Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Giới Thiệu Tuyển Tập “Mưa Nắng Bên Đời” Của Yên Sơn


Hắn cứ sống với sức sống vươn lên trong cái ảo tưởng, mơ hồ như một người khách lạ. Hắn luyến tiếc quá tuổi thanh xuân cho nên rất ít khi hắn công nhận là hắn đã đứng bên kia một nửa cuộc đời! Hắn không sợ già nhưng hắn không muốn chấp nhận. Chưa làm được việc gì nên trò nên trống mà đã già rồi thì nghe… thê thảm lắm!
Đó chính là tâm sự của Yên Sơn.
Đọc đoạn này, hẳn nhiều người trong chúng ta cảm thấy chạnh lòng. Chúng ta, ở đây, là những người đã quá nửa đời người, tức quá tuổi 50!
Nhìn lại quãng đời thanh xuân ấy, mấy ai không cảm thấy buồn. Biết bao ước vọng tuổi trẻ không thành, rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi… cuốn đi. Dù đó là những người may mắn được sinh ra ngay tại nước Mỹ này, cũng không mấy ai đạt được ước nguyện tuổi trẻ.
Nhưng Yên Sơn không sinh ra tại đất nước tự do và giàu có Hiệp Chủng Quốc, ông sinh ra tại một mảnh đất nghèo nàn. Tuổi trẻ của Yên Sơn là tuổi trẻ ngập tràn khói lửa. Khi nhìn lại mình, Yên Sơn tâm sự:
Có thể trong chiến tranh khốc liệt xưa kia, hắn đã không thể sống hết mình, sống buông thả như bao nhiêu người khác. Hắn đã sống một cuộc sống mà người đời thường cho là mẫu mực, nề nếp vì hắn tự nguyện đánh ván bài “được ăn cả, ngã về không”, có nghĩa là nếu số phận an bài cho hắn sẽ làm được gì trong đời thì nhất định không thể chết bất tử được. Hắn lo xây dựng tương lai trước sự ra đi vội vã của bạn bè hàng ngày; hắn cố bồi đắp cho tương lai trong những hoang tàn, đổ nát, khốc liệt của chiến tranh…
Yên Sơn – như hàng hàng lớp lớp thanh niên – đã cầm súng chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của chính ông và của hàng triệu đồng bào miền Nam trước làn sóng xâm lược tàn khốc của phương Bắc!
Yên Sơn và hàng hàng lớp lớp người lính Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn tâm nguyện rằng:
Nếu có chết cũng nên chọn cái chết oai hùng trong sự thanh bạch bản thân để trả ơn tác tạo của mẹ cha, và để lại cho những người thân yêu niềm thương mến và hãnh diện.
Những đoản văn ở trên, được trích trong: “Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha HươngMột truyện ngắn trong tuyển tập Mưa Nắng Bên Đời của Yên Sơn.
Về tuyển tập này, nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, cựu Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ đã có nhận xét như sau:
Mưa Nắng Bên Đời, đề tựa của tác phẩm tự nó đã hé lộ, nhưng không thể nói hết những gì tác giả muốn gởi gắm. Đời lắm sắc màu, đời trăm hướng rẽ, có đầy rẫy khổ đau và hạnh phúc. Cũng có thể có những lúc tràn ngập tiếng cười, phủ phê hạnh phúc; cũng có thể có những lúc u ám màu đen, nhầy nhụa nước mắt. Tuy nhiên, mưa nắng trong tác phẩm của Yên Sơn  dòng đời của một thanh niên Việt Nam thế hệ trên dưới thập niên 1940  không chỉ là những buồn vui, những hạnh phúc, những khổ đau mang tính cá nhân mà dòng đời đó đã gắn liền với những bi kịch của một đất nước, những thảm họa của cả một dân tộc, có kiên cường chiến đấu, có anh dũng hy sinh, có tự hào hãnh diện, nhưng cũng có chua cay bi uất, có cả u uẩn lưu lạc…
U uẩn lưu lạc của Yên Sơn gắn liền với bi kịch của đất nước.
Ta bỏ đời ta sống đời người khác
Kể từ khi giặc phương Bắc tràn vào
Tránh được đòn thù, ôm chặt nỗi đau
Nơi viễn xứ, 28 năm, thậm khổ
28 năm biết bao nhiêu giông tố
Rớt xuống đời, vướng từng bước chân qua
Đất bỗng gần hơn, trời mỗi lúc một xa
Nợ cơm áo nặng hơn tình quê cũ
(Tầm Gửi  – 4/2003)
Nhưng, Yên Sơn – như một người đàn ông, một người chiến sĩ, và hơn hết, một người có học võ – đã không cho phép mình được tỏ ra yếu đuối trước nghịch cảnh, trước kẻ thù.
Nhưng, trong những giờ phút lặng lẽ đêm giao thừa, người chiến binh ngày nào không ngăn được nỗi niềm u uẩn trào dâng.
Đêm giao thừa, tôi gạo bài, trả nợ
Áo cơm đời này: sớm học, chiều thi
Kiến thức ABC ngẫm có ích gì
Mà căng mắt, mà miệt mài khuya sớm
Pháo vẫn nổ ầm vang như xung trận
Nghe buồn ơi… ngày xưa cũ hiện về
Giao thừa nào… rừng núi với sơn khê
Ngồi đốt lửa chia nhau từng điếu thuốc
(Tôi Với Giao Thừa)
Thời sinh tiền, Horace đã để lại một câu nói bất hủ: Không Có Bài Thơ Nào Được Viết Ra Từ Kẻ Chỉ Uống Nước Lã (No Poem Was Ever Written By A Drinker of Water). Qua những vần thơ Yên Sơn, ta mới thấy thấm thía câu nói của nhà thi bá La Mã. Những ai sống an nhàn, bình yên, chắc chắn không thể viết được những dòng thơ khiến người đọc dù không từng uống chung chén đắng cũng phải thinh lặng, để lòng tràn ngập nỗi chua xót, ngậm ngùi.
Tuy nhiên, thơ dù hay đến đâu, cũng không thể diễn tả hết những điều phong phú của cuộc sống. Mà… Yên Sơn lại là một người có đời sống rất phong phú. Như Nguyễn Mạnh An Dân đã mô tả như sau:
Kẻ ly hương vẫn phải gượng đứng vững trên đôi chân của mình bước tới, có vinh, có nhục, có buồn, có vui và ánh sáng đã bắt đầu le lói. Kẻ ly hương lần hồi xa rời những nông trại hoang vắng nắng cháy da người, những công việc chân tay luôn đẫm mồ hôi, những hãng xuởng ầm ầm tiếng máy để bước vào đại học, học đại… và bước vào những văn phòng nhiều người mơ ước.
Và dòng đời vẫn tiếp tục trôi theo hướng lạc quan, công việc ổn định và thăng tiến… xe mới, nhà sang, gia đình đoàn tụ đông vui, ấm áp. Hoài bão tiếp nối tinh thần võ thuật Thần Phong, niềm hãnh diện của Không Quân Việt Nam, đã thành tựu với một võ phái uy tín và tỏa sáng.
Yên Sơn với hai bàn tay trắng trong những ngày đầu tiên, với kiếp làm công, ông đã cố gắng học tiếp để trở thành kỹ sư, và rồi ông tiếp tục niềm đam mê thời trẻ để mở ra Võ Đường Thần Phong. Cuộc đời ông là những thăng trầm, những biến động mà ngôn ngữ thơ không thể kể hết. Do vây, Yên Sơn đã quyết định ghi lại với ngôn ngữ văn. Đó chính là nguyên do sự có mặt hôm nay của tuyển tập truyện ngắn Mưa Nắng Bên Đời.
Tuyển tập Mưa Nắng Bên Đời gồm có 21 truyện ngắn với những tựa đề như sau:
Giấc Mơ Phi Công / Diễm Xưa / Một Mẩu Chuyện Xưa / Chuyện Tình Mùa Chinh Chiến / Phi Vụ Cuối Cùng Của Một Tinh Long / Ra Đi Về Phía Mặt Trời Lặn / Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương / Nỗi Buồn Chiêm Dân / Đường Về Ôi Quá Dài / Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh / Một Thoáng Hương Xưa / Khúc Khuỷu Dòng Đời / Tiễn Con Đi Chiến Trường Iraq / Những Ngày Hạnh Phúc Ngắn Ngủi / Thằng Lính Trở Về / Đi Tìm Quá Khứ / Bỏ Qua Một Cơ Hội / Thêm Một Bất Ngờ / Sứ Mệnh Tinh Thần / Những Điều Chưa Nói / Muốn Nối Một Nhịp Cầu.
Chỉ qua những đề tựa này, ta thấy được một Yên Sơn – Người Văn bên cạnh một Yên Sơn – Người Thơ.
– Phảng phất đâu đó hình ảnh anh chàng phi công… đa tình! Như trong Diễm Xưa / Chuyện Tình Mùa Chinh Chiến
– Rồi hình ảnh của một gã thất cơ lỡ vận, ngơ ngác trên xứ người như trong Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương / Nỗi Buồn Chiêm Dân
– Và hình ảnh một người cha tận tụy, như trong Tiễn Con Đi Chiến Trường Iraq.
– Ta cũng sẽ thấy cả một Yên Sơn hóm hỉnh, đầy lạc quan, như trong Bỏ Qua Một Cơ Hội / Thêm Một Bất Ngờ.
Khi viết về tình yêu – đặc biệt là tình yêu của tuổi xế chiều – Yên Sơn không ngần ngại nhìn thẳng vào đáy sâu trái tim con người. Tâm tưởng của nhân vật Tuấn trong truyện ngắn Thêm Một Bất Ngờ, có thể thấy được ở rất nhiều người trong chúng ta.
Kể từ khi liên lạc lại, lúc nào Tuấn cũng ước mong hoàn cảnh đẩy đưa cách nào đó để chàng có thể gặp lại nàng. Đã có mấy cơ hội mà không bắt kịp vì cứ ngần ngừ, cứ lo sợ vu vơ. Tuấn đâm ra thích nghiền ngẫm, ngân nga bản nhạc tình “Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em” của nhạc sĩ Vũ Thành An dù chàng không ưa mấy tư cách của vị nhạc sĩ này. Nhưng phải công nhận lời ca tha thiết quá, chàng có cảm tưởng như nhạc sĩ đã viết giùm tâm sự của chàng mặc dù không hoàn toàn đúng hết.
“Một lần nào cho tôi gặp lại em, xem đôi môi đó đến nay còn hồng. Một lần nào cho tôi gặp lại em…” nhưng không nhất thiết phải là “rồi thiên thu sẽ là nhung nhớ”. Vì đời em giờ sắp vàng chín và đời anh cũng sắp tàn úa. Chàng bâng khuâng tự hỏi, “dòng đời nào đưa em đi về đâu, sao không ghé qua đây một lần”, và “dòng đời nào đưa tôi đi về đâu những bến bờ xưa cũ đã mờ!”. Muốn bắt được cơ hội người ta phải sẵn sàng, đằng này cả chàng và nàng đều lưỡng lự khi đứng trước cơ hội nên… ước muốn vẫn luôn là ước muốn […]
Sau bữa ăn tối, Tuấn ngồi vào computer tính viết email trả lời nhưng không biết sao trong lòng thấy lưỡng lự. Sự quan tâm của nàng dành cho Tuấn và những người thân yêu trong lúc hoạn nạn quả thật đáng trân trọng. Hồi âm cho nàng chỉ là chuyện đương nhiên để chứng tỏ phép xã giao, lịch sự cần thiết giữa người với người… nhưng sao khó quá!
Có lẽ Tuấn sợ chính tấm lòng của mình hơn là ai hết. Rõ ràng nàng đang cô đơn rất cần bè bạn. Rõ ràng nàng vẫn nhớ nghĩ đến Tuấn… Dù tấm lòng người Mỹ có phóng khoáng hơn người Á châu trong cách thể hiện tình cảm; dù đã xa mặt cách lòng nhau một thời gian hơn nửa đời người… nhưng sao 42 năm đã qua với một cuộc tình rất ngắn ngủi mà ngọn lửa tình vẫn cứ âm ỷ cháy trong tim của cả hai người, chỉ sợ một cơn gió vô tình thổi qua sẽ lại bùng cháy, nguy hiểm biết bao! Nguy hiểm bởi vì Tuấn đang có một gia đình hạnh phúc. Nguy hiểm bởi cả hai tâm hồn đều lãng mạn như nhau.
Lời văn như xuyên thấu tim người, nhưng phảng phất đâu đó một nụ cười nhẹ nhàng như thể người viết muốn bày tỏ một cảm thông, một quan hoài, tới những dằn vặt rối reng của trái tim vốn dĩ rất phức tạp.
Và rồi, câu chuyện “Nàng Và Chàng” ra sao?
Elle Et Lui” là tựa đề của truyện ngắn kể lại chuyện tình của nữ sĩ George Sand với nhà thơ Alfret de Musset. Liệu người đàn ông Tuấn có như nhà thơ đa tình viết cho nàng những dòng thơ lãng mạn? Và rồi, liệu nàng có trả lời chàng với lời thơ không những lãng mạn hơn mà còn rất… thẳng thừng, là hai chữ: “Đêm Nay”?
Phần hấp dẫn ấy, xin mời tìm đọc trong truyện ngắn Thêm Một Bất Ngờ.
Trong 21 tựa đề vừa kể trên, hẳn nhiều người sẽ tò mò về cái tựa “Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh”?
Truyện bắt đầu với những tình tiết bỏng cháy da thịt:
Trên đường lái xe về nhà, đầu óc hắn tự nhiên thấy bâng khuâng, xao xuyến. Hắn lướt nhẹ mấy ngón tay trên môi, cảm tưởng những nụ hôn nồng nàn còn để lại dấu vết, mùi hương con gái còn lẩn quất đâu đây. Nhớ vòng tay ôm của cô nhỏ, nhớ cảm giác của những đường cong áp chặt vào người! Đang lan man tơ tưởng, mỉm cười với bóng tối bắt đầu phủ xuống con phố buồn, lòng hắn bỗng nhiên quặn thắt! Từ trong tiềm thức một hình ảnh thân thiết hiện lên với đôi mắt đẫm lệ buồn! Hắn tự vả vào má hắn thật đau khi chạnh lòng nghĩ tới Ngọc Anh, niềm ân hận lan tràn. Hắn tự xỉ vả hắn… ôi con người bội bạc làm sao! Hắn nghĩ ngay đến câu ngạn ngữ “xa mặt cách lòng” mà thấy đau nhói trong tim! Hắn thốt thành lời: “Ngọc Anh ơi cho anh xin lỗi!”
Thế nhưng, gã con trai không chỉ bị giằng xé giữa những mối tình, bởi vì Hắn là một gã con trai thời chiến, một gã con trai vốn đa tình, nhưng cuối cùng… “tình non sông vẫn nặng”.
Thình lình, súng nổ ran tứ phía. Hắn chạy thục mạng vì giặc Cộng rượt nà sau lưng. Càng lúc càng đuối sức! Trong đầu hắn cái chết cứ lởn vởn. Phải chi còn được khẩu súng! Hắn vô cùng tuyệt vọng nhưng nhất định không đầu hàng địch quân. Hắn tiếc khẩu Ruleau P.38 đã rớt mất khi nào không biết. Lúc đầu chạy với hắn còn có mấy thằng bạn, tới lúc này thì không còn bóng dáng nào cả khi hắn quay lại sau lưng. Khoảng cách của hắn và lũ giặc càng lúc càng thu ngắn, nhất là bầy chó dữ truy đuổi gắt gao! Hắn hoảng hốt dừng lại trước vực thẳm! Thế là hết! Không suy nghĩ gì thêm, hắn nhắm mắt nhảy xuống cùng lúc nghe tiếng súng nổ đùng đùng đùng…
Un peu de soleil dans l’eau froide” – Một chút mặt trời trong nước lạnh” của Yên Sơn là thế đó, nào đâu chỉ có ái tình nam nữ theo kiểu Sagan. Cũng là Mặt Trời, cũng là Nước Lạnh, nhưng với người-con-nước-Việt đó là những chuỗi mộng mị không ngơi về một quê hương xa xăm…
Yên Sơn viết:
Hắn trở vào giường cố dỗ giấc ngủ trở lại mà có được đâu! Cái trận chiến nội tâm quái đản cứ làm hắn miên man đắm chìm trong suy tư. Những yêu dấu Saigon đua nhau về khắc khoải.
Một Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh – Ánh nắng nhỏ bé lấp lánh trên mặt hồ lạnh lẽo chỉ làm tăng thêm cảm giác buốt giá.
Nhưng, Đông rồi qua, Xuân sẽ về. Nước lạnh không còn lạnh nữa mà thành ấm áp. Yên Sơn – người lính gãy súng nhưng không đầu hàng, chưa bao giờ đầu hàng – luôn luôn giữ vững Niềm Tin.
Tôi có ba đứa con đều chào đời ở Mỹ quốc,
mang ba cái tên đầy hoài vọng, quyết tâm.
Giữa chốn thị phi tôi vẫn kiên nhẫn, âm thầm
đem nhiệt huyết và tấm lòng thành những mong phục vụ.
Trong thao thức tôi biết rằng vẫn chưa tròn, chưa đủ
nên mãi tự hỏi lòng
biết có làm được gì cho thế hệ mai sau?
Hay cho đến cuối đời cũng chỉ có niềm đau
Của kẻ thua cuộc phải sống xa lìa quê hương gấm vóc.
(Thao Thức – trong Tập Thơ: Cho Quê Hương–Tôi–Và Tình Yêu)
Tất cả những thao thức của một người lính Việt, của một người con đất Việt, được Yên Sơn đưa vào thơ, đưa vào văn. Tất cả những điều ấy đã được nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân đúc kết trong lời nhận xét sau đây:
Tôi đã nhiều lần coi Yên Sơn đánh võ, nhiều lần nhìn bàn tay dũng mãnh đánh về phía trước với ý chí quyết thắng của một dũng sĩ. Tôi đã từng nhiều lần nghe giọng nói run run đầy xúc động khi nhắc về Mẹ như một đứa trẻ thơ phát ra từ một người đã ở tuổi làm ông của các cháu nội ngoại. Tôi đã nhiều lần nhìn đôi mắt u uẩn buồn như sẵn sàng trào lệ khi Yên Sơn nói về những ngày chinh chiến, về những người bạn không bao giờ còn trở về, và tôi cũng đã từng nhiều lần nhìn khuôn mặt cương quyết, nhìn ánh mắt rực lửa khi Yên Sơn nói về những tội ác và những quyết tâm tranh đấu cho tổ quốc, cho đồng bào mình. Tôi đã từng đùa đùa, thật thật gọi Yên Sơn là người có bàn tay sắt với trái tim lụa. Trái tim lụa ấy đã từng tuôn trào những vần thơ mượt mà chuyên chở biết bao tình ý, trái tim lụa đó cũng từng khiến nhiều tâm hồn mơ màng bay bổng theo từng âm điệu réo rắt của dòng nhạc Yên Sơn. Có thể lắm, trái tim lụa của Yên Sơn sẽ đưa chúng ta vào một thế giới khác trong những trang sách.
Mưa Nắng Bên Đời – đó là thế giới của Yên Sơn, nhưng đó cũng là thế giới của biết bao người Việt tha hương luôn luôn hướng về Quê Mẹ mến yêu.
Trịnh Bình An
(Tháng Tư –
Ngày Quốc Hận
lần thứ 43)