Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

THI SỬ



Thi Sử

Vốn dĩ tôi là người thích rong bút theo dòng nghĩ suốt hành trình đi qua những đoạn đời gian khổ, trong bối cảnh quê hương thăng trầm, dù thăng không bao lăm mà trầm thì quá loạn. Loạn đến lạc mất thuần phong mỹ tục, phai nhạt nguồn cội tổ tiên và đảo điên chữ nghĩa.
Chấp nhận đoạn đường hai mươi năm biệt xứ vì lẽ đương nhiên của sự sinh tồn. Ngoái nhìn những đoạn đường trước đó, chẳng khi nào mình đi với lòng thanh thản và tâm trí an nhiên. Sự đe dọa của đói khát và thương tật trong thân phận của một đời người đủ dìm mình xuống hố thẳm tủi nhục.

Sau gần nửa thế kỷ bị đe dọa bởi cuộc chiến ngoại xâm và thù hận, còn được nhìn thấy mình đứng trên bờ hố thẳm đã là điều may mắn. Còn biết tự rịt vết thương để nén cơn đau trong giấc ngủ chập chờn là đã can đảm. Sự may mắn tiếp sức lòng can đảm vượt qua mọi thử thách để sinh tồn cũng làm nên một chương sử cho bản thân qua chính những dòng chữ của mình trải dài theo thời gian chấp mệnh đời nương náu giữa quê hương đầy dẫy bạo tàn. Như một diễn viên được may mắn đóng vai một nhân vật giống mình trong một bi kịch. Biết điều mình diễn là có lý, lời mình nói là có tình, dẫu bị đời bức tử cũng đành. Một quốc gia còn biết mình nhược tiểu huống chi một thân phận đời tự biết nhỏ nhoi. Chấp nhận sự bức tử như chấp nhận định mệnh. Sự khắc nghiệt trải qua cũng chỉ là hậu cảnh minh họa sự tồn tại của nhân vật trong từng sự kiện.
Dòng sự kiện tạo bởi hợp chất bi tráng đã cuốn dòng nghĩ của tôi chảy theo mạch thời gian khốc liệt cả trong và sau chiến tranh vì những khắc khoải trên điêu tàn do những cơn hậu chấn do chiến tranh để lại trên quê hương.

Dòng thơ lưu vong trong từng tác phẩm của tôi là hành trình của chữ nghĩa tôi do định mệnh an bài. Mỗi một giờ ngưng làm việc trong ngày, mỗi một phút trở giấc trong đêm, những giọt nghĩ chảy xuống và đọng lại trên từng trang giấy là những tâm khúc gởi cho Người và Đất với tấm lòng của một người đi vẽ hòa bình và tự do cho quê hương. Sự nghịch thường giữa chiến tranh và hy vọng, giữa hòa bình và thất vọng dấy lên biết bao nỗi trầm luân trong niềm u uẩn. Khi khát vọng và tự do bị đè nén bởi lòng thù hận, hoa lá còn chưa trỗ đẹp huống chi sinh mệnh một con người! Nên chi còn khe hở nào có không khí và ánh sáng rọi vào tương lai tạo màu tươi hoa lá, có hơi ấm tình người, là tư tưởng tự do vỗ cánh bay vào, trải chân ngôn lên mặt thời gian làm chất liệu vẽ dòng thi sử.

Thơ viết qua trải nghiệm đời là di ngôn cần thấu triệt trên hành trình đi và về của một kiếp người đã được thi vị hóa vừa ngọt ngào vừa cay đắng.

Kết hợp dòng sử cổ kim của quốc gia mới thấy đắng cay và nghẹn ngào sau thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, dòng hùng sử Việt Nam bị nhận chìm trong uất hận khi bị tập đoàn cộng sản chiếm đoạt lãnh thổ và thống trị. Tôi đã viết bài Thi Sử:

theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm

truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi

đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ

nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
rọi đường cô phụ trở về kinh! 


Bạn đang nghiệm ra trong lời thơ đó có bao minh chứng về dòng sử Việt Nam mang nỗi buồn u uẩn trên một đất nước đã và đang nhận chịu bao nỗi lầm than.

Sau 40 năm hòa bình giả tạo, chiến tranh vẫn còn đó trong một trạng thái khác mà chuẩn mực dân sinh người dân không được hưởng quyền được sống đúng nghĩa mỗi con người gồm Tự Do, Bình Đẳng và Nhân Ái. Cuộc chiến vì nhân quyền cho nhân dân Việt Nam đang khởi động tích cực với niềm tin từ mỗi tấm lòng đối với quê hương và dân tộc: Chính nghĩa và chính tâm phải thắng trong cuộc chiến tranh này.

Thời gian đang vào cuối tháng 5, ghi dấu ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) của Hoa Kỳ, cần ghi ơn những chiến binh Việt Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu vì hòa bình cho Việt Nam. Cần phải nhìn lại Việt Nam bằng cái nhìn tâm thức đúng vào cuộc chiến để biết những gì mà những người đang thụ hưởng cuộc sống tự do trên các miền đất tạm dung cần phải làm để yểm trợ cho cuộc chiến đấu vì nhân quyền ở quốc nội.

Nhắc lại cuộc chiến với sự hy sinh của những chiến binh cũng là sự khởi động lòng yêu nước và sự hy sinh cần thiết có cho tự do và nhân quyền. Freedom Is Not Free.

"... quá khứ không thể quên
tương lai cần đi tới

khi Tổ Quốc gọi tên
lên đường vì Dân Tộc..."

Mong lắm thay!

Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ 17/5/2016


Lễ Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hoà


☰ Việt Nam Cộng Hòa ❀ Hùng Ca ❀ Hành Khúc

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Hồn Tử Sĩ

Cát Bụi Lăn Trầm




Dẫn Nhập 
Thơ Nhạc là một kết hợp tuyệt vời trong dòng âm thanh luân chuyển dâng tràn mạch sống trên hành trình con người đi tới Chân Thiện Mỹ.
Có người nói: Chín mươi phần trăm người Việt Nam là nhà thơ. Điều này được hiểu trong khái niệm Tâm Hạnh vốn có trong mỗi người Việt Nam, vừa thoát thai đã rung động cõi tâm hồn qua lời ru của Mẹ ngọt ngào trên từng nốt ca dao. Đó là bản chất ưu việt của dân tộc vốn chỉ thích nghi sống trong thanh bình giữa sông núi hồn nhiên.
Thể hiện bản chất đó rõ nét nhất nhờ những người làm thơ, viết nhạc ca tụng tâm người với thiên nhiên đồng nội. Nhạc không có chất lãng mạn của thơ là nhạc không có hồn thiêng sông núi. Thơ không có cung bậc rung ngân của nhạc là thơ khô như cây không có lá để tỏa âm theo ngọn gió lay.
Một con người biết hội tụ hai dòng Thơ và Nhạc để đi tới, vừa nuôi sống sinh lực bản thân, vừa làm nên chất thi ca dâng hiến cho đời thật đáng trân trọng. Huỳnh Công Ánh là một trong những con người đó. Anh không chỉ dùng lời thơ anh làm nhạc hát suông mua vui vài trống canh cho đời. Mà nhạc thơ anh chuyển tải cả khát vọng làm người, mở xích ngục tù đi đến tự do, nhân quyền và bác ái.
Chất thơ nhạc của Huỳnh Công Ánh trên con đường hưng ca làm bùng dậy chí khí người dân Việt bất khuất trước bạo quyền và tội ác. Làm bừng sáng ngọn lửa đấu tranh vì sinh tồn của nòi giống Lạc Hồng. Hào hùng và trong sáng là tố chất thơ của Huỳnh Công Ánh:
"..Khi tim mình máu quật cường Rồng Tiên nòi giống còn căng
Những mùa Xuân xứ người tuyết giá lạnh căm
Mà lòng ta nóng mong ngày về rừng rực
Yêu nước, thương nòi không có lằn ranh tuổi tác
Lòng dặn lòng khi rời nước ra đi
Là nung nấu ngày về lồng lộng cờ bay đuổi giặc ..
Nhưng anh và đồng bạn của anh đã bỏ nước ra đi trong nghẹn ngào tức tưởi, sống nhập cuộc lưu vong nơi miền đất lạ gần nửa đời người vẫn chưa được quay về nơi cố quốc để thăm đất quê cha và viếng mồ đồng đội của một thời bảo quốc an dân! Bởi ở đó còn bọn cường quyền thống trị .
"..Xuân nào cha, ông ngẩng đầu ưỡn ngực
Thù trong, giặc ngoài đánh dẹp. Vinh quang
Xuân nào cháu con ngậm ngùi, tủi nhục
Đứa gông cùm, đứa lưu lạc, lang thang ..!
Đã mấy mươi mùa Xuân lưu lạc
Hẹn hoài về thăm mẹ, thăm quê
Lần lữa Xuân này rồi Xuân khác
Mẹ héo hắt trông, con vẫn chưa về .."
Nỗi hận mất nước hòa vào nỗi buồn viễn xứ đã làm nhà thơ nghẹn uất tim đau suốt bao nhiêu năm làm người bất hạnh:
".. Mài gươm mãi đến bao giờ nhỉ?
Bao giờ chém chết nỗi đau xưa
Nỗi đau vẫn đó, ngày Quốc Hận
30 tháng 4 sông núi ngẩn ngơ
..
Ôi Tổ Quốc! Ôi hồn thiêng người bất hạnh
Ôi Tự Do! Ôi khát vọng con người
Ôi nòi giống! từng ngàn năm kiêu hãnh
Sao bây giờ đành bỏ nước ra khơi!
Tự Do ơi! Mẹ Việt Nam ơi!.."
Cùng bất hạnh và cùng nỗi đau chung với anh là hằng triệu người Việt bỏ nước ra đi tránh ngọn đòn thù, tránh lũ cuồng nô hiểm ác:
"Non sông vào thời u uẩn quá
Ta với người đau nỗi đau chung .."
Nước mắt nhà thơ đã chảy thấm những chấn song cửa nhà tù cộng sản, chảy trên đường đi tìm tự do. Một sự tự do không chỉ cho riêng bản thân anh, là tự do cho cả những thiết thân mà anh đã ôm trọn trong vòng tay: Tình Nước và Nghĩa Đồng Bào. Đó là niềm khát vọng trong thơ nhạc của Huỳnh Công Ánh. Niềm khát vọng hóa thân thành từng lời nhắn nhủ với anh em và con cháu trên từng quãng đường anh đi qua trên hành trình hưng ca:
".. Hãy bước tới, sống từng giờ ý nghĩa
Hãy nhớ quê hương, tổ quốc, giống nòi
Hãy quí trọng người già, con trẻ
Tình yêu thương sống mãi muôn đời,
Làm người muôn đời
Là làm người Việt Nam .."
Thêm một điều cần nói đến là chất thơ Huỳnh Công Ánh rất giản dị như chính cuộc sống của anh. Lời thơ nhiều khi giống như lời nói bình thường giữa niềm xúc động dâng cao trong thổn thức với quê hương, với cha mẹ. Hoặc với lời nhắn nhủ cùng con cháu biết trách nhiệm mỗi con người đối với Quê Hương và Tổ Quốc. Như chính anh nhớ ơn nghĩa Mẹ Cha:
".. cha truyền giòng máu Lạc Hồng
ở trong con
Truyền dạy tấm gương anh dũng
Lý, Lê, Trần
Dạy học làm người
Phải yêu thương, chia sớt
Làm người muôn đời
Là làm người Việt Nam .."
..
Con đi ngày ấy tóc còn xanh
Lặng lẽ trông theo mắt mẹ đoanh tròng
Đất khách, đầu con giờ đã bạc
Ngày về xa, xa thăm thẳm ước mong
Làm sao? Biết làm sao mẹ ơi!"
Hoặc như anh nói chuyện với con trai Huỳnh Công Việt:
".. Đặt cho con chữ đầu tên nước
Là niềm tin, là hy vọng vô biên
Là tất cả những gì mong ước
Con hãy giữ gìn nòi giống Rồng Tiên."
Nên thơ anh rất dễ đi vào lòng người đọc như lúc khát khô được uống một ly nước mát từ nguồn cội quê hương .
Bạn hãy tin tất cả lời tôi dẫn trình sẽ có đủ trong "Cát Bụi Lăn Trầm". Như thể trên thân cát bụi vỗ về lòng nhau. Bạn thử vỗ về dòng thơ Huỳnh Công Ánh, bạn sẽ thấy sự khát vọng tỏa sáng trên hành trình đi tới ngày mai trong mưu cầu hạnh phúc đơn sơ mà phải có trong mỗi cuộc đời: Thanh Bình, Tự Do và Nhân Ái. Như anh mời gọi:
".. Mời em vào nghe trường ca đời tôi
Trường ca không đổ nát
Trường ca muôn thuở gào
Để cháu con thấu được
Những nỗi lòng quạnh đau
Những người xa Tổ Quốc
Luôn nhớ màu Quê Hương ..
Luôn mong cầu hạnh phúc
Hạnh phúc có từ tâm ta
Có từ cùng bước chân hướng tới
Một niềm mơ
Một mái gia đình bình yên
Ngập tràn tìn yêu của mọi người .."
Thơ Nhạc của Huỳnh Công Ánh là thế đó. Hạnh phúc, niềm mơ mở cửa trong hồn.
Cao Nguyên
Washington.DC 1/4/2016

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Anh Hùng Vô Danh


Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước
Họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải san hà gấm vóc
Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trường sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam tiến mở giang sơn lớn rộng
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc
Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ thành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa.
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt và xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm trinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT.
Đằng Phương - Nguyễn Ngọc Huy
@

Heroes in Anonymity
Those people are anonymous heroes
That lived in the immense darkness of nights
And could never see the lights of glory
But were courageous and devoted to their country.
Those are the people who thousands of years before
Had pioneered forests, flattened mountains, restored marshes
And transformed desolate sand dunes
Into the everlasting emerald stretch of today’s Motherland.
Those are the people who braved perilous journeys,
Not minding long distances and enthusiastically flouting the range of Central Mountains
In order to prepare, amidst gloomy loneliness,
For the Southward expansion of our country’s border.
Those are the people who, when the country tremored
Under the boots of invaders,
Had plunged headlong onto enemy fire with unwavering determination for self-sacrifice
To protect Freedom for our Nation.
During fights, they scorned myriad difficulties,
Sneered at dangers, flouted hardships.
The unfortunate would have their flesh pulverized, their bones crushed;
But survivors, their pristine hearts unmoved.
And when there arrived the time when the country joyfully escaped danger,
They declined all material rewards and glorious recognition.
Dropping their swords, they returned to their native countryside
To live their lives in darkness again.
They are heroes without a name:
During wartime as well as in peace,
Persistently remaining dauntless and determined to sacrifice themselves,
They offered Motherland their entire unadulterated lives.
Even though their achievements were not recorded in history books,
Their names, not engraved on gilded rolls of honor nor on stone epitaphs;
Even though their dilapidated tombs are exposed under the oblivious sky
With no one coming for prayers and offerings,
Their blood had permeated the native soil,
Their flesh and bones, mixed in Motherland;
And their spotless spirits together with their faithful hearts
Had blended in with the Soul of the Vietnamese race.
Translated by Professor Nguyễn Văn Thái
@

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Ánh Sáng Miền Nam

Nền Tảng Của Thể Chế Chính Trị VIỆT NAM CỘNG HÒA


I. Sự hình thành của chế độ Việt Nam Cộng Hoà
Quốc gia Việt Nam được thành lập với cơ sở pháp lý là các hiệp ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại :
1.- Hiệp ước Vịnh Hạ long ngày 07-12-1947
2.- Hiệp ước Élysée ngày 08-03-1949
xác nhận “nền đôc lập của nước Việt nam”, chính thức thành lập Quốc gia Việt nam trong Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại.
Tính đến năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt nam.
Và cuối cùng là Thoả ước Matignon ( Accords de Matignon ) ký kết ngày 04-06-1954 giữa Thủ tướng Quốc gia Việt nam Nguyễn Phúc Bửu Lộc và Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, xác định Quốc gia Việt nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tách khỏi Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp chuyển giao mọi cơ sở hành chánh, quôc phòng, an ninh cho quốc gia Việt nam.
Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 23 thánh 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô đình Diệm thay thế Quốc trưởng Bảo Đại để lên nắm quyền, trở thành Quốc trưởng Việt nam.
Sau đó, Quốc gia Việt nam tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 4 tháng 03 năm 1956, khai mạc vào ngày 17 tháng tư năm 1956 với 123 dân biểu (trong số 405 ứng cử viên) Chủ tịch Quốc hội là Ông Nguyễn phương Thiệp. Quốc hội lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp. Hiến pháp được ban hành ngày 26 tháng mười năm 1956. Nước Việt nam Cộng hoà ra đời từ đây, trên cơ sở thừa kế Quốc gia Việt nam, thủ đô là thành phố Sài gòn. Ngày ban hành Hiến pháp trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam Cộng hoà (Đê nhất VNCH). Danh xưng Đệ nhất Cộng hoà chỉ xuất hiện vào năm 1967 khi nền Cộng hoà thứ hai được thành lập.
Lần đầu tiên sau ngày ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Nam Việt nam xây dựng nên chính thể cộng hoà, người lãnh đạo nhà nước do dân bầu, thực hiện chế độ dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập, đa đảng và chủ trương chống Cộng.
Chiếu theo Hiến pháp, đứng đầu Hành pháp là Tổng thống, đưọc dân bầu theo phổ thông đầu phiếu, với nhiệm kỳ 5 năm và có thể ứng cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Cơ quan Lập pháp, có một Viện với 123 dân biểu, được dân bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 3 năm.
Về ngành Tư pháp, có Viện Bảo hiến với nhiệm vụ duyệt xét luật lệ ban hành cho phù hợp với Hiến pháp. Các toà án gồm có : toà vi cảnh, các toà : sơ thẩm, hoà giải, thượng thẩm, đại hình và các toà án quân sự. Toà phá án (cour de cassation) là pháp đình tối cao, trụ sở đặt tại Sài gòn.
Đệ nhất Cộng hoà tổ chức bầu cử Quốc hội khoá 2 vào năm 1959, với 441 ứng cử viên, tranh nhau 123 ghế dân biểu. Tại Sài gòn, tỉ số dân bầu ủng hộ Chính phủ là 42%. Bác sĩ Phan quang Đán thuộc khối Dân chủ đắc cử với 36.000 lá phiếu.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1961, liên danh Ngô đình Diệm – Nguyễn ngọc Thơ đắc cử với 88% số phiếu. Ngoài ra còn có các liên danh Hồ nhật Tân – Nguyễn thế Truyền và liên danh Nguyễn đình Quát – Nguyễn thành Phương.
Trong thời gian khoảng 5 năm, thời Đệ nhất Việt nam Cộng hoà, dân chúng hưởng thái bình, xã hội ổn định, kinh tế phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, gần một triệu dân di cư từ miền Bắc được định cư, an cư lạc nghiệp.
Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 do một nhóm quân nhân chủ trương đưa đến sự cáo chung của Đệ nhất Cộng hoà. Trong thời gian 1963 – 1967, có thể gọi là thời kỳ quân quản, miền Nam Việt nam do quân đội nắm chính quyền. Một loạt hiến chương ra đời, thay thế cho Hiến pháp. Cơ quan lãnh đạo, liên tiếp theo thời gian, có nhiều danh xưng : Hội đồng quân nhân cách mạng, Uỷ ban lãnh đạo lâm thời ( tam đầu chế), Hội đồng quân lực, Ủy ban lãnh đạo quốc gia.
Tháng 6 năm 1966, Ủy ban Lãnh đạo quốc gia với Chủ tịch là Trung tướng Nguyễn văn Thiệu và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương là Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến, bầu ra118 đại biểu. Quốc hội lập hiến soạn thảo Hiến pháp và ngày 1 tháng tư năm 1967, ra tuyên cáo Hiến pháp vừa mới ban hành là cơ sở pháp lý của Việt nam Cộng hoà (Đệ nhị Cộng hoà). Ngày 3 tháng 09 năm 1967 là ngày bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Liên danh ứng cử  Tổng thống và Phó Tổng thống là liên danh Nguyễn văn Thiệu – Nguyễn cao Kỳ đắc cử với 35% số phiếu. Năm 1971, có cuộc bầu cừ lần thư nhì, liên danh Nguyễn văn Thiệu – Trần văn Hương đắc cử, không có đối thủ, do đạo luật mới được Quôc hội thông qua ngày 3 tháng 06 năm 1971 hạn chế khả năng tham gia ứng cử. Theo đạo luật nầy, ứng cử viên phải có 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hay nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký của các thành viên Hội đồng tỉnh. Các liên danh Dương văn Minh, Nguyễn cao Kỳ rút tên vì không thoả mãn được điều kiện nầy.
Chiếu theo Hiến pháp mới, cơ quan lập pháp có lưỡng viện : Thượng viện có  từ 30 tới 60 nghị sĩ, nhiệm kỳ là 6 năm, bầu theo liên danh, lấy toàn quốc làm đơn vị độc nhất. Hạ viện có từ 100 đến 200 dân biểu, nhiệm kỳ 4 năm, bầu theo cá nhân, căn cứ theo từng tỉnh.. Hiến pháp còn qui định Hạ viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm và 2 người thuộc dân tộc thiểu số Bắc Việt di cư vào Nam.
Khoá đầu tiên Thượng viện năm 1967-1973 có 6 liên danh, mỗi liên danh là 10 người, tổng cộng là 60 nghị sĩ. Ông Nguyễn văn Huyền được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.
Khoá đầu tiên Hạ viện năm 1967-1971 có 137 dân biểu. Chủ tịch Hạ viện là ông Nguyễn bá Lương. Năm 1971, số dân biểu tăng lên là 159; mỗi dân biểu đại diện khoảng 50.000 cử tri.
Trong Quốc hội, vào năm 1974, Thượng viện có 41 nghị sĩ thân Chính phủ, 19 nghị sĩ đối lập. Hạ viện có 84 dân biểu thân Chính phủ, 59 đối lập và 16 độc lập.
Hành pháp được bầu theo liên danh hai người, một người làm Tổng thống, người kia là Phó Tổng thống.
Trong cuộc bầu cử năm 1967, liên danh Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ đắc cử với 34,8% số phiếu. Tuy nhiên, nếu tính riêng thủ đô Sài gòn thì liên danh Trần văn Hương-Mai thọ Truyền được nhiều phiếu nhất (151.102), nhì là liên danh Nguyễn văn Thiệu-Nguyễn cao Kỳ (148.933), thứ ba là liên danh Trương đình Dzu-Trần văn Chiêu (83.374).
Tổng thống chỉ định Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đệ trình danh sách Nội các điều hành Chính phủ. Thủ tướng của Nội các đầu tiên, nhậm chức ngày 9 tháng 11 năm 1967 là ông Nguyễn văn Lộc.
Tư pháp: Đứng đầu ngành tư pháp là Tối cao pháp viện (TCPV).
Chiếu theo các điều 81-83 của Hiến pháp VNCH, TCPV có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định va quyết định hành chánh.
TCPV có thẩm quyên phán quyết về việc giải tán một chánh đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hoà. Trong trường hợp nầy, TCPV sẽ họp khoáng đại toàn viện, các đại diện Lập pháp hoặc Hành pháp có thể tham dự để trình bày quan điểm.
Những quyết định của TCPV tuyên bố một đạo luật bất hợp hiến hoặc giải tán một chánh đảng phải hội đủ ¾ tổng số thẩm phán TCPV.
TCPV có thẩm quyền phán quyết về các vụ thượng tố các bản án chung thẩm.
TCPV có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để quản trị ngành Tư pháp.
Hiến pháp qui định : TCPV gồm có từ 9 tới 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 6 năm, luân phiên mỗi 3 năm thì bầu lấy 6 ghế.
Quy chế chọn thẩm phán:
Uỷ hội tuyển cử TCPV gồm có 7 thành viên : Chủ tịch Thượng viện Quôc hội VNCH, 1 thượng nghị sĩ, Chủ tịch Quốc hội VNCH, 1 dân biểu, 1 vị chánh án, 1 biện lý, 1 luật sư.
Điều kiện ứng cử viên: –   Công dân Việt nam
  • 10 năm thâm niên làm chánh án, biện lý hoặc luật sư
  • Lý lịch sạch; không có quá khứ chống Chính phủ; hoạt động chống Cộng.
  • Nếu là phái nam thì phải hợp lệ quân dịch.
Danh sách ứng cử viên sẽ được ba hiệp hội chuyên nghiệp luật khoa : luật sư đoàn, công tố đoàn và thẩm phán đoàn tuyển chọn, mỗi hiệp hội 50 hội viên, tổng cộng là 150 . Sau đó, sẽ duyệt lại danh sách, bàn thảo, thanh lọc, rồi chọn 30 tên.
Danh sách 30 ứng cử viên sẽ được đệ trình Quốhội để bỏ phiếu, tuyển lấy 6 người và chuyển sang Phủ Tổng thống phê chuẩn. Chủ tịch TCPV sẽ do chính các vị thẩm phán TCPV tự chọn.
Trụ sở TCPV là Dinh Gia long.
Hiến pháp VNCH 1967 còn thiết lập các định chế đặc biệt : Đặc biệt Pháp viện (ĐBPV) và Giám sát viện (GSV).
ĐBPV có thẩm quyền truất quyền Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ Tướng, các Tổng Bộ trưởng, các Thẩm phán TCPV và các Giám sát viện trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác.
ĐBPV do Chủ tịch TCPV giữ chức Chánh thẩm và gồm 5 Dân biểu và 5 Nghị sĩ.. Khi Chủ tịch TCPV là bị can, Chủ tịch TNV giữ chức Chánh thẩm.
GSV có thẩm quyền :
1- Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia.
 2-  Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và hợp doanh.Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng thống, Phó Tổngthống, Thủ tướng,Dân biểu, Nghị sĩ, Chủ tịch TCPV.
3- Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Dân biểu, Nghị sĩ, Chủ tịch TCPV.
Riêng đối với Chủ tịch GSV và các GSV, việc kiểm kê tài sản do TCPV đảm trách.
GSV có quyền đề nghị các biện pháp chế tài và kỷ luật đối với nhân viên phạm pháp hoặc yêu cầu truy tố đương sự ra trước toà án có thẩm quyền.
GSV gòm từ 9 đến 18 GSV, 1/3 do Quốc hội, 1/3 do Tổng thống va 1/3 do TCPV chỉ định.
GSV có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để tổ chưc nội bộ và quẩn trị ngành giám sát.
Hiến pháp VNCH năm 1967 có qui định trong Chương 7 về chính đảng và đối lập.
    Quốc gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ. Hánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điệu kiện luật định.
Quóc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng.
Quốc gia công nhận sự định chế hoá đối lập chính trị.
II. Các sắc thái riêng biệt của thể chế chính trị Việt Nam Cộng hoà
Chúng ta hãy cùng đọc « Lời mở đầu » và «Điều khoản căn bản » của bản Hiến pháp VNCH năm 1956 và năm 1967 để tìm ra những nét đặc thù của thể chế chính trị VNCH.
Lời mở đầu và Điều căn bản ghi trong Hiến pháp VNCH năm 1956 như sau :
Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo;
Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hoà và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của hoạt động Quốc gia
Chúng tôi, Dân biểu Quốc hội Lập hiến :
Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà mau đdến Ải Nam quan;
Nguyện vọng ấy là :
Củng cố độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
Bảo vệ tự do cho mỗi người và cho dân tộc;
Xây dựng dân chủ về chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hoá cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị.
Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ được bảo toàn khi năng lực phục tùng lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo vệ và những quyền chính đáng của con người được tôn trọng;
Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hoá và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diân.
Sau khi thảo luận, chấp nhận bản hiến pháp sau đây:
Thiên thứ nhất : Điều khoản căn bản
Điều 1 : Việt nam là một nước Cộng hoà, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
Điều 2 : Chủ quyền thuộc về toàn dân.
Điều 3 : Quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử, và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.
Sự phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan hành pháp và lập pháp phải được điều hoà.
Tổng thống lãnh đạo quốc dân.
Điều 4 : Hành pháp, lập pháp, tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ tự do, dân chủ, chính thể cộng hoà và trật tự công cọng. Tư pháp phải có một quy chế bảo đảm tính cách độc lập.
Điều 5 : Mọi người dân, không phân biệt nam nữ sinh ra bình đẳng về phẩm cách, quyền lợi và nhiệm vụ, và phải đối xử với nhau theo tinh thần tương thân tương trợ.
Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người trong cương vị cá nhân hay trong cương vị tập thể.
Quốc gia cố gắng tạo cho mọi người những cơ hội đồng đều và những điều kiện cần thiết để thụ hưởng quyền lợi và thực hành nhiệm vụ.
Quốc gia tán trợ sự khuếch trương kinh tế, phát huy văn hoá, khai triển khoa học và kỹ thuật.
Điều 6 : Người dân có những nhiệm vụ đối với tổ quốc, với đồng bào, mục đích là để thực hiện sự phát triển điều hoà và đầy đủ nhân cách của mọi người.
Điều 7 : Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiên một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.
Điều 8 : Nước VNCH chấp nhận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với sự thực hiện chủ quyền quốc gia va sự bình đẳng giữa các dân tộc.
Quớc gia cố gắng góp phần xây dựng và bảo vệ nền an ninh và hoà bình quốc tế cùng duy trì và phát triển sư liên lạc thân hữu giữa các dân tộc trên căn bản tự do và bình đảng.
Và sau đây là Lời mở đầu và Điều khoản căn bản của Hiến pháp VNCH năm 1967:
Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của đất nước.
Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể Cộng hoà của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đíchđoàn kết dân tộc , thống nhất lãnh thổ, bảo đảm độc lập, tự do, dân chủ trong công bằng bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Chúng tôi một trăm mười bảy Dân biểu Quốc hội Lập hiến, đại diện nhân dân Việt nam, sau khi thảo luận, chấp thuận bản Hiến pháp sau đây :
Chương I. – Điều khoản căn bản
Điều I : Việt nam là một nước CỘNG HOÀ, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
Điều 2 : 1- Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân
            2.- Quốc gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến bộ chung của dân tộc.
            3.- Mọi công dân có nghĩa vụ góp phần phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc.
Điều 3 : Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân quyền và phân nhiệm rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hoà để thực hiện trật tư xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội.
Điều 4 :
1- VNCH chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức.
 2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đếu bị cấm chỉ.
Điều 5 :
1- VNCH chấp nhận các nguyên tắc quốc tế pháp không trái với chủ quyền quốc gia và sự bình đảng giữa các dân tộc.
2- VNCH cương quyết chống lại mọi hình thức xâm lược và nỗ lực góp phấn xây dựng nền an ninh và hoà bình thế giới.
***
Trong phần mở đầu của Hiến pháp VNCH năm 1956 và 1967, chúng ta thấy, khi soạn thảo Hiến pháp, ngoài các ý niệm về dân chủ pháp trị, độc lập tự do, các vị dân biểu Quốc hội lập hiến còn chú tâm khai triển các triết lý về nhân bản, dân tộc và khai phóng, đã từng được chính thức hoá trong chính sách về giáo dục tại Đại hội Giáo dục quốc gia tại Sài gòn vào năm 1958. Các ý niệm nầy được ghi một cách cụ thể trong tài liệu «Những nguyên tắc căn bản» được Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành vào năm 1959, làm nền tảng cho triết lý giáo dục VNCH.
Theo tài liệu « Chính sách văn hoá giáo dục » của Hội đồng văn hoá giáo dục VNCH ấn hành vào năm 1972, các triết lý về «  Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng » có thể hiểu như sau :
1. Tinh thần Dân tộc
Tinh thần dân tộc đề cao các giá trị của dân tộc Việt như : độc lập, tự do, tự chủ, thuần phong mỹ tục…
Thể chế VNCH tôn trọng các giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và đất nước. Nền Cộng hoà có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những tinh hoa của văn hoá dân tộc, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết và sự trường tồn của dân tộc, sự phát triển điều hoà và toàn diện của quốc gia.
2. Tinh thần Nhân bản
Nhân bản là lấy con người làm gốc, đề cao giá trị thiêng liêng của con người, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời nầy làm căn bản; xem con người là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện hay công cụ phục vụ cho bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức riêng rẻ nào.
Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận việc sử dụng các sự khác biệt để đánh giá con người vá không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo hay chủng tộc. Nhân bản là cội nguồn của đa nguyên. Xã hội nhân bản tôn trọng mọi sự khác biệt để con người cùng nhau xây dựng một cuộc sống hài hoà trong cộng đồng dân tộc.. Một thể chế chính trị nhân bản là một thể chế đa đảng, quyền lực của tầng lớp lãnh đạo được pháp luật kiểm soát chặt chẽ. Mọi sinh hoạt về tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật đều được khuyến khích và hỗ trợ một cách công bằng và không thiên vị.
Mặc dầu chưa phải là một thành viên của Liên hiệp quốc, VNCH đã nhìn nhận, áp dụng và cổ vũ quyền con người, quyền dân sự ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình có người thân ở phía bên kia ranh giới quôc cộng vẫn được luật pháp bảo vệ, được đối xử một cách công bằng, có thể tham gia chính trị, làm ăn buôn bán, con cháu được học hành như các con em khác tại miền Nam.
3. Tinh thần Khai phóng
Dân tộc Việt nam sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ, mở rộng, đón tiếp những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, với mục đích hiện đại hoá quốc gia và xã hội, phát triển sự hợp tác quốc tế, đóng góp vào sự thăng tiến của nhân loại.
Do tinh thần khai phóng, VNCH xây dựng một thể chế dân chủ tam quyền phân lập. Mô hình chính trị là mô hình chống cộng, đa nguyên và có thể đi đến lưỡng đảng ( Hiến pháp 1967).
Kết luận
Do hoàn cảnh lịch sử, vì miền Nam Việt nam bị bạn đồng minh bỏ rơi trong khi miền Bắc cộng sản được khối Cộng sản viện trợ đầy đủ nên miền Nam Việt nam đã bị Cộng sản thôn tính và chế độ VNCH tạm thời bị xoá tên kể từ ngày 30 tháng tư năm 1975.
Nhưng linh hồn VNCH vẫn còn sống mãi trong trái tim của người Việt quốc gia ở hải ngoại. Bản sắc VNCH cùng với tinh thần Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng vẫn còn in sâu trong ký ức của người Việt lưu vong và sẽ lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
 Đặc biệt là, đối với giới trẻ ở trong nước đang tìm kiếm một hướng đi thích hợp về chính trị để thay thế cho chủ nghĩa cộng sản đã và sẽ thất bại, thể chế chính trị VNCH sẽ là tấm gương soi sáng hướng đi cho đất nước, thích hợp trong tương lai. 
Nguyễn Thanh Bạch 
http://www.vietthuc.org/nen-tang-cua-the-che-chinh-tri-viet-nam-cong-hoa/                                  

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Tuổi Thơ Của Tôi

Tuổi thơ của tôi nơi miền đất đỏ Long Khánh



Author: Cao Xuân Thanh Ngọc.



Tôi sinh ra và lớn lên nơi miền đất đỏ Xuân Lộc - Long Khánh. Rất nhiều lần Mẹ đã kể cho chúng tôi biết lý do tại sao gia đình chúng tôi lại “trôi dạt” về vùng quê hẻo lánh này với rừng cao su ngút ngàn, với những rẫy cà phê và vườn cây ăn trái…Mẹ còn giải thích cho chúng tôi hiểu nghĩa của câu nói mà chúng tôi thấy rất khó nhớ: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”…Đại khái là sống trong gia đình phải theo cha, nghe lời cha mẹ, lập gia đình phải phụ thuộc theo chồng… Bà ngoại nói: “Có chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn, hang rồng cũng phải theo!”. Thế là mẹ phải theo ba về “hang rắn” Long Khánh vì lúc bấy giờ, ba đang đóng quân ở đó.

Mẹ về Long Khánh theo chồng bỏ lại Đà Lạt mù sương thơ mộng và ngôi trường tiểu học nho nhỏ, xinh xinh Đa Thiện với những học trò bé nhỏ dễ thương, má đỏ môi hồng, với những chiếc áo len đủ màu rất đẹp, lúc nào cũng chạy nhảy tung tăng bên cô giáo trẻ vào những giờ chơi. Mẹ đành chia xa với học trò, với trường, với lớp, với các bạn bè cùng dạy những tháng ngày đầu tiên, sau khi ra trường sư phạm.

Thị trấn Xuân Lộc với “nắng bụi, mưa bùn sình” và chiến trận thì như gần sát đâu đây: Rừng Lá, Định Quán, đường bộ về Sài Gòn, đi Đà Lạt thỉnh thoảng lại bị nổ mìn, những chiếc xe đò bị lật đổ ngã nghiêng, gây thương vong cho bao người dân vô tội. Rồi hằng đêm tiếng đạn pháo kích ì ầm. Mẹ bảo ba lúc nào cũng mặc quân phục để dễ vào ra doanh trại, và cứ thế, mẹ tôi luôn sống trong phập phồng lo sợ, hằng đêm chỉ biết cầu xin cho ba tôi được bình an.

Ba là sinh viên sĩ quan Đà Lạt nên rất gan dạ. Từ những mặt trận nảy lửa ở miền Trung, rồi miền Tây của vùng chiến thuật, và sau đó về Sư Đoàn 18 Xuân Lộc -- địa danh nổi tiếng với cuộc chiến lẫy lừng cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trước giờ rã ngũ 1975.

Mẹ từ một cô nữ sinh Đồng Khánh khả ái, với mái tóc dài đen nhánh, yểu điệu với tà áo dài màu tím hoa sim, đã từng làm ngẩn ngơ những chàng trai phố cổ Hội An. Thế rồi, trong một lần đại đội thám báo của ba hành quân ngang qua nhà ngoại, người đại đội trưởng thám báo đó với vóc dáng của chàng trai Võ Bị oai hùng, với một chút phong sương của bụi đất miền xa còn vương trên áo trận đã làm “ai đó” động lòng. Mỗi khi đoàn xe nhà binh nào ngang nhà, người “thiếu nữ ấy” lại đưa mắt dõi trông theo với lời chúc cầu an lành cho người đang xông pha ngoài trận chiến… Chỉ ít lâu sau, ba đã trở thành thành viên của dòng họ “Trần Xuân” của gia đình mẹ. 

Mẹ đâu có ngờ cuộc đời của mẹ thay đổi quá nhiều khi mẹ quyết định đi theo ba, lao theo những thăng trầm của đất nước, nhiều lúc tưởng như là quá sức chịu đựng của một người đàn bà yếu đuối. Tháng Sáu năm 1975, ba đi tù cải tạo từ Long Giao, suối Máu, Yên Bái, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn. Mẹ ở nhà với đàn con dại, chị Hai tôi mới 7 tuổi cùng 4 đứa em, tôi là út được 4 tháng tuổi.

Những ngày tháng ba đi tù, hình ảnh của mẹ lúc đó làm tôi chợt nhớ tới bài thơ nổi tiếng của Trần Tế Xương mà tôi đã được học qua:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công…

Sau năm 1975, mẹ được tiếp tục làm giáo viên cho trường tiểu học tại Long Khánh, có lẽ nhờ vậy mà các chị em chúng tôi được học hành tử tế. Dù bận rộn trăm công nghìn việc hằng ngày, một mình lo cho đời sống gia đình, mẹ vẫn không quên kèm dạy cho chúng tôi học bài, làm bài… Mất nước, gia đình tôi như mất tất cả. Người cha thân yêu vắng nhà 10 năm, hoàn cảnh đưa gia đình tôi vào chổ bế tắc. Mẹ đã thu xếp mua được một căn nhà nhỏ bằng ván pháo binh xinh xắn làm chổ trú ngụ cho mấy mẹ con, mẹ bỏ được mấy bộ bàn để mở lớp dạy thêm buổi sáng, vừa để chăm sóc cho lũ nhỏ chúng tôi, buổi chiều lên lớp dạy trường công ở ngay thị trấn.

Mẹ con chúng tôi sống được tiện nghi ấm cúng trong căn nhà đó được vỏn vẹn 6 tháng. Vào một ngày cuối tháng 3, mẹ đang đứng giảng bài ở lớp, bỗng một thanh niên hàng xóm hộc tốc chạy vào báo tin: “Nhà của cô giáo đang bị cháy lớn, người hàng xóm nấu cám heo, cháy bén qua, nhà ván bốc cháy nhanh quá, cửa khóa chặt, không thấy các con của cô đâu…”. Mẹ tôi sững người, hai chân như muốn quỵ xuống, chỉ một đoạn đường ngắn, mẹ chạy không muốn nổi, một cô giáo chở mẹ bằng xe đạp, chạy nhanh về đám cháy. Mẹ tôi như điên dại, vừa khóc vừa tuyệt vọng, gọi tên các con và cứ muốn nhảy vào ngọn lửa tàn nhẫn đó. Mọi người ôm  giữ chặt mẹ lại, vừa lúc đó có một cậu bé học trò chạy đến bảo: “Con cô giáo đang ở nhà em, tụi nó sợ quá rúc trốn dưới gầm bàn”. Nghe được, mẹ mừng quá, tưởng như vừa được sống lại, và chạy đến ngôi nhà gần đó đón chúng tôi. Chị Hai tôi bảo với mẹ nhà cháy nóng, con dắt các em và bồng bé út chạy ra, thấy người ta chạy đến đông quá, con sợ mất đồ, nên khóa cửa lại. Trong nước mắt, mẹ xoa đầu chị và nhoẻn miệng cười.

Sau trận hỏa hoạn, mẹ con tôi hầu như trắng tay, ngay cả áo quần mùng mền, tiền bạc tất cả đều bị thiêu rụi, không biết rồi đây sẽ sống ở đâu và ra sao?

Về sau này, nghe mẹ kể lại, chiều hôm đó, cô Hiệu Trưởng đã quyết định đưa mẹ con chúng tôi về trường ở tạm. Các cô giáo bận rộn tiếp khách đến thăm hỏi mẹ con tôi khi nghe tin hỏa hoạn. Một phụ huynh ở gần trường đem cho một chiếc chiếu mới trải ở văn phòng nhà trường, mẹ tôi ngồi bệt xuống đất ôm chúng tôi vào lòng như những bảo vật quý giá nhất của mẹ. Cứ thế, mẹ ngồi sững ra không một giọt nước mắt. 

Các thầy cô giáo của trường lăn xăn xách nước cọ rửa một phòng học bỏ trống lâu nay, và kê ở góc phòng hai bục gỗ, trải chiếu làm chỗ ngủ cho chúng tôi. Các thầy cũng không quên kê 1 bàn học sinh kế cửa sổ và phía ngoài 1 bàn khác để chúng tôi có thể bước vào, bước ra cho tiện việc sinh hoạt hằng ngày. Các sư cô ở tịnh xá thì đem cho mùng mền, còn các phụ huynh học sinh và bạn bè người cho túi gạo, người chai nước mắm. Các cô giáo đã nhận nấu cho mẹ con tôi bữa cơm tối thật tươm tất. Tình người thật thắm thiết trong cơn hoạn nạn, thật xúc động biết bao, ân tình đó của bà con Long Khánh mẹ con tôi nhớ mãi…

Sau này mẹ bảo tối hôm đó nằm bên các con trên bục gỗ, mẹ mới hiểu được ý nghĩa của 4 chữ “màn trời chiếu đất” thật thấm thía mà trước kia tuy có đọc qua mà mẹ chưa hề quan tâm đến, và mẹ không bao giờ ngỡ mình lại có thể rơi vào những cay đắng này.

Vào năm tôi được 2 tuổi, theo mẹ kể lại, tôi bị bệnh sốt xuất huyết nặng, bệnh viện Long Khánh bó tay vì ở đấy không đủ thuốc men và phương tiện y khoa để trị liệu cơn bệnh hiểm nghèo vì bị muỗi chích đó. Bệnh viện đã khuyên mẹ tôi chuyển gấp về bệnh viện nhi đồng Sài Gòn. Thời đó, bệnh viện không có xe chuyển bệnh về Sài Gòn, thế là mẹ tôi để chị ở bệnh viện trông em, mẹ về nhà dắt mấy anh chị tôi gởi các nhà hàng xóm, thu xếp một xách nhỏ áo quần cho mẹ con, rồi bồng tôi ra đón xe đò, lúc đó đã hơn 7 giờ tối, trời lại bắt đầu lất phất mưa…

Về Sài Gòn đã một đêm, một ngày, trình bày đầy đủ giấy tờ mà tôi vẫn chưa được nhập viện, mẹ vẫn trải chiếu nằm ngồi lê la ở hành lang để chờ được gọi vào khám bệnh. Các bác sĩ và y tá thì bận rộn trong phòng cấp cứu, trẻ con và gia đình từ các tỉnh đổ về bệnh viện càng lúc càng đông, cha mẹ sốt ruột ôm con trong lòng, người mẹ nào cũng mắt mũi đỏ hoe, chỉ biết chườm đá, thoa chanh cho con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chân chạy nhanh vào phòng chăm sóc đặc biệt, tiếng người lớn khóc gọi y tá, bác sĩ ầm ĩ: “Cô ơi, bác sĩ ơi, cứu con tôi… ”. Mẹ tôi cuối cùng không còn bình tĩnh được nữa, cố đưa mắt tìm kiếm một người quen biết nào trong những bóng áo trắng đang bận rộn kia, nhưng chẳng có ai, mẹ tôi tuyệt vọng cố tìm một khuôn mặt hiền từ, thông cảm trong số các y tá và bác sĩ… Nhìn tôi mắt nhắm nghiền và đang nóng sốt cao độ, mẹ tôi nước mắt ràn rụa, ôm chặt tôi vào lòng, cầm chặt tờ hồ sơ bệnh lý đưa cao cho một vị bác sĩ vừa từ phòng săn sóc đặc biệt bước ra. Mẹ tôi tức tưởi ôm lấy chân vị bác sĩ không cho ông bước đi: “Bác sĩ ơi, xin ông cứu dùm con tôi!”. May quá, bác sĩ dừng lại, nhìn qua cháu, rồi nhìn vào tờ khai bệnh lý, đọc tên tôi: “Cao Xuân...,” bác sĩ hỏi mẹ, có bà con với ông Cao Xuân Vỹ không? Không ngượng ngùng, mẹ tôi đáp ngay: “Dạ là bác của cháu!” Thế là bác sĩ ra dấu mẹ tôi bồng tôi vào phòng khám đặc biệt. Sau những chẩn đoán của bác sĩ, mẹ tôi thấy được nét không ổn trên mặt vị bác sĩ, ông viết toa bảo mẹ tôi lên lầu 3, mua gấp 2 bịch máu, mẹ tôi với đôi chân run lập cập vì mất bình tĩnh, chạy lên mấy bục cấp cầu thang, mấy lần suýt té, vừa chạy đi, vừa cầu nguyện Đức Quán Thế Âm… Đem máu về, mẹ tôi thấy bác sĩ và 2 cô y tá đang đứng cạnh giường tôi, bên cạnh giường là một xe đẩy nhỏ có lót khăn trắng, sắp một số dao kéo, bác sĩ và các y tá đều đang đeo găng tay. Một y tá đón mẹ tôi ở cửa phòng bệnh, họ không cho mẹ vào phòng săn sóc đặc biệt, cô báo cho mẹ: “Mạch của cháu lặn hết rồi, bác sĩ đang tiểu phẩu để tìm cách chuyền nước biển và máu trên trán và dưới chân cho cháu…”. Mẹ tôi chợt nấc lên khóc, vừa lo và thương tôi quá, mẹ tôi cảm thấy tủi thân, liền úp mặt vào hai bàn tay, gục đầu xuống lan can lầu bệnh viện, đau đớn và cô đơn, mẹ tôi thầm gọi tên ba tôi trong nước mắt…

Những ngày kế tiếp, bác sĩ và y tá luôn lẩn quẩn bên tôi viết toa và chích thuốc cho tôi. Mẹ tôi rối rít cám ơn bác sĩ và các cô y tá. Các cô y tá nhìn mẹ tôi dịu dàng và nói: “Chị yên tâm, bác sĩ có dặn tụi tôi phải lo cho cháu, vì là người nhà của bác sĩ!”. Sau này, mỗi lần nhắc lại chuyện trong lúc bối rối, vì bệnh tình nguy kịch của tôi, mẹ đã nói dối tôi là cháu của ông Cao Xuân Vỹ. Đến nay, chúng tôi vẫn mong có một dịp nào đó, được gặp ông và kể lại chuyện tôi đã được một vị bác sĩ cứu sống chỉ vì tôi may mắn có cái họ: “Cao Xuân… ”.

Trong suốt thời gian mẹ con chúng tôi sống trong căn nhà “ấm cúng”, là một lớp học của nhà trường, mẹ con chúng tôi vẫn thấy đó là một nơi chốn bình an, vì được các cô giáo và bạn bè thương mến. Mẹ tôi vừa dạy học vừa làm thêm những nghề tay trái, đan thêu và buôn bán để mong cho đàn con dại được ăn học đầy đủ. Mẹ đã mua những chiếc áo len cũ, về giặt lại cẩn thận, và tháo ra pha màu để đan những chiếc áo và mũ vớ cho trẻ em. Mẹ đan thêu rất đẹp! Mẹ cũng còn buôn áo quần trẻ em lấy từ Sài Gòn. Đến mùa hè, mẹ thường dẫn chúng tôi đi gởi cho nhà dì, nhà cậu, để cùng chị Hai và anh Ba đi Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh để thăm ba.

Đến năm tôi lên chín tuổi, tôi được mẹ dắt lên Gia Rai thăm ba vừa được chuyển trại về. Lần đầu tiên được nhìn thấy ba, cảm giác có ba thật là kỳ diệu, tôi cứ nhớ hoài, sau chuyến thăm nuôi ba đó, tôi cảm thấy cái “mặc cảm” không có ba như các bạn không còn nữa, và mẹ con chúng tôi lại phấn chấn hơn khi hy vọng ngày đoàn tụ với ba không lâu nữa.

Sau 10 năm ba ở tù đày, sau nhiều bệnh hoạn “thập tử nhất sinh”, nhưng nhờ có ý chí kiên cường, và nhất là những an ủi, và tình thương về gia đình, ba tôi đã gắn gượng cho đến ngày ra trại, đoàn tụ với gia đình tại Long Khánh. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ba được họ cho mượn đất để trồng trọt, và dạy thêm để giúp mẹ tôi tìm kế sinh nhai. Gia đình tôi, bữa cơm tối đã vang lên tiếng cười của chúng tôi rộn rã mỗi ngày. Tới mùa bẻ bắp, ba đã dặn cả nhà đi Cẩm Mỹ để thu hoạch, vất vả suốt 2 ngày, nhưng khi nhìn nét mặt hớn hở của mẹ, một chút tự hào trên khuôn mặt của ba là chúng tôi quá vui rồi, mấy chị em, người lớn kẻ nhỏ đều quên hết mệt nhọc. Tôi còn nhỏ, được ngồi cạnh chị Hai để nấu cơm, và nướng bắp, đem cho mọi người.

Kể chuyện về Xuân Lộc - Long Khánh và khoảng đời ấu thơ của chị em chúng tôi sống cạnh mẹ, tôi nghĩ tôi có thể kể hoài không dứt, bởi vì chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, tủi thân có, và cay đắng vì bị thiếu thốn, bị hất hủi của bà con cũng có… Nhưng chúng tôi mỗi khi nghĩ về đoạn đường này, khoảng thời gian này, lúc nào cũng đầy ấp hình ảnh mẹ, một người phụ nữ kiên cường luôn vì chồng, vì con, và yêu thương chúng tôi hết mực. Đó là khoảng thời gian quý giá đã dạy cho chị em chúng tôi những bài học sống động là kim chỉ nam hành động cho tôi sau này, dù gian khổ khó khăn bao nhiêu, tôi cũng không thể chùn bước, và tinh thần lạc quan luôn nghĩ “Ngày mai trời lại sáng” của mẹ đã làm chúng tôi luôn nở nụ cười với đời!

  
Cao Xuân Thanh Ngọc
(Kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ 36, tháng 2, năm 2011)
Chú thích: Lời xin lỗi, cũng là lời chân thành cám ơn ông Cao Xuân Vỹ và bác sĩ Giỏi - Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn năm 1976 đã cứu sống con.
Kính ông Cao Xuân Vỹ, mẹ con trong một phút vì quá thương con đang trong cơn bệnh “thập tử nhất sinh”, đã mong con mình được bác sĩ giúp đỡ cứu sống, nên đã nhờ vào tên tuổi và uy tín của ông. Nếu tình cờ ông đọc được những dòng chữ này, mong ông tha lỗi, xin ông và bác sĩ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành nhất của con.
 Dược sĩ Cao Xuân Thanh Ngọc.