Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Hùng Vương Với Ý Thức Dân-Tộc


Hùng Vương Với Ý-Thức Dân-Tộc

Hàng năm đến ngày 10 tháng 3, nhân-dân Việt-Nam trước đây từ cấp lãnh-đạo cho đến nông-dân các cấp xã-hội, kéo nhau đến trước đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa-Lĩnh tỉnh Phú-Thọ làm lễ Quốc tế, nơi cố đô Phong-Châu của nòi-giống Việt. Đấy thật là một vị-trí hùng-vĩ của giang-sơn khi mới mở, phía Đông là núi Tam-Đảo, phía Nam là núi Tản-Viên, ở giữa nhìn xuống hai giòng Lô-giang và Thao-giang, gặp nhau ở Bạch-Hạc.
Giữa Đền trên, một bức hoành-phi với bốn chữ đại-tự :
" VIỆT NAM TRIỆU TỔ "
( Việt-Nam Thủy tổ dựng nước ) .
Trên bàn thờ có mười ba chữ bài-vị :
" ĐỘT NGỘT CAO SƠN CỔ VIỆT HÙNG THỊ THẬP BÁT THÁNH VƯƠNG VỊ "
( Vòi vọi núi cao họ Hùng nước Việt xưa 18 bài vị Vua Thánh. Thật là phong-cảnh vĩ-đại, dấu địa linh con Lạc cháu Hùng ) .
" Mấy tầng vây bọc, chọc trời muôn trượng lâu đài.
Bốn vách điểm tô, khắp đất một bầu phong nguyệt ."
Quốc-sử Diễn-ca rằng :
Kể từ trời mở Viêm bang.
Sử đầu có họ Hồng-Bàng mới ra.
Cháu đời Viêm-Đế thứ ba.
Nối dòng hỏa đức gọi là Đế-Minh.
Quan phong khí giá Nam hành
Hay đâu Mai-Lĩnh duyên sinh Lam-Kiều.
Vụ Tiên vừa thủa đào yêu.
Xe loan nối gót tơ điều kết duyên.
Dòng Thần sánh với người Tiên.
Tinh anh nhóm lại thánh hiền nối ra
 ."
Đấy là tín-ngưỡng nòi-giống Rồng Tiên của dân-tộc Việt trải bốn ngàn năm một nước " Văn hiến chi bang". Chúng ta không biết Việt-Nam là một nước Văn hiến kể từ bao giờ, chỉ biết trên đất Giao-Chỉ gồm Quảng-Đông, Bắc-Việt và phía Bắc Trung-Việt ngày nay vốn là nơi gặp gỡ của hai chủng-tộc, một thuộc về văn-minh Đông-Sơn mà di-tích tiêu-biểu Trống Đồng hiện thấy rải rác từ phía Nam Dương-Tử cho đến Nam-Dương quần-đảo, và một thuộc về văn-minh Lạch-Trường mà di-tích tiêu-biểu là Cổ Mộ Thiên động rải rác từ Tứ-Xuyên xuống đến Thanh-Hóa. Có lẽ vì sự gặp gỡ hai chủng-tộc thuộc hai tinh-thần văn-hóa, một chủng-tộc từ lục-địa phương Bắc xuống với một chủng-tộc từ hài-đảo phương Nam lên, cho nên dân Việt ta đã lý-tưởng-hóa thành dòng-dõi Rồng Tiên. Nhưng đấy là tín-ngưỡng truyền-thống dân-tộc và đã là tín-ngưỡng thì nó có một giá-trị thiêng-liêng ở đức tin tập-thể .

Nguyễn Đăng Thục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét