Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Cờ Vàng Tổ Quốc

 Cờ Vàng Tổ Quốc



Quốc Hận không thể nào quên
Cờ Vàng Tổ Quốc vẫn bên thân tình
lưu vong thi sử hành trình
nhắc nhau trách nhiệm phục sinh sơn hà
Tri ân chiến sĩ quốc gia
hy sinh xương máu chung hòa khổ đau
hùng tâm luân chuyển ngàn sau
cháu con tiếp bước giữ màu cờ thiêng
Bắc Trung Nam một mạch liền
quê hương Âu Lạc uyên nguyên sử hồng
từ Trường Sơn đến Biển Đông
da vàng máu đỏ Lạc Long rạng ngời
Nguyện cầu Hồn Nước rọi soi
núi sông tỏa sáng mạch đời đẹp tươi
dưới cờ Tổ Quốc tuyệt vời
Danh Dự Trách Nhiệm nhớ lời tiền nhân .
Cao Nguyên

Ngày cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam

 Ngày cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam

Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Công nhận Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam năm 2017. Theo đó, Ngày quốc lễ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam sẽ được kỷ niệm ngày 29 tháng 3 hàng năm.
Today, March 29th, across the Nation, Americans are uniting to thank and honor Vietnam War veterans and their families for their service and sacrifice!
I myself would like to say thanks and honor all Vietnam War veterans, including personnel who were held as prisoners of war or listed as missing in action, for their service and sacrifice. Especially, to all Vietnamese and American veterans, who have fought and sacrificed their youth and life to give others another chance to live. Our Veterans put everything on the line to protect our freedom. We may never be able to repay them for their sacrifice, but we can show them just how much we appreciate all that they’ve done. Everyone can do something to let Veterans know how much we appreciate their service. God bless you all !

National Vietnam War Veterans Day is celebrated on March 29th in the US and was recently made a recognized annual holiday in 2017 when it was signed into law by President Trump. March 29th is the day that the last of the troops were withdrawn in 1973. This is a separate holiday from Veterans Day which is celebrated on November 11th, that marks the end of the First World War.




Niệm Từ
Năm mươi năm dẫu đã qua
Lời thơ em viết còn nhòa lệ rưng
chữ đi lời cứ ngập ngừng
tình cay xốn mắt vạn lần nhớ anh
Tháng Tư thắp nén hương trầm
theo làn khói tỏa gọi anh nghẹn lời
còn không anh những nụ cười
giữa vồng tay ấm dưới trời hỏa châu
Lệ nhòa tim buốt nhói đau
lặng nhìn di ảnh trắng màu khăn tang
chưa buông súng đã đầu hàng
ra đi với nỗi bàng hoàng thế nhân
Xa anh xa cả mộ phần
quê hương đành đoạn khắc trong niệm từ
đất sầu đẫm lệ Tháng Tư
trời đau trường khúc biệt từ lưu vong !
Cao Nguyên

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

Bài Học Lịch Sử

Bài Học Lịch Sử


Hội An diễn đọc trong buổi lễ Tưởng Niệm Trưng Nữ Vương
tại Florida ngày 15/3/2025
---
Bài Học Lịch Sử
Bài học lịch sử không bao giờ cũ
chỉ sợ mình không đủ sức đi theo
nếu không thể, nhắn cháu con lời nhủ:
Việt Nam ta - một Dân Tộc anh hùng
Khởi đầu học từ vua Hùng dựng nước
dòng Văn Lang sau trước vẫn kiên trì
chống giặc ngoại xâm bảo tồn nòi giống
quyết đấu tranh giữ vững đất biên thùy
Học lịch sử để biết làm lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
mà phải đổi bằng chính mình xương máu
vì Non Sông, vì Tổ Quốc Việt Nam
Đời cha ông đang dần dần xa khuất
nhưng tấm lòng, hào khí mãi còn nguyên
trọng hiếu nghĩa nuôi mối giềng đạo đức
ngẩng cao đầu và ưỡn ngực đi lên
Khôi phục lại những trang hùng sử Việt
trách nhiệm này tha thiết gọi cháu con
biết tự hào là con Rồng, cháu Lạc
hiên ngang đi khao khát nghĩa sinh tồn
Học lịch sử là thắp hương thừa tự
trên lâu đài Văn Hóa Sử Việt Nam
giữ sáng mãi gương tiền nhân bất tử
và bảo tồn dòng Quốc Ngữ chính danh .
Cao Nguyên

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

Tâm Tình "Thao Thức"

 Tâm Tình "Thao Thức"


Tâm Tình Thao Thức
Tưởng nhớ anh Bùi Dương Liêm
Phóng viên đài truyền hình Hoa Thịnh Đốn vừa từ giả gia đình và thân hữu đi về nước Chúa vào ngày 8 tháng 3 năm 2025 .
Kỷ niệm về Tâm Tình Thao Thức của Cao Nguyên với anh Bùi Dương Liêm:
Trước tiên, Cao Nguyên thân kính mến gửi đến quý vị lời chào trân trọng nhất từ một tấm lòng của chữ nghĩa.
Thưa quý vị. Tôi chọn Cao Nguyên làm bút danh là muốn giữ mãi trong hồi ức của mình một nơi chốn đáng yêu do duyên binh nghiệp mà tôi đã đến và sống qua suốt mười năm nơi Phố Núi Pleiku.
Cao Nguyên trung phần Việt Nam quả thật đáng yêu, cho dẫu ở đó có những con phố “đi năm phút đã về chốn cũ”, trong nắng hạ bụi mù trời, trong sương thu buồn muôn thuở. Bởi đáng yêu nên mãi nhớ:
... vẫn cứ thích về thăm Phố Núi
ngồi bên em nghe tiếng suối reo
nhìn tia nắng hoàng hôn rớt vội
thấy vàng ươm từng hạt sương treo ...
Đó là bản tự tình tôi viết gửi Em-Pleiku, và đã nói với em “đời đã chật sao lòng ta không rộng” cho con chữ thoát bay trên ngàn dặm nhớ, trên vạn cơn mơ . Mơ thấy quê mình đẹp lắm, đủ cả tình người và đất của Huế, Sài Gòn, Hà Nội … đủ cả tuổi thơ nơi xóm thôn Nội, Ngoại quê nhà:
... Đà Lạt, Nha Trang - biển, rừng ta đó
nhắc chừng nhau, để nhớ Việt Nam
Những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
Trong tâm tư suốt một đời người ...
Đó là nỗi bi thương trong phận người lưu vong. Nên trong ngàn đêm thao thức về nỗi nhớ Đất, nhớ Người. Luôn có sự ray rứt đi tìm nguyên ủy của cuộc lưu vong. Đã thấy nhưng chưa rõ, tưởng thấu nhưng còn ngẫm, mà càng ngẫm càng đau lòng!
Sự đau lòng không chỉ riêng tôi mà cả trong tâm tư của quý vị, của hằng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do trong cuộc nhân sinh .
Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng.
Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi, khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc.
Thử hỏi quý vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã?
Phải vịn câu thơ mà đứng dậy, tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông.
Mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ. Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu xanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam.
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!"
Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt bốn mươi năm. Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá. Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, lưu vong mãn kiếp trên đất người!
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó.
Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: Chưa buông súng đã đầu hàng! Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong!
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé!
Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân. Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng cây bút. Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân!
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thôi thống khổ!
".. Có thể nào một tối
nhìn nhân loại sắp hàng
chờ phiên mình hối lỗi
trước những nỗi lầm than!"
Mong lắm thay. Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên đốn mạt bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ!
Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề. Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong. Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang văn học sử online, hoặc lưu lại trên báo giấy và các tuyển tập văn học.
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo. Suốt chiều dài hơn 40 năm ẩn chứa trong nguồn thơ đó. Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng …
Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam:
".. Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng!"
Tôi là một người Việt Nam. Mỗi quý vị là một người Việt Nam. Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình?:
".. Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!
Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam!"
Đau lắm, thưa quý vị. Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực / lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường!
Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … Phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng.
Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản.
Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa à chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương. Tôi chia xẻ cùng quý vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người. Tôi cũng chia xẻ cùng quý vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông.
Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay.
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của giòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975!"
".. Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang!"
Bốn mươi năm qua rồi phải không quí vị? Một nửa đời người, một nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ Việt Nam / Nửa thế kỷ thật buồn!
Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào dòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi:
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi
Máu loang xé toạc tiếng cười
ngang lưng vết chém của loài thú hoang!"
Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng”. Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít. Bởi những anh hùng vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hùng cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử:
".. Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam "
Cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong”.
Trân trọng
Cao Nguyên
Washington. DC - 10/03/2014
(trích bài phát biểu của Cao Nguyên trong cuộc hội luận "Tác Giả và Tác Phẩm" trên đài truyền hình Hoa Thịnh Đốn)

Lịch Sử Qua Chuyện Kể

Lịch Sử Qua Chuyện Kể


Tâm Sự của bà Nguyễn Ngọc Nhung 
---
Lịch Sử Qua Chuyện Kể là một trong những dự án của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt để lưu lại những câu chuyện trong ký ức, trực tiếp qua lời thuật chuyện của những người đã từng tham gia hay là nhân chứng trong các sự kiện lịch sử cận đại. Dự án này là một công trình nghiên cứu mục đích sưu tầm, lưu trữ và giải thích lịch sử người Việt tỵ nạn.



Minh Đức Hoài Trinh

Minh Đức Hoài Trinh


Vào ngày 2/1/2015, tại tư gia của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh
và Nhà Văn Nguyễn Quang Huy,
Bùi Dương Liêm đã tiếp chuyện với hai vị văn hữu niên trưởng trong không khí thân tình.

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

THĂM TÙ

THĂM TÙ


THĂM TÙ 

Tự truyện Nguyễn Ngọc Diệp
về chuyến thăm Ba ở Vĩnh Phú vào năm 5 tuổi

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2025

TẤT CẢ ĐỀU LÀ THUYỀN

 TẤT CẢ ĐỀU LÀ THUYỀN



(Góp chung hai bài viết “Ngọn Gió Đông Phương” và “Tất Cả Đều Là Thuyền” để nhớ ngày giỗ của Giáo sư Tâm Thiện Nguyễn Ngọc Bích qua đời ngày 3 tháng 3, 2016 Dương Lịch)
Ba giờ sáng ngày 3 tháng 3, 2016 tôi nhận được tin nhắn của một người thân “Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích mất trên máy bay”. Dù chưa kiểm chứng và còn quá sớm để gọi những người quen nhưng tôi nghĩ đó là tin đúng. Tôi biết giáo sư cùng nhiều vị khác đang trên đường tham dự Họp Mặt Dân Chủ 2016 tổ chức ở Manila. Năm ngoái cũng tổ chức ở Manila, lý do để có một không gian và các thành phần tham dự thích hợp, nhất là từ phía Philippines, khi thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Biết giáo sư từ thập niên 1990 và được cho phép gọi bằng anh. Tôi học ở anh quá nhiều nhưng khi anh còn sống chưa bao giờ có dịp để cám ơn anh dù đôi lời khách sáo, nói chi là một bài viết về kiến thức mênh mông và hành trình hoạt động đa dạng của anh.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1937 tại Hà Nội. Anh học tiểu học ở Vĩnh Yên, trung học ở Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Năm 1955, anh được học bổng Fulbright tại đại học Princeton và tốt nghiệp Cử Nhân Chính Trị Học năm 1958. Sau đó anh đã theo học các chương trình cao hơn tại nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Columbia University và Georgetown University. Anh sang Đại Học Kyoto, một trong bảy trường đại học quốc gia của Nhật Bản, từ 1962 đến 1963 để sưu tập tài liệu làm luận án Tiến sĩ về Giáo Dục. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là chủ tịch của tổ chức Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ và là Giám Đốc Ban Việt Ngữ của đài Á Châu Tư Do trong bảy năm. Như anh kể lại, ngày 19 tháng Tư 1975, anh lên đường sang Mỹ cùng phái đoàn VNCH để tìm viện trợ nhưng thất bại. Dù biết sớm muộn miền Nam cũng mất, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vẫn trở về. Chuyến bay trở về Việt Nam gần 30 tháng Tư chỉ có hai người Việt, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Trở về nhưng rồi phải ra đi trong đêm 30 tháng Tư khi ngọn đèn tự do của Sài Gòn vừa tắt.
Chúng tôi lái xe suốt đêm tối thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016 để kịp tang lễ anh. Chiều thứ Sáu nào cũng vậy, xa lộ Boston trở thành một bãi đậu xe. Chúng tôi dừng lại ở Exit 11 trên đường I90W để đón thêm hai anh bạn. Họ đứng bên đường chờ gần hai tiếng đồng hồ. Giữa tháng Ba, mùa đông New England chưa qua hết. Sương đêm đóng một lớp dày trên hai vai áo nhưng không ai than trách. Vài giọt sương trên tóc đâu lạnh bằng cái lạnh buổi tiễn đưa.
Sáng sớm thứ Bảy, chúng tôi đến chia buồn với chị Nguyễn Ngọc Bích (Tiến sĩ Đào Thị Hợi). Hai chị em đứng yên một lúc khá lâu trong giây phút linh thiêng huyền diệu của tình người. Không ai nói với nhau lời nào. Bác đứng cạnh bên nhắc nhở chị vài lần sắp đến giờ làm lễ nhưng chị chưa buông tay. An ủi hay chia buồn đều không còn đủ nghĩa. Giữa lúc ồn ào và khói hương nghi ngút nhưng trong lòng nghe tịch lặng làm sao.
Vài tuần nữa, hoa anh đào sẽ nở dọc bờ sông Potomac nhưng với chị mùa xuân sẽ mãi mãi không về. Dòng sông của đời chị đang cạn dần và nhánh cây khô sẽ chỉ khô thêm. Một chiếc ghế trước hiên nhà sẽ được xếp lại. Căn phòng sẽ rộng hơn. Người phát thư sẽ không còn giao những gói sách gởi về từ nhiều nơi trên thế giới. Chị không đọc nữa, nếu có chăng chỉ tìm đọc lại những tờ thư cũ đã nhạt màu. Ngọn gió đông phương đã thổi lại phương đông nên nơi chị ở sẽ là những buổi chiều không gió. Những ngày tháng tới chị sẽ sống như một người mất bóng, loay hoay đi tìm một nửa khác của mình. Thương chị rất nhiều khi nghĩ tới ngày mai.
Ai cũng có thể tự nhận mình quan tâm tới tuổi trẻ trong nước nhưng chắc là không bao nhiêu người gần 80 tuổi mà vẫn thức rất khuya để dạy các lớp tiếng Anh qua internet và ngay cả kèm riêng cho từng cháu cách phát âm những chữ khó. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích làm rất nhiều việc mà chỉ những người trong cùng đề án của ông mới biết. Lý do không phải vì bảo mật mà chỉ vì ông ít nói về thành tựu của riêng mình. Dù anh không nói ra, các cộng đồng, đoàn thể, tổ chức hay cá nhân tranh đấu cho tự do đất nước tại hải ngoại hẳn đồng ý một điều, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích không từ chối việc gì miễn là việc đó góp phần vào nỗ lực vận động tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Ngọn gió thổi đi từ phương Đông tối ngày 30 tháng 4, 1975 và tối ngày 2 tháng 3, 2016 đã thổi về lại phương Đông. Bên kia bờ biển là Hà Nội, nơi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cất tiếng khóc chào đời, là Sài Gòn nơi anh khôn lớn, nhưng bầu trời Thái Bình Dương lại là nơi anh trút hơi thở cuối cùng. Ôi kỳ diệu thay, phải chăng không gian bao la mới đủ rộng cho tâm hồn yêu quê hương bát ngát của anh.
Khi chương trình thăm viếng trong tang lễ Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã xong. Một khoảng trống hiếm hoi trong hai ngày tấp nập, đó là lúc mọi người được mời ra ngoài để chuẩn bị lễ di quan nhưng nhân viên nhà quàn chưa đậy nắp quan tài. Tận dụng khoảng trống đó, tôi lại đứng với anh một chút. Đặt tay lên người anh. Im lặng nhìn anh lần cuối. Anh không còn cười, dĩ nhiên, và tôi cũng không nói. Thời gian chỉ một hai phút nhưng với tôi thật là dài.
Trong hai ngày thứ Sáu 11 và thứ Bảy 12 tháng Ba, hàng ngàn người đã đến, không chỉ trong vùng Maryland, Virginia, Washington DC mà còn từ Dallas, Houston, California, Ottawa, Boston và nhiều nơi khác tôi không biết hết, để tiễn đưa anh. Trong các trang mạng xã hội, hàng ngàn tin nhắn tiếc thương và chuyển lời kính tiễn hương linh anh.
Trong số những người đến có nhiều người chưa hề gặp mặt anh. Tại sao? Anh tài năng đa diện như nhiều người nhắc đến? Anh học cao hiểu rộng? Anh là chủ tịch, lãnh đạo của nhiều tổ chức, hội đoàn? Không, họ đến chính là để cám ơn tấm lòng của anh đối với quê hương.
Anh đến với mọi người và lắng nghe lời nói của mọi người. Dù là một buổi dạy các sinh viên gốc Việt hát dân ca hay một hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng đều được anh quan tâm và chuẩn bị một cách chi tiết như nhau. Trong một sinh hoạt văn hóa tại Dallas, Bs Nguyễn Văn Hào mời anh hát một khúc dân ca. Anh gật đầu và lên hát một bài dân ca. Đồng hương “one more”, "one more" nhiều nên anh hát thêm một bài nữa. Gs Nguyễn Ngọc Bích bao giờ cũng vậy, rất dễ tính, chiều lòng đồng hương.
Sáng hôm sau, khi sắp lên xe cùng ra phi trường, tôi sực nhớ đến tiết mục văn nghệ chiều hôm qua và nói với anh “Em có thu bản nhạc. Mười năm sau em sẽ phát.” Anh hiểu ý và cười “Mười năm cơ à?” Nhưng anh không chờ mười năm. Chỉ hơn một năm từ buổi chiều Chủ Nhật 7 tháng 12, 2014 ở Dallas, anh ra đi. Tiếng hát và nụ cười của anh vẫn còn đó nhưng đã qua hết một đời người.
Mỗi chúng ta có mặt trên đời này tự gieo hạt giống cho mình, không phải cho kiếp sau mà ngay trong đời sống này. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã gieo hạt giống lành, và buổi tối ngày 2 tháng 3, 2016, hoa nhân duyên đã nở.
Tôi không dám hứa với anh sẽ tiếp tục con đường bởi vì tôi không có được những đức tính của anh. Nghe pháp thì dễ mà sống được như pháp vô cùng khó. Tôi nghe pháp rất nhiều nhưng không sống như pháp được. Anh thì khác. Anh không ngồi nhà viết bài ném qua cửa sổ mà dấn thân bằng cách lên đường. Anh đi theo mây, anh về theo gió.
Hai năm trước tôi đến Châu Âu và ghé thăm một lãnh đạo cộng đồng. Anh chị chủ nhà mời tôi ở lại và còn nói thêm “Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng ở lại nhà này”. Tôi qua California và ở lại nhà một người quen, chủ nhà cũng nói, “Phòng anh ngủ là phòng dành cho khách, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng mới ngủ ở phòng này”. Tôi đến Dallas cũng vậy, nhà của Bs Nguyễn Văn Hào, một người quen chung là nơi chúng tôi trọ suốt thời gian ở đó.
Tuy nhiên, trên hành trình vô cùng chông gai anh đã bước lên, bên cạnh những ủng hộ, thân tình, kính trọng cũng có rất nhiều điều tiêu cực đến với anh. Tiêu cực được hiểu là những lời phê bình vượt giới hạn đạo lý và đạo đức của con người. Nhưng dù khen hay chê, cuối ngày, trên môi anh vẫn nở một nụ cười bao dung và thanh thản.
Anh là bậc đạo sư, bậc thầy của tôi vì anh đọc những lời tiêu cực mà vẫn an nhiên. Với tôi, để được bình an, tôi phải tránh xa những vùng tiêu cực. Đức tính bao dung, cảm thông và tự tại đó đã làm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trở thành chiếc cầu của những người yêu nước Việt đang cố tìm một điểm chung để ngồi xuống với nhau. Muốn gì, trước hết phải ngồi xuống và biết lắng nghe. Chiếc cầu đó vừa gãy và sẽ còn rất lâu hay có thể không một người nào thay thế được.
Anh cũng là người như tất cả chúng ta, mang theo trong máu các đặc tính tốt xấu từ lúc sinh ra nhưng hơn nhiều trong số chúng ta là anh tha thứ. Anh tranh luận khi cần tranh luận nhưng với một tâm thiện, không hận thù và nhất là biết khi nào dừng lại. Trong Phật giáo, tôn giáo của anh, đó là hạnh nhẫn nhục. Người cầu đạo cần nhẫn nhục để đắc đạo cho bản thân mình, anh nhẫn nhục để hoàn thành mục đích cao cả của đời anh là mang lại tự do dân chủ nhân bản cho dân tộc Việt Nam.
Câu chuyện về thiền sư Hakuin khi bị hàm oan đã nói "Thế à" và khi được giải oan cũng chỉ nói "Thế à" có thể chỉ là một bài giảng theo cách “oan ức không cần biện bạch” thuần túy về thiền học để dạy người học đạo về hạnh nhẫn nhục. Anh không cần học bài giảng đó bởi vì “Thế à” vốn đã là cách sống thật của anh.
Giữa thập niên 1990, khi chúng tôi, một nhóm chuyên viên trẻ, đến vấn kế vận động quốc hội Mỹ về nhân quyền, anh khuyên nên thành lập các ủy ban nhân quyền, càng nhiều càng tốt và không nhất thiết phải đông người vì chính phủ hay quốc hội Mỹ có thể không quan tâm đến cá nhân một cử tri nhưng một ủy ban thì là chuyện khác. Cũng từ quan điểm đó, những đoàn thể, tổ chức mà anh thành lập hay lãnh đạo, đều là những chiếc thuyền anh mượn để tìm cách đưa đất nước sang bờ tự do dân chủ. Anh ra đi rất nhẹ nhàng, nhanh chóng, thảnh thơi bởi vì anh trả lại chứ không vác theo những chiếc thuyền gỗ nặng nề như vài người khác.
Những năm sau này, tôi may mắn được gần gũi anh nhiều. Sau những bữa cơm, bên những tách trà, nhiều khi hết chuyện tích cực để nói, chúng tôi đem chuyện tiêu cực ra để “giải lao”. Khi tôi đem một quan điểm của người nào đó khác với quan điểm của anh ra bàn, câu mà tôi nghe nhiều nhất ở anh là “Các anh đó cứ ….”. “Các anh đó cứ cho rằng tôi ham danh, ham quyền chức”. “Các anh đó cứ phê bình tôi thay đổi quan điểm, lập trường chính trị”, “Các anh đó cứ chưa đọc nội dung đã vội kết luận” v.v… Bao giờ anh cũng dùng câu “Các anh đó cứ…”, rất ít khi nào tôi nghe anh nhắc đích danh một người nào. Anh vô cùng trí thức vì kính trọng nhân cách của mọi người dù trong đó có người không đồng ý với anh. Một trong những bài học anh để lại cho các thế hệ Việt Nam là bài học về nhân cách.
Một danh ngôn quen thuộc “Hãy sống như anh sẽ chết ngày mai và học như anh sẽ không bao giờ chết”. Anh sống đúng với nội dung câu nói đó. Anh nghiên cứu và viết về mọi thứ kể cả về thức ăn, một lãnh vực mà anh không quan tâm lắm nhưng vẫn viết bởi vì có ích cho người khác. Anh chạy đua với thời gian vì hơn ai hết anh hiểu sức khỏe của mình có hạn tuy nụ cười vẫn tràn đầy, tinh thần vẫn lạc quan. Là một cựu hướng đạo sinh, anh nhảy cò cò với các cháu một cách hồn nhiên nhưng anh biết sinh trụ hoại diệt là định luật không ai tránh khỏi.
Khi quan tài anh hạ xuống trời đầy mây mù nhưng không một giọt mưa hay tiếng khóc. Mọi người dường như đã nuốt nước mắt ngược vào lòng. Giờ phút cuối cùng, bác Nguyễn Văn Đặng của Hội Cao Niên, thổi ‘harmonica’ bài Ngày Về của Hoàng Giác để “Anh Bích nghe”. Anh Bích không còn nghe nữa mà đã về quê hương nhưng tiếng ‘harmonica’ còn vang vọng trong tâm hồn của những người còn lại.
Trong nỗi đau thường có mầm hạnh phúc. Tiếng kèn xúc động của bác Đặng cũng là lời nhắc nhở mọi người hãy sống một cuộc đời như anh Bích cho quê hương, đất nước và tình người để rồi ngày cuối của cuộc đời mình, sẽ được tiễn đưa trong tiếc thương và trong tình cảm đậm đà như thế.
Tôi vẫn còn là đứa bé mồ côi. Những gì tôi biết, tôi hiểu, tôi viết phát xuất từ những lời khuyên nhủ, khuyến khích của những người như anh. Khi anh khen tôi, tôi hãnh diện và sung sướng nhưng không phải với tư cách một nhà văn hay nhà thơ cùng vuông chiếu mà là một đứa em, một học trò.
Tôi cám ơn những người đi trước không bằng diễn văn đầy những tĩnh từ bóng bẩy nhưng trong tận đáy lòng tôi dòng suối tình thương vẫn chảy êm đềm. Bên dòng suối đó, có anh từ trên cao nhìn xuống và bên dòng suối đó anh vẫn còn sống, ít nhất cho đến ngày tôi cũng sẽ ra đi.
Trần Trung Đạo