Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Hòn Vọng Phu

“Hòn Vọng Phu” và nhạc sĩ Lê Thương


Nàng Tô Thị  trên núi Vọng Phu - Đồng Đăng  (tỉnh Lạng Sơn)

“Hòn Vọng Phu” là tên gọi những tảng đá có hình dáng một thiếu phụ bồng con chờ chồng
trên đỉnh núi hoặc nơi ghềnh đá ven biển. Người ta cũng gọi “núi vọng phu” là núi có “Hòn
Vọng Phu”. Sự tích nguyên thủy “Hòn Vọng Phu” mang một nội dung thê thảm, trái oan về
một mối tình “loạn luân”:

Tuy nhiên, bản trường ca nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Thương cũng có tên là “Hòn Vọng Phu”
nhưng lại chứa đựng  một nội dung khác, tích cực hơn, diễn tả cảnh một thiếu phụ có chồng
đi lính đánh giặc phương xa…Nàng chinh phụ vẫn một lòng chung thủy, ôm con chờ chồng,
mòn mỏi tháng năm cho tới khi hóa đá…

Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam có hòn “Vọng Phu”,  như: “Nàng Tô Thị” trên núi Vọng
Phu ở Lạng Sơn, Núi Vọng Phu thuộc dãy núi Bà ở Bình Ðịnh, Núi Vọng Phu ở Thanh Hóa,
Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuy Hòa, Khánh Hòa, Daclac … Tại các nước Á Châu
như Trung Hoa, Nam Dương cũng có “Núi Vọng Phu”.
Nàng Tô Thị tại Lạng Sơn, trên núi Vọng Phu, gần động Tam Thanh đã được Ca Dao nhắc
tới:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”
Truyền thuyết cho rằng chồng của nàng Tô Thị ở Lạng Sơn đã đi lính đánh giặc phương
Bắc xâm lược mãi không về, khiến nàng ôm con lên núi ngóng trông năm này sang năm
khác, giữ tiết trung trinh rồi hóa đá.


Nàng Tô Thị

Bồng con mòn mỏi dõi chân mây
Đăm đắm chờ chồng, trận gió lay
Thương nhớ ngóng trông, vầng tóc bạc
Khát khao mong đợi, tấm thân gầy
Đầu sông đối bóng, ôi sầu thế
Góc núi soi mình, đau đớn thay!
Hóa đá nghìn năm nàng vẫn đợi
Chàng đi thăm thẳm có về đây?

(Vương Sinh)

Sự tích  thương tâm về “Hòn Vọng Phu” ở Bình Định , được kể như sau:” Xưa có hai anh em
ruột,  lúc còn nhỏ chơi đùa, người anh lỡ tay ném đá trúng đầu em gái máu ra lênh láng và
ngã xuống, ngất đi. Người anh sợ quá bỏ trốn. Sau lớn lên, hai người gặp nhau mà không
biết là anh em. Họ lấy nhau và sinh được một bé gái. Một hôm người chồng phát hiện trên
đầu vợ có vết sẹo lớn, bèn gạn hỏi và biết đó là em gái mình. Chàng đau khổ vì lỡ phạm tội
loạn luân. Sau đó, chàng âm thầm bỏ đi mà không nói gì. Người vợ không biết chồng đi đâu,
ngày ngày lên núi ngóng trông, lâu rồi hóa thành đá…”


Sự tích Hòn Vọng Phu
(núi Bà Bình Định)Ôm con , hóa đá chờ chồng
Đâu hay tan nát cõi lòng người đi…

Xưa hai anh em nhà kia
Chẳng may tai nạn, chia ly đôi bờ
Lớn lên, gặp lại nào ngờ
Tình duyên oan nghiệt, tóc tơ vợ chồng

Ngắm nàng chải tóc soi gương
Bỗng chàng nhìn thấy vết thương trên đầu
Hỏi ra…ruột sót như bào
Vợ yêu: em gái - lẽ nào thế gian…?!

Bỏ đi, chàng khổ vô vàn
Nàng ôm con đợi, đoạn tràng có hay?
Hòn Vọng Phu – Núi Bà đây
Tích xưa Bình Định, kể hoài vẫn thương…!

(Vương Sinh)

Câu chuyện thương tâm kể trên, có thể  không phải là nguồn cảm hứng của nhạc sĩ  Lê
Thương khi ông  sáng tác  bản trường ca “Hòn vọng Phu”.
Thực vậy, trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương gồm 3 phần:


- Phần 1:  Nói về đoàn quân hùng dũng ra sa trường đánh giặc theo lệnh vua và theo nhịp
trống dồn. Chồng nàng “Chinh phụ vọng phu” cũng ở trong đoàn quân, muốn  nhắn nhủ:.

“Nàng về nuôi cái cùng con”
“Để anh trảy hội nước non Cao Bằng.” (Ca Dao)

Đúng vậy, khi giặc Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi nước Nam thì hàng hàng lớp lơp trai
tráng nô nức lên đường đánh giặc. Ca dao gọi đó là ngày “trảy hội”, Quang Dũng coi đó là
ngày vui: “Buông tay gầu vui lại thuở  bình Mông”…Phụ nữ nước Nam, nếu không bận bịu
con thơ mẹ già, chắc cũng sẽ lên đường cùng chồng đánh giặc: ” Giặc đến nhà , đàn bà
phải đánh”, theo gương Trưng, Triệu thuở xưa. Rất tiếc, nàng chinh phụ có thể bận bịu con
thơ, nên năm tháng chờ chồng lâu quá hóa thành đá. Hình ảnh “ hóa đá” không mang nghĩa
đen như một huyền thoại truyền thuyết, mà theo nghĩa bóng diễn tả tấm lòng chung thủy
của người chinh phụ không có gì lay chuyển nổi, mãi mãi  “trơ trơ như đá, vững như đồng”.
Chao ôi, tấm lòng trung trinh tiết liệt của người phụ nữ Việt Nam mới cao cả làm sao!:

“Phụ nữ Việt Nam trung trinh, tiết hạnh”
“Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thom”
“Ra ngoài giúp nước, giúp non”
“Về nhà tận tụy chồng con một lòng.” (VS)

http://www.hungsuviet.us/lichsu/HonVongPhu1.html

- Phần 2:  Nội dung bản nhạc nói về tình cảnh chinh phụ ngày ngày ôm con lên núi ngóng
tin chồng. Tấm lòng chung thủy của nàng “Vọng Phu” nào có khác gì tâm sự  của nàng
“chinh phụ” trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm? Nghe
cũng  ai oán,  nỉ non khiến đất trời, cỏ cây hoa lá, núi sông và chim chóc đều thông cảm,
kéo nhau đến chia sẻ với nàng, xem chàng về  hay chưa?
“Có ai suôi vạn lý… nhắn đôi câu giúp nàng …nhắn rằng nàng vẫn đợi… cỏ cây, sông núi
muốn khuyên nàng đừng ngóng trông nữa, nhưng nàng vẫn  kiên nhẫn đợi chờ… cho dù
hóa thành đá…vẫn trông chờ từ ngàn năm này tới ngàn năm sau…
“Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn”
“Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”

http://www.hungsuviet.us/lichsu/HonVongPhu2.html

- Phần 3: Chinh phu thắng trận trở về, qua đồi núi chập trùng, đền đài, lăng miếu nhưng
nàng “chinh phụ” không còn nữa. Nàng  đã hóa đá, ôm con trên đỉnh núi, thành hòn “Vọng
Phu” …

http://www.hungsuviet.us/lichsu/HonVongPhu3.html

Được biết, nhạc sĩ Lê Thương sáng tác “Hòn Vọng Phu” tại Bến Tre, một tỉnh tại miền Nam
Việt Nam trong khoảng 1945- 1947, là thời kỳ chiến tranh chống Pháp dành độc lập bùng
nổ, sau hơn 60 năm Việt Nam bị Pháp đô hộ. Thời buổi chiến chinh nào cũng vậy, những
chàng trai ra đi “mấy khi mà trở lại”, để người vợ trông đợi mòn mỏi, “hóa đá” chờ mong.
Hiện tượng “hóa đá” tức là hiện tượng “hóa thạch” trong thiên nhiên, nghĩa là cần một thời
rất lâu dài. Lê Thương đã tạo cho bài hát một lý tưởng, đáp ứng nhu cầu của những chiến
sĩ ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ giang sơn, cũng như vinh danh những người vợ lính tại
hậu phương. Nhạc sĩ Lê Thương đã bỏ qua tình tiết của truyền thuyết rất thương tâm về hai
anh em lấy lầm phải nhau, mà khai thác triệt để ý nghĩa về sự tích nàng Tô Thị  trên núi Hòn
Vọng Phu gần sông Kỳ Cùng, động Tam Thanh ở Lạng Sơn. Nàng Tô Thị đầu hướng vê
phía bắc, lưng quay lại phía nam. Cũng vì thế, trong 3 phần lời  nhạc của bản trường ca
“Hòn Vọng Phu”,  ta chỉ thấy hình ảnh “chinh phụ” và “chinh phu” mà không hề thấy chuyện
buồn đứt ruột về hai anh em trong truyền thuyết “Hòn Vọng Phu” tại núi Bà Bình Định.
Theo tài liệu trên Wikipedia, nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng
1 năm 1914 tại phố Hàm Long Hà Nội.  Năm 1935, ông dạy học tại Hà Nội và Hải Phòng,
cùng các nhạc sĩ Canh Thân, Tô Vũ, Hoàng Quý… lập nhóm sáng tác và phụ diễn cho ban
kịch của Thế Lữ. Năm 1941, ông vào Nam, ở tại Bến Tre và Sài Gòn, làm nghề  dạy học
(môn sử địa) tại Trung học Petrus Ký và nhiều trường khác. Ông cũng làm việc tại Bộ Quốc
Gia Giáo Dục thời Việt Nam cộng Hòa. Năm 1951, ông bị Pháp bắt cùng với nhạc sĩ Phạm
Duy và Trần Văn Trạch vì có tinh thần yêu nước. Những bản nhạc của ông được coi là
những tác phẩm tiền phong phối hợp âm tiết Tây phương với nhạc ngũ cung của Việt Nam.
Ông sáng tác rất nhiều , nổi tiếng nhất là trường ca Hòn Vọng Phu (3 bài ), Thằng Cuội,
Học Sinh Hanh Khúc, Truyền Kỳ Việt Sử…

Nhạc sĩ Lê Thương lập gia đình và có 9 người con. Sau 1975, ông ngưng sáng tác và mất
tại Sài Gòn năm 1996.

“Hòn Vọng Phu” là hình ảnh một người vợ bồng con chờ chồng trở về, với tấm lòng trung
trinh tiết liệt, dù cho có hóa thành đá, nàng vẫn đợi vẫn chờ. Trong dân gian câu truyện về
“Vọng Phu” có nhiều tình tiết éo le, đôi khi pha trộn cả tích Tàu (như tích Nguyệt Lão Se
Tơ). Tuy nhiên , đối với nhạc sĩ Lê Thương, một nghệ sĩ có tinh thần yêu nước và tâm hồn
trong sáng luôn hướng về tương lai  “mầm non dân tộc”, ông đã lấy cảm hứng từ tâm trạng
nhớ mong của người chinh phụ, chờ chồng đi lính đánh giặc ở phương xa. Đó là nỗi niềm
đau xót của người nghệ sĩ đứng trước cuộc chiến kéo dài trên quê hương Việt Nam đau
khổ. Ta có  thể tạm kết luận “Hòn Vọng Phu” trong bản Trường Ca của nhạc sĩ Lê Thương
mang hình ảnh của nàng Tô Thị ở Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, hướng về ải Nam Quan đăm
đắm chờ chồng đi lính đánh giặc giũ gìn biên ải.  Hình ảnh này chắc chắn sẽ làm nức lòng
những chiến sĩ ra đi chiến đấu giữ nước giữ bờ, hứa hẹn ngày về vinh quang, lưu danh
muôn thuở, vì “nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống”, sống mãi trong lòng dân tộc.  


Song Thuận



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét