Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Tháng Tư Còn Đó Nỗi Buồn


Đang giữa Tháng Bảy mà nói chuyện Tháng Tư là không thuận với cảnh.
Bầu trời Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn chiều cuối tuần thật đẹp. Nắng dịu và gió nhẹ, đủ sức an tâm cho những người khách cao niên trên đường đến dự buổi giới thiệu tác phẩm Black April của tác giả George J. Veith, được tổ chức tại trụ sở Hội Người Việt.

Black April ! Lại Tháng Tư Đen giữa lòng Tháng Bảy! Vậy mà cũng thuận lòng người hoan hỉ đón nhận. Có phải mảng quá khứ đau thương của vận nước cưu mang giữa lòng người dân Việt chẳng thể nào dứt khỏi cuộc đời chính họ đã trải qua từ ngưỡng cửa tử thần, đến cửa những trại giam và nông trường lao động khổ sai?
Không! Không thể nào hằng triệu người dân Việt còn trong nước hay đang lưu vong quên được Tháng Tư Đen tàn khốc đó! Tháng Tư của máu và nước mắt, khi sinh mệnh của đất nước và con người bị bứt tử. Bốn mươi năm đã qua, nhưng tiếng gào thét của sự bức tử còn âm vọng mãi mãi trong tâm trí mọi người. Vết thương tâm linh luôn rướm máu, máu của chính mình, của đồng đội, của đồng bào ruột thịt miền nam Việt Nam.

Black April của Veith là tập hợp những nguồn máu đó chảy râm ran qua suốt tháng năm dưới hóa thân những giòng lệ đỏ!
Nếu những trang sử của Việt Nam Cộng Hòa được ghép bởi những di ngôn uất hận. Đời con cháu sau này sẽ hiểu được tinh thần của những chiến binh chiến đấu bảo vệ tự do và dân chủ cho một dân tộc đáng được trân quí như thế nào. Và cũng đáng được truy nguyên những chiến công của họ.

Mỗi đánh giá về từng đoạn đường của lịch sử một dân tộc, cũng giống như sự đánh giá từng tác phẩm viết về dòng lịch sử đó, cần được phát biểu bằng ngôn ngữ của con tim chân chính được nuôi lớn bởi nguồn sống nhân bản . Mọi chất liệu đấu tranh chống cái ác được phơi bày dưới ánh sáng mặt trời luôn là hiện thực .
Black April là một sân phơi những chất liệu đó . Qua sóng gió cuộc đời, qua trầm thăng thế cuộc, những chất liệu trung thực này sẽ được đặt trong bảo tàng lương tâm của nhân loại. Mọi tham vọng và ý đồ khuynh đảo quốc gia sẽ phải trả giá bởi chính lương tâm của họ.

Trở lại với buổi giới thiệu tác phẩm Black April, tại hội trường của Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn, chiều Chúa Nhật 12 tháng 7 năm 2014. Cảm nhận của tôi đầy những bồi hồi . Bồi hồi qua các giải trình từ tác giả và các diễn giả về nội dung những chương quân sử của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào những năm cuối của cuộc chiến đầy những ấn tượng bi thương!

Bồi hồi vì sự cảm Kích tinh thần chiến đấu của một tập thể quân đội chỉ biết tiến chứ không lùi bước trước kẻ thù cọng sản xâm lăng. Bồi hồi vì được gặp lại vài vị chỉ huy từ tham mưu đến chiến trường, mà qua những năm quân vụ tôi đã có dịp diện kiến và phục lệnh. Bây giờ tôi được gọi những cấp chỉ huy này là niên trưởng.
Đặc biệt, với Trung Tướng Lữ Lan, một thời là Tư Lệnh Quân Đoàn II, nơi tôi đã phục vụ lâu nhất và có nhiều kỷ niệm nhất trong suốt thời gian binh nghiệp. Hôm nay được nhìn ông còn sức khỏe khang trang, tôi rất vui. Vui cả những đoạn phim thời sự của thập niên 60 nơi vùng cao nguyên đầy lửa đang khởi hiện trong tiềm thức tôi. Những đoạn phim hùng tráng với những trận thư hùng oanh liệt của những đơn vị dưới quyền ông đối lực với quân đội cọng sản Bắc Việt trên khắp lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật.

Những thước phim tài liệu về quân sử Quân Đoàn II/QL. VNCH mãi còn đó . Những quyển sách như Tháng Tư Đen của George J. Veith mãi còn đó. Như những dấu tích đau thương mãi còn đó trong tâm khảm mỗi người dân miền nam Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh bảo vệ quốc gia, chống lại sự xâm lăng của tập đoàn quân cộng sản Việt Nam và các thế lực đồng lõa.
Người viết sử đừng bao giờ nói dối
Trước trăm nghìn câu hỏi của hồn oan!
Tôi đã viết những lời thơ như vậy, để cảnh tỉnh những người mon men vào con đường viết sử với những xảo ngôn, vong bản và xu thời. Khỏi phải ân hận trối trăn khi cuộc đời đi vào cõi đất!
Sau khi chấm dứt phần giải trình về tác phẩm Black April. Tôi đến mở lời chào niên trưởng Lữ Lan với vài gợi nhớ, ông niên trưởng Lữ Lan và tôi bắt tay với nụ cười thân mến trao nhau cùng những câu tâm tình huynh đệ chi binh.
Do yêu cầu, tôi có một tấm hình lưu niệm với ông niên trưởng được thực hiện bởi chính ái nữ của ông – Lữ Anh Thư. Đúng là Lữ Anh Thư, một cái tên mà nhiều người biết đến qua các chương trình Lịch Sử và Xã Hội Học tại các trường học Miền Đông Hoa Kỳ .

Tiếp sau sự diện kiến thân tình với niên trưởng Lữ Lan, tôi đến làm quen với một người Mỹ, ông Merle L. Pribbenow – người bạn đồng hành với Veith - tác giả Black April. Merle nói thông thạo tiếng Việt, nên lời mở đầu của tôi được đón nhận với lòng cởi mở. Tôi cảm ơn Merle về sự thấu hiểu tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam suốt hai mươi năm chiến đấu chống giặc bắc phương . Lời cảm ơn đơn giản với sự cảm thông lẫn nhau, được ghi nhận qua tấm hình chụp chung với nụ cười chưa thỏa của tôi và cái mím môi của Merle.

Trong dịp này, tôi gởi tặng Lữ Anh Thư, Veith và Merle tập thơ Thao Thức của tôi, với ý muốn được gởi chút tâm tư của một trong hằng triệu chiến binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa có mặt trong Tháng Tư Đen. Và hơn thế, là sự mong cầu tâm tư thao thức được thẩm thấu vào tấm lòng tuổi trẻ Việt Mỹ có lưu tình tri thức Việt Nam.
Nhân đây, xin được cảm ơn giáo sư Nguyễn Ngọc Bich, chị Trương Anh Thụy của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông. Cảm ơn quí vị trong ban tổ chức đã thực hiện cuộc hội ngộ khó quên với cả chữ nghĩa và nhân vật trên những trang sử liệu và trong buổi giới thiệu Black April – The Fall Of South VietNam!

Trân trọng,

Cao Nguyên
Washington.DC – July 12, 2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét