Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Tết Dương Lịch & Tết Nguyên Đán

Phong tục về ngày Tết Nguyên Đán


1- Tổng Quát về Dương Lịch và Âm Lịch:

Năm Mới Dương Lịch hay Tết Dương Lịch, “Tết Tây”
bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 Dương Lịch. Đó là ngày
đầu năm tính theo lịch Gregorian Calendar - do BS
Aloysius Lilius nước Ý đề nghị từ sự cải cách lịch Julian
Calendar. Lịch Gregorian calendar được sử dụng rộng
rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay, ngoại trừ
Do Thái vẫn sử dụng lịch Julian Calendar, ngày Tết sẽ
rơi vào 14 tháng 1 Dương Lịch (theo lịch Gregorian
Calendar). Cũng nên biết thêm lịch Julian Calendar là
cải cách của lịch La Mã. Những năm sau thời gian này
được ghi chú bằng chữ AD (anno Domini) hay CE
(Common Era - tiếng Việt dịch là Công Nguyên - CN).
Những năm trước thời gian này ghi là BC (Before
Christ) hoặc BCE (Before the Common Era). Những ghi
chú này thường gặp trong sách Lịch Sử .


Khoảng 4000 năm trước (2000 năm trước Công Nguyên - BC), người Babylon cổ mừng
ngày đầu năm theo mặt trăng, tức là ngày bắt đầu “Trăng Mới” (the first New Moon -
thường vào ngày đầu tiên thấy xuất hiện vành trăng non hình lưỡi liềm – đó là ngày đầu tiên
của mùa Xuân – Tương tự người Việt và người Tàu thường Cung Chúc Tân Xuân). Đây
chính là ngày bắt đầu mùa Xuân, ngày vạn vật hồi sinh sau những ngày đông tháng giá,
cây cối dâm chồi, nẩy lộc, nở hoa…ngày bắt đầu vụ mùa trong năm.

Như vậy ngày Tết Dương Lịch không liên quan gì đến Thiên Văn Học hoặc mùa màng.
Đó chỉ là cách tính toán số học cho tròn 365 ngày hoặc 366 ngày trong một năm (Theo mặt
trời nên gọi là dương lịch, tính trung bình một cách chính xác, một năm có 365 ngày, 5 giờ,
49 phút, 12 giây). Cũng theo lịch này, một năm chia ra 12 tháng với số ngày khác nhau
như sau: Các tháng 1,3,5,7, 8, 10, 12 có 31 ngày, còn tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày. Đặc
biệt tháng 2 có 28 ngày mà thôi và cứ sau 4 năm thì tháng 2 lại có 29 ngày, đó là “tháng
nhuần” (vì 1 năm tính tròn là 365 ngày, sẽ dư ra 6 giờ, cứ 4 năm thì dư ra 24 giờ tức là 1
ngày, do đó có tháng 2 nhuần để trang trải số giờ dư thừa đó.)

Đối với dân tộc Việt Nam (tương tự người Tàu), ăn Tết theo âm lịch, nên ngày đầu năm
(Năm Mới hay ngày “Tết” Nguyên Đán do chữ “Tiết” Nguyên Đán - Nguyên là đầu tiên,
Đán là sáng sớm) khác với Tết Dương lịch (thường trong khoảng 21 tháng 1 đến 21 tháng
2 Dương Lịch - Mồng 1 Tết Kỷ Sửu rơi vào ngày 26 tháng 1 – 2009) và mỗi năm mang tên
một con thú. Thí dụ năm 2008 là Tết con Chuột (Mậu Tí), năm 2009 là Tết con Trâu (Kỷ
Sửu)... (cách tính ghép 10 Can với 12 Chi thành tên một năm: Thập Thiên Can là Giáp, Ất,
Bính, Đinh, Mậu, Kỷ , Canh, Tân, Nhâm, Quý với Thập Nhị Địa Chi là 12 con giáp: Tý, Sửu,
Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Theo cách ghép này, cứ hết 1 vòng là
60 năm. Đối với Dương Lịch, ngày và đêm cộng chung là 24 giờ. Nhưng đối với âm lịch, lại
phân biệt “đêm 5 canh, ngày 6 khắc” (Đêm bắt đầu từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng tức là 10
tiếng đồng hồ. vậy mỗi canh là 2 tiếng đồng hồ. Còn ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 7 giờ
tối, tức là 14 tiếng. Vậy mỗi khắc là 2 giờ 20 phút.)
Giờ Tí là nửa đêm “Nủa đêm giờ Tí canh ba”. Chính Ngọ là 12 giờ trưa.

Năm canh:
“Canh Một (7:00 PM-9:00 PM) dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học thôi nằm mà chi
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh…
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành”.

Tuy rằng ta theo lịch Tàu và chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu rất nặng nề, nhưng Triều Đình
VN xưa cũng có tòa Khâm Thiên Giám xem thiên văn làm lịch riêng, không phải hoàn toàn
chép theo lịch Tàu. Cũng vì thế, 12 con giáp của ta khác Tàu như: năm Mão hay mẹo là
năm con mèo (Tàu là năm con thỏ), Năm mùi là con dê khác Tàu (con cừu), năm sửu là con
trâu, khác Tàu (con bò). Các quan trong tòa Khâm Thiên Giám quan sát sao Bắc Đẩu, lấy
khởi điểm ở tháng Dần làm tháng Giêng, lúc chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Dần, cho đến
tháng 12, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Sửu. Tết Ta và Tết Tàu khác nhau vào các năm
1985 (Tết Ta vào 21 Jan., Tết Tàu vào 20 Feb.), năm 2007 (Tết ta vào 17 Feb. Tết Tàu vào
18 Feb.), năm 2030 (Tết Ta sẽ vào 2 Feb. Tết Tàu sẽ vào 3 Feb.)…

Người Thái Lan ăn Tết (Songkran) theo Phật lịch, mồng 1 Tết vào ngày 15 tháng tư là ngày
Đức Phật đản sinh (ăn Tết từ 13-15 tháng tư AL và có tục tắm Phật và té nước vào nhau lấy
hên). Một số nước như Iran hoặc theo đạo Hindu ăn Tết vào tháng 3 DL. Năm Mới đối với
người theo đạo Hồi (ngày 1 Muharram theo lịch Hồi giáo) thường sớm hơn Tết Dương Lịch
11 ngày.

Ngày Tết Dương Lịch thường tổ chức đốt pháo vào nửa đêm New Year's Eve (tương tự
đêm Giao Thừa Tết VN gây tiếng động đuổi tà ma) và tổ chức diễn hành vào sáng mồng
một Tết (Diễn hành Hoa Hồng - Roses Parade tại Pasadena, California hàng năm. Cộng
Đồng Việt Hải Ngoại cũng tổ chức diễn hành tại khu Bolsa, thành phố Westminster). Ngoài
ra, buổi sáng mồng một Tết DL, mọi người thường chúc tụng nhau “Happy New Year”, uống
rượu mừng năm mới (uống rượu không được lái xe). Trong thời gian Lễ Giáng Sinh và ngày
Tết DL dân chúng thường đi “shopping” vì có nhiều hàng “sale”có khi tới “ 75% off” trong
dịp này.

Ngoài phong tục đốt pháo mừng năm mới, còn có tục “countdown”, đếm ngược số từ 10
đến 1 trước giờ bước sang năm Mới, mở rượu “champagne” chúc mừng nhau.

• Ngày Tết Dương Lịch tại Anh và Scotland có chơi football.
• Tại Mỹ có Rose Bowl football game và Roses Parade tại Pasadena
• Tại nước Áo (Austria) có hoà nhạc
• Polar Bear Clubs có tục lệ tắm nước giá băng vào ngày Tết Dương Lịch (từ 1903).
• Người theo đạo Hindu ăn Tết bằng cách tôn kính cha mẹ và người lớn tuổi.(Tham
khảo Wikipedia).

2- Tết Nguyên Đán

a- Sửa soạn Tết – Mua Sắm Tết: Tết Nguyên Đán là ngày rất trọng đại nên người VN
chuẩn bị ăn Têt rất kỹ lưỡng, thường hàng tháng trước, có khi hàng năm trước (nhất là tại
thôn quê), như:
- Lá, lạt gói bánh chưng (bánh tét trong Nam)
- Nuôi heo, gà đến Tết mổ thịt (nhà nghèo có thể chung nhau nhiều nhà một con heo
gọi là đụng thịt), vì thế, ngày Tết nhà nào cũng có thịt heo, gà trong nhà:
“Số ông không giàu thì nghèo”
“Đêm ba mươi Tết thịt treo trong nhà”
Hay câu đối:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”
“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. (trong Nam thay dưa hành bằng dưa món và
thường có món thịt kho hột vịt, cá thu kho, bánh tét…
- Có nơi đi chợ Tết thường mua 2 cây mía về để bên bàn thờ để làm gậy ông vải ...
- Mua vàng hương cúng Tết.
- Mua hoa trưng Tết (Bắc hoa đào, Nam hoa Mai), hoa Thủy Tiên, hoa Lan, Cúc Vạn
Thọ Đại Đóa, chậu quít hay kim quất, Lay Ơn…tại chợ hoa như tại chợ hoa Nguyễn Huệ ở
Sài Gòn hay chợ Hoa gần khu Phúc Lộc Thọ tại Little Sài Gòn.
- Mua sắm quần áo mới nhất là cho trẻ em
- Mua tranh Tết như Tranh Đông Hồ, pháo, câu đối Tết do ông Đồ biết chữ Nho viết
(xưa):

Ông Ðồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay!
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu!
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Vũ Đình Liên -1936).

Câu đối Tết:

“Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa”
“Sáng mồng một, rượu say túy lúy, , giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.” (Nguyễn Công Trứ)

***
a- Chuẩn bị đón Tết:
- Mua thực phẩm đủ dùng cho 3 ngày Tết (hay nhiều hơn vì chợ và cửa hàng đều
đóng cửa có khi cả tuần lễ, sau khi chọn được này tốt mới mở cửa lại).
Cũng vì thế, chợ Tết rất đông: đông như chợ Tết.
- Dọn dẹp sạch sẽ cửa nhà, bàn thờ, đánh bóng đỉnh đồng…
- Dựng nêu (ở thôn quê, trên ngọn nêu buộc vàng mã, khánh bằng đất nung…) trễ
nhất vào 30 Tết, rắc vôi bột, vẽ cung tên, bàn cờ để đuổi tà ma, xác định nhà có chủ…
- 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) lễ tiễn Ông Táo về Trời để tâu trình việc gia
chủ, việc thế gian...(Sự tích Táo quân hai ông một bà…Xưa có 2 vợ chồng nhà kia, vì người
chồng phải đi xa làm ăn, mãi không về. Người vợ tưởng chồng đã chết nên tái giá. Một hôm
người chồng cũ đi ăn xin qua nhà. Người vợ biết được, rất thương sót, lấy cơm cho ăn và
quần áo cho mặc. Chẳng may người chồng mới trở về. Người vợ sợ bị hiểu lầm nên dấu
người chồng cũ vào đống rơm rạ ngoài sân. Người chồng mới vô tình đốt rơm để làm phân
bón. Người chồng cũ chết cháy. Người vợ thương tâm nhẩy vào đống rơm cứu và bị chết.
Người chồng mới cũng nhẩy vào đống lửa cứu vợ và cũng bị chết cháy. Ngọc Hoàng biết
chuyện 3 người có nghĩa và chung thủy nên cho làm Vua Bếp hay Táo Quân)
- Biếu Tết: Biếu Tết ông bà, cha mẹ, Thầy dạy học, Thày thuốc…“sêu” Tết nhà vợ
chưa cưới, biếu quà cho ân nhân hay người giúp việc (tương tự bên Mỹ thường tặng quà
cho Mailman…nhân dịp Giáng Sinh hay Tết Dương Lịch).

b- Đêm Giao Thừa, Lễ Trừ Tịch:
Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Dân chúng tin
tưởng mỗi năm có một vị thần Hành Khiển và một phụ tá là Phán Quan trông coi việc thế
gian, và bàn giao công việc vào lúc nửa đêm giao thừa, sau 12 năm mới trở lại (có thần
hiền và thần ác, cúng lễ giao thừa thường bày ngoài sân.)
Người ta đi lễ rất đông (lễ giao thừa hoặc sáng mồng một Tết) tại Chùa , Lăng Ông tại
Sài Gòn (Tả quân Lê Văn Duyệt), Các Chùa tại Little Sài Gòn, Orange County… Sau khi đi
lễ về có tục hái lộc lấy hên.

c- Kiêng cữ ba ngày Tết:
Để tránh xui sẻo cả năm (rông hay giông), người ta tránh:
- Kiêng nói những câu xui sẻo, không nói con khỉ, con hùm.
- Kiêng đánh vỡ chén bát, đổ ống điếu, dầu hôi (xưa)
- Kiêng cãi nhau, đánh nhau (trẻ em kiêng khóc)
- Kiêng mặc áo quần mầu trắng (mầu tang)
- Kiêng ăn thịt vịt đầu năm sợ xui. Kiêng sát sinh.
- Kiêng quét nhà (sự tích người lái buôn qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng cho một
hầu gái là Như Nguyện, nên giàu có. Một lần vào ngày Tết, người lái buôn đánh nó nên nó
chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó người lái buôn lại nghèo như cũ). Có nhiều địa
phương kiêng tắm vào ngày mồng một Tết (nên có tục tắm tất niên).
- Đầu năm đến nhà ai, chủ mời ăn bánh mứt, hạt dưa, uống trà, rượu…cũng nên nhấm
nháp một chút lấy thảo. Nếu từ chối, gia chủ sẽ không vui vì bị giông cả năm (việc làm
không hanh thông).

d- Cúng lễ ba ngày Tết:
Tối 30 Tết làm cỗ đón Ông Bà về ăn Tết. (xưa đốt pháo), sau đó
đèn nhang thắp suốt 3 ngày Tết, mỗi bữa đều có cơm cúng ông bà cho tới khi “hóa vàng”
mới thôi. (Tập tục mỗi nhà nấu bánh chưng, từ chiều 29 hay 30 Tết, kể chuyện ma, đánh
bài Tam Cúc…trong khi canh nồi bánh chưng…là những kỷ niệm rất thú vị và khó quên.

e- Đi Lễ Chùa và đi chúc Tết Bố mẹ ruột, Bố mẹ vợ, Thầy dạy học và bạn thân:
“Mồng một thì ở nhà cha
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà Thầy.”
Chúc mừng những câu tốt đẹp gọi là “mừng tuổi”, cho các em bé tiền “mừng tuổi”, “mở
hàng” hay “lì xì” đựng trong bao giấy đỏ.
Ngoài những câu chúc Tết tốt lành, những người gánh nước thuê mướn (xưa) còn mang
nước đến nhà đổ vào lu để chúc Tết, có ý nói tiền sẽ vào nhiều như nước.

f- Xông đất - Xuất hành – Khai bút:
Tục lệ xông đất vẫn còn thịnh hành ở nhiều nơi. Người ta tin rằng được người tốt, nhanh
nhẹn, hiền hậu, có nhiều con cháu…xông đất sẽ may mắn suốt năm.
Xuất hành theo hướng tốt không còn hợp thời ở thành thị, vì lái xe ra đường phải tuân theo
luật lệ giao thông, không thể chọn hướng.
Tục lệ khai bút vẫn thấy ở các nhà thơ văn:
“Đầu năm khai bút…bút khai hoa…”

g- Hội Chợ Tết:
Là nơi gặp gỡ của mọi người, mọi gia đình đến đây vui xuân. Ở Việt Nam,
Thành Phố Sài Gòn có Hội Chợ Tết (ở vườn Hoa Tao Đàn), vừa mua bán hàng Tết, nhất là
Hoa Tết, vừa vui xuân. Hội Chợ Tết tại Hải Ngoại thường do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ
chức hàng năm tại Garden Grove Park, chỉ với mục đích gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp
của người Việt, gặp gỡ vui chơi, không mang tính thương mại.

(Tham khảo: Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính, Đất Lề Quê Thói - Nhất Thanh Vũ Văn
Khiếu, Wikipedia & tài liệu trên internet)

Xem tiếp: MÙA XUÂN BÊN ẤY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét