Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Thành Phố Mẹ


Posted Image

Thành Phố Mẹ

Cali có Little Sài Gòn
Paris có Sài Gòn Phố không em?
mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
cũng chỉ là thành phố mượn tên

để mỗi lần gọi lên là nhớ
Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
(bên tuổi buồn cùng chung chia máu lệ
bên niềm vui chỉ để kể người nghe

vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
giữa đời ta là cả một trời thương!

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Cao Nguyên

Xem Sài Gòn Xưa và Nay:


Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Bài Ca Bình Bắc



Kể từ đấy
Mặt trời mọc ở phương Đông, ngùn ngụt lửa.
Mặt trời lặn ở phương Đoài, máu chứa chan.
Đã sáu mươi ngàn lần...
Và từ đấy cũng sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng cây đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam
Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn...
Hãy dừng lại thời gian
Trả lời ta -- Có phải
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải,
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Qui Nhơn?
Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Đống Đa một trận trăm đường giáp công
Đạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng.
Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có mang mang
Đầy vơi sầu xứ -- Hãy cùng ta
Ngẩng đầu lên, hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang lịch sử thét từng trang
Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm màu mây chiêm ngưỡng
Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan
Và khoảnh khắc
Đổ xuôi chiều vươn ngược hướng
Bao trùm lên đầu cuối Thời Gian.
Bóng ấy đã  ghi sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ dân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng.
Ôi Nguyễn Huệ  người anh hùng áo vải
Muôn chiến công, một chiến công dồn lại
Một tấm lòng, muôn vạn tấm lòng mang.
Ngọn kiếm trỏ, bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ vung, bao tính mệnh sẵn sàng.
Người cất bước, cả non sông một dải
Vươn mình theo -- dãy Hoành Sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng.
Cũng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long Giang!

Người ra Bắc, oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn.
Lệnh  ban xuống, lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn.
Gươm  thiêng cựa vỏ,
Giặc không mồ chôn.
Voi thiêng chuyển vó,
Nát lũy, tan đồn
Ôi một hành ca hề, gào mây, thét gió,
Mà ý tướng, lòng quân hề, bền sắt, tươi son.
Hưởng ứng sông hồ giục núi non
«Thắt vòng vây lại» tiếng hô ròn
Tơi bời máu giặc, trăng liềm múa
Tan tác xương thù, ngựa đá bon.

Sim rừng, lúa ruộng, tre thôn,
Lòng say phá địch, khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Đống Đa gò ấy, mùa xuân năm nào.
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề, máu nở hoa đào,
Ngập giấc Xuân tiêu hề, lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề, một khúc hát ngao
Chí khí cũ gầm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức, tiếng mài dao,
Đèo Tam Điệp hề, lệnh truyền vang dội
Sóng Sông Mã hề, ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô Giang hề, lò trầm biếc khói,
Mây núi Tản Viên hề, lọng tía giương cao...
Rằng: «Đây bóng kẻ anh hào
Đã về ngự trên ngã ba thời đại»
Gấm vóc giang san hề, còn đây một dải
Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi...
Ôi ngàn người áo vải đất Qui Nhơn!
Nay cuộc thế sao nhòa, bụi vẩn,
Lũ chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày giỗ Trận
Mơ Bắc Bình Vương
Lòng đấy thôn trang hề, lòng đây thị trấn
Mười ngã tâm tư hề, một nén hương
Đồng thanh rằng: «Quyết noi gương!»
Để một mai bông thắm, cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt.
Mừng đất trời gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa
Một trận Đống Đa ngàn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai, đá chẳng sờn

Vũ Hoàng Chương


Trần Lãng Minh diễn ngâm

Đêm giao thừa nghe dân ca

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Mùa Xuân Trong Nhạc




Posted Image



Một chút lai lịch về bản nhạc "Nhớ Một Chiều Xuân" - (Thy Nga - RFA 2006)


Ngoài tài sáng tác nhạc, Nguyễn Văn Đông còn hát và sử dụng được nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandoline và guitare Hawaiienne. Năm 1957, Nguyễn Văn Đông đi tu nghiệp khóa “Chỉ huy và Tham mưu” tại Hawaii. Trên bãi biển thơ mộng, tiếng đàn Hawaiienne của chàng Trung úy tài hoa 25 tuổi đã làm say mê Gina, một thiếu nữ bản xứ lai Pháp. 

Cuộc tình ấy, anh đành khép lại khi mãn khóa tu nghiệp, trở về nước. Thời đó, tức là cách nay nửa thế kỷ, kết hôn với người ngoại quốc là điều khó khăn lắm, anh chỉ còn biết tiếc nhớ …

Một buổi chiều Xuân năm sau đó, khi nỗi nhớ chất ngất, chàng nhạc sĩ viết nên bài  Nhớ một chiều Xuân

” mời quý vị nghe qua giọng hát Lệ Thanh, ca sĩ đầu tiên trình bày bài này. Đây là âm thanh trong dĩa hát Việt Nam thâu vào khoảng thập niên 60 (tiếng đàn Hạ Uy Cầm: nhạc sĩ Đan Phú, em của nhạc sĩ Đan Thọ)

Câu hát “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne” làm nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao lại có thành Vienne ở đó? Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã hỏi và được tác giả Nguyễn Văn Đông giải thích là hình ảnh của Gina trong tâm tưởng ông đã gắn liền với nhạc bản “A beautiful Vienna” mà ông đàn nhiều lần cho nàng nghe vì nàng thích bài này


Nghe Nhạc Xuân của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông

    Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

    Em Vẫn Hát

    Posted Image


    hát từ tình mới mớm lời trăng mật
    hát từ đời vừa chạm bước chân hồng
    giữa khi nắng rót mùa xuân vào mắt
    em cùng chim thánh thót gọi hừng đông

    hát từ thuở núi bàng hoàng nghiêng vỡ
    hát từ thời sông nức nở điêu linh
    giữa khi máu và mô hôi trộn lửa
    giọng đam mê quá nửa vẫn còn nồng

    hát từ đêm vọng tình trên đất hứa
    hát từ ngày tim xé nửa chia đau
    giữa băng tuyết trộn lời sầu nước mắt
    giòng thơ anh theo tiếng hát ngọt ngào

    em vẫn hát như đời còn quyến rũ
    theo lời tình và vũ trụ đang quay
    men ngọt đắng chảy tràn qua ngôn ngữ
    nhạc xoáy vòng theo tiếng hát say, bay

    em vẫn hát như anh còn thức đợi
    một bình minh rực rỡ ở quê ta
    sông núi cũ bỗng chan hòa nắng mới
    giọng hát em hòa triệu tiếng chim ca !

    bài thơ này anh viết tặng riêng em
    con chim nhỏ vượt bay quên cánh mỏi
    mượn tiếng hát ngăn hoàng hôn xuống vội
    chờ trăng về gom mộng chở vào đêm !
    Cao Nguyên

    Audio:

    Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

    Thờ Cúng Tổ Tiên



    Ý nghĩa cúng Tổ Tiên chiều 30 Tết
    Phong tục Việt Nam xưa và nay đều gìn giữ truyền thống “cúng Ông Bà” hay “cúng Tổ Tiên”  vào buổi chiều cuối năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết), để tưởng nhớ công ơn và kính mời Tổ Tiên về ăn Tết với con cháu. Bữa cúng lễ này là dịp xum họp gia đình, nên dù làm ăn nơi xa, con cháu đều tìm về đoàn tụ.
    Thờ cúng Tổ Tiên là một tập tục lâu đời, có lẽ từ thời Hùng Vương thứ ba vì khi vua Hùng truyền ngôi cho Lang Liệu, đã công nhận bánh chưng, bánh dày dẻo ngon và tinh khiết, để  “dâng cúng Tiên Vương”  (Lĩnh Nam Chích Quái - Trần Thế Pháp). Thờ cúng Tổ Tiên không phải là một Tôn Giáo vì không có một tổ chức “Giáo hội”, “Giáo Chủ” như các Tôn Giáo khác,  nhưng một số người Việt tự nhận mình theo “Đạo Ông Bà”.  Như vậy chữ “Đạo” ở đây không mang hình thức Đạo giáo nhưng ý nghĩa thật tốt đẹp, đó là : “đường ngay, lẽ phải”.
    Mỗi gia đình Việt Nam đều có một bàn thờ Tổ Tiên còn gọi là bàn thờ ông bà, ông  vải hay bàn thờ Gia Tiên.  Bàn thờ Tổ Tiên thường cao hơn một cái bàn thường dùng trong nhà và hẹp hơn, đôi  khi được được chạm trổ  tinh vi và sơn son thiếp vàng. Bàn thờ Tổ Tiên phải được đặt tại một vị trí trang trọng nhất, như ở giữa phòng khách và thường quay về phía một cánh cửa mở ra phía ngoài.
    Trên bàn thờ Tổ Tiên xưa có “Khám thờ” đặt ngang tầm mắt và “Ngai thờ” cao ngang ngực (nay nhiều nhà đã bỏ). Trên bàn thờ bày đồ thờ tự: “bộ ba” (tam sự) gồm 2 chân nến bắng đồng và bát nhang ở giữa; đồ thờ bộ năm (ngũ sự) thêm bình hoa (đặt sau chân nến bên trái) và mâm ngũ quả (đặt sau chân nến bên phải) và bộ bảy (thất sự) thêm Đỉnh Hương bằng đồng (Đỉnh Đồng) đặt giữa 2 chân nến, bát nhang phía trước và đèn “Thái Cực” (phải luôn thắp sáng) đặt sau Đỉnh Hương. Ở hải ngoại thay đèn bằng bóng điện hoặc bỏ đi.  
    Bày lễ vật trên bàn thờ gọi là bày cỗ cúng (đôi khi chỉ có hương hoa, trái cây). Cỗ mặn gồm nhiều món ăn đặc biệt ngày Tết. Bàn thờ Tổ Tiên được trang trí và lau chùi sạch sẽ. Trên bàn thờ  bao giờ cũng có bánh chưng và 3 chén rượu nhỏ hoặc 3 chén nước lạnh (xưa có thêm đĩa trầu cau, bánh dày). Thắp hương (thường là  hương vòng) và để đèn thắp sáng 3 ngày Tết cho tới khi “hóa vàng”.
    Trước hôm hóa vàng, mỗi ngày gia chủ  đều bày cỗ cúng.  Bày cỗ cúng phải “khấn” vì đó là lời cầu khẩn, chào  mời Tổ  Tiên về ăn Tết với con cháu. Trước khi khấn, chủ nhà phải vái 3 vái. Khấn xong, lạy 4 lạy và thêm 3 vái gọi là 4 lễ rưỡi. Lời khấn cầu trình bày rõ về nơi chốn, tên con cháu làm lễ và tên Tổ Tiên, Ông Bà được cầu khẩn về ăn Tết. Sau cùng là tên các vị Tiền Nhân, Nội Ngoại về hưởng Tết.
    Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt qua phong tục thờ tự và mời Tổ Tiên về ăn Tết,  Câu Lạc Bộ  Hùng Sử  Việt đã  tổ  chức  Lễ  thăm viếng Đài Tưởng Niệm anh hùng năm thứ hai.
    Ngày nay dân tộc VN rất cần cung thỉnh anh linh những vị  chiến sĩ anh hùng, danh nhân danh tướng về ăn Tết với con cháu và chứng giám hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của dân tộc trước cảnh “thù trong giặc ngoài” và hiểm họa mất nước vào tay Bắc phương.
    Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại với tấm lòng thành, thỉnh cầu anh linh những vị anh hùng dân tộc về hưởng Tết với con cháu và hiển linh tinh thần đánh đuổi giặc ngoại xâm để con cháu noi gương.
    Song Thuận
    CEO . CLB/Hùng Sử Việt California

    Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

    Uống nước nhớ nguồn



    Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt California (Little Sai Gòn) sẽ tổ chức thăm viếng và niệm hương tại các Đài Tưởng Niệm Anh Hùng trong công viên Roger Stanton Park –14900  Park Lane -  Midway City, CA 92655 - góc Bolsa – Purdy, Newland, vào lúc 1:30 PM và tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, 14180 All American Way (Sid Goldstein Freedom Park), Westminster, CA 92684  vào khoảng 3:30 PM ngày 22 tháng 1 năm 2012 .
     Chương trình:
    1- Nghi lễ chào quốc kỳ, hát Quốc Ca Hoa Kỳ và  Việt Nam Cộng Hòa . 
    Phút mặc niệm  tưởng nhớ công ơn Quốc Tổ và chiến sĩ anh hùng đã hy sinh đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ bờ cõi Việt Nam.
    2- Ý nghĩa cuộc thăm viếng và giới thiệu Đài tưởng niệm Anh Hùng tại Roger Stanton Park .
    3-  Ca ngợi các vị anh hùng bằng 5 bài hát

    “Hùng Sử Ca”:

    5000 năm giữ nước:

    - Trưng Nữ Vương:
    - Bạch Đằng Giang:
    - Ải Chi Lăng:
    -Đại Phá Quân Thanh:
     http://www.hungsuviet.us/lichsu/DaiPhaQuanThanh.html
    4- Thăm viếng 3 Đài tưởng niệm Mỹ, Mễ, Việt trong Công Viên Roger Stanton Park .
    Giới Thiệu Đài Tưởng Niệm Anh Hùng
    5-Thăm viếng Tượng Đài Việt Mỹ.


    Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

    Nhạc Xuân


     Mời Nghe Nhạc Xuân:


     20 bản nhạc Xuân do Duy Khánh thực hiện - Tiếng hát:
     Thái Thanh, Duy Khánh, Hoàng Oanh, Anh Khoa, Thanh Lan, 
     Ban AVT,Băng Châu, Duy Nam, Trúc Mai, Thụy Khanh

    Huyền Thoại Rồng Tiên


    Mỗi độ Xuân sang lại mang theo hình dáng một con vật hộ trì trong năm. Năm nay là Năm NhâmThìn hay là Năm Rồng.
    Rồng là vật thần thọai của người phương Đông, biểu tượng uy quyền của vua chúa . Rồng hiện diện ở khắp mọi nơi, dưới nước, trên mặt đất và trong không gian .Rồng còn Là vị Thần linh của nghề nông. Nhà nông thường cầu nguyện Rồng đổ mưa khi hạn hán, phun lửa ra uy diệt quỉ dữ, mang điều lành cho nhân gian . huyền thoại này đã làm Thanh Trí xúc cảm mà vẽ nên tranh Rồng 

    Huyền Thọai Cha Rồng Mẹ Tiên Lạc Long Quân Âu Cơ

    Rồng không những là vật thần thoại của người phương Đông mà là huyền sử của dòng Việt.
    Huyền Thoại "Cha Rồng Mẹ Tiên" , "Cha Lạc Long Mẹ Âu Cơ” hay "Con Rồng Cháu Tiên" là niềm tự hào đối với mỗi con dân Việt, di sản thiêng liêng,quí báu nhất mà các bật tiền nhân Việt Nam đã truyền lại cho con cháu hậu thế.
    Một Huyền thoại đã thấm đượm vào tâm hồn Thanh Trí . Nhất là nét đẹp của nàng Tiên, Công Chúa Chim, là Âu Cơ Mẹ Việt Nam, cùng sự tôn kính bái phục tấm lòng rộng lượng bao dung, chiu đựng của bà (khi làm vợ Lạc Long Quân dưới thủy phủ rồi sinh trăm trứng nở trăm con . Một mình nuôi con,chờ chồng..( và sau Lạc Long Quân đã chia 5o con theo cha, sống ven biển với nghề đánh cá. 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi trồng cây hái quả sinh sống bằng nghề nông.
    Trong niềm thương cảm người xưa mẹ Âu Cơ, mẹ Việt Nam . Thanh Trí đã vẽ thành tranh để tưởng nhớ tiền nhân . 

    Thanh Trí
    Sacramento 12/2011





    Họa Sĩ Thanh Trí

    Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

    Tranh Lịch Sử Việt Nam


    Quang Trung Nguyễn Huệ đang tiến quân đánh phá giặc Thanh vào dịp tết (có cành đào đất Bắc) Bộ trống trận danh tiếng của nghĩa quân Tây Sơn. Hình ảnh Nguyễn Huệ được vẽ theo các di ảnh còn lưu lại.

    (1753-1792) He was one of the three Tây Sơn brothers. He is also known as Emperor Quang Trung - the second emperor of the Tây Sơn Dynasty of Vietnam. He was also one of the most successful military commanders in Vietnam's history. This artwork illustrates his famous battle in defeating the much larger Chinese Qing army during Vietnamese New Year at Đống Đa (close to today’s Hanoi).

    Xem tranh lịch sử Việt/ Nam:

    Xuân Thơ

    Xuân Thơ 

    Bên này bờ đại dương nhìn về quê hương vào mỗi cuối Đông lòng cứ nôn nao. Mùa Xuân Bên Ấy thế nào hỡi em? 
    gọi em môi hồng của nắng 
    viết lời tình khúc vào Xuân 

    Nỗi háo hức của tôi mong một chuyển mùa từ Đông vào Xuân có nắng ấm, hoa tươi với tình đời nhân ái. Chứ không phải trong tâm trạng người lữ khách đi Tìm Lại Mùa Xuân trong khu rừng phong trụi lá nơi vùng Đông Bắc Mỹ buổi tàn Đông với nỗi băn khoăn: 
    có gì vui 
    trên bước lưu vong 
    có gì vui 
    trên miền đất lạ 
    có gì vui 
    trong Tết xa nhà 
    có gì vui 
    bạn bè trôi nổi 
    có gì vui 
    trong men rượu cay!

    Đã Tháng Chạp ta, cây trong rừng phong vẫn khẳng khiu, cành trơ trong gió xoáy, chưa thấy mầm nào đang nẩy chồi xanh. 
    Sương vây trắng quanh ngọn nắng đầu ngày, mà cũng đủ lóe lên tia sáng tin yêu và hy vọng. Niềm hy vọng Em Mãi Là Mùa Xuân trên Thảo Nguyên xanh với những cụm hoa dã quỳ vàng mượt, cuốn hút thơ tôi vào mộng đời xanh. Thơ xoãi bước thong dong từ cao nguyên về biển để ngắm những hạt pha lê cát bám bờ vai nâu thấm mặn trùng dương. Thơ tiếp bước về phố thị tìm hương hoàng lan thoang thoảng trên làn tóc mịn. Bằng ấy dáng xưa đơm mùa Xuân tuổi ngọc. Nhưng: 

    nắng lên mà rét chưa buông 
    nên hoa chậm mở cánh vườn Xuân em!

    Chiều cuối năm, mở cửa ra hiên cầm chai rượu hồng bám đầy tuyết trắng, tôi lại thèm uống giọt nắng xưa vào mùa phượng trô. Uống ngụm rượu lạnh thơm mùa dâu chín, đâu đủ độ say sao lòng chao nghiêng trong mùa Đông băng giá xứ người! Tạo nên ảo giác một cuộc hẹn tương phùng cùng em trên vùng đất hứa: 

    mai em nhé mình về nơi ấy 
    anh ươm thơ trên môi em ngoan 
    nghe khúc khích tiếng cười trẻ dại 
    nũng nịu em bay theo diều hồng 

    em có thấy một dòng sông mới 
    dâng phù sa vào gốc mạ thơm 
    trên cánh đồng anh vừa nghĩ tới 
    không hề lưu dấu vết căm hờn 
    Khuấy trộn mùa quanh cho trí lẫn vào tiềm thức, bật lên nỗi nhớ da vàng bọc huyết thống Văn Lang. Quấn quít dòng thơ chảy ngược từ tâm thức tràn lên ngõ mắt găm chữ vào từng bước lưu vong. Từng bước xoãi dài từ quê nội ra quan ngoại gói ghém theo nỗi nhớ ngút ngàn về phố chợ quê tôi mùa Tết ngày xưa. Nhớ từng gánh hàng hoa trong phiên chợ sớm, nhớ từng màu mức và trái cây tươi khoe sắc dưới lung linh ánh nến trên bàn thờ Tổ Tiên. Nhớ cả mùi hương trầm và khói pháo từ nhà ra ngõ của làng, của phố, của một quê hương nặng nghĩa ân tình. 

    về thôi, Tết đã đến rồi 
    Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng 
    Cha chờ rót chén rượu mừng 
    đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa 

    về thôi, ừ nhỉ, về đi 
    để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không 
    Cao Nguyên còn bạt ngàn thông 
    Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ 

    Sự rủ rê mơn trớn hồn thơ từ háo hức đến nghẹn ngào . Ôi ngàn thông xưa nơi cao nguyên đang hóa đá . Hồng Lĩnh, Ba Vì nay đã rêu hoang! Nên mãi Thơ chờ Xuân nở hừng đông trên mặt đất để được: 
    uống no một bữa khát khao 
    nước nguồn sông Mẹ ngọt trào đáy tim 
    nghe không em! triệu lời chim 
    reo vui tấu khúc Bình Yên Lạc Hồng! 

    Những thân thương chỉ còn trong luyến nhớ, bởi cánh tay trần đâu đủ dài chạm tới dấu yêu xưa. Đành dùng cành tay thơ vói qua hoài niệm để chạm mùa Xuân. Chạm vào mạch đất quê mình đã lưu vong từ thuở còn lê la sau cuộc đổi đời, đến lúc phải ra đi thoát khỏi những đòn thù hung hiểm của bạo lực. Những đòn thù đập nát tình người, vùi chôn phẩm giá. Tàn phá cả một nền văn hóa Việt Nam vốn được xây trên nền tảng gia giáo và lễ nghĩa! 

    Nỗi khắc khoải nhớ thương Quê Mẹ đối với người lưu vong, quật xuống dòng thơ những vết hằn u uẩn! Cho dẫu tôi đã chọn hướng nhân bản cho chữ nghĩa bước đi, đau thương và chua xót vẫn ẩn sau mặt nổi của Thơ. Viết từ quán triệt mà đọc như mặc niệm ngôn từ. Cánh thơ rũ xuống ngấm vào mạch đời những trầm khúc đau lòng. May còn chút hương thơ tỏa trong gió viễn phương nối nhịp tình người giữa hai bờ Đông Tây tạo nên nét sử thi làm quà ngày Tết: 

    mùa Tết mà rưng cay khoé mắt 
    phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân 
    Huế chít khăn sô buồn thấm đất 
    mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang 

    Để Thơ không lịm chết khi mùa Xuân hoài vọng chưa về. Tôi phải nhờ dáng thơ làm cứu cánh, giúp tôi đi nhẹ hẫng bước đời trên hành trình tìm lại mùa Xuân Văn Lang của giòng giống Lạc Hồng. 
    Thơ không chết vì Xuân sống mãi 
    Đời còn vui vì có dáng Xuân Thơ! 

    Cao Nguyên 
    Bắc Mỹ cuối Đông 2011 

    Mời Xem XUÂN THƠ:http://dtphorum.com/pr4/showthread.php?902-Xu%C3%A2n-Th%C6%A1