Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Thờ Cúng Tổ Tiên



Ý nghĩa cúng Tổ Tiên chiều 30 Tết
Phong tục Việt Nam xưa và nay đều gìn giữ truyền thống “cúng Ông Bà” hay “cúng Tổ Tiên”  vào buổi chiều cuối năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết), để tưởng nhớ công ơn và kính mời Tổ Tiên về ăn Tết với con cháu. Bữa cúng lễ này là dịp xum họp gia đình, nên dù làm ăn nơi xa, con cháu đều tìm về đoàn tụ.
Thờ cúng Tổ Tiên là một tập tục lâu đời, có lẽ từ thời Hùng Vương thứ ba vì khi vua Hùng truyền ngôi cho Lang Liệu, đã công nhận bánh chưng, bánh dày dẻo ngon và tinh khiết, để  “dâng cúng Tiên Vương”  (Lĩnh Nam Chích Quái - Trần Thế Pháp). Thờ cúng Tổ Tiên không phải là một Tôn Giáo vì không có một tổ chức “Giáo hội”, “Giáo Chủ” như các Tôn Giáo khác,  nhưng một số người Việt tự nhận mình theo “Đạo Ông Bà”.  Như vậy chữ “Đạo” ở đây không mang hình thức Đạo giáo nhưng ý nghĩa thật tốt đẹp, đó là : “đường ngay, lẽ phải”.
Mỗi gia đình Việt Nam đều có một bàn thờ Tổ Tiên còn gọi là bàn thờ ông bà, ông  vải hay bàn thờ Gia Tiên.  Bàn thờ Tổ Tiên thường cao hơn một cái bàn thường dùng trong nhà và hẹp hơn, đôi  khi được được chạm trổ  tinh vi và sơn son thiếp vàng. Bàn thờ Tổ Tiên phải được đặt tại một vị trí trang trọng nhất, như ở giữa phòng khách và thường quay về phía một cánh cửa mở ra phía ngoài.
Trên bàn thờ Tổ Tiên xưa có “Khám thờ” đặt ngang tầm mắt và “Ngai thờ” cao ngang ngực (nay nhiều nhà đã bỏ). Trên bàn thờ bày đồ thờ tự: “bộ ba” (tam sự) gồm 2 chân nến bắng đồng và bát nhang ở giữa; đồ thờ bộ năm (ngũ sự) thêm bình hoa (đặt sau chân nến bên trái) và mâm ngũ quả (đặt sau chân nến bên phải) và bộ bảy (thất sự) thêm Đỉnh Hương bằng đồng (Đỉnh Đồng) đặt giữa 2 chân nến, bát nhang phía trước và đèn “Thái Cực” (phải luôn thắp sáng) đặt sau Đỉnh Hương. Ở hải ngoại thay đèn bằng bóng điện hoặc bỏ đi.  
Bày lễ vật trên bàn thờ gọi là bày cỗ cúng (đôi khi chỉ có hương hoa, trái cây). Cỗ mặn gồm nhiều món ăn đặc biệt ngày Tết. Bàn thờ Tổ Tiên được trang trí và lau chùi sạch sẽ. Trên bàn thờ  bao giờ cũng có bánh chưng và 3 chén rượu nhỏ hoặc 3 chén nước lạnh (xưa có thêm đĩa trầu cau, bánh dày). Thắp hương (thường là  hương vòng) và để đèn thắp sáng 3 ngày Tết cho tới khi “hóa vàng”.
Trước hôm hóa vàng, mỗi ngày gia chủ  đều bày cỗ cúng.  Bày cỗ cúng phải “khấn” vì đó là lời cầu khẩn, chào  mời Tổ  Tiên về ăn Tết với con cháu. Trước khi khấn, chủ nhà phải vái 3 vái. Khấn xong, lạy 4 lạy và thêm 3 vái gọi là 4 lễ rưỡi. Lời khấn cầu trình bày rõ về nơi chốn, tên con cháu làm lễ và tên Tổ Tiên, Ông Bà được cầu khẩn về ăn Tết. Sau cùng là tên các vị Tiền Nhân, Nội Ngoại về hưởng Tết.
Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt qua phong tục thờ tự và mời Tổ Tiên về ăn Tết,  Câu Lạc Bộ  Hùng Sử  Việt đã  tổ  chức  Lễ  thăm viếng Đài Tưởng Niệm anh hùng năm thứ hai.
Ngày nay dân tộc VN rất cần cung thỉnh anh linh những vị  chiến sĩ anh hùng, danh nhân danh tướng về ăn Tết với con cháu và chứng giám hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của dân tộc trước cảnh “thù trong giặc ngoài” và hiểm họa mất nước vào tay Bắc phương.
Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại với tấm lòng thành, thỉnh cầu anh linh những vị anh hùng dân tộc về hưởng Tết với con cháu và hiển linh tinh thần đánh đuổi giặc ngoại xâm để con cháu noi gương.
Song Thuận
CEO . CLB/Hùng Sử Việt California

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét