Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Mộng Xuân


Mộng Xuân
Bài Mộng Xuân bằng chữ Nôm 
Chuyển sang Quốc Ngữ:
Thử toán đời người được mấy gang
Mộng xuân một khắc đáng ngàn vàng
Mê man Trang tử hồn hồ điệp
Say tỉnh Dương phi giấc hải đường
Phú quý dường bao cơn chớp mắt
Phong lưu được mấy quãng đêm trường
Thế gian lắm kẻ dư tiền bạc
Ta đố mua sao được một trường.
Tâm sự khi xuân về của một nhà thơ Việt Nam tài danh hậu bán thế kỷ XIX được ghi lại bằng hai thứ văn tự, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Mộng xuân, một bài thơ trữ tình, tác giả chán thế sự, nản nhân tình, quay về với mộng, đánh dấu tâm trạng bi quan của giới sĩ phu Việt Nam khi quốc biến gia vong kể từ lúc Lục tỉnh miền Nam lọt vào tay người Pháp (1862-67), không bao lâu thành Hà nội hai lần thất thủ (1873-1882), rồi Hiệp ước Patenôtre ra đời (1884) và kinh thành Huế chìm trong khói lửa (1885).
Hai hình thức văn tự của một bài thơ ghi dấu một thành tựu khả quan trên tiến trình vô cùng quý báu của tiền nhân chúng ta, thực hiện nỗ lực Việt-hóa chữ Hán cũng như mẫu tự La tinh.
Khi chưa tiếp xúc với Tây phương chúng ta đã có văn tự riêng là chữ Nôm, độc lập hẳn với chữ Hán của phương Bắc. Tới lúc Âu-Á giao thoa, tiền nhân lại thích ứng rất mau, chấp nhận và cải biến chữ Quốc ngữ trước chỉ dùng trong phạm vi truyền giáo, thành công cụ truyền thông và học thuật cho quốc gia. Hậu thế tự hào với di sản quý báu, chữ Nôm cũng như chữ Quốc ngữ vĩnh viễn coi là văn tự của nòi Việt. Trí thức người Hoa không thể đọc được chữ Nôm cho dù nó được ghép bởi nhiều thành phần Hán tự. Tương tự, giới khoa bảng Âu Mỹ muốn đọc chữ Quốc ngữ cũng phải ghép vần theo cách phát âm của người Việt.
Trở lại giấc Mộng xuân khi mùa hoa trở về và thử tìm hiểu nỗi lòng u uẩn của tác giả buổi giao thời cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Nhưng đó là tâm sự của nhà thơ nào thế?
Tác giả là Ông Vua Thơ Nôm Trần Tế Xương. Xưa nay chúng ta thường nghe nói nhà thơ Non Côi Sông Vị là cây bút trào phúng xuất sắc nên đôi khi bỏ sót không để ý tới nguồn cảm hoài lai láng của một kẻ tài hoa sinh bất phùng thời.
Trần Tế Xương sinh năm 1870 khi nhà Nguyễn suy vong, lớn lên giữa lúc phong trào Cần vương, Văn thân bắt đầu khi vua Hàm Nghi chạy ra Tân sở (1888) và trưởng thành vào lúc chủ quyền đất nước dần dần lọt vào tay thực dân. Các làn sóng bảo hoàng, bảo quốc trên dải quê hương từ Trung vào Nam ra Bắc dần dần tan rã, dẫn tới Nho học suy tàn như nhà thơ cảm khái:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi!
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi!
Nhà thơ sau “tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” cũng giã từ lều chõng và tìm quên trong hưởng lạc, cầu nhàn “một trà, một rượu, một đàn bà” hoặc “hay hát hay chơi hay nghề xuống lõng” như ông tự họa.
Nhưng lạc thú nhân sinh có giúp nhà thơ quên nỗi khắc khoải trước vận nước chông chênh và nhân tình đen bạc hay không? Hiển nhiên có giây phút tạm quên nhưng nhiều lúc khó xóa trong tâm tư!
Quên lúc xuân phơi phới trở về trên những cánh đồng hoa không xa hồ Khoái Đồng, giáp bến Vị Hoàng, và vào lúc thi hứng đương nồng nhà thơ viết câu đối Tết:
Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt.
(Phẩm giá cao quý nhất trong nhân gian là hưởng tình gió trăng, phong lưu nhất đời là giữ trọn khí phách giang hồ.)
Ở tuổi 30 chí không thành, danh không toại, chỉ với thành tựu khiêm tốn “tú rốt bảng trong năm giáp ngọ”, tình lại không thỏa thuở tay trắng mộng đầy, thi nhân tìm an ủi trong giấc mộng.
Nòi tình là thế. Thế hệ trước, Cao Bá Quát đã trộn mộng với thực “đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt”, và thế hệ sau Tản Đà đã từng “tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời” và Vũ Hoàng Chương nhiều phen khắc khoải trong lửa túy hương:
Ta nhớ tiền thân, phòng lại ngỏ…
Giấc hồ thơm tóc gái Liêu trai.
Phải chăng trong giấc mộng thi nhân tạm quên được sóng gió của hoàn cảnh, sầu đau của thân thế? Mộng xuân phải chăng là giấc mơ tuổi trẻ, là hạnh phúc lứa đôi, là “phụng” cầu được “hoàng”, là uyên ương kề mỏ ríu rít đua ca?
Thực vậy, Mộng xuân thường được hiểu là là mộng đẹp, mộng tình yêu, mộng non Vu, đỉnh Giáp, là giấc mơ Liêu Trai như Vũ Hoàng Chương từng ca tụng:
Dăm gã thư sinh vừa lạc đệ
Mươi nàng xuân nữ sớm chìm châu
Cảm thương một phút bừng ân ái
Miếu nguyệt cầu sương gặp gỡ nhau.
Cuộc sống của con người quá ngắn ngủi, đường đời trắc trở, việc đời, mười chuyện thì chín không như ý, nên mộng xuân dù chỉ chỉ tồn tại một khắc trong đêm trường cũng vô cùng giá tri. Nguyễn Du từng viết: “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang”. Gang tay đã ngắn mà những cuộc vui trong đời lại còn ngắn hơn? Câu hỏi chẳng cần tìm câu trả lời vì mấy ai chưa từng cảm nhận như câu đầu của bài Mộng xuân:
Thử toán đời người được mấy gang!
Ngày vui dễ rơi vào mùa xuân vì mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, thời tiết lại ấm áp, hoa cỏ đâm chồi nảy lộc, lại là lúc có nhiều cơ hội bên nhau nên người đa cảm thường tiếc xuân, hoài xuân khi xuân qua.
Đêm chỉ là một phần của ngày nên đêm xuân càng quý. Cũng vì lẽ ấy Tô Thức của đời Tống từng viết “xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim” (đêm xuân một khắc giá nghìn vàng) và Trần Tế Xương khẳng định:
Mộng xuân một khắc đáng ngàn vàng
Trở lại vấn đề tại sao nhà thơ hay tìm đến mộng? Hoàn cảnh đất nước dầu sôi lửa bỏng đã từng khiến Nguyễn Khuyến nghe cuốc kêu trong đêm khuya, từng tâm sự: “hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.”
Cuộc đời vô thường, thân thế ba đào, kẻ đa cảm đa sầu thường tìm tới mộng, nào “mộng lớn, mộng con” như Tản Đà từng xây. Thế giới mộng rất quyến rũ, huyền ảo, nhiều chất men, giúp ta trốn lẩn thực tại như Trang Tử khi xưa mộng thấy hóa bướm và khi tỉnh dậy thì không biết mình là bướm hay là Trang sinh nữa.
Mộng cũng giúp thực hiện những ước vọng mà trong đời thực không hy vọng thỏa. Hàn mặc tử từng than “làm sao giết chết người trong mộng!” Đó là mộng tình, mộng tình yêu tượng trưng bằng hình ảnh mỹ nhân Dương Quý Phi đắm chìm trong thanh sắc trong cung điện của Đường Minh Hoàng ở Trường an.
Thế giới mộng được khắc sâu: Hồn hồ điệp của Trang Tử (từ thơ của Lý Thương Ẩn đời Đường trong bài Cẩm sắt) đối với Giấc hải đường của Dương Quý Phi (mượn tứ thơ của Tần Quan đời Tống trong khúc Hải đường xuân) thực chỉnh, thực rõ vì đã nói lên được phạm vi bao la của mộng xuân, đẹp nhưng phù du ngắn ngủi:
Mê man Trang tử hồn hồ điệp
Say tỉnh Dương phi giấc hải đường
Từ hai câu thực của bài (câu 3 và 4) chuyển sang hai câu luận (5 và 6), nhà thơ bàn thêm về giá trị mộng xuân. Thử nghĩ thì rõ. Muốn đuổi theo giàu sang phải tốn bao tâm huyết, nếm trải biết bao đắng cay, nhục nhã. Thế mà phú quý thoảng qua như Nguyễn Công Trứ từng viết:
Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào! Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
Do đó, ý thức được nguồn vui trong mộng dễ đắm say, rất mãnh liệt và khó tìm nên phải trân trọng vì đêm trường qua mau và lắm mộng xuất hiện và nhiều khi là ác mộng. Đừng để như nhà thơ Lưu Trọng Lư sau này than thở:
Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh
Mộng đẹp trong chăn đã biến rồi!
Nhà thơ nhận chân điều này mới nhắn nhủ ta rằng giấc mộng đẹp vô giá tới mức nào:
Phú quý dường bao cơn chớp mắt
Phong lưu được mấy quãng đêm trường
Cũng từ đó thi hứng dâng cao, tác giả tỏ vẻ tự hào mình là kẻ “giang hồ khí cốt” hơn đời và “phong lưu tài tử” vượt thế tục mới hưởng được một tràng mộng xuân:
Thế gian lắm kẻ dư tiền bạc
Ta đố mua sao được một trường.
Bài Mộng xuân là nguồn thi hứng thực của kẻ tự nhận là “bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ, rượu chè trai gái đủ trăm khoanh”. Tám câu thơ là chất men đậm đà, chân thực dù chứa trong một cái bình cũ là thơ luật thất ngôn bát cú và điển cố văn chương. Xét kỹ, trong cái cũ lại có cái mới, mới ở sự sáng tạo từ-hoa cổ điển để bày tỏ nỗi lòng sinh động của cả một thế hệ nho sĩ.
Thưởng thức văn học cũ, chẳng mấy ai quên những điển cố quen thuộc như Trang Tử hóa bướm, Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng. Nhà thơ sông Vị, chỉ tiếp nối và nâng cao mỹ từ pháp bóng bẩy từ Cung oán ngâm khúc của Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều và Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Nguyễn Du từng ca tụng mộng xuân trong cuộc Kim-Kiều buổi sơ ngộ bằng câu chuyện Tương vương mơ thần nữ:
Bâng khuâng đỉnh giáp, non thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Còn Cung oán đã từng khẳng định:
Trên trướng gấm chí tôn vòi vọi
Những khi nào gần gũi quân vương
Dẫu mà tay có ngàn vàng
Đố ai mua được một tràng mộng xuân.
Mấy ai quên tiếng đàn Thúy kiều ru Kim trọng vào cơn mộng đẹp:
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Và gần hơn, nhiều người vẫn nhớ Nguyễn Khuyến toan hóa bướm nhưng giật mình tỉnh dậy vì những biến cố lịch sử xảy ra quanh mình:
Tựa gối bên mành toan háo bướm
Gió thu lạnh lẽo lá vàng rơi!
Tóm lại, Mộng xuân của Trần Tế Xương không phải dùng sáo ngữ, không phải chỉ khai thác hình ảnh ước lệ trong văn chương mà nâng cao khả năng Việt-hóa điển cố quen thuộc. Quá trình Thoát-Hán trong thơ Trần Tế Xương đã lên tới mức cao.
Về nội dung, bài Mộng xuân cho thấy rõ hơn bản chất tình cảm của nhà thơ. Tình cảm phong phú, không thỏa nên phát ra thành lời. Từ đó những vần thơ trào phúng, mỉa mai thói đời, chế giễu cái hư tật xấu của người đời xuất hiện và cũng từ đó là nhiều vần tự trào phản ánh cốt cách có chút kiêu kỳ, ngạo mạn và hơi hướng khoa trương về mình. Nhưng bên ngoài cái vỏ ngang tàng, tự hào tự giễu, tự cao của Trần Tế Xương thì tâm tư của ông chứa đầy nỗi u hoài, nào là nhớ bạn, nào là hoài cổ như từng tự thú:
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo, đêm nao tớ cũng buồn
Nhất là trước cảnh đường xưa, sông cũ đổi thay, nhà thơ càng ngao ngán:
Sông kia rầy đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Ngày nay kẻ ly hương hàng chục năm có dịp quay về chốn cũ hẳn chia sẻ tâm trạng với Trần Tế Xương như ngày nào Tạ Tỵ và Hà Thượng Nhân mơ về đường xưa lối cũ của Hà nội xưa.
Bài Mộng xuân trích trong tâp Quốc văn tùng ký, không thấy xuất hiện trong các tập tuyển tập về Trần Tế Xương. Nó có thể là giấc mơ tình thực sự của họ Trần.
Thành Nam còn có giai thoại như nhà văn tiền chiến Nguyễn Công Hoan từng dạy học lâu năm ở quê hương Trần Tế Xương kể lại, rằng nhà thơ đã tan vỡ mối tình đầu với một cô gái đất Vị Xuyên, con gái của ông nghè Nguyễn Công Độ. Đôi trai gái yêu nhau nhưng cụ Nghè không chịu gả con cho lãng tử họ Trần. Tuy hai kẻ yêu nhau đường đời ngăn cách nhưng tâm tình họ vẫn gắn bó. Trần Tế Xương có viết một bài thơ tình kể lại kỷ niệm đôi lứa từ biệt trong một chiều mưa. Đó là bài Áo bông che bạn, gửi người yêu cũ như sau:
Ai ơi, còn nhớ ai không?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô?
Người đi Tam đảo Ngũ hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!
Một nhà nho nhiều lần lạc đệ, tình đầu không thỏa lại sinh bất phùng thời, cuộc đời từ lúc chào đời tới khi tạ thế, chỉ trải vỏn vẹn có 37 mùa xuân (1870-1907) nhưng cũng nếm đủ dư vị, nỗi đau cá nhân và nỗi buồn từ đất nước trong buổi loạn ly.
Cao Bá Quát từng viết tứ thơ có dịp lan tràn khi có “thắng cảnh, lương thời, thưởng tâm, lạc sự” (cảnh đẹp, lúc thích hợp, xúc cảm, và việc vui mừng.) Mùa xuân đẹp như Chu Mạnh Trinh viết “mùa xuân ai khéo vẽ nên tranh”, dịp Tết là lúc “tháng giêng là tháng ăn chơi”, đổi mới và hy vọng đổi mới gây xúc cảm và sự đoàn viên là nguồn vui thánh thiện lúc tống cựu nghinh tân. Nhưng với nhà thơ nghèo và nếm trải nhiều thất bại từng than:
Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi
Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi
Mấy khoa hương thí không đâu cả
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi!
Thì lúc xuân về, Tết đến chỉ khiến lòng dạ thêm rối bời trước nợ nần réo hỏi và gia cảnh đắng cay:
Một đàn rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.
Tình riêng đã bi quan, cảnh chung lại nhiều điều trái tai gai mắt:
– Nào là những âm thanh ồn ào chát chúa từ chung quanh vọng lại:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om xòm trên vách bức tranh gà
– Nào cảnh muôn vẻ nhố nhăng bày ra trên phố phường:
Khăn là bác nọ to tầy rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè
Công đức tu hành sư có lọng
Xu hào đủng đỉnh mán ngồi xe.
Hoặc
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là
Dân tộc bi thương, đất nước lầm than nhưng ngày Tết đến thiên hạ vẫn lao đầu vào cuộc vui và mơ ước phù hoa mà không nghe lời cảnh tỉnh của kẻ sĩ làng Yên đổ “vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”
Chán cảnh trước mắt, Trần Tế Xương đã mỉa mai thói đời đuổi theo khát vọng phúc-lộc-thọ một cách quá đáng và hể hả trước những lời chúc sáo rỗng, giả dối. Ông vượt lên thói hư tất xấu của người đời và cười cợt lớp thị dân hãnh tiến vô minh. Có điều, cho dù làm thơ trào lộng nhưng ông không giấu tiếng thở dài:
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân xuân mãi thế ru mà!
Thơ xuân của Trần Tế Xương xây dựng bằng chất liệu màu xám, bằng tâm sự riêng hòa với nỗi ưu thời mẫn thế, cho dù lúc cười đời hay tự trào cũng chỉ là “vui là vui gượng kẻo là, ai tri âm đó mặn mà với ai!”
Giấc mơ xuân của ông còn mãi dù mộng tình của thi nhân dang dở. Hậu thế trước đèn lần đọc Quốc văn tùng ký đều cảm thông với nỗi lòng của bậc tài hoa sống cách đây hơn một trăm năm:
Tình này ai tỏ cho ta nhỉ
Tâm sự năm canh một ngọn đèn!
Hoàng Yên Lưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét