Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Học Lịch Sử



Những Giờ Học Sử Trong Đời Tên Học Trò Vong Quốc 

Không gian bây giờ là phấn trắng, bảng đen.  Những người bạn học, to lớn, ngây ngô.  Khoảng cách rõ rệt nhất giữa họ và tôi, có lẽ là mầu da, mầu mắt.  Lớp học, có đầy đủ tiện nghi của một xứ sở mà ngân sách giáo dục hàng năm không bị cắt giảm vì ngân sách quốc phòng thiếu hụt, mà sách vở bán đắt hơn thức ăn và vũ khí.

Tôi ngồi đó, lạc lõng, cô độc.  Vài học trò cũng tị nạn như tôi, đang chăm chỉ nghe giảng.  Người thầy dạy Sử chững chạc trong bộ âu phục đúng thời trang, đang trổ hết khả năng hùng biện, trước đám học trò hồn nhiên, vui vẻ.  Một vài dáng điệu rất “politician” của ông ta khi đứng trước đám đông làm bài học đỡ tẽ nhạt.

Bài học đang nói về cuộc chinh phục Châu Mỹ của những người đi trước.  Những anh hùng “hợp chủng” đã đến đây, đã biến đổi cái man rợ, cái ngu tối của những thổ dân da mầu, thành văn minh, thành ánh sáng, thành một vùng đất đầy sửa và thịt.  Vùng đất đang phù sinh chúng tôi, những học trò da màu đến từ một Á Châu buồn, một Việt Nam tang tóc.

Mày đang nghĩ gì, H.  Tên bạn quay sang hỏi khi thấy cặp mắt “lờ đờ” của tôi.  Mày nhớ không, T, sáu năm rồi, mình mới cầm lại sách vở, làm bạn với cái không khí có bảng đen, phấn trắng.  Mười năm trước, mình vào đại học.  Những bước chân tung tăng, không mặc cảm, không nghi ngại.  Tôi chìm vào ký ức.  Những cảm xúc của thuở đầu đời, trên một quê hương vẫn bằng bặc trong trí nhớ.  Những hạnh phúc đã mất…Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha, cho đến bao giờ tái sinh cho người…Nét nhạc Cung Tiến, bỗng dưng làm choáng ngợp hồn tôi.  Một phần đời, đã có và đã xa…

Hạnh phúc nào còn lại cho chúng tôi, bây giờ, khi sách vở và bút nghiên đã một lần xếp lại, vì những trầm luân của thế hệ, những tai biến của quê hương.  Tôi đang ngồi học Sử.  Sử của một đất nước không cưu mang tôi, nhưng đang dự phần dung dưỡng.  Ngày xưa tôi đã học Sử, Sử nước tôi.  Tôi còn nhớ thầy dạy Sử của tôi đã nói “Các em học Sử, học những tủi nhục của quê hương để biết nghẹn ngào, học cái quang vinh của cha anh để ngẩng đầu mà đứng, vững bước mà đi.  Thầy mong rằng, chính các em sẽ là những người làm lịch sử sau này.”

Thế rồi, lịch sử đi qua đời tôi; Bố tôi cầm tầm vông đánh Tây, anh tôi cầm súng đuổi Nga nô, Tàu dịch.  Và đến chúng tôi, oan nghiệt nào đã đẩy khỏi tầm tay chúng tôi cái hoài bão của cha anh giao phó.  Chúng tôi mất trường, mất lớp, mất tình yêu học trò, mất giảng đường khuôn viên có cây dài bóng mát.  Chúng tôi bị đẩy vào những trầm luân của cuộc đời, chia xẻ với nhau những tủi nhục của một thời gia vong, quốc phá.  “Quốc phá, gia vong”, ngày xưa thầy đã dạy con, Bố đã dạy con.  Nước mất, nhà tan.  Chúng con bây giờ thấm thía cảnh ngộ đó.  Thấm thía cái thân phận bi thảm của một giống nòi bị thiêng liêng nguyền rủa.  Giống Do Thái da vàng của thế kỷ 20.  Thấm thía hai cảnh đời mà con đã và đang sống.

Một cảnh đời, có trẻ thơ bỏ dần những trò chơi tuổi nhỏ, bỏ chú Cuội, cây đa.  Khoác vào người chiếc khăn quàng màu đỏ.  Màu khăn chất chứa oan khiên của dân tộc.  Em con phải học biết hận thù giai cấp, biết quên dần đi công cha, nghĩa mẹ.  Một cảnh đời khác, em con lớn lên, không bằng những lời ru ca dao dịu hiền của mẹ, bằng hạt gạo thơm nồng mồ hôi lao động của cha, mà bằng sữa thơm, thịt béo, bằng những chiếc nôi tối tân của nhà babysit.  Để rồi, khi cắp sách đến trường, em con sẽ ngơ ngác mà hỏi rằng “Sao mắt con không xanh, tóc con không vàng như bạn con, hở mẹ?”

Vị giáo sư vẫn giảng, có vẻ tha thiết.  Có lẽ bài học đã đến một đoạn sử hào hùng của đất nước mà tôi đang sống.  Những cái vung tay lên của ông kèm theo những câu nói lịch sử; khiến ông ta có đầy đủ đường nét của một anh hùng làm nên lịch sử.  Mày còn nhớ ông thầy dạy Sử của mình ngày xưa không H?  Vâng, tao nhớ.  Mà kỳ lắm T ơi.  Người thầy dạy Sử của mình hồi đó vóc dáng không bệ vệ, uy nghiêm bằng ông này.  Giọng nói có lẽ không lưu loát sống động bằng.  Ông ta có vóc dáng của một kẻ sĩ da vàng thất chí.  Tấn vi quan thối vi sư.  Dệt  mộng không thành, ông quay về dạy Sử, đặt hoài bão của một thời đấu tranh lên vai đàn trẻ.  Tao nghĩ mà thương thầy tao quá, vì tao cảm thông dễ dàng với thầy tao, vì thầy tao đã dạy cho tao tên những vị anh hùng mà khi đọc ra tao không cần phải nín hơi, uốn lưỡi.  Vì khi giảng về những kiêu hãnh của dân tộc, mắt thầy trò chúng tao cùng sáng lên một ánh sáng: thứ ánh sáng trầm hùng của đêm Chí Linh luyện kiếm, thứ ánh sáng huy hoàng của đêm Thăng Long dựng cờ mùng 5 Tết với Quang Trung Nguyễn Huệ.  Tao thương những bài Sử ký ngày xưa của chúng mình.  Những bài học lịch sử có tiếng hát Bạch Đằng, có tiếng quân reo thoang thoảng như lời Bình Ngô Đại Cáo.  Những bài học mà thầy và trò, kẻ giảng và người nghe, có chung niềm đau, chung nổi hận, chung vinh quang và chung nhục…

Và trong giờ Sử ngày hôm ấy, hai đứa học trò tị nạn mãi miết ngồi thì thầm với nhau.  Chúng nó đã phạm lỗi đối với thầy nó, một lỗi rất là…học trò.  Lơ đãng trong lớp khi nghe thầy giảng bài, nhưng chắc vị giáo sư History hôm ấy, cũng sẽ sẳn sang tha thứ khi nghe chúng nó thì thầm như thế này: “Thưa thầy, chúng con xin lỗi thầy.  Con đã không làm tròn bổn phận học trò trong lớp học.  Con đã không theo kịp bài học hôm nay, đã không rung động, không cảm thông được với điều mà thầy muốn con hiểu.  Dù biết rằng mai này con có thể học bài, học như một con két, để có thể get “A” khi thầy ra test, nhưng con vẫn thấy có lỗi với thầy, với cái tận tâm mà thầy đã dành cho chúng con trong lớp học.  Nhưng thưa thầy, biết làm sao được, khi con chỉ là tên học trò…vong quốc.”

An Di  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét