Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Hội chứng hậu thuộc địa


 
Trường y khoa Hà Nội 



Tháng tư, 1956, người Pháp chính thức cuốn cờ và triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam chấm dứt chế độ thực dân Pháp sau ngót một thế kỷ. 80 năm có lẻ ở Nam Kỳ và 60 năm ở Bắc Kỳ.
Miền Nam lúc bấy giờ có khoảng 7000 người Việt-quốc tịch Pháp. Người ta ghi nhận đã có hơn 6000 người trong số đó xin hồi tịch.
Những người có "máu mặt" như quý ông đại sứ Trần Văn Chương, y sĩ Trần văn Đôn, cha ruột của tướng Trần Văn Đôn và một số sĩ quan như tướng Trần Văn Minh, Trần Văn Đôn đều hồi tịch, tự động xé bỏ quốc tịch Pháp.
Đây có thể coi như cuộc trở về của một số "đứa con hoang đàng" (Enfant prodige) theo một nghĩa trong Thánh Kinh đã kể lại- một sự trở về nhà cha như một cuộc làm hòa giữa quá khứ-tương lai-. Quá khứ thì khép lại, tương lai thì mở ra.
Nhưng xé bỏ một tờ căn cước có đủ để người ta quay trở về cội nguồn với con người Việt Nam không? Xóa đi một cái ranh giới địa lý hay ranh giới pháp lý chỉ cần làm một cử chỉ "cái roẹt" là xong, nhưng cái ranh giới tinh thần là công việc còn lại của mỗi người, có khi làm cả đời không xong !!
Cuộc hồi tịch này diễn ra thầm lặng đến nhiều người không hay biết vì không ai muốn nó được công khai hóa trên mặt báo và được hiểu là một điều đương nhiên phải như thế.
Chế độ thực dân chính thức không còn nữa và người Mỹ đến thay thế chỗ của người Pháp.
Phần ông Diệm- ở bình diện cơ chế- coi như ông đã thực hiện được hai bước trong tiến trình ba bước chính trị của ông: Bài Phong, Phản Đế, Diệt Cộng.
Nhưng ở mặt tinh thần, nước Pháp xa cách  Việt Nam 16.000 cây số, vậy mà về mặt tâm tư thì nhiều người Việt Nam sinh sống ở VN cảm thấy "gần" nước Pháp hơn là người hàng xóm của mình. Cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu còn đi xa hơn, vào năm 1946 có chủ trương tách Nam Việt Nam ra khỏi Quốc Gia VN. Những người như thế đã được ông Bảo Đại mời ra lập chính phủ vào ngày 6-5-1950!! 
Chưa kể tệ hại hơn nữa, nhiều người Việt-gốc Pháp còn khinh văn hóa Việt, lối sống Việt vì họ coi là quê mùa, hủ lậu..  Điển hình như trong Lục tỉnh Tân Văn, số hai, có bài viết lên giọng dạy đời nhận xét:
" Người Annam hay dùng chữ Nho mà ta ít hay hiểu lý cao kỳ...ăn cắp chữ Tàu dùng qua chữ Quốc Ngữ ... song việc dùng câu chữ Tàu như vậy thì chẳng phải lẽ, thiếu gì cách nói, sao lại dùng tiếng chi bậy bạ vậy?" (
Trích bài Dùng sái nghĩa, LTTV, số 2 trong Tuyển tập các số LTTTV.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét