Ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, hiệp định đình chiến được ký kết và và nước Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải có cây cầu Hiền Lương thuộc tỉnh Quảng Trị làm điểm chia cắt.
Từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thủ đô là Hà Nội dưới sự cai trị của cộng sản. Từ vĩ tuyến 17 trở vào miền Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa tự do dân chủ có thủ đô là Sài Gòn với lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng.
Hơn một triệu người từ Miền Bắc đã di cư vào Miền Nam, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Họ đã sáng tác nhiều bài hát, bài thơ, bài văn ca ngợi nét đẹp của miền Nam tự do thanh bình, kể nỗi luyến tiếc khi xa miền Bắc cùng Hà Nội thân yêu. Những tác phẩm này có giá trị nghệ thuật và mặc dù thời thế thay đổi và thời gian mấy chục năm trôi qua nhưng hôm nay nghe và đọc lại, lòng vẫn thấy rung động.
Đầu tiên phải nhắc đến ca khúc Về Miền Nam của nhạc sĩ Trọng Khương, một bản nhạc đầy hi vọng, nét nhạc vui tươi hùng tráng. Lời ca như sau:
“Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước. Hướng về đây Miền Nam thân yêu nắng ấm. Theo bước chân người xưa, ta tiến lên đường đi. Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi. Sông nào cắt đứt đôi nơi, sông nào xé nát tim tôi, sông nào bóp chết thương yêu, Việt Nam ơi.
Đi về Miền Nam, miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng. Đi về Miền Nam, miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống.
Vang lừng khúc hát hoan ca, say đời sống ngát hương ca, ta cười đón gió phương Nam, Miền Nam ơi. Đây miền đất nước xinh tươi, đây miền nắng ấm reo vui, đây miền sống khắp muôn phương, Việt Nam ơi.”
Nhạc sĩ Anh Hoa có hai bản nhạc Hận Ly Hương và Trăng Phương Nam. Bản Hận Ly Hương tả nỗi đau khi phải lìa bỏ miền Bắc để vào miền Nam:
“Thu năm qua đoàn người đi xót xa. Mang tâm tư hận sầu vương thiết tha. Hôm nay đi nghe tiếng sóng rạt rào.Nghe tiếng gió nghẹn ngào, nhìn làn mây buồn trôi.
Xa quê hương một chiều khi viễn khơi. Bao tâm tư hẹn ngày vui khắp nơi. Thăng Long ơi không biết tới bao người. Đang sống với mong chờ , ngày vui về cố hương.”
Bản Trăng Phương Nam tả cảnh đẹp của Miền Nam nơi cả triệu người Miền Bắc di cư chọn làm quê hương mới :
“ Đây phương Nam đây ruộng Cà Mau no lành. Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh. Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh. Lúa về báo nhiều tin lành từ khắp quê cùng kinh thành.
Ai vô Nam ngơ ngẩn vì muôn câu hò. Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no. Trăng Phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long, nước chảy con thuyền xuôi dòng, vọng tiếng khoan hò ấm lòng.”
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Nhật Bằng viết bản Về Đây Anh với nét nhạc dịu dàng, lời ca đầm thắm:
“ Người ơi nước Nam của người Việt Nam. Vì đâu oán tranh để lòng nát tan. Đây Bến Hải là nơi ngăn cắt đôi tình. Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình.
Người về đây sống vui đời thắm tươi. Miền tự do đắp xây cho muôn đời. Nhịp cầu mến thương gieo vương ngàn nơi. Xuân thanh bình rộn ràng muôn lòng trai.”
Nhạc sĩ Lam Phương sinh trường tỉnh Kiên Giang thuộc Miền Nam, ông không nằm trong đoàn người di cư, nhưng với sự tưởng tượng phong phú của một nghệ sĩ, đã viết bản Chuyến Đó Vĩ Tuyến, một ca khúc đặc biệt trong dòng nhạc Lam Phương :
“Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu. Lênh đênh trên sóng nước mông mênh. Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng. Vượt rừng vượt núi đến đầu làng, đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến. Phương Nam ta sống trong thanh bình. Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.”
Lam Phương cũng có nhạc phẩm Nắng Đẹp Miền Nam điệu Bolero êm đềm, tả cảnh thanh bình no ấm của miền Nam tự do:
“ Đây trời bao la ánh nắng mai ghé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh. Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người vui hòa. Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi. Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi, mình ngắm nhau cười.
Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp Cà Mau. Ta người nông thôn quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu. Nhờ tình dân quân gây bao niềm thương ấm cúng non sông đón bình minh. Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh, rồi sống no lành.”
Nhạc sĩ Vũ Thành với bản Giấc Mơ Hồi Hương đầy cảm xúc nhớ về Hà Nội và mơ một ngày trở về quê cũ :
“ Lìa xa thành đô yêu dấu một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương vương sầu thương. Nhìn em mờ trong sương khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi đượm men cay đắng biệt ly. Rồi đây dù lạc ngàn nơi, ta hướng về chốn xa vời, tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai, nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi. Rồi đây dù lạc ngàn phương, ta hướng về chốn sa trường, cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương, để cùng say giấc mơ hồi hương.”
Vào Sài Gòn, nhìn mưa nơi này mà nhớ cơn mưa đất Bắc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt nhạc và thi sĩ Hoàng Anh Tuấn viết lời tạo thành ca khúc Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội dễ thương :
“ Mưa hoàng hôn trên thành phố buồn gió heo may vào hồn. Thoảng hương tóc em ngày qua. Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà. Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa. Thương màu áo ngà, thương tóc kiêu sa. Hiền ngoan thiết tha. Thơ ngây đôi má nhung hường, Hà Thành trước kia thường, thường về cùng lối đường...
Mưa còn rơi, ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời. Vang trời tiếng cười ấm niềm tin hồn người. Mây trắng vui tươi, tình quê ngút khơi, Tự Do phơi phới.”
Nhạc sĩ Anh Bằng với ca khúc Nỗi Lòng Người Đi tả tâm tình chàng trai rời xa Hà Nội và lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ người yêu một thời say đắm:
“ Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều. Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ, ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa.
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau, biết tìm về nơi đâu, ân ái trao nàng mấy câu. Thăng Long ơi năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời, ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi, Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui. Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi...”
Nhạc sĩ Văn Phụng viết nhạc phẩm Ghé Bến Sài Gòn ca ngợi vẻ đẹp của thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa :
“Cùng nhau đi tới Sài Gòn, cùng nhau đi tới Sài Gòn, thủ đô yêu dấu nước Nam tự do. Dừng chân trên bến Cộng Hòa, người Trung Nam Bắc một nhà, về đây chung sống hát khúc hoan ca.”
Về mặt văn chương, nhà văn Mai Thảo đã có đoản văn Đêm Giã Từ Hà Nội rất nổi tiếng, tả tâm tình của ông trước khi từ giã Hà Nội để vào miền Nam:
“ Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể, của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Sự đấu tranh cho tự do khởi thuỷ ngay cả ở chỗ ấy, nơi con người phải đấu tranh quyết liệt với chính mình, chịu đựng những mất mát, lìa bỏ ruộng đất, phố phường, để đến những miền tự do. Sau Thu, rồi còn hàng ngàn người như Thu, cũng chiến thắng được hoàn cảnh, cũng sẽ lên đường. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về.
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội.
Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai.”
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ với bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dài khoảng hai ngàn trang chia làm nhiều tập mà tập 2 có tên là Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến mở đầu có những dòng chữ như sau :
“Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người. (Ôi, còn được sống trong tình người, nàng thách thức mọi gian lao!). Rồi khi nhìn những ruộng lúa con gái lấp lánh nưóc, những cánh cào cào xanh đỏ xòe bay. Miên dám tưởng tượng đến một tương lai không xa xôi gì, nàng ngồi đan áo dưới ánh đèn, nhìn ra bên ngoài là con đường hun hút về miền xa tít nào, nhìn vào giường trong là có… Kha nằm đọc sách, Miên mường tưởng tượng đến mâm cơm đơn giản nhưng ngon lành do tay nàng sửa soạn, đến bộ chén tách sạch bóng nàng bày trên bàn trà…”
Sáu mươi mốt năm đã trôi qua kể từ ngày 20-7-1954, ngày chia đôi đất nước Việt Nam và cũng là ngày đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người từ miền Bắc vào Miền Nam, nơi quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ân cần đón tiếp họ và tạo mọi điều dễ dàng để họ hòa nhập vào xứ sở mới và nhiều người trong số này đã giữ những vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản chiếm Miền Nam và hàng triệu người Việt Nam tị nạn cộng sản, lang thang khắp thế giới.
Những tác phẩm ca nhạc, văn chương từ nỗi sầu chia cắt của hiệp định Geneva 20-7-1954 vẫn được người tị nạn mang theo và vẫn tiếp tục hát, tiếp tục phổ biến ở hải ngoại cho đến hôm nay, với một lý do duy nhất: những tác phẩm này là kỷ niệm một thời, ca ngợi tự do dân chủ, ước mơ thanh bình no ấm cho dân tộc Việt Nam và và có giá trị nghệ thuật để còn mãi qua dòng năm tháng.
Trần Chí Phúc / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét