sáu ngọn nến chiếu lung linh trên nền thép của cây súng và thanh kiếm bên cạnh giòng chữ “Cư An Tư Nguy” nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Võ Bị Thủ Đức/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Và cũng là đêm Hội Ngộ Cựu SV Sĩ Quan Trừ Bị, tại nhà hàng Thần Tài - Falls church, Virginia vào đêm 12 tháng 9 năm 2010 .
Kết Thân - Mỗi cái bắt tay với nụ cười niềm nỡ từ những niên trưởng với các cựu sĩ quan, với các con cháu hậu duệ trong đại gia đình Võ Bị Thủ Đức đã tiếp truyền vào nhau sự nồng ấm thiết thân .
Kết Tâm - Là sự hòa đồng nhiệt thành ý chí vượt khó tiến lên trong hành trình giữ nước kế nghiệp công đức của tiền nhân . Với sự xúc động và cảm kích chân thành qua tâm tình trao đổi giữa ba thế hệ Cha Ông - Anh Em - Con Cháu . Về ý thức trách nhiệm, về nghĩa khí của một quân nhân vì nước mà hy sinh, vì bác ái và nhân quyền mà chiến đấu .
Tâm tư của thế hệ Cha, Chú đã hòa nhập vào sự đồng cảm của thế hệ Con, Cháu . Sự biết ơn trân trọng lẫn nhau là món quà quí giá mà mỗi cựu chiến binh và con cháu nhận được trong cuộc hội ngộ này.
Một hậu duệ điển hình trong cuộc hội ngộ là Trung Tá Tôn Thất Tuấn, một thanh niên Mỹ gốc Việt đang phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ .
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt hân hạnh giới thiệu Trung Tá Tôn Thất Tuấn với bạn đọc.
Cao Nguyên
MD Sept 13, 2010
@
Lời Ngỏ trên tôi viết cách nay 4 năm, nhờ cơ duyên binh nghiệp mà tôi đã gặp Trung Tá Tôn Thất Tuấn (12/9/2010) . Sau đó chúng tôi có mối giao tình kết thân "Niên Trưởng và Hậu Duệ" .
Mời đọc lời phát biểu của Trung Tá Tôn Thất Tuấn ngày ấy:
http://clbhungsuviet.blogspot.com/…/tu-nien-truong-en-hau-d…
@
Năm nay, mời xem "Bài Diễn Văn của Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ, nhân dịp Dạ Tiệc của Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt, vào ngày 27-9-2014 tại Springfield, Virginia":

Cảm ơn anh Ross qua lời giới thiệu thân ái về cá nhân tôi.
Kính thưa Thiếu Tướng Hugo và phu nhân, Chuẩn Tướng Khôi và phu nhân, Chuẩn Tướng Tất và phu nhân, Trung Tá Ross, Chủ Tịch Hội VAUSA (trước đây gọi là VAAFA) và phu nhân - Tiến Sĩ Tearrah, các anh chị em trong quân đội Hoa Kỳ, cùng toàn thể quý vị quan khách.
Trước hết, tôi xin gởi lời cảm ơn đến anh Ross và các cộng sự viên đã cống hiến rất nhiều ngày giờ để tổ chức buổi dạ tiệc thật tuyệt vời và đầy kỷ niệm sâu sắc này. Quý vị đã biến những niềm ước mơ cùng những nổi háo hức tìm đến với nhau được trở thành sự thật. Tôi có thể dẫn chứng sự thành công này một cách dễ dàng, bởi vì tất cả 450 ghế ngồi đã không còn chỗ trống nào. Tôi thật ngưỡng mộ sự lãnh đạo với tầm nhìn xa của anh Ross, và công sức của mọi người đã đóng góp trong việc tổ chức buổi tiệc đêm nay.
Tôi nhận thấy quý vị quan khách có mặt đêm hôm nay đến từ khắp mọi nơi trên toàn nước Mỹ, và có lẽ những vị đến từ Hawaii và Alaska là hai nơi xa nhất. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy chúng ta còn có sự tham dự của quý ông bà, cha mẹ, học sinh, lãnh đạo cộng đồng, thương gia, giáo sư, thân hữu của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, mạnh thường quân của VAUSA, cựu chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và lẽ dĩ nhiên, sự hiện diện đông đảo của các anh chị em trong quân lực Hoa Kỳ.
Thu-Hà và cá nhân tôi rất vui mừng được trở lại Virginia và chung vui cùng với quý vị trong một dạ tiệc mang đầy ý nghĩa. Tôi rất lấy làm vinh dự được đứng đây, và có một cơ hội để hầu chuyện với những quan khách đầy năng động, đa dạng và thành công.
Thật là xúc động trước những nghi lễ rất là trang nghiêm, trong một bầu không khí chứa chan tình thân hữu vừa mới được diễn ra. Dường như hầu hết quý vị hiện diện đều khoác lên mình những trang phục đẹp nhất, cũng như những bộ quân phục hào hùng, nhưng tôi phải thú thật điều mà tôi nhận thấy đẹp nhất đêm nay chính là những nụ cười đầy nhiệt tình của tất cả quý vị.
Kính thưa quý vị, đêm nay chúng ta đến với nhau! Đêm nay là đêm của chúng ta. Để cùng nhau tôn vinh một quá khứ, xác định một hiện tại và vạch đường cho một tương lai. Vì lý do đó, tôi xin chia sẻ đến quý vị một vài quan điểm của riêng tôi, về giá trị chung của chúng ta là những người Mỹ gốc Việt, và cuộc hành trình đầy hứa hẹn trên đất Mỹ, để cùng nhau tiếp tục phát huy và thành công trong tương lai.
Hầu hết mọi người trong chúng ta đều đã lớn lên trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng với nhiều kỷ niệm đau thương của một đời người. Nhiều gia đình đã bị tan nát và cuối cùng họ đã phải đoàn tụ qua hoàn cảnh ngậm ngùi. Chúng ta đã sống trong thất vọng. Ngày mai cũng chỉ là một ngày vô vọng như hôm qua. Tinh thần của chúng ta đã bị suy sụp với đầy dẫy hiểm họa cho sự sống còn.
Trong lúc tuyệt vọng, chúng ta đã phải rời xa quê hương và phó thác cho số phận. Chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với nhiều ẩn số trước mắt, và ôm lấy những gì sẽ đến miễn là không giống như những gì chúng ta đã bỏ lại sau lưng. Lịch sử đã in sâu trong tâm khảm của chúng ta với những vết thương lòng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đôi khi, những vết thương này đã trở thành những chướng ngại vật - cản bước chúng ta - để hướng đến tương lai.
Tôi không đứng đây để diễn tả lại một hình ảnh đau thương hay tủi nhục. Tôi chỉ mong chúng ta có thể nhận định được những tình huống khác nhau mà mỗi người đã phải trải qua. Có những người trong chúng ta đã may mắn vượt qua được những nỗi đau thương đó, tuy nhiên cũng có người vẫn còn chưa tự vượt qua được những khó khăn. Nhưng có một điều chúng ta cần phải quyết định là không chôn vào trái tim của các thế hệ con em những hình ảnh quá khứ không tốt, từ những vết thương lòng ray rức khó quên đó.
Nói tới đây làm tôi nhớ tới tuần trước, khi tôi với một người bạn cùng đứa con trai 11 tuổi của anh ta tên là Johnny đến một sân chơi trong khu nhà nơi họ cư ngụ. Trong khi tôi đang vui chơi với Johnny và những đứa trẻ khác trên xích đu, tôi đã thấy có một cậu bé đang ngồi một mình trên chiếc ghế dài cách chúng tôi không xa. Tôi quay lại và hỏi: "Johnny, con có biết đứa bé đó là ai không? Sao con không đến rủ nó lại chơi chung với mình?" Johnny nhìn chăm chăm vào tôi và hỏi lại: "Bác Tuấn ơi!!! Bác không biết đó là Davis sao?” Johnny hỏi như thể tôi đã có một thời gian sống trong khu phố đó. Johnny tiếp tục giải thích rằng cách đây vài năm, cha của Davis và một số người cha khác hiện đang sống trong khu phố này đã có một cuộc tranh chấp lớn. Kể từ ngày đó, cha của Davis đã cấm con trai của mình không được vào chơi xích đu khi có những đứa trẻ khác hoặc cha mẹ của chúng hiện diện trong sân chơi. Tôi thầm nghĩ về những gì Johnny vừa kể rồi tự nhủ: "Nếu cậu bé Davis là con trai của tôi, tôi có muốn nhìn thấy con của mình ngồi một mình bên lề sân chơi trong xóm làng của mình hay không?"
Chúng ta khích lệ nhau để học hỏi về phong tục, tập quán và để tìm hiểu thêm lịch sử về nguồn gốc của chúng ta, nhưng chúng ta không nên tô đậm lòng thù nghịch hoặc khuyến khích sự hận thù.
Lòng từ bi nhân ái chính là sức mạnh của chúng ta, sự khác biệt về văn hóa là mối liên kết giữa các thế hệ của chúng ta và ý chí lớn nhất của chúng ta đã được xác định bởi những ngày xưa tăm tối. Vì vậy, chúng ta hãy bảo tồn sức mạnh vững chắc này, sự gắn bó giữa các thế hệ và bám chặt sự quyết tâm để thành đạt. Đây là phẩm chất của những đặc điểm đã làm cho chúng ta nổi bật với niềm hãnh diện trong hành trình trên nước Mỹ.
Để cho trọn vẹn, chúng ta hãy tri ơn những người đã nằm xuống, và tối nay chúng ta hãy cùng nhau vinh danh những người đã hy sinh cả cuộc đời của họ, để bảo vệ và hướng dẫn cho chúng ta từng bước trong cuộc đời.
Chúng ta may mắn là hôm nay và ngay tại đây, có sự hiện diện của các bậc ông bà, cha mẹ, người giám hộ là những cựu Chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta đã học được rất nhiều từ sự dũng cảm của họ cũng như lòng nhân từ. Họ là những anh hùng của chúng ta, và chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn họ!
Tôi xin yêu cầu những quân nhân người Mỹ gốc Việt đang mặc quân phục Hoa Kỳ, cùng tôi thực hiện một cử chỉ đặc biệt. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên, và tiến đến những vị anh hùng của chúng ta, để tặng cho họ bằng một cái ôm vào lòng hoặc bắt tay và nói một lời cảm ơn.
Trong lúc chúng ta ôm ấp những hoài bảo về truyền thống của chúng ta, chúng ta phải nhớ rằng quốc gia này đánh giá rất lớn về sự cần cù và lòng nhân ái. Chúng ta nên khiêm tốn vì sự thành công của chúng ta, những kinh nghiệm đa văn hoá và chia sẻ những phần thưởng về thành tích của mình với người khác. Đó là bản chất con người của chúng ta. Đó là tất cả những gì về nước Mỹ.
Thật vậy, chúng ta không nên dừng lại chỉ vì chúng ta là một người Mỹ, với những cơ hội mà đất nước này đã cưu mang chúng ta, cho mỗi người chúng ta quá nhiều, mà không ai trong chúng ta có thể hoàn trả đầy đủ công ơn này. Do đó, chỉ cần một hành động nho nhỏ, qua bất cứ hình thức nào mà chúng ta có thể, để phục vụ cho cộng đồng tại địa phương hoặc cho đất nước của chúng ta...đồng tâm hợp lực, tất cả chúng ta có thể làm nên sự khác biệt.
Cho dù quý vị đã được sinh ra ở Việt Nam, ở Mỹ, hay ở bất cứ nơi nào hoặc đã đóng góp cho đất nước này ở bất cứ mức độ nào, quý vị bây giờ đã nghiễm nhiên trở thành một phần tử của đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ. Một nơi mà quý vị có thể nói với niềm tự hào: "Tôi là một công dân Hoa Kỳ!"
Hôm qua, tôi đã hân hạnh được gặp một người bạn trẻ, anh mới định cư ở Kỳ Hoa chỉ có 2 năm 3 ngày. Nhưng hôm nay, anh đã trở thành một công dân Mỹ, anh đang là Binh Nhất trong quân lực Hoa Kỳ và cũng đang theo học chương trình ROTC năm thứ 2 tại Đại học South Alabama. Thật là một thành tích đáng kể. Kính thưa quý vị, tôi xin giới thiệu đến quý vị Binh Nhất Nguyễn Đăng, ngồi ở bàn số 31.
Như chúng ta đã biết để trồng một cái cây, những hạt giống nhỏ phải được chôn vùi trong lòng đất tốt, mặc dù trong bóng tối nhưng với đúng lượng nước và phân bón, những hạt giống đó sẽ từ từ nẩy mầm xuyên qua mặt đất để lấy được ánh sáng mặt trời bên ngoài.
Chúng ta cũng như những hạt giống nhỏ đó. Hôm nay chúng ta đã nẩy mầm và sinh sôi nẩy nở để trở thành những bông hoa đẹp, những cây xanh trái ngọt hoặc những cây đại thụ trong rừng. Chúng ta vẫn tiếp tục phát sinh và chôn sâu gốc rễ của mình. Ngày nay, sự đóng góp của người Mỹ gốc Việt đã được thành hình trên mọi lĩnh vực – chẳng hạn như kinh doanh, giáo dục, kỹ thuật, công chức, y-nha-dược-luật khoa, khoa học và nhiều lãnh vực khác nữa, lẽ tất nhiên, phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ.
Đúng vậy, chúng ta đã nẩy mầm và trồi lên mặt đất. Hãy tiếp tục nắm lấy từng cơ hội để tạo nên những thành tựu vẻ vang. Chúng ta là "những hạt giống đã vươn mình theo ánh sáng của tự do.”
Tôi rất hãnh diện vì quý vị! Tôi rất hãnh diện được giao tiếp với quý vị! Kính chúc quý vị cùng gia quyến vạn sự tốt lành và một tương lai tươi sáng.
Trân trọng kính chào.
******************************
Vietnamese American Military Banquet
Hosted by the Vietnamese American Uniformed Services Association (VAUSA)


Remarks by Colonel Tuan T. Ton, U.S. Army
Thank you Anh Ross for the warm introduction.
Major General and Mrs. Hugo, Brigadier General and Mrs. Khôi, Brigadier General and Mrs. Tất
Lieutenant Colonel Ross Nguyễn, President of the VAUSA (formerly known as VAAFA), and his lovely wife Dr. Tearrah
Fellow American military members
Distinguished guests, ladies and gentlemen
Good evening.
Let me begin by saying thank you to LTC Ross and those who spent days organizing this wonderful and impressive event. You have turned a vision of bringing people together into a reality, where people eagerly came together. I can easily attest its success by the evidence of all 450 seats are taken before me. Thank you so much Anh Ross for your vision and leadership and I truly appreciate the hard work of everyone involved.
This evening I see friends and guests coming from across America and as far as Hawaii and Alaska. I see parents, students, community leaders, businessmen and women, professors, hardworking families with children, friends of the Vietnamese American community, supporters of VAAFA, veterans of the former Republic of Vietnam, and of course, the overwhelming presence of our American military members.
Thu-Hà and I are so delighted to return to Virginia and to share this meaningful event with all of you. I am truly honored to be here and to have the opportunity to speak to a dynamic, diverse, and accomplished group of audience.
I am so touched by the ceremony we just had, very respectable in a warm atmosphere. It seems to me that everyone have dressed up for this event in their best suit, best dress and their good-looking uniforms, but I must admit to you that the most beautiful thing I am seeing in you tonight, are your smiles filled with enthusiasm.
We are here tonight…together! This is our night…for celebrating! To honor our past, recognize our present, and promote our future. With that, I would like to share with you a few of my perspectives about our shared value of being Vietnamese Americans and our blessed American journey, as we continue to grow together and succeed in the future.
For most of us, we grew up in a war-torn country, going through a period of our lives surviving the horrible experiences with painful memories. Many families were separated and at the end they were only reunited by fate. We lived without hope. Tomorrow was simply another hopeless yesterday. Our spirits felt broken as our entire existence was threatened.
Desperately, we left our place of birth, seeking to reach a new destiny. We were willing to face the many unknowns ahead of us and to embrace anything that did not resemble what we had left behind. Our shared history has left us with the physical and emotional wounds deep within ourselves. At times, those wounds have become the obstacles that keep us from moving forward.
I am not here trying to repaint a picture of sorrow or resentment. I am asking you to recognize the various circumstances that each of us have been through. Some of us might have overcome these sufferings easier than others. But one thing we need to be certain of is that none of the lingering pain of our wounds gets deposited into the hearts of our younger generations.
This reminds me of last week when I went with my friend and his 11-years-old son, named Johnny, to a playground just around the corner from their house. As I was having so much fun playing with Johnny and others on the swing complex, I noticed there was a boy sitting alone on a bench not too far away. I turned and asked: “Johnny, do you know that boy? Why don’t you walk over there and ask him to join us?” Johnny stared at me: “Mr. Ton!!! Don’t you know that is Davis?” Johnny asked as though I have been living in his neighborhood for a long time. He went on explaining that Davis’s father and some of the fathers in the neighborhood had a big argument a few years ago. From that day on, Davis’s father would not allow his son to play on the swings whenever those kids or their parents were on the playground. I thought about what Johnny said for a minute and asked myself, “If that boy Davis was my son, would I want to see him sitting alone on the sideline of his own neighborhood’s playground?”
We inspire each other to learn our heritage and to understand the history of our roots, but we should not intensify the emotional struggle or encourage hatred.
Our compassion is our strength, the cross-cultural experiences between generational differences is our bond, and those darkness days in the early part of our life defined our greatest will. So, let us treasure that uncompromised strength, the exclusive bond between our generations, and to hold on to that determination for excellence. These are the qualities of our traits which made us stand strong and proud together on our American journey.
All in all, let us not forget those who made the ultimate sacrifices along the way and let us tonight, honor those who have sacrificed their entire adult life for protecting and guiding us every step of the way.
We are blessed, tonight and right here, with the presence of our parents, grandparents, guardians, and những người cựu Chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (veterans of the former Republic of Vietnam). We have learned so much from their courage and the values of their humanity. They are our heroes and we are forever grateful to them!
May I ask those of you who are Vietnamese Americans in U.S. military uniform to do something special with me? Please stand up and walk to our heroes, to give them a hug or handshake and say thank you.
While we cherish the unique characteristic of our heritage, we must remember that this great nation values hard work and compassion. Let us be humble with our successes and the cross-cultural experiences, and share the rewards of our achievement with others. This is who we are. This is what America is all about.
Indeed, we should never stop at just being an American, for the many opportunities that this country has given us, for each one of us so much, that none of us can ever repay in full. Therefore, even with a small act of service, in whatever way we can, to our local community or to our nation…together, we all can make a difference.
So whether you were born in Vietnam, in America, or elsewhere, or whatever the level of contribution you have made, you are now part of this American national team. A team that you can look upon and say with pride: “I am an American!”
Yesterday, I had the privilege to meet a young man who came to the United States only 2 years and three days ago. Today, he is a proud American citizen, serving in the United States Army National Guard as a Private First Class (PFC) while attending at the University of South Alabama as a 2nd year ROTC cadet. It is quite an accomplishment. Ladies and gentlemen, I would like to introduce PFC Đăng Nguyễn, sitting at Table 31.
Many of us know that in order for tiny seeds to grow, they need to be planted under good soil, and even in total darkness, with the right amount of water and fertilizer, those seeds grow and grow, to reach the sunlight above.
We were like those tiny seeds and today we have bloomed to become beautiful flowers, fruit trees, and big trees in the forest. We will not stop there. We will continue to deepen our roots in America’s soil. Today, the contribution of Vietnamese Americans is undoubtedly spreading across every sector of this society – in the field of business, education, engineering, government services, information technology, law, medicine, science, technical, and many more, and of course, in the military service.
Yes, we have risen above the soil. Let us continue to turn each opportunity into successful stories. We are “những hạt giống đã vươn mình theo ánh sáng của tự do” (the seeds that have risen through the soil reaching for the light of freedom).
I am proud of you! I am proud to be with you! May the days ahead continue to bless you, your family and your future endeavors.
Thank you all very much.