Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Tục Ngữ Việt Nam ...

MỐI TƯƠNG ĐỒNG LÝ THÚ GIỮA TỤC NGỮ VIỆT NAM VÀ TỤC NGỮ NƯỚC NGOÀI

Đàn Cầm Mà Gẩy Tai Trâu
Đàn cầm mà gảy tai trâu

Mọi ngôn ngữ đều có những câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng những nhận xét sắc bén về kinh nghiệm sống. Tên của những câu nói ngắn gọn đó là TỤC NGỮ trong tiếng Việt và Hán, PROVERB trong tiếng Anh, PROVERBE trong tiếng Pháp, DICHO trong tiếng Tây ban nha, PROVERBIO trong tiếng Ý, và SPRICHWORT trong tiếng Đức. Với khả năng tóm gọn ý tứ, tô điểm cho lời văn thêm mặn mà, và chứng minh lý lẽ một cách hùng hồn, tục ngữ đóng một vai trò đáng kể trong ngôn ngữ thường nhật. Điều nổi bật nhất là sự tương đồng trong nội dung của tục ngữ nhân loại. Chẳng hạn, các tục ngữ YÊU AI YÊU CẢ ĐƯỜNG ĐI của người Việt, LOVE ME, LOVE MY DOG của người Mỹ, và ÁI ỐC CẬP Ô 爱 屋 及 烏 của người Tàu đều có chung một ý nghĩa. Có khác chăng thì chỉ là phương tiện diễn tả. Người Việt yêu thơ nên đề cập đến người mình yêu và con đường mang dấu chân người ấy; người Mỹ mê chó cho nên khi mê ai thì cũng mê chó của người ấy luôn cho tiện việc; và người Tàu thì diễn tả kinh nghiệm ấy như một bức tranh thủy mặc, rất có thể đã căn cứ vào một điển tích nào đó. Trong tiếng quan thoại, ÁI ỐC CẬP Ô phát âm là [àiwu-jíwu], với điều đáng nói ở đây là lối chơi chữ: Hai từ [wu] đồng âm nhưng dị nghĩa; từ thứ nhất nghĩa là “nhà” và từ thứ hai nghĩa là “quạ.” Vậy thì nghĩa đen của tục ngữ này là nếu yêu một căn nhà nào thì yêu luôn cả mấy con quạ (một loại chim đen đủi xấu xí với tiếng kêu buồn thảm) đậu trên mái nhà đó. Ba tục ngữ vừa kể nói lên một sự thực tâm lý khó chối cãi mà tiếng Anh mệnh danh là “the halo effect” (hiệu lực hào quang).
Trong tiến trình học hỏi ngoại ngữ của tôi, một điều lý thú là tìm xem trong các ngoại ngữ ấy (Hán, Anh, Pháp, Tây ban nha, Ý, Đức) có những tục ngữ nào tương đồng về ý nghĩa và hình thức với tục ngữ Việt của chúng ta. Bài viết này chia xẻ với độc giả điều lý thú ấy.
Khi so sánh nội dung của tục ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau, chúng ta sẽ thấy những tương đồng, tốt phần do bản chất đại đồng của kinh nghiệm đời sống loài người. Thí dụ, để nhắn nhủ người đời không nên hấp tấp mà hỏng việc, tiếng Việt có câu ĐI ĐÂU MÀ VỘI MÀ VÀNG, MÀ VẤP PHẢI ĐÁ MÀ QUÀNG PHẢI DÂY? Cùng một nội dung ấy là các câu sau đây: MORE HASTE LESS SPEED (Anh: vội bao nhiêu chậm bấy nhiêu); PLUS ON SE HÂTE MOINS ON AVANCE (Pháp: vội bao nhiêu càng ít tiến bấy nhiêu); CHI VA PIANO VA LONTANO (Ý: ai đi chậm thì đi xa); và DỤC TỐC TẮC BẤT ĐẠT 慾 速 則 不達 (Hán: muốn mau chóng thì không thành được).
Nếu nội dung các tục ngữ tương đương trong các ngôn ngữ cùng gốc (như Pháp và Tây ban nha, hoặc như Anh và Đức) giống nhau như đúc thì cũng dễ hiểu thôi. Chẳng hạn, mang máng với câu VẶT ĐẦU CÁ VÁ ĐẦU TÔM của chúng ta là các câu DÉCOUVRIR SAINT PIERRE POUR COUVRIR SAINT PAUL (Pháp: lột quần áo thánh Pierre để mặc vào thánh Paul), DESNUDAR A UNO SANTO PARA VESTIR A OTRO (Tây ban nha: lột quần áo một vị thánh để mặc vào một vị thánh khác), ROB PETER TO PAY PAUL (Anh: cướp tiền Peter để trả Paul), và DEM PETER NEHMEN UND DEM PAUL GEBEN (Đức: lấy của Peter và đưa cho Paul). Vì vậy, tôi thấy thú vị hơn nhiều mỗi lần gặp các câu tục ngữ tương đương giữa tiếng Việt và một ngoại ngữ chẳng liên hệ họ hàng gì với tiếng Việt cả (thí dụ như tiếng Anh trong trường hợp này), như các cặp tục ngữ ĐƯỢC ĐẰNG CHÂN LÂN ĐẰNG ĐẦU và GIVE HIM AN INCH AND HE WILL TAKE A MILE (cho hắn một tấc thì hắn đòi một dặm); GIEO GIÓ GẶT BÃO và SOW THE WIND AND REAP THE WHIRLWIND (gieo gió gặt gió lốc); LẮM THẦY THỐI MA và TOO MANY COOKS SPOIL THE BROTH (quá nhiều người nấu bếp thì hư nồi canh); và THỜN BƠN MÉO MIỆNG CHÊ TRAI LỆCH MỒM và THE POT CALLING THE KETTLE BLACK (cái nồi mà chê cái ấm đen).
Về hình thức cấu tạo, khá nhiều tục ngữ của nhân loại giống nhau ở điểm chúng có thể được chia ra làm hai phần quân bình lẫn nhau với cú pháp và âm điệu song hành. Thí dụ, các tục ngữ tương đương của XA MẶT, CÁCH LÒNG trong một vài ngôn ngữ khác cũng cho thấy một cấu tạo và một nội dung tương đồng với tiếng Việt: OUT OF SIGHT, OUT OF MIND (Anh: khuất mặt, khuất tâm trí); LOIN DES YEUX, LOIN DU COEUR (Pháp: xa mắt, xa tim); AUS DEN AUGEN, AUS DEM SINN (Đức: khuất mắt, khuất tâm trí); OJOS QUE NO VEN, CORAZÓN QUE NO SIENTE (Tây ban nha: mắt không thấy, tim không cảm); và LONTANO DAGLI OCCHI LONTANO DAL CUORE (Ý: xa mắt xa tim).
Trong số các tục ngữ được coi như châm ngôn cho một nếp sống đạo đức, tiếng Việt có câu KHÔN NGOAN CHẲNG NGOẠI THẬT THÀ để nhắc nhở người đời tránh xa sự lươn lẹo. Nội dung châm ngôn này được diễn tả bộc trực hơn trong tiếng Anh qua câu HONESTY IS THE BEST POLICY (lương thiện là chính sách tốt nhất). Ý nghĩa câu GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ SÁNG rõ như ban ngày. Câu này chắc là do các cụ nhà nho khi xưa đã chuyển ngữ thật sát nghĩa từ câu chữ Hán CẬN MẶC GIẢ HẮC CẬN ĐĂNG TẮC MINH 近 墨 者 黑 近燈 則 明. Những kẻ chỉ thích “gần mực” hoặc “cận mặc” thôi thì sẽ liên kết thành một bầy để cùng nhau làm những chuyện không hay, như được ám chỉ trong câu tục ngữ Hán-Việt đã hoàn toàn Việt hóa NGƯU TẦM NGƯU MÃ TẦM MÃ 牛 尋 牛 馬 尋 馬 (trâu tìm trâu ngựa tìm ngựa), và trong các câu BIRDS OF A FEATHER FLOCK TOGETHER (Anh: chim cùng thứ lông tụ tập thành bầy), DIS-MOI QUI TU HANTES, ET JE TE DIRAI QUI TU ES (Pháp: nói tôi nghe anh giao du với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là loại người nào), CADA CUAL CON LOS SUYOS (Tây ban nha: kẻ nào đi với phường nấy), GLEICH UND GLEICH GESELLT SICH GERN (Đức: hai kẻ giống nhau kết hợp dễ dàng), và DIO LI FA E POI LI APPAIA (Ý: thượng đế sinh ra họ rồi kết hợp họ với nhau). Tiểu nhân hay đắc chí, và mỗi khi đắc chí họ cười lâu lắm. Tiếng Việt dành cho những tiểu nhân có đầu óc nông cạn ấy lời nhắc nhở này: CƯỜI NGƯỜI CHỚ VỘI CƯỜI LÂU, CƯỜI NGƯỜI HÔM TRƯỚC HÔM SAU NGƯỜI CƯỜI. Trong vài ngôn ngữ khác, lời khuyên ấy ngắn gọn hơn và cũng đều dành thắng lợi cho người cười sau cùng: HE LAUGHS BEST WHO LAUGHS LAST (Anh: người đáng được cười nhất là người cười sau cùng), RIDE BENE CHE RIDE L’ULTIMO (Ý: cười xứng đáng là người cười sau cùng), và RIRA BIEN QUI RIRA LE DERNIER (Pháp: người sẽ cười xứng đáng là người sẽ cười sau chót).
Tục ngữ phản ánh những điều xảy ra hàng ngày trên bàn cờ xã hội và cung cấp cho thế gian những lời khuyên khôn ngoan để đối phó với cuộc sống. Câu CÁ LỚN NUỐT CÁ BÉ mô tả một lối sống hung bạo trong xã hội ngày nay, khi biết bao công ty nhỏ đang bị các công ty lớn hơn ăn sống nuốt tươi trong một thế giới mà người Mỹ tả chân là A DOG-EAT-DOG WORLD (một thế giới chó-ăn-chó). Trong mọi liên hệ, phải có đi có lại thì mối giao tình mới bền, theo châm ngôn BÁNH ÍT ĐI, BÁNH QUY LẠI của người Việt hay châm ngôn YOU SCRATCH MY BACK, I’LL SCRATCH YOURS (anh gãi lưng tôi, tôi sẽ gãi lưng anh) của người Mỹ. Và xin chớ quên là trong một cuộc tranh chấp, kẻ có tiền thường có nhiều lợi điểm, vì NÉN BẠC ĐÂM TOẠC TỜ GIẤY, cũng như ĐA KIM NGÂN PHÁ LUẬT LỆ 多 金 銀 破 律 例 (Hán: nhiều tiền bạc phá luật lệ) và MONEY TALKS (Anh: tiền nói dùm). Kín đáo là một biện pháp an toàn, vì TAI VÁCH MẠCH RỪNG, hoặc LAS PAREDES OYEN (Tây ban nha: những bức tường biết nghe), hoặc những câu sau đây mà ý nghĩa đều là tường có tai: WALLS HAVE EARS (Anh), LES MURS ONT DES OREILLES (Pháp), I MURI HANNO ORECCHI (Ý), DIE WAENDE HABEN OHREN (Đức), và CÁCH TƯỜNG HỮU NHĨ 隔 墻 有 耳 (Hán). TRÁNH VOI CHẲNG XẤU MẶT NÀO là lời cổ nhân khuyên chúng ta nên làm mỗi khi bị kẻ vũ phu đe dọa tấn công. Nếu tiếng Việt ví kẻ vũ phu như voi thì tiếng Tây ban nha ví hắn như bò mộng hoặc kẻ khùng điên, như trong câu AL LOCO Y AL TORO DARLES CORRO (với kẻ khùng điên và bò mộng, hãy nhường chỗ).
Tục ngữ cũng khá rành khoa tâm lý và cung cấp những khuyến cáo thực dụng. Con người phải biết rằng nhiều khi SỰ THẬT MẤT LÒNG, một ý niệm được gói ghém bộc trực trong câu THE TRUTH HURTS (Anh: sự thật làm đau lòng) cũng như trong câu khuyên răn tế nhị TOUTE VÉRITÉ N’EST PAS BONNE À DIRE (Pháp: không phải sự thực nào cũng nên nói ra đâu). Vì LỜI NÓI CHẲNG MẤT TIỀN MUA, người khôn ngoan phải LỰA LỜI MÀ NÓI CHO VỪA LÒNG NHAU. Châm ngôn dành cho những ai ăn nói vụng về để mất lòng người khác một cách vô tích sự này tương ứng với câu CORTESÍA DE BOCA VALE MUCHO Y POCO CUESTA (Tây ban nha: sự nhã nhặn bằng miệng có nhiều giá trị và chẳng tốn bao nhiêu). Người Việt khôn ngoan ít khi THẢ MỒI BẮT BÓNG vì họ biết rõ MỘT CON NẰM TRONG TAY HƠN MƯỜI CON BAY TRÊN TRỜI. Người phương tây cũng diễn tả sự khôn ngoan đó một cách dễ hiểu, như câu trong tiếng Anh A BIRD IN THE HAND IS WORTH TWO IN THE BUSH (một chim trong tay đáng hai chim trong bụi), hoặc như câu trong tiếng Ý MEGLIO UN UOVO OGGI CHE UNA GALLINA DOMANI (một trái trứng hôm nay tốt hơn một con gà mái ngày mai), hoặc như câu thi vị hơn trong tiếng Đức là EIN SPATZ IN DER HAND IST BESSER ALS EINE TAUBE AUF DEM DACH (một chim sẻ trong tay tốt hơn một bồ câu trên nóc nhà). Khi đã bị nạn một lần rồi thì người ta trở nên sợ bóng sợ gió, thấy cái gì na ná với nguyên nhân gây ra tai nạn cũ thì vội lánh xa. Đó là điều câu ĐẠP VỎ DƯA, THẤY VỎ DỪA CŨNG SỢ ám chỉ trong tiếng Việt. Người Tàu diễn tả sự sợ bóng sợ gió ấy bằng câu tục ngữ nên thơ KINH CUNG CHI ĐIỂU KIẾN KHÚC MỘC NHI CAO PHI 驚 弓 之 鳥見 曲 木 而 高 飛 (con chim sợ cây cung thấy khúc cây cong thì vội bay cao), trong khi các ngôn ngữ tây phương sử dụng nội dung cụ thể hơn, như ONCE BITTEN, TWICE SHY (Anh: một lần bị cắn, hai lần nhát), CHAT ÉCHAUDÉ CRAINT L’EAU FROIDE (Pháp: mèo bị bỏng sợ nước lạnh), GATO ESCALDADO DEL AGUA FRÍA HUYE (Tây ban nha: mèo bị bỏng chạy xa nước lạnh), GEBRANNTE KINDER SCHEUEN DAS FEUER (Đức: trẻ nít bị bỏng thì sợ hãi lửa).
Sau hết, tục ngữ cũng mang lại hy vọng cho người đời. Thực vậy, cuộc đời này không hẳn lúc nào cũng xấu đâu, vì SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG, một mối lạc quan được diễn tả qua câu chữ Hán KHỔ TẬN CAM LAI 苦 盡 甘 來 (hết đắng thì đến ngọt), câu tiếng Pháp APRÈS LA PLUIE LE BEAU TEMPS (sau cơn mưa trời đẹp), và câu tiếng Anh AFTER A STORM COMES A CALM (sau trận bão yên tĩnh trở lại). Nếu “trời lại sáng” và cho ta một cơ hội, ta đừng để mất cơ hội ấy. Đó là lời nhắn nhủ của câu CỜ ĐẾN TAY PHẢI PHẤT cũng như của câu tiếng Anh STRIKE WHILE THE IRON IS HOT (đập khi thỏi sắt đang nóng). Nhưng khi “phất cờ” hoặc “đập thỏi sắt đang nóng” ấy, ta chớ quên rằng tinh thần hợp tác là điều không thể thiếu, vì MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON. Câu này mang ý nghĩa thật gần với các câu CÔ THỤ BẤT THÀNH LÂM 孤 樹 不成 林 (một cây không thể thành rừng) trong tiếng Hán, UNE HIRONDELLE NE FAIT PAS LE PRINTEMPS (một con én không làm nên mùa xuân) trong tiếng Pháp, và EINE SCHWALBE MACHT KEINEN SOMMER (một con én không làm nên mùa hạ) trong tiếng Đức.

 GS. Đàm Trung Pháp
http://damtrungphan.wordpress.com/

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Giỗ Tổ Hùng Vương

Vua Hùng Dựng NướcVua Hùng dựng nước Văn Lang
Năm ngàn năm trước, huy hoàng trời Đông
Giang san một dải mênh mông
Bắc phương Hán tộc, Nam phương Lạc Hồng.
Động Đình là ải biên cương
Phía Tây Ba Thục, tiếp dòng Trường Sơn!
Phía Nam giáp với Hồ Tôn
Nhìn ra Nam Hải, sóng dâng vơi đầy...

Bộ tộc Lạc Việt anh tài
Mình xâm rồng rắn khiếp loài kình ngư
Phong Châu là chốn kinh đô
Lạc Hầu, Lạc Tướng giúp vua trị vì
Các quan Bồ Chính, trưởng chi
Coi sóc làng xóm, vỗ về Lạc dân

Thuở còn trời đất hỗn mang
Nhà sàn ta ở, sống gần văn minh!
Cha truyền con nối yên bình
Chính trị “phụ đạo”,  dân tình thuần lương.
Hoàng tử tên gọi Quan Lang
Mị Nương công chúa, cành vàng ngày xưa.

Hồng Bàng là họ nhà vua
Hăm sáu thế kỷ (2622 năm)
Trên hai mươi đời...
Thuần phong  mỹ tục sáng ngời
Tổ tiên thờ phụng, đạo Trời niềm tin
Đời đời tiết liệt trung trinh
Tinh thần bất khuất, đấu tranh chẳng sờn!

Cha ông dựng nước oai hùng
Cháu con hãnh diện, dốc lòng biết ơn
Ai ơi! Uống nước nhớ nguồn
Ăn trái nhớ kẻ vun trồng nên cây!
Vương Sinh (Song Thuận)




 



Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là "Lễ hội Đền Hùng" là một ngày lễ trọng đại của Việt Nam.

Hùng Vương (2879 B.C.)
(10 thang 3 . A.L)
Tiểu sử Vua Hùng
Tiểu sử: Vua Hùng là tên gọi chung 18 đời Vua Hùng trong họ Hồng Bàng (2879-258 tr. Tây
lịch). Nếu kể cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, có tất cả 20 đời Vua trong họ Hồng
Bàng.

Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, lấy
bà Tiên sinh ra Lộc Tục. Vua phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam tức Kinh Dương.
Vương.Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là
Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân cưới bà Âu Cơ sinh được 100 con trai. Về sau, 50 con theo cha xuống biển
và 50 con theo mẹ lên núi, đi về phương Nam lập ra nước Văn Lang.
Người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở
Phong
Châu (1)
, chia nước ra làm 15 Bộ, cha truyền con nối theo chế độ Phụ Đạo, có quan Lạc
Tưóng, Lạc Hầu phụ tá và quan Bồ Chính là chức quan nhỏ trông coi Lạc dân, và gọi con
trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương. Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời.
Công đức: Các vị vua Hùng có công lập nên nước Văn Lang, tức là nước Việt Nam ngày
nay, nên gọi là Quốc Tổ Hùng Vương.
Đền thờ: Trên núi Ngũ Lĩnh, Huyện Phong Châu, Tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú) Bắc Việt.

Tại Hoa Kỳ, Đền Hùng ở Lillte Sàigòn do Hội CNAM & Hoi Den Hung Hai Ngoai thờ phụng.
Ngày Kỷ Niệm: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch mỗi năm.
Đền Hùng là tên gọi nơi thờ phụng các vị Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa
Lĩnh.  Giỗ Tổ hùng Vương được tổ chức tại đây hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Đền Hùng được xây từ năm 980 (thời vua Đinh Tiên Hoàng). Đến thế kỷ 15 (thời Hậu Lê)
được trùng tu quy mô như hiện nay.Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, thời các Vua Hùng
đã cho xây dựng điện Kính Thiên trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.
Núi Nghĩa Lĩnh: Cao 175 mét (có nhiều tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy
Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố
Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong một khu rừng cấm. cách Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền
Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa.
Cổng đền: Được xây vào năm Khải Định thứ 2 (1817) ở chân núi.
1- Đền Hạ: Tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con
trai.
- Nhà bia: Nhà bia nằm cạnh đền Hạ, hình lục giác với 6 mái
- Chùa Thiên Quang (Thiên quang thiền tự): tọa lạc gần đền Hạ.
 
2- Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn
Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
 
3- Đền Thượng: Trên đỉnh núi nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6. Theo truyền thuyết, xưa các
Vua Hùng thường đến đâylàm lễ tế trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa
màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ
tiên của Việt Nam).
-
Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng.
-
Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ
nằm ở phía đông Đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất,
thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7
(năm 1922) trùng tu lại.
-
Đền Giếng: Dưới chân núi. Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và  Ngọc Hoa (con
gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này.
Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18.
-
Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và
khánh thành tháng 12 năm 2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).
-
Bảo tàng Hùng Vương: được khởi công xây dựng vào năm 1996 và khánh thành đúng
ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi 2003.
-
Hồ nước: dưới chân núi Nghĩa Lĩnh,  xưa trồng nhiều sen.
Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương)
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn, diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trươc đó hàng năm
có tục đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua
Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền
Thượng.  Có 2 lễ chính:
1-   Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng,
kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền
Thượng, nơi làm lễ dâng hương.
2-  Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống
tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ
những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc
cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá
cắm đỏ những chân hương. Có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát
xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi
kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc (Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm
ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây
Bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngã ba Hạc từ lâu đã nổi tiếng), nơi các vua
Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
 (Nguồn: Wikipedia).Chú thích(1)  Phong Châu
: Kinh đô nước Văn Lang, có lẽ nay ở khu vực Làng Cả thuộc thành phố
Việt Trì (xưa là thị xã, nay là thành phố được thành lập năm 1962, cách Hà Nội 70 km về
phía Tây Bắc, trên “ngã ba Hạc” (Bạch Hạc - ngã ba sông Hồng, Thao  và Lô), trực thuộc
tỉnh Phú Thọ nơi có Đền Hùng (Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) trên núi Ngũ Lĩnh – Dt
khoảng 166 km2.
 


Lăng Hùng Vương
trên đỉnh núi Ngũ Lĩnh
(Sources: Wikipedia)




 

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Học Lịch Sử



Những Giờ Học Sử Trong Đời Tên Học Trò Vong Quốc 

Không gian bây giờ là phấn trắng, bảng đen.  Những người bạn học, to lớn, ngây ngô.  Khoảng cách rõ rệt nhất giữa họ và tôi, có lẽ là mầu da, mầu mắt.  Lớp học, có đầy đủ tiện nghi của một xứ sở mà ngân sách giáo dục hàng năm không bị cắt giảm vì ngân sách quốc phòng thiếu hụt, mà sách vở bán đắt hơn thức ăn và vũ khí.

Tôi ngồi đó, lạc lõng, cô độc.  Vài học trò cũng tị nạn như tôi, đang chăm chỉ nghe giảng.  Người thầy dạy Sử chững chạc trong bộ âu phục đúng thời trang, đang trổ hết khả năng hùng biện, trước đám học trò hồn nhiên, vui vẻ.  Một vài dáng điệu rất “politician” của ông ta khi đứng trước đám đông làm bài học đỡ tẽ nhạt.

Bài học đang nói về cuộc chinh phục Châu Mỹ của những người đi trước.  Những anh hùng “hợp chủng” đã đến đây, đã biến đổi cái man rợ, cái ngu tối của những thổ dân da mầu, thành văn minh, thành ánh sáng, thành một vùng đất đầy sửa và thịt.  Vùng đất đang phù sinh chúng tôi, những học trò da màu đến từ một Á Châu buồn, một Việt Nam tang tóc.

Mày đang nghĩ gì, H.  Tên bạn quay sang hỏi khi thấy cặp mắt “lờ đờ” của tôi.  Mày nhớ không, T, sáu năm rồi, mình mới cầm lại sách vở, làm bạn với cái không khí có bảng đen, phấn trắng.  Mười năm trước, mình vào đại học.  Những bước chân tung tăng, không mặc cảm, không nghi ngại.  Tôi chìm vào ký ức.  Những cảm xúc của thuở đầu đời, trên một quê hương vẫn bằng bặc trong trí nhớ.  Những hạnh phúc đã mất…Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha, cho đến bao giờ tái sinh cho người…Nét nhạc Cung Tiến, bỗng dưng làm choáng ngợp hồn tôi.  Một phần đời, đã có và đã xa…

Hạnh phúc nào còn lại cho chúng tôi, bây giờ, khi sách vở và bút nghiên đã một lần xếp lại, vì những trầm luân của thế hệ, những tai biến của quê hương.  Tôi đang ngồi học Sử.  Sử của một đất nước không cưu mang tôi, nhưng đang dự phần dung dưỡng.  Ngày xưa tôi đã học Sử, Sử nước tôi.  Tôi còn nhớ thầy dạy Sử của tôi đã nói “Các em học Sử, học những tủi nhục của quê hương để biết nghẹn ngào, học cái quang vinh của cha anh để ngẩng đầu mà đứng, vững bước mà đi.  Thầy mong rằng, chính các em sẽ là những người làm lịch sử sau này.”

Thế rồi, lịch sử đi qua đời tôi; Bố tôi cầm tầm vông đánh Tây, anh tôi cầm súng đuổi Nga nô, Tàu dịch.  Và đến chúng tôi, oan nghiệt nào đã đẩy khỏi tầm tay chúng tôi cái hoài bão của cha anh giao phó.  Chúng tôi mất trường, mất lớp, mất tình yêu học trò, mất giảng đường khuôn viên có cây dài bóng mát.  Chúng tôi bị đẩy vào những trầm luân của cuộc đời, chia xẻ với nhau những tủi nhục của một thời gia vong, quốc phá.  “Quốc phá, gia vong”, ngày xưa thầy đã dạy con, Bố đã dạy con.  Nước mất, nhà tan.  Chúng con bây giờ thấm thía cảnh ngộ đó.  Thấm thía cái thân phận bi thảm của một giống nòi bị thiêng liêng nguyền rủa.  Giống Do Thái da vàng của thế kỷ 20.  Thấm thía hai cảnh đời mà con đã và đang sống.

Một cảnh đời, có trẻ thơ bỏ dần những trò chơi tuổi nhỏ, bỏ chú Cuội, cây đa.  Khoác vào người chiếc khăn quàng màu đỏ.  Màu khăn chất chứa oan khiên của dân tộc.  Em con phải học biết hận thù giai cấp, biết quên dần đi công cha, nghĩa mẹ.  Một cảnh đời khác, em con lớn lên, không bằng những lời ru ca dao dịu hiền của mẹ, bằng hạt gạo thơm nồng mồ hôi lao động của cha, mà bằng sữa thơm, thịt béo, bằng những chiếc nôi tối tân của nhà babysit.  Để rồi, khi cắp sách đến trường, em con sẽ ngơ ngác mà hỏi rằng “Sao mắt con không xanh, tóc con không vàng như bạn con, hở mẹ?”

Vị giáo sư vẫn giảng, có vẻ tha thiết.  Có lẽ bài học đã đến một đoạn sử hào hùng của đất nước mà tôi đang sống.  Những cái vung tay lên của ông kèm theo những câu nói lịch sử; khiến ông ta có đầy đủ đường nét của một anh hùng làm nên lịch sử.  Mày còn nhớ ông thầy dạy Sử của mình ngày xưa không H?  Vâng, tao nhớ.  Mà kỳ lắm T ơi.  Người thầy dạy Sử của mình hồi đó vóc dáng không bệ vệ, uy nghiêm bằng ông này.  Giọng nói có lẽ không lưu loát sống động bằng.  Ông ta có vóc dáng của một kẻ sĩ da vàng thất chí.  Tấn vi quan thối vi sư.  Dệt  mộng không thành, ông quay về dạy Sử, đặt hoài bão của một thời đấu tranh lên vai đàn trẻ.  Tao nghĩ mà thương thầy tao quá, vì tao cảm thông dễ dàng với thầy tao, vì thầy tao đã dạy cho tao tên những vị anh hùng mà khi đọc ra tao không cần phải nín hơi, uốn lưỡi.  Vì khi giảng về những kiêu hãnh của dân tộc, mắt thầy trò chúng tao cùng sáng lên một ánh sáng: thứ ánh sáng trầm hùng của đêm Chí Linh luyện kiếm, thứ ánh sáng huy hoàng của đêm Thăng Long dựng cờ mùng 5 Tết với Quang Trung Nguyễn Huệ.  Tao thương những bài Sử ký ngày xưa của chúng mình.  Những bài học lịch sử có tiếng hát Bạch Đằng, có tiếng quân reo thoang thoảng như lời Bình Ngô Đại Cáo.  Những bài học mà thầy và trò, kẻ giảng và người nghe, có chung niềm đau, chung nổi hận, chung vinh quang và chung nhục…

Và trong giờ Sử ngày hôm ấy, hai đứa học trò tị nạn mãi miết ngồi thì thầm với nhau.  Chúng nó đã phạm lỗi đối với thầy nó, một lỗi rất là…học trò.  Lơ đãng trong lớp khi nghe thầy giảng bài, nhưng chắc vị giáo sư History hôm ấy, cũng sẽ sẳn sang tha thứ khi nghe chúng nó thì thầm như thế này: “Thưa thầy, chúng con xin lỗi thầy.  Con đã không làm tròn bổn phận học trò trong lớp học.  Con đã không theo kịp bài học hôm nay, đã không rung động, không cảm thông được với điều mà thầy muốn con hiểu.  Dù biết rằng mai này con có thể học bài, học như một con két, để có thể get “A” khi thầy ra test, nhưng con vẫn thấy có lỗi với thầy, với cái tận tâm mà thầy đã dành cho chúng con trong lớp học.  Nhưng thưa thầy, biết làm sao được, khi con chỉ là tên học trò…vong quốc.”

An Di